Truyền thông và mạng xã hội - hai thế lực đáng sợ nhất

31/10/2019 - 06:00

PNO - Truyền thông và mạng xã hội trở thành thế lực áp đảo mà tất cả mọi người, từ trẻ em cho đến người lớn, từ một người vô danh cho đến thần tượng đều là nạn nhân.

Những bí mật đời tư bị xâm phạm, các mối quan hệ cá nhân trở thành đề tài bàn luận của công chúng, một khoảnh khắc sai lầm trở thành cái cớ để “búa rìu dư luận” vùi dập không thương tiếc, truyền thông và mạng xã hội trở thành thế lực áp đảo mà tất cả mọi người, từ trẻ em cho đến người lớn, từ một người vô danh cho đến thần tượng đều là nạn nhân.

Mạng xã hội không chừa một ai

Mallory Rose Grossman là một nữ sinh lớp sáu chăm ngoan tại New York, yêu thích thể dục dụng cụ. Nhưng ngày 14/6/2017, sau ít nhất 9 tháng bị bắt nạt trực tuyến, gia đình phát hiện Mallory chết trong tủ quần áo khi chỉ vừa bước qua tuổi 12. Tương tự, Channing Smith, thiếu niên 16 tuổi đến từ bang Tennessee tự sát bằng súng vào cuối tháng 9/2019, sau khi bạn bè đăng các cuộc trò chuyện thân mật của cậu cùng một chàng trai khác lên Snapchat và Instagram. Gia đình Grossman và Smith đang kêu gọi mọi người xem xét sự nguy hiểm của bắt nạt trên mạng và lập ra những quỹ bảo vệ cộng đồng.

Truyen thong va mang xa hoi -  hai the luc dang so nhat
Thế hệ trẻ, đặc biệt là những người sinh từ năm 1997 trở về sau, chịu ảnh hưởng nhiều hơn bởi “thế giới ảo” từ mạng internet

Nếu như sự việc đáng tiếc của hai cô cậu học sinh trên chỉ xuất phát từ nhóm bạn bè tại trường học, một trường hợp khác gần đây đã gây sốc cho cả thế giới, đó chính là sự ra đi đột ngột của nữ ca sĩ - diễn viên Sulli - “thiên thần nhỏ” trong thế giới K-pop. Là cựu thành viên của nhóm nhạc nữ (f)x, Sulli nổi bật vì cá tính và cả những câu chuyện trên mạng xã hội. 

Dù nguyên nhân cái chết của Sulli hôm 14/10 vẫn chưa được tiết lộ, mọi người đều biết cô đang phải đối phó với chứng trầm cảm. Trong nhiều năm, Sulli luôn là mục tiêu của sự bài xích từ những cư dân mạng không tán thành tính cách “nổi loạn” của cô. Nổi tiếng nhất, Sulli đăng một số bức ảnh lên Instagram trong trang phục không có áo ngực, điều này khiến nữ ca sĩ bị tấn công bởi nhiều bình luận cay độc, nói rằng cô làm tổn hại giá trị đạo đức của đất nước và làm gương xấu cho những người hâm mộ.

Một tuần sau tin dữ của Sulli, Tổ chức Báo chí Hàn Quốc công bố kết quả điều tra cho thấy, các phương tiện truyền thông đã “câu view” bằng cách lưu hành những bài báo đào sâu về cuộc sống cá nhân của Sulli mà không xác minh thông tin, đồng thời cung cấp không gian mở cho những bình luận ghét bỏ. 

Thế lực “ném đá giấu tay”

Trong hai bài phỏng vấn sau chuyến công du đến châu Phi đầu tháng Mười, vợ chồng hoàng tử Harry và công nương Meghan của nước Anh tiết lộ rằng, truyền thông khiến họ cảm thấy mệt mỏi và áp lực. Ở phía Meghan, cô luôn phải đấu tranh cùng cuộc chiến vô hình với báo chí nước Anh từ khi lựa chọn bước chân vào gia đình hoàng gia. Còn về Harry, chàng hoàng tử nói rằng, truyền thông chính là điều khiến anh luôn phải nhớ về ký ức đau buồn của công nương Diana: “Nỗi sợ lớn nhất của tôi đã lặp lại. Chứng kiến người mình yêu thương trở thành ”con mồi” chứ không còn được đối xử như một con người. Tôi đã mất mẹ, và giờ đây tôi chứng kiến vợ mình trở thành nạn nhân của thế lực mạnh mẽ này”.

“Truyền thông” và “cư dân mạng” là hai thế lực đáng sợ nhất hiện nay, vượt ra ngoài ranh giới của quốc gia và pháp luật. Dù một số nền tảng mạng xã hội yêu cầu người bình luận sử dụng tên và thông tin thật, hầu như chẳng ai phải chịu trách nhiệm về những lời nói của mình khi kích động hoặc “hùa theo” đám đông. Sự thay đổi, nếu có, phải đến từ bản thân mỗi cá nhân khi tham gia vào thế giới internet, để hiểu rằng mọi ngôn từ, thái độ trong không gian “ảo” đều có thể tác động tiêu cực đến thế giới thực và hủy hoại cuộc sống của một ai đó mà bạn có thể chưa từng, và cũng chẳng bao giờ gặp mặt. 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI