TS Bùi Trân Phượng: 'Thay vì trách móc, sao chúng ta không học hỏi các nước thu hút nhân tài'

09/02/2019 - 06:00

PNO - "Thay vì trách móc, sao không học hỏi để làm được như nước khác, trong lúc chúng ta đã có ưu thế ban đầu là đất nước quê hương của các học sinh ưu tú kia?" - TS Bùi Trân Phượng.

ĐI ĐỂ TRỞ VỀ

Họ là những trí thức, nghệ sĩ ít nhiều đạt được thành tựu trong lĩnh vực họ theo đuổi nơi xứ người. Nhưng, một sợi dây, một cảm giác vô hình nào đó kéo họ trở về với quê hương, bản xứ. Họ không gọi đó bằng những từ ngữ to tát, không hô hào truyền thống... Đó có thể là những ký ức không thể nào phai nhạt, là những lời kể trìu mến của bà của mẹ, là tình yêu không dứt dành cho nghệ thuật.

Họ làm việc và cống hiến bằng sức lao động, thầm lặng và nhiệt tâm. Họ nhìn mọi thứ bằng đôi mắt logic, khoa học của người phương Tây nhưng giang tay đón nhận tất cả vọng động của đời sống đang diễn ra trước mắt bằng trái tim Việt Nam. Cũng chính lúc đó, họ cảm nhận rõ dòng máu Việt đang chảy mãnh liệt trong người.

Bài 1: Đạo diễn Leon Lê: 'Không ai có thể phủ nhận tình yêu của tôi với Việt Nam'

Bài 2: Nghệ sĩ Vân Ánh Võ: Thổn thức hồn Việt giữa trời Tây

Bài 3: TS Nguyễn Đức Thái: 'Về nước là lựa chọn rất tự nhiên, không phải hy sinh hay cống hiến'

Bài 4: Đạo diễn Nguyễn Đức Minh: ‘Làm bánh chưng khó hơn làm phim’

Câu chuyện nhiều trí thức trẻ, tài năng không trở về quê hương cống hiến cho đất nước không còn xa lạ. Nhiều ý kiến cho rằng, họ không về nước làm việc liên quan đến chế độ đãi ngộ nhân tài. TS Bùi Trân Phượng, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Hoa Sen chia sẻ về vấn đề này.

TS Bui Tran Phuong: 'Thay vi trach moc, sao chung ta khong hoc hoi cac nuoc thu hut nhan tai'
 

Phóng viên: Hiện có bốn giáo sư người Việt Nam ở nước ngoài tham gia tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, hơn 2.000 kiều bào đầu tư về Việt Nam với tổng số vốn gần 3 tỷ USD. Bà nhận định ra sao về những số liệu này? 

TS Bùi Trân Phượng: Tôi không quan tâm số vốn đầu tư bằng số người đầu tư. 2.000 người trên nhiều triệu người, hay nhiều chục triệu người nếu tính cả thế hệ hai, ba thì có nghĩa gì? Cũng như bốn giáo sư trên bao nhiêu trí thức, chuyên gia có trình độ cao ở trong và ngoài nước… Vấn đề không ở số lượng. Tôi tin bốn giáo sư là người giỏi và tâm huyết. Nhưng quan trọng họ góp ý có được lắng nghe, thấu hiểu và đưa vào thực tế cuộc sống đến đâu.

* Chuyện “chảy máu” chất xám không còn là vấn đề mới. Có ý kiến cho rằng, nhiều trí thức trẻ tài năng ở nước ngoài không muốn về nước, không phải vì họ không yêu quê hương mà vì trở về không có đủ điều kiện phát huy tài năng và thực hiện ước mơ. Bà nghĩ sao về ý kiến này?

- Chắc chắn không phải đây là ý nghĩ duy nhất. Ai có chút hiểu biết về điều kiện làm việc và môi trường sống trong và ngoài nước đều phải thừa nhận thực tế có khác biệt rất lớn. Còn lý do mỗi người chọn trở về hay ở lại chỉ có bản thân họ biết thôi hoặc với điều kiện họ sáng suốt và trung thực với chính mình.

Chúng ta bây giờ đã không còn là đất nước quá nghèo để không đủ sức trả lương cho người giỏi. Cứ nhìn nhà cửa khang trang nơi mặt tiền đô thị, nhìn tiền của đổ ra cho nhiều công trình lớn mà không phải tất cả đều thực sự hiệu quả cho phát triển kinh tế, văn hóa. Đó là chưa nói đến những số tiền bằng đơn vị ngàn tỉ mỗi khi có vụ án tham ô, thất thoát…

Sao chúng ta cứ lẩn quẩn với những yếu tố rất khó nắm bắt (vì đó là điều riêng tư trong tim óc mỗi con người) như lòng yêu nước, tinh thần cống hiến… mà không nhìn vào thực tế, không lo cải thiện môi trường sống và làm việc để có đất lành chim đậu?

* 18 năm qua chúng ta miệt mài tổ chức cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia, nhưng trong số 18 nhân tài, 15 em không trở về cống hiến cho đất nước. Ngoài ra, các cuộc thi quốc tế toán, lý, hóa... học sinh Việt Nam đều đạt thứ hạng cao và  bị các quốc gia lớn săn đầu người, các em lựa chọn con đường xuất ngoại. Tại sao các em được tài trợ đi du học và không trở lại?

- Các quốc gia tổ chức cuộc thi quốc tế hay tặng học bổng cũng không che giấu mục đích phát hiện và thu hút nhân tài, sao chúng ta lại ngạc nhiên khi họ thành công?

Chúng ta có đầu tư công sức để tổ chức kỳ thi (mà chắc đó cũng là điều kiện “đối ứng” để người ta cấp học bổng), cũng nhằm mục đích đó. Chúng ta không đạt mục đích, sao không tự xem lại bản thân để hiểu và khắc phục nguyên nhân? 

Thay vì trách móc, sao không học hỏi để làm được như nước khác, trong lúc chúng ta đã có ưu thế ban đầu là đất nước quê hương của các học sinh ưu tú kia? Chúng ta bây giờ đã không còn là đất nước quá nghèo để không đủ sức trả lương cho người giỏi. Cứ nhìn nhà cửa khang trang nơi mặt tiền đô thị, nhìn tiền của đổ ra cho nhiều công trình lớn mà không phải tất cả đều thực sự hiệu quả cho phát triển kinh tế, văn hóa. Đó là chưa nói đến những số tiền bằng đơn vị ngàn tỉ mỗi khi có vụ án tham ô, thất thoát…

TS Bui Tran Phuong: 'Thay vi trach moc, sao chung ta khong hoc hoi cac nuoc thu hut nhan tai'

* Bà Tôn Nữ Thị Ninh từng nói rằng: “Đối với những đối tượng đi du học bằng tiền ngân sách Nhà nước thì cần phải sòng phẳng với nhau, họ cần phải về nước phục vụ đủ số năm theo quy định hoặc trả lại số tiền Nhà nước đã cấp. Học bổng Nhà nước là tiền thuế của dân, không có lý do gì mà người dân lại đài thọ để anh đi học rồi anh ở lại nước ngoài?”. Bà nghĩ sao về ý kiến này?

- Chị Ninh nói không sai. Đã là người đi học bằng ngân sách Nhà nước thì có nghĩa vụ “sòng phẳng với nhau”. Giữa tư nhân, nếu có hợp đồng chặt chẽ cũng ràng buộc được đôi bên phải thực hiện. Trường Hoa Sen từ khi còn đào tạo kỹ thuật viên đến khi trở thành trường cao đẳng, trong hơn 10 năm luôn áp dụng “cho vay danh dự” đối với sinh viên, nghĩa là sinh viên nghèo học giỏi được ứng trước một phần hay toàn bộ học phí, khi ra trường đi làm mới trả lại trường, với lãi suất chỉ có ý nghĩa tượng trưng. Chưa có trường hợp nào sinh viên không trả tiền vay.

Khi là trường cao đẳng rồi đại học, trường cấp học bổng đào tạo giảng viên có ràng buộc cam kết cũng không có giảng viên nào vi phạm. Tại sao? Theo tôi, người ta sẵn sàng thực hiện cam kết khi tất cả các bên đều tôn trọng. Sinh viên ra trường có việc làm tốt, có lương ổn định, đâu có lý do gì không trả nợ, khi họ biết tiền đó sẽ giúp ích thế hệ tiếp theo. Giảng viên khi tham gia khóa bồi dưỡng dù ngắn (nhưng nhà trường phải đầu tư chi phí lớn) hay đi đào tạo lấy văn bằng, đều phải tự đầu tư một phần, được cho mượn trừ dần vào lương một phần, còn lại là do trường tài trợ.

Có nguyên tắc chia sẻ trách nhiệm, có cam kết bồi hoàn và nhất là mọi người thực sự bình đẳng trước quy chế, không có ngoại lệ, không có đặc quyền, thì làm sao cam kết lại không được tôn trọng. Chỉ là quan hệ dân sự còn thực hiện được như vậy. Nhà nước đầu tư mà không thu hồi được, chắc không phải chỉ do một phía người thụ hưởng thiếu ý thức. Phải tìm đúng nguyên nhân thì mới giải quyết được vấn đề.

Tôi biết rất nhiều gia đình, kể cả gia đình công chức, chọn tự đầu tư cho con đi học tự túc, để dành quyền tự do quyết định cho con. Thậm chí một số sinh viên, mà đó thường là những sinh viên giỏi và có bản lĩnh nhất không chọn giải pháp dễ dãi là hưởng học bổng từ ngân sách nhà nước, mà tự săn học bổng của trường đại học hay chính phủ nước ngoài, hoặc tự đi làm dành dụm trang trải học phí, cũng để giữ quyền quyết định sau khi tốt nghiệp. Không phải tất cả những người ở lại làm việc ở nước ngoài đều là người quịt nợ nhà nước hay nhà trường; nếu có, ở cơ sở tư thục họ chỉ là trường hợp cá biệt; nếu họ đông hơn trong bộ máy công quyền, nguyên nhân chắc cũng cần xác định rõ chứ không chỉ do một phía.

* Không chỉ du học sinh, trí thức trẻ mà nhiều Việt kiều cũng ít về nước cống hiến. Theo bà, rào cản nào khiến họ không trở về quê hương?

- Vấn đề này đã được đề cập quá nhiều, nhắc lại là vô ích. Cứ nhìn du học sinh học phổ thông trong nước, cả gia đình còn ở Việt Nam, chỉ sau ba, bốn năm học đại học đã có điều kiện để không về vì họ tìm được cơ hội tốt hơn, vì môi trường trong nước không đủ sức thu hút, không chỉ về kinh tế. Sao lại có thể kỳ vọng thu hút đông đảo những người đã làm việc, sinh sống dài hạn ở nước ngoài, có việc làm ổn định, uy tín chuyên môn, có khi có cả một sự nghiệp khoa học mà trong nước khó có điều kiện cho họ phát triển? 

Ngoài lý do công việc chuyên môn, còn yếu tố an sinh đối với bản thân và gia đình. Ai cũng biết trí thức trẻ nhiều người quyết định quay lại nước ngoài sau một thời gian đối mặt với thực tế không tìm thấy ở Việt Nam môi trường giáo dục đủ an toàn và chất lượng cho con em họ.

Người ta hay nói về chảy máu chất xám hay thu hút chất xám. Nhưng chất xám, một lần nữa, không giống đô la trong hệ thống ngân hàng. Chất xám phải có sức sống, nó cần được nuôi bằng dưỡng khí trong lành. Nó phải được lưu thông, phải hít thở không khí tối thiểu thanh sạch.

Tôi từng trải nghiệm ở Hoa Sen việc mất một chuyên viên Pháp trẻ, giỏi, nhiệt tình và đang rất hài lòng về môi trường làm việc ở trường, chỉ sau một “sự cố” ngoài tầm kiểm soát của chúng tôi. Một bạn học của anh ấy cùng đến Việt Nam làm việc, bị tai nạn giao thông thảm khốc. Cha mẹ anh nêu vấn đề: “Gia đình bạn có điều kiện kinh tế tốt hơn mình, còn khốn đốn khi phải cấp tốc đưa con về nước chữa trị. Chẳng may con bị như vậy, gia đình mình biết làm sao?”.

Hiện nay, không khó để biết cách làm thành công của nước khác. Vấn đề là chúng ta có muốn nghiên cứu, học hỏi và đủ ý chí thực hiện hay không mà thôi.

* Nhiều ý kiến cho rằng, không phải về nước là cống hiến cho đất nước, thực tế nhiều trí thức về nước một thời gian lại đi vì "không phù hợp". Lỗi tại họ không chịu phù hợp hay do ta quá trì trệ?

- Trí thức hay nông dân, Việt kiều hay người trong nước, đều có nhiều dạng, có năng lực, trình độ, phẩm chất khác nhau. Do đó, phát hiện là mình không phù hợp, hay không thích nghi được; hay phát hiện và đánh giá đó xuất phát từ cơ quan tuyển dụng cũng là chuyện bình thường đối với môi trường làm việc nào cũng vậy. Động lực của mỗi người cũng khác nhau; không phải mọi người về nước chỉ vì lý tưởng cống hiến. Cũng như không phải ai cũng tự đánh giá công tâm và xác đáng.

Tuy nhiên, rõ ràng phần lớn trường hợp Việt Nam không giữ được người là do môi trường sống và làm việc của chúng ta chưa đủ sức cạnh tranh về nhiều phương diện. Nhu cầu tối thiểu là an toàn, thì từ ô nhiễm môi trường, an toàn thực phẩm, chăm sóc y tế, an toàn giao thông, đến an sinh giáo dục và nhiều nhu cầu cơ bản khác, chúng ta ai dám nói mình thật sự yên tâm. Vậy làm sao mà những người có điều kiện chọn lựa lại không lấy quyết định bảo vệ an toàn cho mình và người thân? 

Nói vậy cũng không có nghĩa là mọi người trong nước đều ở lại chỉ vì họ không có điều kiện để đi. Không ít người thực sự chọn lựa, vì lý do riêng của họ và vì ai cũng có quyền chọn lựa.

Lẩn quẩn hoài trong câu hỏi lỗi tại ai để làm gì?

* Vậy làm sao để chúng ta thu hút nhân tài, biến chất xám của những tài năng Việt thành của cải cho đất nước?

- Tôi cũng không thích ý tưởng đòi biến chất xám của người khác thành cái này cái nọ. Đối với tôi, chất xám hiểu theo nghĩa rộng không phải chỉ là năng lực trí tuệ, mà còn là kiến thức, tài năng, sự sáng tạo của mỗi con người. Ngoài năng lực trí tuệ đó, còn phải có tâm huyết, sự dấn thân cống hiến, sự đồng tâm, cùng nhiều yếu tố khác tạo nên môi trường thuận lợi thì mới phát huy hiệu quả.

Chỉ cá nhân sở hữu chất xám mới “biến” được nó thành giá trị. Mỗi cá nhân phải làm việc cật lực, hết sức cố gắng thì may ra mới tạo được thay đổi tích cực, tức làm ra giá trị. Tôi nói giá trị, không nói của cải, vì giá trị không chỉ là giá trị vật chất, lượng hóa bằng đô la. Trong hiện trạng của Việt Nam, sự khôi phục, phát triển giá trị tinh thần có khi còn thiết yếu, sống còn đối với dân tộc và đất nước hơn là bất cứ của cải vật chất nào.

TS Bui Tran Phuong: 'Thay vi trach moc, sao chung ta khong hoc hoi cac nuoc thu hut nhan tai'
 

Riêng về chất xám, người ta hay nói về chảy máu chất xám hay thu hút chất xám. Nhưng chất xám, một lần nữa, không giống đô la trong hệ thống ngân hàng. Chất xám phải có sức sống, nó cần được nuôi bằng dưỡng khí trong lành. Nó phải được lưu thông, phải hít thở không khí tối thiểu thanh sạch.

Trước đây, Trường Đại học Hoa Sen thường xuyên làm việc với đồng nghiệp nước ngoài và Việt kiều cũng như ưu tiên tuyển dụng người được đào tạo từ quốc tế. Chúng tôi luôn nỗ lực để họ được làm việc trong môi trường học thuật không cách biệt quá xa so với môi trường họ từng quen thuộc. Chúng tôi cũng luôn tạo điều kiện cho họ giữ quan hệ giao lưu với môi trường học thuật quốc tế, không chỉ bằng các hoạt động hội thảo, hợp tác, trao đổi trong giảng dạy, nghiên cứu, mà cả đồng ý để họ tạm thời ngừng hưởng lương nhà trường (mà vẫn được trả bảo hiểm như giảng viên cơ hữu) để đảm nhiệm có thời hạn những vị trí giáo sư, phó giáo sư ở các trường đại học nước ngoài trong 6 tháng, một năm, khi họ được mời.

Thế giới cũng quen làm vậy, gọi đó là lưu thông chất xám. Đó mới là một trong những nguyên nhân và động lực mạnh mẽ nhất để giữ trí thức và giúp họ sống thoải mái, làm việc hiệu quả. Dù môi trường vi mô không thoát ly nổi, không kiểm soát được các yếu tố vĩ mô – như trường hợp chuyên viên trẻ đã ngậm ngùi về nước sau tai nạn giao thông của bạn.

* Quan điểm cá nhân, bà sẽ khuyên con cháu về nước hay ở lại?

- Không giống nhiều gia đình Việt Nam trong nước, tôi không có thói quen can thiệp vào quyết định của con cái khi đã trưởng thành, càng không quen “chỉ đạo”.

Các con tôi đều đã được tạo điều kiện tự quyết định những việc quan trọng của chúng từ nhỏ tới lớn. Từ tiểu học, chúng quyết định việc sử dụng tiền tiêu vặt (có định mức), tiền lì xì; kể cả tham gia quyết định có cần đi học thêm môn gì hay không và phải giải thích tại sao cần, thì mới được tài trợ. Càng lớn thì càng được (hay đúng hơn, phải có trách nhiệm) quyết định những việc lớn hơn. Quyết định có đi du học hay không, đi vào lúc nào, đi đâu và học gì, các cháu đều là người quyết định chính, tôi chỉ lắng nghe và hỗ trợ khi cần. Cho nên, học xong, làm gì, là việc các cháu chỉ còn trách nhiệm thông tin cho tôi biết, không phải “xin ý kiến”.

Hiện nay, con lớn của tôi đi học ở Pháp về, đang làm việc cho công ty Thụy Sĩ ở Hà Nội; con nhỏ học đại học sắp xong. Cháu lớn đã có gia đình, có 2 con. Không phải không có trăn trở, nhất là về giáo dục cho con. Cháu may mắn tìm được giải pháp phù hợp ở trong nước.

Tương lai tôi không thể nói trước thế nào cả. Điều khiến tôi yên tâm mình đã tròn nhiệm vụ làm mẹ, là khi con tôi bày tỏ trăn trở, lúc vợ cháu vừa mới cấn thai: “Nhờ giáo dục gia đình, con bây giờ, dù có sống trong hoàn cảnh nào, cũng vẫn sẽ là người lương thiện. Nhưng con của con nhỏ bé, mong manh như thế, con phải làm sao để bảo vệ nó lớn lên trong môi trường tử tế?”. Đúng như ông bà mình nói: “Sinh con rồi mới sinh cha”. Phải bắt đầu làm cha, mới suy nghĩ với trách nhiệm của người cha. Tôi tin cháu đủ sức tự quyết định cuộc đời mình, với ý thức trách nhiệm trong mọi vai trò làm người.

Các cháu trong đại gia đình, hay rất nhiều học trò cũ, sinh viên mới tốt nghiệp, đồng nghiệp ít tuổi hơn hay bạn Facebook đều có lúc tâm sự, chia sẻ với tôi khi họ có băn khoăn trong cuộc sống. Các bạn quyết định ra đi cũng hay mời cà phê hay bữa cơm chia tay, tất nhiên cũng lắm ưu tư. Nhưng người ở lại cũng không ít nỗi niềm. Dự án TEACH chúng tôi sắp có buổi tọa đàm về “Nỗi niềm nghề giáo”, để các đồng nghiệp có cơ hội trải lòng, rồi cùng nhau tìm cách làm cho công việc và cuộc sống của mình có ý nghĩa tích cực hơn một chút, dù môi trường khắc nghiệt tới đâu. Cuộc sống là vậy mà. Có điều, các bạn trẻ chỉ tâm sự, chứ không xin lời khuyên. Mà nguyên tắc của tôi là, người ta không hỏi, thì mình không “tài lanh” khuyên bảo gì ráo. Các bạn trẻ không cần lời khuyên, tức họ hoàn toàn đủ sức quyết định và chịu trách nhiệm về quyết định của mình. Phải mừng chứ.

Tôi nghĩ chúng ta không nên “chính trị hóa” một chọn lựa thật ra rất cá nhân, tùy thuộc hoàn cảnh thực tế và ưu tiên của mỗi người, mỗi gia đình, như chọn lựa đi hay ở. Không phải 90 triệu người trong nước đều ở lại vì mục tiêu hàng đầu là đóng góp cho đất nước. Cũng không phải mọi người đang ở xa đều là những nhân tài bị mất, hay đều thờ ơ với số phận dân tộc. Ở đâu người ta cũng có thể đóng góp xây dựng, có thể ưu tư mà thấy lực bất tòng tâm, hoặc cũng có thể thờ ơ, hay phá hoại. Và cuối cùng, chọn lựa luôn có thể thay đổi. Đất lành chim đậu là quy luật tự nhiên.

Duy ý chí mà, cưỡng lại không được đâu. Còn người chọn “đất dữ” hay “đất chưa lành”, cũng đều có ý thức, có lý do riêng của họ; như vậy chọn lựa mới bền. Hơn nữa, trong thời đại ngày nay, có nhiều trải nghiệm đa dạng cũng là cơ hội để phát triển tư duy, năng lực, để người Việt mình học từ người khác, biết sống với người khác hơn, không phải là ích nước lợi nhà sao?

Gia Hưng (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI