TS Thái Thị Ngọc Dư: "Đừng rơi vào cái bẫy có tên bí ẩn nữ tính!"

20/10/2015 - 07:31

PNO - Phụ nữ phải có sự nghiệp, công việc, có thu nhập hay chỉ thuần túy thuộc về gia đình, là “hậu phương” của người đàn ông như định kiến xã hội?

“Giờ tôi nhìn nhận phong trào bình đẳng của phụ nữ chỉ đơn giản như giai đoạn cần thiết đầu tiên của một cuộc cách mạng vai trò giới tính rộng lớn hơn nhiều. Tôi chẳng bao giờ nhìn nhận nó về mặt giai cấp hay chủng tộc kiểu: phụ nữ, với tư cách giai cấp bị áp bức, đang đấu tranh nhằm lật đổ hay cướp quyền từ tay nam giới, như một giai cấp, như những kẻ đàn áp cả. Tôi biết phong trào phải bao gồm cả nam giới như những thành viên bình đẳng, dù phụ nữ sẽ phải lãnh đạo trong giai đoạn đầu”. (trang 530, Bí ẩn nữ tính, Betty Friedan)

TS Thai Thi Ngoc Du:

Phụ nữ phải có sự nghiệp, công việc, có thu nhập hay chỉ thuần túy thuộc về gia đình, là “hậu phương” của người đàn ông như định kiến xã hội? Làm thế nào để có một cuộc sống ý nghĩa hơn cho phụ nữ?

Những điều đó đã được tác giả Betty Friedan trả lời trong cuốn Bí ẩn nữ tính - ấn hành tại Mỹ lần đầu vào năm 1963 và lập tức tạo được dư luận; thúc đẩy việc thay đổi vị thế người phụ nữ trong xã hội Mỹ. Bản dịch tiếng Việt của cuốn sách trên ra mắt quý III-2015.

Có thể xem đây là một sự kiện quan trọng đối với những ai quan tâm đến vấn đề bình đẳng giới trong xã hội Việt Nam đương đại. Tiến sĩ Thái Thị Ngọc Dư - một chuyên gia nghiên cứu về nữ quyền, bình đẳng giới đã có cuộc chuyện trò với phóng viên báo Phụ Nữ.

* Thưa bà, “bí ẩn nữ tính”, theo Betty Friedan, chính là những diễn ngôn, tri thức, nhận thức cầm buộc phụ nữ trong không gian chật hẹp của đời sống gia đình và sau đó là bản thân họ tự huyễn hoặc: hạnh phúc khi chu toàn vai trò làm vợ, làm mẹ hay đau khổ khi đánh mất những cái gọi là “thiên chức” đó. Hiện tượng “bí ẩn nữ tính” trong cách nói của Betty Friedan về phụ nữ Mỹ thập niên 1950-1960 có đang là vấn đề của phụ nữ trong xã hội Việt Nam hôm nay?

- Thật khó khi chúng ta muốn đề cập đến phụ nữ trong xã hội Việt Nam hôm nay nói chung, vì giới nữ không phải là một tập thể thuần nhất mà là một tập hợp đa dạng, khác biệt nhau tùy hoàn cảnh kinh tế xã hội, nghề nghiệp, trình độ học vấn, giáo dục gia đình và nhất là sức mạnh, ý chí của bản thân từng phụ nữ.

Tuy vậy, khi đọc Bí ẩn nữ tính của Betty Friedan, tôi không khỏi liên tưởng đến tình trạng của một bộ phận phụ nữ Việt Nam, dưới tác động của định kiến xã hội về vai trò chính của nữ giới là chăm lo gia đình, vai trò làm vợ làm mẹ như người ta thường nói, dễ có xu hướng chấp nhận ở nhà, không cần có nghề nghiệp để có một vai trò dù khiêm tốn trong xã hội.

Trong tình hình hiện nay, khi kinh tế của Việt Nam phát triển hơn, tầng lớp trung lưu và giàu có trở nên đông đảo hơn, thì cái bẫy “hạnh phúc gia đình” mà “bí ẩn nữ tính” nêu ra càng hiện thực hơn.

Mặt khác, tôi nhận thấy có sự khác biệt giữa tình trạng của phụ nữ Việt Nam hiện nay và phụ nữ Mỹ thập niên 1950- 1960. Phụ nữ Việt Nam từ xưa đã có truyền thống bươn chải, làm việc cật lực để nuôi sống gia đình, nên họ cho rằng phụ nữ cần làm việc, cần có thu nhập là điều đương nhiên.

Đạm Phương nữ sử, nhà nữ quyền tiên phong của Việt Nam đầu thế kỷ XX đã cổ vũ cho việc học chữ và học nghề của phụ nữ. Bà từng nói với con cháu một câu rất giản dị mà sâu sắc: “Con gái phải học và có một nghề để sau này nuôi con”.

Vì vậy, việc phụ nữ mong được học để có một nghề nghiệp là mục đích của bản thân họ và của gia đình, phần lớn phụ nữ có học không chấp nhận chỉ là nội trợ mà luôn có khát vọng nghề nghiệp, vươn ra ngoài xã hội.

Nếu xã hội Việt Nam và ý chí của bản thân phụ nữ nuôi dưỡng được mục đích “phụ nữ nghề nghiệp” như Betty Friedan có bàn đến thì hy vọng phụ nữ Việt Nam không bị rơi vào tình trạng trầm cảm và những trục trặc khác trong đời sống do “vấn đề không tên” đã từng gây ra cho phụ nữ Mỹ.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI