PV: Xin chúc mừng bà vừa được Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh trao Giải thưởng Vì sự nghiệp văn hóa và giáo dục năm 2012, do những hoạt động hiệu quả góp phần đổi mới giáo dục đại học và cao đẳng nước nhà. Gắn bó trên 40 năm, từ nhà giáo trở thành nhà quản lý giáo dục, có điều gì khiến bà đam mê lĩnh vực này?
Tiến sĩ Bùi Trân Phượng: Tôi đến với nghề dạy học giản dị lắm. Gia đình tôi nhiều thế hệ là nhà giáo. Trong môi trường đó tôi trở thành nhà giáo
Tiến sĩ Bùi Trân Phượng sinh năm 1950, đậu Tú tài hạng ưu và đi du học Pháp năm 1968, tốt nghiệp cử nhân giáo khoa lịch sử Đại học Paris I năm 1972, tốt nghiệp thạc sĩ lịch sử tại Đại học Paris VII năm 1994, bảo vệ luận án tiến sĩ lịch sử tại Đại học Lyon 2 năm 2008.
Bắt đầu dạy học tại Trường Marie Curie và là giáo sư thỉnh giảng tại Trường Đại học Cần Thơ. Từ 1975 đến 1991, công tác tại Trường Đại học Sư phạm TP.HCM với các chức vụ: Chủ nhiệm Bộ môn Lịch sử Việt Nam, Phó Chủ nhiệm Khoa Sử. Từ năm 1991, bà về Trường Hoa Sen và trở thành hiệu trưởng từ năm 1996 đến nay. Ngoài việc là nhà quản lý giáo dục giỏi, bà còn là nhà nghiên cứu khoa học say mê. Từ năm 1975 đến 1992, các công trình nghiên cứu của bà tập trung vào lịch sử cận hiện đại Việt Nam; từ 1992 đến nay, nghiên cứu lịch sử văn hóa và lịch sử phụ nữ Việt Nam. Đề tài luận án tiến sĩ của bà là: “Việt Nam 1920 - 1945, giới và hiện đại: những nhận thức và trải nghiệm mới”. |
cũng là điều bình thường. Thực ra, trước đó, từ khi còn học tiểu học, tôi đã dạy mấy đứa em bà con. Khi học ở Pháp, tôi dạy thêm tiếng Việt cho trẻ em Việt kiều… Còn từ khi về trường Hoa Sen (1991), tôi học được nghề quản lý giáo dục. Mặc dù trước đó, khi công tác ở Trường ĐH Sư phạm TP.HCM tôi đã từng làm quản lý khoa… Những người sáng lập Hoa Sen đã hứa là họ muốn làm một ngôi trường chất lượng thật. Tôi có trải nghiệm và thấy rằng người ta hứa và làm thật. Từ đó, tôi gắn bó với Hoa Sen.
* Có ý kiến cho rằng, phụ nữ làm công tác quản lý thì mặt mạnh là đa năng nhưng điểm yếu là họ nhiều cảm xúc. Theo bà, đánh giá vậy có đúng không?
- Nếu nói như vậy là định kiến giới. Tôi không quan niệm phụ nữ có ưu điểm đặc biệt hay hạn chế bẩm sinh. Nữ hay nam đều có ưu, nhược điểm mà đều do trải nghiệm cuộc sống của mỗi người khác nhau đã hình thành nên tính cách của họ. Ví dụ, trẻ em gái được giáo dục là phải hiền thục, còn trẻ em nam được dạy khóc là xấu thì họ sẽ giấu đi cảm xúc thật để cho thấy mình mạnh mẽ, mà thiệt ra không phải con trai em nào cũng tánh tình cứng cỏi. Tôi cùng nhiều đồng nghiệp nữ quan tâm giáo dục hiểu đúng và nhận thức đúng về giới, xóa bớt thành kiến mà giáo dục trước đây đã gieo cho mình. Đi học là phát triển lý trí, xóa bỏ thành kiến, phát triển tư duy lý trí của con người, điều này càng đặc biệt cần thiết trong xã hội Việt Nam.
Có một nghiên cứu về phụ nữ do một trường đại học nước ngoài thực hiện đã đánh giá tỷ lệ nam, nữ ở Hoa Sen tương đối đẹp, thay vì thông thường cứ lên vị trí quản lý là nữ lại ít hơn nam. Họ hỏi tôi có cách gì? Tôi trả lời là tôi không phân biệt giới tính, tuổi tác, nguồn gốc xuất thân… mà bổ nhiệm dựa trên sự xứng đáng.
* Vậy để làm tốt vai trò nhà quản lý giáo dục, bà có bí quyết gì?
- Tôi không có bí quyết. Dĩ nhiên, trong hoạt động của mình cũng có thành công, cũng có thất bại. Bất cứ thành công hay thất bại nào đều có thể phân tích nguyên nhân. Nhưng theo tôi, dù phân tích cỡ nào cũng không lý giải hoàn toàn được, nhất là những vấn đề về con người. Do đó, tôi không tin có bí quyết thành công. Tôi tin là trường đại học phải được quản lý một cách dân chủ. Trường đại học là nơi những người trí thức góp phần đào tạo những thế hệ trí thức mới, do đó, nhà quản lý, giảng viên, nhân viên, và cả sinh viên phải được tôn trọng và đối xử như người trí thức. Cũng không bao giờ nên tự mãn, nghĩ là mọi thứ đã tốt rồi. Chúng tôi nhận thức luôn luôn có thách thức mới phải vượt qua. Sống là còn thấy điều mình phải làm.
* Còn đối với sinh viên, cách giáo dục của bà như thế nào?
- Chúng tôi luôn cố gắng làm công việc giáo dục một cách bình thường, đúng nghĩa. Chúng tôi đã đúc kết và hoàn thiện bảy giá trị cốt lõi của nhà trường. Mọi hoạt động của nhà trường không được trái bảy giá trị đó. Đó là: Tinh thần hiếu học, hiếu tri; tư duy độc lập; tinh thần trách nhiệm; tính chính trực; tôn trọng sự khác biệt và đa dạng; năng động, sáng tạo; cam kết dẫn đầu về chất lượng. Trong đó, giá trị chính trực không phải qua giờ dạy mà bằng hành xử của trường trong thực tế. Ví dụ hồi mới thành lập trường, chúng tôi cho treo bảng quy định xử lý gian lận trong phòng thi, có vi phạm thì xử lý ngay. Chỉ cần vài lần làm thật nghiêm khắc thì những lần thi sau số vụ vi phạm sẽ ít dần đi, bây giờ không cần treo bảng nữa, nhưng vẫn xử nghiêm. Chúng tôi thấy cần thiết lập nền nếp khi trong xã hội, chuyện gian lận diễn ra quá phổ biến. Tôi có người quen phải cho con du học vì lý do chủ yếu là con họ không thể… quay cóp được. Họ không chịu nổi sự gian lận trong học hành nên phải cho con du học.
* Đó cũng là lý do để bà thành lập Câu lạc bộ FACE, vì một nền giáo dục sạch?
- Tôi cùng đồng nghiệp thành lập Câu lạc bộ FACE (For A Clean Education) có nghĩa là vì một nền giáo dục sạch nhằm khôi phục diện mạo người thầy, người đi học, diện mạo chân chính của người làm giáo dục, của dân tộc Việt Nam với thế giới. Đừng để người ta thấy quen thuộc tới mức chấp nhận tham nhũng lan rộng trong giáo dục, y tế Việt Nam như một căn bệnh ung thư trầm trọng. Chúng tôi đã tổ chức lớp huấn luyện về phòng, tránh, chống đạo văn cho sinh viên từ các năm trước. Nhưng từ năm học này là bắt buộc với cả sinh viên, giảng viên. Vì hiện nay, nạn đạo văn quá phổ biến. Thầy biết trò làm như thế là sai, nhưng có người xử, người không xử, vì tràn lan quá rồi. Sau khi huấn luyện đại trà bài bản, từ năm học sau chúng tôi sẽ xử lý một cách có hệ thống, như ở đại học nhiều nước trên thế giới. Thầy không xử trò đạo văn sẽ bị kỷ luật.
Chúng tôi phải làm như thế, vì giáo dục không thật không còn là giáo dục.
* Có phải vì đề cao giá trị “thật” mà năm học 2012-2013, Hoa Sen đề ra khẩu hiệu: “Sống tử tế, học đàng hoàng, kết nối năm châu” không, thưa bà?
- Chúng tôi lấy chủ đề này cho ba năm học liên tiếp, tới 2015. Dĩ nhiên lúc thảo luận chủ đề cũng có ý kiến này nọ. Có người băn khoăn, vậy chẳng lẽ chúng ta chưa tử tế? Khẩu hiệu tuy đơn giản nhưng thực hiện vẫn còn cần thảo luận nhiều, kể cả tranh luận. Nhưng có chuyện có thể thấy ngay trước mắt về sống tử tế, như không ăn gian giờ học của sinh viên, giảng viên hưởng lương toàn thời gian ở trường thì cần tập trung sức lực, trí tuệ cho công tác ở trường… Và chúng tôi nói điều gì thì áp dụng cho toàn bộ hệ thống, kể cả sinh viên, giảng viên, nhân viên…
* Năng lượng nào để bà luôn sáng tạo, tìm hướng đi trong hoạt động của mình?
- Tôi thích làm giáo dục. Trong giáo dục tôi tìm thấy hạnh phúc. Tôi cũng thích nghiên cứu lịch sử. Hai nghề này đòi hỏi phải đọc nhiều sách, và tôi thích đọc sách. Do đó, không có gì là khổ ải. Từ nhỏ tôi đã có thói quen đọc sách. Tôi đọc sách luôn thấy hào hứng, đọc hoài không chán. Tôi cho rằng, sinh viên nếu chưa có thói quen đọc sách thì ít nhất khi vào đại học phải tạo cho mình thói quen đó. Đọc nhiều tạo cho mình năng lực đọc sách: đọc nhanh, hiểu nhanh, nắm được điểm chính của sách, có thể nghĩ khác tác giả, có nhìn nhận riêng... Nhiều sinh viên chưa biết đọc sách, chưa biến điều đó thành năng lực tự nhiên của mình. Thời gian học đại học mà không đọc rất nhiều sách thì cũng như bằng thật mà học giả. Bởi vậy, trong bảy giá trị cốt lõi của Hoa Sen, điều đầu tiên là hiếu học, hiếu tri - ham học, ham hiểu biết.
* Dưới góc độ người nghiên cứu lịch sử, bà đánh giá thế hệ trẻ Việt Nam hiện nay như thế nào?
- So với thế hệ trước, họ có nhiều điều kiện mở rộng hiểu biết hơn, họ nhạy bén với công nghệ truyền thông hiện đại, nhất là thanh niên thành thị. Nhưng chênh lệch giàu nghèo ngày càng lớn hơn, nên điều kiện tiếp cận thông tin và tri thức cũng cách biệt nhau nhiều. Điều đáng tiếc, theo tôi là phần đông còn sống ỷ lại nhiều vào gia đình, kể cả khi gia đình không khá giả. Khiếm khuyết trong giáo dục gia đình (có phần là đặc điểm chung của xã hội hậu chiến, người ta có xu hướng “bù đắp” cho con cháu vì thế hệ mình đã chịu nhiều đau khổ, hy sinh trong chiến tranh) và giáo dục học đường, cùng với suy thoái đạo đức chung khiến nhiều bạn cảm thấy mất phương hướng, không có những giá trị vững chắc làm hệ quy chiếu cho mình. Nhiều bạn trẻ, kể cả có trình độ học vấn, chưa có thói quen suy nghĩ độc lập, chịu trách nhiệm về những chọn lựa của mình, dễ bị cuốn theo trào lưu bề nổi. Nhưng tôi nghĩ là phần đông thanh niên Việt Nam gắn bó với gia đình, đất nước. Không quá khó để khơi dậy ý thức trách nhiệm của họ, vấn đề là ta có muốn làm hay không mà thôi. Phần lớn còn giữ được thói quen cần cù, chịu khó. Nếu họ được tiếp xúc rộng rãi hơn với bạn trẻ nước khác, được khuyến khích suy nghĩ phóng khoáng và lý tính hơn, tôi tin tiềm năng trong thanh niên còn rất lớn.
* Bà có thể chia sẻ đôi chút về cách dạy con của mình?
- Như mọi người mẹ, tôi yêu quý con hơn cả bản thân mình. Nhưng từ khi con còn rất nhỏ tôi luôn ý thức con tôi là một nhân cách riêng, độc lập, không phải là “vật sở hữu”. Tôi không “gò” con theo một khuôn mẫu nào, mà tôn trọng tánh tình khác nhau của mỗi đứa. Tôi thương con nghĩa là tạo điều kiện cho con trưởng thành, tự biết khám phá, phát huy năng lực, sở trường, tự xác định mục tiêu và phấn đấu đạt được, đồng thời biết sống tử tế. Tôi dạy con như người mẹ, người thầy, nhưng cũng là người bạn. Tình thương con của cha mẹ rất bao la, mãnh liệt, nhưng cũng phải có lý trí, đôi khi phải biết tự kiềm chế. Dạy con như vậy thì có hạnh phúc rất bền vững khi mình học được ở chính con mình, chứng kiến từng bước trưởng thành của con và cùng con chia sẻ vui buồn, đồng thời mình cũng thanh thản vì cả mình, cả con mỗi người đều có cuộc sống riêng, bên cạnh cái chung của gia đình.
Đối với tôi, gia đình cũng quan trọng như công việc. Gia đình là do mình xây dựng nên. Chồng tôi có sự đồng thuận với tôi về thang giá trị, các con và dâu cũng vậy nên tôi hoàn toàn yên tâm.
* Xin cám ơn bà.
Diệu Hằng (thực hiện)