Truyền thông tạo 'sao'?

14/06/2017 - 06:15

PNO - Những nghệ sĩ nước ngoài với tên tuổi không lớn và giá trị thương hiệu không cao ngay tại bản xứ lại được thổi lên như những siêu sao khi đến Việt Nam, chẳng qua cũng chỉ để phục vụ mục đích quảng bá cho các đơn vị.

“Lỗi” nằm ở hai nhánh truyền thông.

Trước khi xuất hiện trên màn ảnh Việt cùng Nhã Phương trong phim Tuổi thanh xuân, Kang Tae Oh là cái tên còn khá mờ nhạt trong “rừng” sao xứ Hàn. 

Truyen thong tao 'sao'?

Kang Tae Oh thân thiện chụp ảnh cùng fan tại buổi giao lưu

Ngoài những album nhạc không quá đình đám (thực hiện chung với nhóm 5urprise), Kang Tae Oh cũng chỉ mới tham gia một số vai phụ trong phim Hàn. Nhưng ở Việt Nam, vai Junsu của chàng “soái ca chuẩn Hàn Quốc” khiến gương mặt sinh năm 1994 này nghiễm nhiên trở thành “sao”. Mỗi dịp xuất hiện, Kang Tae Oh đều được khán giả và truyền thông nhiệt tình săn đón.

Tình cảm của fan dành cho Kang Tae Oh là có thật. Khán giả Việt lập fanpage, thu hút hàng chục ngàn lượt theo dõi. Fan còn chịu khó “điều tra” thần tượng thích màu gì, thường ăn món gì, gu thời trang ra sao…

Thế nhưng nếu chỉ chừng ấy thì Kang vẫn chưa là gì so với chính các đồng nghiệp của anh trong cả truyền hình, điện ảnh lẫn âm nhạc; thậm chí có khi còn không bằng những ngôi sao Việt Nam đương thời. Sự “đình đám” của Kang Tae Oh ở Việt Nam phải nói thẳng là nhờ  “bàn tay” của đơn vị tổ chức sự kiện. Một lượng "khán giả" trẻ được quy tụ, tổ chức ra sân bay đón Kang đến buổi giao lưu. Đội ngũ “khán giả” này còn được tập luyện cách tạo hiệu ứng khi khách mời xuất hiện.

Chỉ cần một chút am hiểu về showbiz Việt, chúng ta sẽ biết rằng trong bối cảnh phân hóa khán giả cho các lĩnh vực, cho những tên tuổi “ngôi sao” khác nhau thì việc một sao gom được lượng fan hùng hậu, áp đảo những người khác là điều bất khả.

Truyen thong tao 'sao'?
Fan xếp hàng chờ Kang Tae Oh trong buổi họp fan năm ngoái

Những fanclub hàng chục ngàn người hay những lần đón đưa sao với cả ngàn fan ngày nay chẳng còn được mấy. Tại sân bay, lực lượng “fan chuyên nghiệp” đã xuất hiện với trang phục chỉnh tề, đội hình cực đẹp, hò hét bài bản, thậm chí rất ý thức giữ vệ sinh chung, an ninh trật tự… để được chụp ảnh đăng báo, để quảng bá chương trình.

Đó là những fan đã được tập luyện, để không chỉ lãnh tiền đón sao theo đúng hợp đồng mà còn để vỗ tay tại các gameshow, để hoạt náo không khí tại các sự kiện. Họ chính là những người đảm bảo cho việc ai đó là “ngôi sao” hay “siêu sao” theo đúng kịch bản của nhà tổ chức.

Những cách thức này không chỉ được áp dụng cho riêng Kang Tae Oh, mà dành cho cả những diễn viên Âu, Á khác từng đến Việt Nam (dù nếu hỏi, bạn sẽ biết rằng nhiều fan chuyên nghiệp còn không biết họ đang đón ai). Xét ở góc độ chủ nhà, điều đó để lại ấn tượng đẹp với các khách mời. Đối với khán giả, họ được hài lòng khi chào đón, gặp gỡ một “ngôi sao”.

Kết quả đạt được là đơn vị tổ chức sự kiện thành công về mặt quảng bá. Nhưng khán giả sẽ dễ bị lầm tưởng về danh tiếng, sức ảnh hưởng của “sao ngoại” tại đất nước của họ. Sự nhầm lẫn này quả thật tai hại khi khán giả không đánh giá đúng được giá trị của các nghệ sĩ.

Tâm lý “sính ngoại” của đại bộ phận người Việt khiến những tên tuổi chưa thật sự nổi tiếng ở chính quốc dễ dàng trở thành “sao” ở Việt Nam. Như trường hợp của “trai đẹp” Omar. Do “bị trục xuất vì quá đẹp trai”, Omar được mời đến Việt Nam để quảng bá sự kiện dù anh chẳng có tài năng gì.

Truyen thong tao 'sao'?

Thành công nhất trong “công cuộc tạo sao” của truyền thông cũng có thể kể đến Hari Won. Chỉ vì “vẻ đẹp Hàn” cùng chất giọng lơ lớ khi tham gia Cuộc đua kỳ thú mà Hari Won trở nên đắt show, thu hút một lượng fan đông đảo tại Việt Nam - điều mà bao năm cố gắng giữa làng giải trí xứ Hàn, Hari Won không thể đạt được.

Điều quan trọng nhất: các cơ quan báo chí, truyền thông tại Việt Nam tuy thừa biết năng lực thật sự của các sao; thừa biết mục đích của họ sang Việt Nam cũng như những ý đồ của các nhà tổ chức Việt lẫn những cách thức “sao” được bơm thổi, vẫn tiếp tay cho màn bơm thổi đó.

Không hề cá biệt - nhiều trang tin cứ thản nhiên đăng nội dung trong thông cáo báo chí của đơn vị mà không buồn xác nhận lại. Chức năng cung cấp thông tin chính xác cho độc giả chẳng còn. Những bài viết như “Sao A tươi tắn giữa rừng fan”, “Sao B bất ngờ vì quá nhiều người hâm mộ”… được đăng tải kèm hình ảnh nghệ sĩ trong vòng vây của các fan (chuyên nghiệp) cũng làm cho khán giả ngộ nhận về các sao, tạo ra những giá trị không thật để phục vụ ý đồ của nhà tổ chức. 

Sự khác biệt giữa “sao truyền thông” và sao tự thân có thể nhìn thấy ở  Kang Tae Oh và Go Kyung Pyo. Dù luôn được mời vào nhiều phim bom tấn của truyền hình Hàn Quốc, được xem là “phát hiện mới” của điện ảnh xứ kim chi nhưng sự xuất hiện của Go Kyung Pyo lặng lẽ hơn hẳn so với Kang Tae Oh. Đơn giản, Pyo không đóng vai chính trong sự kiện của đơn vị mời anh sang.

Tiểu Quyên - Liên Phương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI