TS-NSND Triệu Trung Kiên: Phục trang phải phản ánh được thời đại của nhân vật

18/02/2022 - 11:59

PNO - Sân khấu Việt Nam nói chung và nghệ thuật cải lương nói riêng đang hoạt động trong bối cảnh đất nước hướng đến một nền công nghiệp văn hóa phát triển ngang tầm thế giới. Những sản phẩm văn hóa đưa ra thế giới sẽ phải là hình ảnh đẹp đẽ và đúng đắn nhất của nền văn hóa có lịch sử hơn 4.000 năm

Từng thực hiện nhiều tác phẩm đề tài lịch sử với phần phục trang dung hòa cả đúng và đẹp tạo ấn tượng mạnh với khán giả, như: Linh khí trời Nam, Đế đô sóng cả, Chuyện tình Khau Vai, Mai Hắc Đế… TS-NSND Triệu Trung Kiên - Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam - đã chia sẻ với Báo Phụ Nữ TP.HCM các quan điểm về thực trạng phục trang sân khấu hiện nay.

Phóng viên: Ông nhận định thế nào về vai trò của phục trang đối với tác phẩm sân khấu?

TS-NSND Triệu Trung Kiên: Phục trang là thành tố hết sức quan trọng trong một tác phẩm sân khấu, nó góp phần xây dựng chuẩn xác hình tượng nhân vật và chỉ rõ không gian - thời gian mà nhân vật thuộc về. Một tác phẩm nghệ thuật không phải là một cuốn sách lịch sử, nhưng nó cũng cung cấp cho khán giả những kiến thức nhất định về lịch sử. Vì thế, kiến thức đó phải chuẩn xác. Khi kể một câu chuyện thời Trần, thời Lý thì đương nhiên thiết kế mỹ thuật trong đó có thiết kế phục trang phải tái hiện phục sức của người Việt ở thời Trần, thời Lý; câu chuyện Việt Nam thì không thể sử dụng phục trang nước ngoài…

* Nhưng sẽ rất khó nếu làm thật đúng mà vẫn đẹp?

- Phục trang sân khấu không nhất thiết phải đúng 100% nguyên mẫu. Họa sĩ thiết kế có thể cải biên, phá cách, biến tấu trên cơ sở nguyên mẫu, tùy theo ý đồ của ê-kíp sáng tạo. Chúng ta được quyền “đẹp hóa” để thỏa mãn thị hiếu khán giả, nhưng vẫn phải trên cơ sở của cái đúng chứ không thể làm theo cảm tính. Ví như chiếc khăn vành dây (khăn đóng) chỉ bắt đầu có từ thời nhà Nguyễn, thì không thể dùng cho các nhân vật thời đại các vua Hùng, trừ khi ê-kíp sáng tạo có những ý định thử nghiệm đặc biệt nào đó. Nghệ thuật sân khấu cũng gánh vác một phần trọng trách bảo tồn và phát huy những giá trị quý báu của nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, không làm đúng thì sao gọi là bảo tồn, càng không thể phát huy. 

Việc thể hiện di sản văn hóa Việt thông qua sân khấu, điện ảnh, truyền hình, các ấn phẩm văn hóa… cần được thực hiện một cách đồng bộ, quy củ, có hệ thống, được các cơ quan chức năng giám sát, quản lý chặt chẽ. Ví như hình ảnh Hai Bà Trưng trong tất cả sản phẩm văn hóa phải được đồng bộ, đó chính là hình ảnh các nữ chiến binh thời đại các vua Hùng, đầu đội mũ lông chim, mình mang giáp đồng, hiên ngang chống giặc ngoại xâm, giành lại bờ cõi. Về góc độ nào đó, khán giả cũng phải có cùng trách nhiệm, bởi không chỉ là đối tượng hưởng thụ, họ còn có tư cách là một thành phần sáng tạo, tác động không nhỏ đến xu thế phát triển của một nền nghệ thuật.

TS-NSND Triệu Trung Kiên

* Nhưng để có thể làm đúng thì phải dựa vào đâu khi hiện vẫn chưa có công trình nghiên cứu đầy đủ nào về hệ thống trang phục của người Việt từ xưa đến nay?

- Đó chính là cái khó của chúng ta. Dữ liệu về hệ thống phục sức của người Việt qua các thời đại không nhiều. Cũng lại chưa có nhiều những nghiên cứu khoa học về vấn đề này, nên để nói một cách chính xác về trang phục người Việt trải qua các thời đại cụ thể như thế nào là rất khó. Tuy nhiên, các hiện vật phong phú thu được tại các di chỉ khảo cổ, hệ thống văn bia, phù điêu đá, đất nung, hệ thống tượng thờ… được lưu lại cho đến hôm nay cũng đã cung cấp cho chúng ta những cơ sở nhất định để hình dung ra những nét cơ bản về nếp ăn, nếp mặc của ông bà xưa. Ví như các họa tiết trên trống đồng Đông Sơn đã gợi ý cho chúng ta những nét cơ bản về trang phục của thời đại các vua Hùng… 

Thật mừng khi gần đây đã xuất hiện nhiều bạn trẻ đam mê phục dựng lại hệ thống cổ phục của người Việt. Phải kể đến “Ỷ Vân Hiên” là một trong các thương hiệu đã làm khá tốt. Các bạn trẻ đã phục dựng được hệ thống cổ phục triều Nguyễn, triều Lê và đang nghiên cứu về triều Lý, Trần… Thậm chí, các bạn đang dần tạo ra được xu thế sử dụng cổ phục trong đời sống xã hội như lễ cưới hỏi, lễ hội truyền thống và cả công sở… Đó là những tín hiệu đáng mừng về sự phục hưng những giá trị truyền thống. 

Phục trang vở diễn Linh khí trời Nam lấy cảm hứng  từ văn hóa Giao Chỉ - ẢNH: PV
Phục trang vở diễn Linh khí trời Nam lấy cảm hứng từ văn hóa Giao Chỉ - Ảnh: PV

* Để làm được phục trang đúng và đẹp thì cũng rất tốn kém phải không thưa ông?

- Đương nhiên là tốn kém. Mặc dù kinh phí dựng vở mới ở các đơn vị nghệ thuật công lập như chúng tôi không nhiều, nhưng khi cần thiết thì chúng tôi cũng không tiếc đầu tư. Mới đây, trong vở Thượng thiên Thánh Mẫu, lần đầu tiên 23 vị tiên thánh trong hệ thống thần linh của đạo Tứ phủ Việt Nam đã được tái hiện trên sân khấu chỉ trong một giá hầu đồng hơn 10 phút. Chúng tôi đã phải chi cho lớp diễn này số tiền đầu tư còn nhiều hơn cả phần phục trang chính của vở diễn, với mong muốn một di sản văn hóa quý báu của dân tộc phải được tái hiện một cách rực rỡ và huy hoàng nhất, và nó đã làm thỏa lòng những vị khách đầu tiên của chúng tôi. 

Hy vọng sân khấu Việt Nam trong bối cảnh xã hội đang phát triển mạnh mẽ, các tầng lớp khán giả ngày càng có gu thưởng thức và trình độ thẩm mỹ cao hơn, sẽ tác động trở lại như một thành phần sáng tạo tích cực để sân khấu Việt Nam phát triển lên một tầm cao mới, bắt kịp với các xu hướng nghệ thuật đương đại trên thế giới.

Riêng phần phục trang cho giá hầu đồng đã được đầu tư hơn phần phục trang chính của vở diễn Thượng thiên Thánh Mẫu. (Ảnh: NVCC)
Riêng phần phục trang cho giá hầu đồng đã được đầu tư hơn phần phục trang chính của vở diễn Thượng thiên Thánh Mẫu. (Ảnh: NVCC)

* Theo ông, làm thế nào để khắc phục những “lỗi hệ thống” trong sử dụng phục trang sân khấu hiện nay, đơn cử như việc sử dụng chiếc khăn vành dây tràn lan, hay phục trang các bản dựng vở Tiếng trống Mê Linh của sân khấu phía Nam được cho là không đúng?

- Mỗi giai đoạn phát triển của sân khấu Việt Nam có những hoàn cảnh và đặc điểm riêng. Với trường hợp sử dụng phục trang chưa đúng ở một số vở cải lương, trong đó có Tiếng trống Mê Linh, xét về mặt nào đó, tôi cho rằng đây là một hiện tượng rất đáng yêu, nó chứng tỏ sự chung thủy của khán giả yêu mến cải lương, đặc biệt đối với những tác phẩm ghi đậm dấu ấn tài hoa của các nghệ sĩ thế hệ vàng. Ta phải đặt hiện tượng này trong bối cảnh của nó, khi ấy, vào những thập niên cuối thế kỷ XX, đòi hỏi về sự đúng - đẹp của phục trang sân khấu là chưa bức thiết. Người nghệ sĩ và cả khán giả đã ấn định hình ảnh phụ nữ Việt Nam qua các thời đại luôn gắn liền với chiếc áo dài (phát triển từ chiếc áo năm tà của phụ nữ Việt Nam xưa) cùng chiếc khăn đóng, nên việc yêu thích sử dụng và chiêm ngưỡng chiếc khăn đóng ở các nhân vật như Trưng Trắc, Trưng Nhị, Thái hậu Dương Vân Nga… cũng là điều dễ hiểu. Hơn nữa, dấu ấn của tài năng nghệ sĩ quá lớn đã tạo nên những ấn tượng nghệ thuật khó phai mờ, những hình tượng nghệ thuật khó thể thay thế. 

Nhưng hôm nay thì khác. Sân khấu Việt Nam nói chung và nghệ thuật cải lương nói riêng đang hoạt động trong bối cảnh đất nước hướng đến một nền công nghiệp văn hóa phát triển ngang tầm thế giới. Những sản phẩm văn hóa đưa ra thế giới sẽ phải là hình ảnh đẹp đẽ và đúng đắn nhất của nền văn hóa có lịch sử hơn 4.000 năm, do đó chúng ta càng không được quyền làm theo cảm tính. Việc thể hiện di sản văn hóa Việt thông qua sân khấu, điện ảnh, truyền hình, các ấn phẩm văn hóa… cần được thực hiện một cách đồng bộ, quy củ, có hệ thống, được các cơ quan chức năng giám sát, quản lý chặt chẽ. 

* Xin cảm ơn ông!

Năm 2005, TS-NSND Triệu Trung Kiên tốt nghiệp đạo diễn sân khấu với vở Linh khí trời Nam lấy bối cảnh 1.000 năm Bắc thuộc, khi Cao Biền là Tiết độ sứ nhà Đường được giao cai quản An Nam đô hộ phủ ở thành Đại La xưa. Tư liệu về phục sức của người Việt ở thế kỷ thứ VIII, thứ IX hầu như rất sơ sài. Nhưng xác định câu chuyện xảy ra trong không gian văn hóa của người Giao Chỉ, hậu duệ của người Bách Việt, ông xác định hệ thống phục trang dùng chất liệu thô, mộc và các tông màu thâm trầm. Khi ấy, đã có nhiều ý kiến cho rằng phục trang cải lương như vậy là không bắt mắt; màu sắc tối, xỉn, xử lý ánh sáng không rõ mặt diễn viên nên không tôn lên được phần mỹ thuật của vở diễn. Nhưng rồi vở diễn được đánh giá cao, được lãnh đạo Cục Nghệ thuật biểu diễn khi ấy là NSND Lê Ngọc Cường khen ngợi, và cho rằng vở diễn mang nhiều yếu tố đương đại, đổi mới. 

Năm 2019 khi dàn dựng Chuyện tình Khau Vai, TS-NSND Triệu Trung Kiên và ê-kíp đã lặn lội lên tận xã Khau Vai, H.Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang để khảo sát tư liệu. Ông và cộng sự đã căn cứ vào trang phục của đồng bào các dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc, sau đó biến tấu, sân khấu hóa để có được hình thức các nhân vật. Phục trang trong vở diễn hầu hết là màu chàm và đen, nhưng khi khéo léo kết hợp với hoa văn của các dân tộc đã tạo nên một mỹ cảm thực sự ấn tượng. Vở diễn được công chúng yêu cải lương và giới cải lương hai miền đánh giá cao về sự nghiêm túc, chăm chút từng chi tiết, trong đó điểm nhấn là phần phục trang. 

Ninh Lộc (thực hiện)

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI