TS Bùi Trân Phượng: Giáo dục phi lợi nhuận là tất yếu

20/06/2016 - 10:52

PNO - Báo Phụ Nữ TP đã có cuộc trò chuyện với TS Bùi Trân Phượng - Hiệu trưởng trường ĐH Hoa Sen về giáo dục đại học phi lợi nhuận ở VN.

* Thưa bà, với sự kiện trường đại học Fulbright vừa được cấp phép hoạt động không vì lợi nhuận (KVLN), bà có thể nói qua một chút về sự phát triển của trường đại học tư KVLN của Việt Nam hiện tại?

TS Bùi Trân Phượng: Đầu tiên tôi nồng nhiệt chúc mừng đại học Fulbright. Fulbright được cấp phép là một tin tốt cho giáo dục đại học Việt Nam. Các ĐH tư thục phi lợi nhuận khác như ĐH Hùng Vương, ĐH Phan Chu Trinh khi mới ra đời cũng có những tôn chỉ giáo dục KVLN nhưng giờ đã buộc phải thay đổi chệch khỏi mục tiêu những người sáng lập.

TS Bui Tran Phuong: Giao duc phi loi nhuan la tat yeu
TS Bùi Trân Phượng - Hiệu trưởng trường ĐH Hoa Sen (bên trái)

Thầy Trần Hà Nam khi sáng lập trường Hoa Sen cũng đã dành một phần lợi nhuận của công ty Scitec để xây dựng trường mà không mong đợi bất kỳ sự quay trở lại nào của đồng vốn đó. Đó là sự đầu tư hoàn toàn bất vụ lợi mà thầy Nam đã viện dẫn luật 1901 của Pháp về các tổ chức bất vụ lợi để đề xuất dự án Hoa Sen và được lãnh đạo Thành phố lúc đó tích cực ủng hộ. Tất nhiên, trong những năm đầu thì trường Hoa Sen bị lỗ rất nhiều bởi vì số lượng sinh viên ít (do tự chúng tôi muốn ít để đảm bảo chất lượng).

Mặc cho những khó khăn buổi đầu thành lập, chúng tôi đã luôn đảm bảo cho sinh viên Hoa Sen được sử dụng 1 máy tính/1 sinh viên (mà thời ấy là rất khó kể cả đối với các trường đại học lớn khác). Trong suốt quá trình hoạt động, trường Hoa Sen đã nhận được những hỗ trợ rất lớn từ nhà nước về đất đai, tiền bạc. Cho nên tôi nghĩ rằng trường KVLN thì cần có những sự hỗ trợ nhất định từ cộng đồng, từ chính quyền và nhất là sự tin cậy của phụ huynh để trường có thể phát triển.

* Xin bà có thể cho biết những yếu tố nào cần phải có để có thể tạo nên một nền tảng vững chắc của trường đại học KVLN hoạt động tại Việt Nam?

TS Bùi Trân Phượng: Tôi nghĩ hành lang pháp lý là điều rất cần thiết. Nghị quyết 05 của chính phủ về xã hội hóa giáo dục, y tế, thể dục thể thao đã nêu rõ là cơ sở tư nhân có quyền hoạt động lợi nhuận hay phi lợi nhuận, nếu hoạt động phi lợi nhuận thì được quyền chia cổ tức cho nhà đầu tư nhưng ở một mức nhất định - còn phần không chia sẽ được miễn đóng thuế vì đó là phần để tái đầu tư trở lại phát triển hoạt động giáo dục.

Nghị quyết 05 cũng có nói thêm là nhà nước khuyến khích phát triển loại hình phi lợi nhuận , nhưng khuyến khích như thế nào, bằng những ưu đãi gì thì cũng chưa có quy định một cách cụ thể. Đến năm 2012, khi luật giáo dục đại học ra đời thì bắt đầu có quy định cụ thể hơn, và đặc biệt là đến “Điều lệ các trường đại học” ban hành kèm quyết định 70 thì mới lần đầu tiên có một mục dài liên quan đến hoạt động KVLN về nhà đầu tư, đội ngũ sư phạm, đội ngũ quản lý nhà trường, học viên …có quyền lợi và nghĩa vụ như thế nào.

Thành ra cái khoảng lặng pháp lý từ năm 2005 cho đến năm 2012 khi có luật giáo dục đại học khiến cho những người hoạt động phi lợi nhuận chỉ có thể tự thân vận động, nỗ lực, tự nguyện mà thôi vì họ không được thừa nhận pháp lý rõ ràng. Nên tôi cho rằng hành lang pháp lý là điều rất cần thiết.

Một tin vui mà tôi muốn chia sẻ là Thông báo số 176-TB/VPTU nêu rõ Thành ủy, UBND TPHCM luôn ủng hộ, đồng tình trường ĐH Hoa Sen về định hướng hoạt động theo loại hình trường đại học tư thục hoạt động KVLN. Tập thể HĐQT, cán bộ quản lý và giảng viên trường ĐH Hoa Sen rất cảm kích vì được các cấp lãnh đạo thành phố công nhận và đánh giá cao sự đóng góp của ĐH Hoa Sen cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo của TP, nhất là góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng trong suốt 25 năm qua.

* Thưa bà, trường đại học KVLN có phải là một xu thế và và bước phát triển tất yếu trong tương lai gần hay không?

TS Bùi Trân Phượng: Tôi nghĩ đó là một bước phát triển tất yếu.

Tôi cho rằng giáo dục đại học KVLN có một vị trí cần thiết trong xã hội và điều đó đã được chứng thực bởi những trường đại học tư KVLN nổi tiếng trên thế giới như Havard, Yale, Stanford ở Mỹ, đại học Keio ở Nhật, đại học Yonsei ở Hàn Quốc.

Trường ĐH KVLN góp phần điều tiết một cách tích cực cho toàn hệ sinh thái. Bởi vì các trường vì lợi nhuận cũng phải cạnh tranh với các trường phi lợi nhuận để có sinh viên; và do đó các trường vì lợi nhuận cũng phải bảo đảm chất lượng đào tạo tốt; người học ở trường ngoài công lập nói chung nhờ vậy mà được hưởng lợi. Tôi nghĩ một hệ sinh thái lành mạnh đòi hỏi phải có đa dạng loại hình trường và trong đó trường đại học KVLN có vai trò riêng của nó mà các loại hình khác không thay thế được.

Cảm ơn bà về cuộc trò chuyện này!

Thu Phương (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI