Trong Báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu (Global Competitiveness Report), so với năm ngoái Việt Nam đã bị giảm 3 bậc theo công bố của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) mới đây. Nghĩa là từ vị trí 74 xuống 77/140, trong đó "năng lực sáng tạo" là cột điểm bị đánh giá thấp nhất.
Là người có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn phát triển doanh nghiệp, TS-LS Bùi Quang Tín, CEO trường Doanh nhân BizLight, thành viên Đoàn Luật sư TP.HCM và Giảng viên Khoa Quản trị kinh doanh trường Đại học Ngân hàng TP.HCM cho rằng sự sút giảm này rất đáng quan tâm. Ông cho biết:
Năng lực cạnh tranh rất quan trọng đối với doanh nghiệp cũng như nhà nước ở cấp độ vĩ mô. Khi có năng lực cạnh tranh cao, quan hệ giữa Việt Nam với các nước được mở rộng, dễ dàng tiếp cận thị trường xuất khẩu cũng như cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài hơn.
Việc vay vốn nước ngoài cũng được ưu đãi hơn khi doanh nghiệp có năng lực cạnh tranh tốt. Vì vậy, bị tụt hạng về năng lực cạnh tranh là điều đáng lo ngại đối với chúng ta.
* Trong ba trụ cột đánh giá về năng lực cạnh tranh, thì cột "năng lực sáng tạo" của nguồn nhân lực Việt Nam bị đánh giá thấp nhất. Ông nghĩ sao về điều này?
- Thực chất khả năng sáng tạo được đánh giá ở 3 cấp độ. Thứ nhất là giá trị sản phẩm xuất khẩu. Có thể thấy sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam phần lớn là xuất khẩu thô, hoặc gia công cho nước ngoài, như ngành da giày, dệt may... Chẳng hạn sản phẩm áo quần xuất khẩu giá 30 USD thì giá trị gia công chỉ khoảng từ 0,5-1 USD. Như vậy, giá trị sáng tạo của nhân công Việt Nam trong sản phẩm xuất khẩu không được bao nhiêu.
Thứ hai, khả năng sáng tạo thể hiện thông qua việc sử dụng công nghệ trong sản xuất. So với nước ngoài, máy móc sản xuất ở nước ta còn khá thô sơ, việc sử dụng robot trong nhà máy chưa phổ biến.
Trí tuệ nhân tạo chưa được đưa vào sử dụng nhiều ở các doanh nghiệp vì chi phí cao. Đôi khi các doanh nghiệp còn ngại tiếp cận khoa học công nghệ vì việc đưa công nghệ vào sản xuất sẽ tạo ra lượng nhân công bị mất việc làm.
Thứ ba là chủ trương đồng hành cùng doanh nghiệp trong cuộc Cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 của Chính phủ khi triển khai xuống cấp địa phương không còn mạnh mẽ, sâu sát. Phần lớn các doanh nghiệp mà tôi tư vấn đều phải "tự thân vận động" trong việc tiếp cận CMCN 4.0, hầu như chưa thấy có sự hỗ trợ nào từ các cơ quan cấp quận, huyện, thành phố.
* Là người trực tiếp đi cùng doanh nghiệp trong cuộc cách mạng số, ông có thể chia sẻ thêm về những điểm yếu mà doanh nghiệp cần có sự hỗ trợ từ các cơ quan ban ngành?
- Cuộc CMCN 4.0 có thể xét trên 3 trụ cột chính. Thứ nhất là về công nghệ số (robot, trí tuệ nhân tạo, IoT), đối với nhiều doanh nghiệp thì những công nghệ này vô cùng mới lạ. Do chưa có sự hỗ trợ về thông tin nên họ chưa biết đến công nghệ số này, cũng không biết tiếp cận ở đâu và các chính sách nào hỗ trợ cho doanh nghiệp...
Thứ hai là ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực nông nghiệp chưa nhiều. Phần lớn việc sản xuất nông nghiệp vẫn còn thô sơ nên đầu ra chủ yếu là xuất khẩu sang Trung Quốc. Muốn xuất khẩu sang châu Âu, Mỹ còn nhiều khó khăn do vấp phải các chứng nhận chất lượng từ các thị trường này.
Thứ ba là việc ứng dụng máy móc hiện đại vào sản xuất cũng chưa phổ biến vì cần chi phí lớn. Trong khi đó, doanh nghiệp tiếp cận chính sách rất khó, nhất là tiếp cận vốn vay, do chưa có sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương.
* Trở lại câu chuyện về khả năng sáng tạo trong nguồn nhân lực... Phải chăng sức sáng tạo ở các doanh nghiệp tư nhân (DNTN) mạnh mẽ hơn ở khối doanh nghiệp nhà nước, thưa ông?
- Rõ ràng là như vậy. Thời gian qua, doanh nghiệp nhà nước hoạt động kém hiệu quả, đổi mới chậm chạp, điều này báo chí đã nói đến rất nhiều. DNTN có bộ máy nhỏ gọn nên đổi mới, sáng tạo dễ dàng hơn. Hơn nữa, DNTN khó tiếp cận chính sách mà phải tạo ra lợi nhuận để tổn tại và phát triển, nên có động lực đổi mới sáng tạo mạnh mẽ hơn.
Hiện nay, theo thống kê thì có đến 97% doanh nghiệp trên cả nước là doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN), đóng góp vào ngân sách nhà nước chiếm gần 40%, đóng góp vào GDP là 37%, tỷ lệ đóng góp như vậy là còn thấp.
Điều này cho thấy DNVVN có tiềm năng phát triển, nhưng khả năng phát triển thì khó, dù thời gian qua chính phủ có nhiều chính sách hỗ trợ khối DN này, đặc biệt là Luật Doanh nghiệp vừa và nhỏ đã được ban hành, nghị định hướng dẫn cũng đã có cách đây vài tháng.
* Vậy theo ông, những nguyên nhân nào khiến cho việc biến tiềm năng của DNVVN thành khả năng còn nhiều trở ngại?
- Có 4 nguyên nhân. Một là DNVVN tiếp cận vốn ngân hàng còn gặp nhiều khó khăn, cụ thể là vấn đề xét duyệt hồ sơ vay vốn chưa được tạo điều kiện thuận lợi nhất.
Thực tế, nhiều DNVVN gặp khó khăn trong việc tìm kiếm thị trường, tiếp cận khách hàng lẫn vấn đề pháp lý, đặc biệt là khi tiến ra thị trường nước ngoài.
Có thể thấy, sự hỗ trợ từ chính phủ, trung ương còn yếu nhưng quan trọng nhất vẫn là khả năng tự phát triển về nội lực của doanh nghiệp.
|
Hai là vấn đề quản trị nhân sự cũng như đội ngũ nhân sự còn yếu do việc đầu tư về nguồn nhân lực chưa được quan tâm hoặc chưa có đủ chi phí, ngay cả cách thức quản trị điều hành trong DN cũng còn yếu.
Thứ ba, khó khăn trong phát triển thị trường. Đa số DNVVN chỉ quanh quẩn thị trường trong nước, chưa phát triển ở thị trường nước ngoài được, do thiếu thông tin mà cũng chưa có sự hỗ trợ từ các cơ quan ban ngành. Mới đây, Bộ Công thương cũng phải thừa nhận hoạt động của Cục xúc tiến thương mại, cục Tham tán trong việc hỗ trợ kinh doanh ra các nước chưa thật hiệu quả.
Cuối cùng là đa số DNVVN thường chú trọng kiếm lợi nhuận trước mắt để nuôi bộ máy, chưa có tư duy định hướng phát triển lâu dài.
Doanh nghiệp phải tích cực phát triển đội ngũ nhân sự chất lượng cao, tự thân vận động trong việc sáng tạo đổi mới, tìm hiểu ứng dụng công nghệ thì mới thu hút sự chú ý của các đối tác, nhà đầu tư. Còn nếu thiếu sự chủ động, cầu tiến thì sẽ khó tồn tại trong một "đại dương đỏ" ngày càng cạnh tranh khốc liệt hiện nay.
* Xin cảm ơn ông về những chia sẻ trên!
Xuân Lộc (thực hiện)