Lim Jangeng là người Hàn Quốc. Nó sang New Delhi trước tôi mấy tháng. Ngày đầu tôi lơ ngơ bước chân đến ký túc xá, bị xếp vào cùng phòng với thằng Modi da đen người Mali, Lim gọi tôi sang phòng nó và cảnh báo nếu thằng Modi hỏi vay tiền thì đừng cho. Y như rằng, chỉ sang ngày hôm sau là thằng Modi hỏi vay tiền. Nhớ lời Lim, tôi từ chối. Về sau mới biết thằng Modi đã vay tiền của nhiều người trong ký túc xá, mà chưa trả được cho ai.
Vào học được một tháng thì đến lượt tôi và Lim phải làm quản lý nhà ăn. Mess manager. Tiếng Anh Ấn thì mess là cái nhà ăn tập thể. Hai mươi mốt sinh viên nước ngoài ở trong một căn nhà ba tầng. Nhà bếp có hai người đầu bếp Ấn Ðộ, việc nấu nướng họ lo cả. Nhưng việc mua thực phẩm, quản lý thực phẩm, ngày ba bữa sắp xếp bộ đồ ăn lên bàn thuộc về quản lý nhà ăn, do chính đám sinh viên cử ra. Phải kể thêm, đầu bếp Ấn chỉ toàn nấu món Ấn, gia vị masala thơm nồng và cực hắc, nồng đến mức đám ngoại quốc chúng tôi hễ đi qua cửa bếp là hắt hơi liên tục.
Trong hai đứa làm quản lý, tôi được phân công giữ sổ sách, đi thu tiền từng người, ghi chép những khoản mua sắm hằng ngày, theo dõi việc chi dùng. Lim là người lên lịch đi chợ, đổi ca cho nhau, hôm nay nó đi chợ thì ngày mai đến lượt tôi. Hôm nay nó sắp xếp bàn ăn thì ngày mai là tôi. Chợ cách ký túc xá khoảng hơn hai cây số. Chúng tôi thường mượn xe đạp của cậu bảo vệ để đi chợ. Ác cái, ngày Lim phải đi chợ thì nó mua cái này và quên cái kia. Có lần đi chợ về nhớ ra còn thiếu trứng. Vậy là nó chạy sang phòng tôi bắt đi cùng nó. Mang được trứng về đến nhà bếp thì mới phát hiện bột mì đã hết, bột mì để làm bánh mì chapati kiểu Ấn. Thế là nó phải đi chợ lần thứ ba, bắt cả tôi phải đi cùng. Không phải ngày trực bếp của tôi, tôi cũng đành bấm bụng đi với nó. Cái xe đạp không có port-baggage đèo ở đằng sau, tôi phải ngồi lên cái gióng ngang ở đằng trước. Mua được bao bột mì mười cân, tôi ôm bao bột như ôm con nhỏ ngồi trên cái gióng ngang, trong lòng Lim. Nó cao hơn mét tám, to như con voi, nó gò lưng đạp xe chở cả hai chúng tôi cùng bao bột về ký túc xá. Chẳng biết bao bột hở chỗ nào mà khi về đến nơi thì nó và tôi đều trắng xóa mặt mày tóc tai. Như hai chú thợ ở lò bánh mì.
Mệt với nó. Ngày nào nó cũng phải quên một cái gì đấy và bắt tôi cùng đi chợ vài ba lần. Mệt. Vừa về đến nhà, yên yên một lúc bên bàn học thì lại bị nó sang gọi đi. Tức nữa.
Nhưng được cái nó là đứa hay chuyện. Những chuyến đi chợ ấy, nó đạp xe, tôi ngồi trên cái gióng ngang đằng trước, nó kể chuyện. Tao tin mày mới kể, đây là chuyện riêng, mày đừng có kể lại cho ai nghe. OK, hứa. Nó kể người yêu của nó cùng trường đại học ở Busan, năm tới sẽ tốt nghiệp, tức là năm 1990. Trước cô này Lim đã yêu một cô, một cô gái mà nó có thể điều khiển được. Nhưng cô này thì ngược lại, cô ta đang điều khiển Lim. Ở mãi Busan mà cô ta còn chĩa cái remote control điều khiển từ xa sang tới Ấn Ðộ này. Anh không được nóng tính. OK. Anh không được hút thuốc nữa. OK. Ngày trước tao là cái ống khói, còn bây giờ mày có thấy tao hút thuốc bao giờ không? Công nhận.
Hai đứa thỉnh thoảng đi chơi với nhau được một năm, cho đến giữa năm nay, trước khi Lim đi Ấn Ðộ, cậu mới dám viết cho cô ta một bức thư. Thư tình. Thư tình nhưng không có một chữ yêu nào, Lim nhấn mạnh.
OK. Thư tình nhưng không có một chữ yêu nào.
Hai ngày chờ hồi âm. Mất ăn mất ngủ. Rồi điện thoại trong phòng Lim cũng reo. Cô gái gọi điện và nhận lời sẽ gặp nhau ở một quán ăn. Cô đến. Mang cho Lim mượn một băng nhạc đang mốt. Về đến nhà mở băng nhạc ra thì trong ấy có một mẩu giấy nhỏ. Mấy yêu cầu: từ nay anh phải nghiêm túc học hành, anh phải bỏ thuốc lá, anh phải…
Lim gọi điện lại cho cô gái, chấp nhận các yêu sách. Tức là quy hàng vô điều kiện. Từ đó họ lại đi xem phim, xem kịch với nhau, xem nhiều hơn trước. Cho đến một hôm cô lại gọi điện: mai em sẽ đi thi lấy bằng lái xe, anh đi với em nhé. Suốt đêm ấy Lim không sao ngủ được. Mày phải biết rằng tao bị gọi là cái máy ngủ, ngủ lăn ngủ lóc, thức đêm là việc khó vô cùng, ấy thế mà đêm ấy tao thức.
Gần bốn giờ sáng, Lim lái xe đến trước cổng nhà cô gái, gọi điện lên cho cô. Khi cửa mở ra, Lim hoảng hồn thấy cô ra cùng với mẹ. Lim cúi gập người để chào bà mẹ. Trong lòng run lắm. Bà mẹ thản nhiên bảo: cháu đưa em nó đi thi giúp cô nhé. Vâng ạ thưa cô. Nói thế mà lòng vẫn run.
Kể từ đó Lim mới tin là cô gái yêu mình. Cha mẹ cô gái bảo, cô chú chấp nhận cháu, nhưng trước hết cháu phải có một công việc bảo đảm đã. Thế là Lim cắm đầu vào học. Trước đây mẹ Lim thường lo lắng về con, mải chơi, lười học, hay gây gổ đánh nhau với bạn, không được học bổng. Bây giờ thì xem anh chàng kìa, ai làm mà được như thế. Trong khoa có năm mươi sinh viên theo Ấn Ðộ học, cuối cùng chỉ có hai người thi được học bổng sang Ấn Ðộ. Lim là một trong hai đứa ấy.
Lim đọc một cuốn tiểu thuyết của tôi dịch ra tiếng Anh, rồi bảo, tao cũng sẽ viết tiểu thuyết. Ừ viết đi. Tao sẽ viết truyện tình yêu của chúng tao, sách sẽ đắt hàng như bánh rán nóng. Tao sẽ viết truyện tình mà không có một chữ yêu nào.
A, đấy mới là truyện tình đích thực, tôi bảo.
Diễn tiến chuyện tình của Lim, tôi được nghe kể trong suốt một tháng phải làm quản lý nhà ăn cùng với nó. Phải làm. Bởi vì đi chợ với nó đúng là một cái nạn. Mất hết cả thời gian học hành, đọc sách, nghỉ ngơi. Lúc thì quên mua bột nghệ cho món xúp đậu dal, lúc thì quên mua cà chua, bắp cải cho món salad, lúc thì quên đường, quên muối. Nghĩa là nhiều lúc tôi cũng phát điên. Thấy vẻ mặt bừng bừng của tôi khi bỏ đi, nó phá lên cười chạy theo lôi tôi xềnh xệch bắt quay lại để đi ra chợ cùng với nó. Lại còn bảo, mày chịu khó đi, rồi mày sẽ là người đầu tiên được tao cho đọc bản thảo tiểu thuyết của tao.
Buổi sáng ấy đến lượt Lim sắp xếp bàn ăn. Hai mươi mốt suất ăn, hai mươi mốt cái đĩa inox và hai mươi mốt bộ thìa dĩa cũng inox. Nhà ăn trên đất Ấn, đầu bếp là người Ấn cho nên chỉ nấu đồ chay. Mười hai suất ăn chay và chín suất cũng là ăn chay nhưng đặc biệt có thể ăn trứng luộc. Ðĩa nào cho người ăn chay hoàn toàn thì bỏ vào đấy một miếng bơ, một miếng pho mát. Ðĩa nào có thể ăn trứng thì bỏ vào đấy một quả trứng luộc. Tôi ra giúp Lim sắp xếp bộ đồ ăn và đánh rơi một quả trứng luộc. Tôi nhặt quả trứng bị giập vỏ lên, bỏ ngẫu nhiên vào một cái đĩa nào đó.
Thằng Modi xuống muộn, khi chỉ còn hai ghế trống. Ðây chính là Modi mà tôi phải ở chung phòng được một tháng, rồi không chịu được nên tôi phải chuyển đi. Cái thằng da đen này lần đầu gặp tôi thì hỏi ngay, mày là thuyền nhân à. Tôi tức điên lên. Nhưng cũng chẳng trách được. Boat people. Dạo ấy truyền hình đưa tin gì về Việt Nam thì chỉ là tin thuyền nhân vượt biển đi tỵ nạn.
Chỉ còn hai ghế trống. Thằng Modi ngồi vào chỗ có quả trứng luộc bị giập vỏ và quát gọi Lim, mang trứng ra cho tao. Lim chỉ quả trứng trước mặt Modi: cái gì đây. Modi bảo, quả này hỏng rồi, tao không ăn. Lim ta điên tiết đứng lên chạy vào bếp, mang ra một quả trứng sống, đây, hết trứng luộc rồi, mày tự luộc lấy mà ăn. Thằng Modi hậm hực nhưng không nói gì nữa, nó cũng ngại cái dáng vẻ voi con của Lim. Nó bỏ quả trứng giập sang cái đĩa chưa có người ăn bên cạnh.
Ðấy là cái đĩa cuối cùng của người chậm chân nhất. Một lát sau, người cuối cùng đến, thằng Heinrich người Ðức, một thằng đã cải từ đạo Thiên chúa sang đạo Hindu và thực hành ăn chay trường. Cái đĩa cuối cùng dành cho nó vốn là của người ăn chay, chỉ có miếng bơ và miếng pho mát để ăn với bánh mì. Bây giờ thì cái đĩa ấy có thêm quả trứng giập do Modi bỏ sang. Thằng Heinrich tiến đến cái chỗ ngồi cuối cùng, nhưng nhìn cái đĩa thì nó lại réo tên Lim, suất ăn của tao đâu? Lim ta chưa hết cáu vụ Modi, thuận tay chỉ vào cái chỗ duy nhất còn lại: mày ngồi vào kia. Heinrich lắc đầu, không phải, tao ăn chay cơ mà. Thế không phải bơ và pho mát cho người ăn chay thì cái gì kia? Heinrich lại lắc đầu, nhưng đĩa này lại có cả trứng luộc.
Bơ và pho mát cùng trứng luộc. Một cái đĩa vừa đồ ăn chay vừa không thuần chay.
Lim ta tức khí, cầm quả trứng lên rồi tay kia cầm cái đĩa hất miếng bơ và pho mát vào góc tường. Nó chạy vào bếp sắp xếp một cái đĩa khác cho thằng Heinrich.
Rồi cuối cùng cũng chấm dứt một tháng khốn khổ lầm than. Lầm than, lầm bụi, lầm bột mì. Một ngày trước khi họp tổng kết tháng, Lim có vẻ bồn chồn. Tôi bảo hay là họp tổng kết tháng, bầu quản lý mới ngay buổi tối nay, bàn giao sổ sách luôn, nhưng Lim đắn đo. Rồi nó bảo để đến sáng mai.
Ăn sáng xong thì họp. Thằng Vincent người Pháp lên tiếng phàn nàn về các món ăn trong tháng qua. Lim to tiếng quát lại: mày thì lúc nào cũng phàn nàn được. Dạo tháng trước Sergio và Jiang quản lý, ăn ngon thế, mày cũng đã phàn nàn, chẳng phải đến tháng này mày mới kêu ca đâu. Vincent cãi, tao kêu bao giờ? Lim: mày hỏi Ashok xem. Ashok gật đầu: đúng, mày có kêu ca thật. Thằng kia tịt luôn, vừa ngượng, vừa sợ cái sự to tiếng của Lim.
Tôi nhớ, hai hôm trước, Lim đã bảo, tao lo lắm, chỉ sợ đến khi họp tổng kết tháng, có đứa nào phàn nàn, không kìm được là tao sẽ nện luôn. Dạo tao còn học trung học phổ thông, mẹ tao rất lo vì tao hay
đánh nhau.
Bây giờ đến lượt tôi hồi hộp sợ xung đột. May, sau thằng Vincent, chẳng ai nói gì nữa.
Họp xong, Lim vào phòng tôi, cười nói hoan hỷ, mày thấy không, thế là thành công rồi. Tôi bảo, thành công gì, chẳng qua chúng nó bị mày trấn áp ghê quá, chúng nó không dám nói, tao biết còn nhiều đứa muốn kêu, nhưng thấy gương thằng Vincent, sợ mà thôi. Nó cười ha há, thế là tốt rồi, cuối cùng chúng nó không dám làm gì chúng mình cả.
Từ đó cho tới lúc cùng mấy đứa bạn đi đến học viện, nó cười nói liên tục.
***
Năm 2009 tôi đến thỉnh giảng ở Ðại học tổng hợp Wonkwang, thành phố Iksan. Tôi gọi điện thoại báo cho Lim biết. Hơn một tháng sau Lim mới đi tàu cao tốc từ Busan lên gặp tôi. Lim bây giờ là giáo sư dạy Ấn Ðộ học ở Busan. Chúng tôi đều là dân nghiên cứu, là thầy cả rồi, nhưng từng là bạn thời là nghiên cứu sinh, hễ nhắc đến Lim, tôi cứ muốn gọi Lim là nó. Chúng tôi chia tay từ năm 1991, tức là mười tám năm rồi. Lim bảo nó đã lấy được đúng cái cô mà nó đã viết những bức thư tình không có một chữ yêu. Cô ấy nhiều tài, chơi piano, đánh máy chữ bằng mười ngón, giỏi cắm hoa, ngày trước nó kể với tôi là cô mơ ước sẽ trở thành cô giáo dạy môn cắm hoa. Bây giờ Lim kể thì hóa ra không phải ước mơ nào cũng thành sự thật, cô hiện làm giáo viên dạy piano trong trường tiểu học.
Ðược một ngày đi với nhau, Lim dẫn tôi sang thăm thành phố cổ Jeonju. Hỏi thì mới biết Lim vẫn chưa hề đặt bút viết cuốn tiểu thuyết của đời mình, cái cuốn tiểu thuyết mà cậu ta đã bảo tôi, truyện tình không có một chữ yêu nào.
Tôi biết có những nhà văn như vậy. Họ suốt đời chỉ dọa viết. Họ đặt trên mặt bàn một tấm bảng nhỏ, trên ấy kẹp một tờ giấy A4 có chữ đề cương tiểu thuyết rõ to. Ðề cương dự định sẽ là trường thiên tiểu thuyết hai tập, ba tập, bốn tập. Chung cục vài chục năm trôi qua mà nó chỉ là đề cương. Lại có những nhà văn đã viết được vài ba cuốn hẳn hoi, nhưng gặp ai cũng kể cốt truyện cuốn sách mình sẽ viết. Mỗi lần kể là một lần bồi đắp thêm nhiều chi tiết, hoàn chỉnh đến nỗi có thể chỉ cần ngồi chép lại đúng lời kể ấy là thành sách. Kể mà mắt sáng quắc lên, hừng hực như nhập đồng. Nhưng. Phải mấy cái nhưng. Rốt cục sách chẳng được viết ra. Kể rồi, kể mãi rồi, kể xong thì thỏa mãn. Kể xong thì không còn nhu cầu thôi thúc phải viết ra nữa.
Cái truyện tình không có một chữ yêu nào, rốt cuộc chỉ được xuất bản miệng.