Truyền thuyết chàng Sa Mộc: 30 năm cho một tác phẩm

15/11/2022 - 19:41

PNO - Tham gia Liên hoan Sân khấu Cải lương toàn quốc tại Long An, Sân khấu Đại Việt mang đến sắc màu văn hóa Tây Bắc rất khác biệt trong vở Truyền thuyết chàng Sa Mộc (kịch bản: Hoàng Song Việt - Nguyễn Thị Minh Ngọc, đạo diễn: NSƯT Hoa Hạ).

 

Trích đoạn vở diễn

 Có thể nói, Truyền thuyết chàng Sa Mộc là một trong những vở diễn được chờ đón tại Liên hoan lần này, một trong những lý do là sự kết hợp giữa ê-kíp ăn ý lâu năm gồm soạn giả Hoàng Song Việt, đạo diễn Hoa Hạ, các nghệ sĩ Tú Sương, Võ Minh Lâm… 

Nghệ sĩ Võ Minh Lâm tiếp tục kết hợp với NSƯT Tú Sương
Võ Minh Lâm - Tú Sương là cặp bạn diễn được yêu thích trên sân khấu cải lương những năm qua

Kịch bản Truyền thuyết chàng Sa Mộc được soạn giả Hoàng Song Việt ấp ủ suốt… 30 năm. Khoảng 30 năm trước, ông vô tình đọc được một bài báo về sự tích cây samu (sa mộc). Chuyện kể về một chàng dũng sĩ miền cao cùng các chiến binh nơi rừng núi nỗ lực ngăn giặc đến người cuối cùng. Từ nơi những cây giáo của các chiến binh ghim xuống, bén rễ thành cây samu – một loài cây thường thấy dọc biên giới. Đồng bào vùng cao vẫn xem loài cây có sức sống mãnh liệt này như biểu tượng cho những người lính biên phòng giữ gìn dải đất biên cương.

Chất trữ tình lãng mạn vẫn là cảm hứng chủ đạo của vở diễn.
Vở diễn kể câu chuyện anh hùng với cảm hứng trữ tình lãng mạn

Vô cùng ấn tượng về hình ảnh anh hùng và tài trí của chàng dũng sĩ, soạn giả Hoàng Song Việt mong muốn đưa bản anh hùng ca này lên sân khấu, nhưng vì nhiều lý do, câu chuyện đó vẫn nằm lại trong đầu soạn giả Hoàng Song Việt chờ thời cơ phù hợp.

Nghệ sĩ Võ Minh Lâm
Võ Minh Lâm có phần thể hiện khá táo bạo trong vở

Năm nay, khi đã có đơn vị của riêng mình, quy tụ được ê-kíp ăn ý, soạn giả Hoàng Song Việt quyết định thực hiện tác phẩm đã ấp ủ suốt 30 năm. “Câu chuyện không đề cập giai đoạn lịch sử cụ thể nên không gian sáng tạo của tôi khá lớn. Tôi chọn cộng đồng người Thái Đen vì thích trang phục của dân tộc này. Sau đó tôi biết được người Thái Đen xuất hiện ở nước ta trong khoảng thế kỷ VII đến X, rơi vào giai đoạn bắt đầu xác lập chủ quyền sau 1.000 năm Bắc thuộc mà các Tiết độ sứ họ Khúc đặt nền móng. Giai đoạn khi người dân nước ta tìm mọi cách để trở lại tự cường này lại rất phù hợp với bản anh hùng ca về loài cây samu", soạn giả Hoàng Song Việt cho biết.

Các nghệ sĩ
Đạo diễn Hoa Hạ đòi hỏi các nghệ sĩ tham gia vở phải thể hiện được các kỹ năng ca diễn lẫn vũ đạo, múa và võ thuật. Các bài múa được biên đạo Lê Việt dàn dựng riêng cho vở diễn.

Đạo diễn Hoa Hạ cũng bày tỏ sự ấn tượng với sắc màu Tây Bắc của kịch bản, một màu lạ của sân khấu cải lương nhiều năm qua cùng với Chuyện tình Khau Vai. “Câu chuyện mang chất anh hùng ca nhưng chúng tôi không chủ trương kể chuyện anh hùng mà là một bản tình ca lãng mạn, trong veo của những con người sinh ra giữa núi rừng, sống vì núi rừng và bảo vệ núi rừng như một lẽ tự nhiên”, đạo diễn Hoa Hạ cho biết.

Vở diễn
Vở diễn cũng thể hiện sự giao thoa văn hóa giữa cộng đồng các dân tộc: Thái, Tày, Việt, Hoa...

Truyền thuyết chàng Sa Mộc có sự tham gia của NSƯT Tú Sương, các nghệ sĩ Võ Minh Lâm, Trọng Nghĩa, Cao Thúy Vy, Phương Cẩm Ngọc, Chí Cường, Hồng Lan… sẽ thi diễn vào tối 15/11 tại TP. Tân An, tỉnh Long An.

Đông A

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI