TS tâm lý Lê Thị Linh Trang: Định vị được mình thì sẽ tự tin hơn

21/01/2016 - 07:30

PNO - Trong công việc, tôi tin vào chuyên môn của mình. Tôi là người “được việc”. Tôi biết tôn trọng đồng nghiệp… Tôi chưa từng nghĩ mình là một người đẹp.

TS tam ly Le Thi Linh Trang: Dinh vi duoc minh thi se tu tin hon
TS tâm lý Lê Thị Linh Trang

Quen với tiến sĩ Lê Thị Linh Trang từ lâu, từng làm việc chung trong một chương trình truyền hình, rồi làm học trò của chị ở học viện cán bộ TP. HCM, đã có vài lần ngồi cà phê, vậy mà mỗi lần gặp gỡ, trao đổi là một lần tối bất ngờ bởi những điều mới mẻ.

PV: Xem Linh Trang trò chuyện, tư vấn trên truyền hình, rồi ngồi dưới lớp nghe chị giảng bài, tôi và nhiều người luôn cảm thấy rằng chị là người cực kỳ tự tin, tự tin tới mức… đáng ghét. Chị tự tin vào điều gì lớn nhất? Chị là một phụ nữ đẹp?

Tiến sĩ Lê Thị Linh Trang: Thật ra tôi nghĩ rằng, người ta tự tin khi định vị được mình trong cuộc sống. Trong công việc, tôi tin vào chuyên môn của mình. Tôi là người “được việc”. Tôi biết tôn trọng đồng nghiệp… Tôi chưa từng nghĩ mình là một người đẹp.

Ngày xưa, thời còn đi học, tôi rất thích lĩnh vực truyền hình. Tôi có ý thức rằng mình có giọng nói tốt, nhưng lại không tự tin vào nhan sắc. Mà tôi cho rằng làm nghề đó là phải đẹp, mình xấu thế này, làm sao làm truyền hình. Chính vì thế, tôi không dám chọn ngành mình mê mà quẹo qua đăng ký ngành tâm lý. Bây giờ tôi cũng vẫn không nghĩ là mình đẹp, tôi nghĩ mình có duyên. Ai khen tôi đẹp, tôi thấy mắc cỡ lắm. Đó cũng là một sự “định vị” được mình vậy.

Thật sự tôi không phải là người tự tin đến mức… đáng ghét như chị hay như mọi người nghĩ. Tôi vốn là người rất nhút nhát. Tôi không thích giao tiếp và thường không có nhu cầu mở rộng các mối quan hệ. Cho đến bây giờ, sau nhiều năm đi dạy, tham gia hàng trăm show truyền hình, tôi vẫn là người như vậy. Có điều tôi đã học được cách kiểm soát sự nhút nhát của mình. Vì vậy, khó ai biết được tính cách này của tôi.

* Chị đã trở thành một tiến sĩ tâm lý khi mới chỉ 39 tuổi, một chuyên gia tâm lý được nhiều người biết, chị có nghĩ rằng một trong những điều quan trọng giúp con người ta “định vị” được mình cũng nằm trong… sự may mắn?

- Quả thật như vậy: tôi may mắn đã chọn đúng nghề. Thời tôi còn đi học, người ta không biết mấy về ngành tâm lý. Hồi ấy khi đang học lớp 12, tôi thấy có người đến trường tôi phát các câu hỏi khảo sát tâm lý. Đó là lần đầu tiên tôi nghe hai chữ tâm lý. Tôi mới tò mò theo hỏi người ta về ngành này.

Khi chọn lựa ngành đăng ký thi, tôi biết khả năng của mình chỉ có thể thi khối C thôi, mà tưởng tượng mình là cô giáo dạy văn, sử, địa thì tôi… ngán quá, nên tôi ghi danh vào ngành tâm lý, nhưng thật sự cũng chưa biết ngành đó học gì, chỉ biết là điểm đầu vào của nó chỉ chừng 12, 13, chẳng lẽ mình lại không đậu. Chừng tôi học xong, ra trường rồi, người ta cũng vẫn chưa biết mấy về ngành này, cứ hễ tôi nói tôi học tâm lý là hỏi lại, vật lý à.

* Chị nói rằng chị nhút nhát, ít thích mở rộng giao tiếp, quan hệ. Điều đó có vẻ như không phù hợp với chuyên gia tư vấn tâm lý là phải trò chuyện, lắng nghe, chia sẻ với mọi người?

- Thật ra cho đến nay tôi thấy nhiều người vẫn không hiểu đúng được về ngành tâm lý. Công việc của một chuyên gia tâm lý không phải chỉ là tư vấn. Các vấn đề tâm lý của con người phải được trị liệu chứ không phải chỉ là tư vấn. Làm tư vấn mệt lắm. Nó đòi hỏi người tư vấn phải có trách nhiệm rất cao bởi những gì mình nói có thể giúp người ta sống lại mà cũng có thể khiến người ta chết đi.

Khách hàng tìm đến người tư vấn thường đặt quá nhiều kỳ vọng vào chuyên gia. Họ chỉ muốn đưa ra một câu hỏi duy nhất: Tôi phải làm gì bây giờ? Nhưng chính họ có khi cũng không làm theo những gì chuyên gia tư vấn.

Thậm chí khi khuyên họ, họ còn bảo rằng họ không làm được. Họ quên mất rằng họ phải tự chọn con đường của mình, tự chịu trách nhiệm với mình chứ không thể đặt hy vọng vào một chuyên gia tư vấn. Tôi thật sự không thích làm tư vấn, mặc dù tôi là người biết lắng nghe người khác và biết giữ an toàn các bí mật của người khác.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI