Truyền thông quốc tế: "COVID-19 tấn công trở lại, châu Âu học hỏi gì từ Việt Nam?"

17/10/2020 - 13:45

PNO - Ngay khi COVID-19 tấn công, Việt Nam đã khống chế được dịch bệnh khiến không ít người tỏ vẻ nghi ngờ. Giờ đây, khi các nước châu Âu đang phải căng mình đối phó với làn sóng COVID-19 mới thì truyền thông quốc tế nêu tên Việt Nam như một nơi có thể tham khảo kinh nghiệm chống dịch.

Mới đây, tờ The Conversation đã đăng tải bài viết với tựa đề "Làn sóng dịch bệnh COVID-19 lần 2 đang khiến tình hình ở châu Âu trở nên tồi tệ hơn. Cần học hỏi gì từ những quốc gia như Việt Nam?".

Các nước châu Âu đang đối mặt với làn sóng COVID-19 lần 2 - Ảnh: Paul White/AP
Các nước châu Âu đang đối mặt với làn sóng COVID-19 lần 2 - Ảnh: Paul White/AP

Hãng tin quốc tế này cho biết, một số quốc gia trọng điểm của châu Âu như Anh, Tây Ban Nha, và Pháp đang trở thành “điểm nóng” trở lại với làn sóng COVID-19 lần 2 khiến hàng ngàn ca dương tính được ghi nhận mỗi ngày. Tình hình xấu đi khiến nhiều quốc gia ở châu lục này đang phải xoay xở với các biện pháp phòng chống dịch khắt khe trở lại.

“Sóng” COVID-19 sau cao hơn lần trước

Nhóm tác giả bài báo là các học giả đến từ Đại học Victoria (Úc) đã so sánh dữ liệu là số ca nhiễm ở một số nước châu Âu, và nhận thấy rằng, số ca dương tính với COVID-19 trong giai đoạn đạt đỉnh ở làn sóng COVID-19 lần mới cao hơn rõ rệt so với lần trước. Ví dụ:

Ở Pháp, đỉnh dịch ngày 31/3 có hơn 7.500 ca mắc mới trong khi đỉnh dịch ngày 11/10 có 26.675 ca mắc mới, cao gấp 3 lần trước đó.

Ở Anh, có 7.860 ca nhiễm mới vào ngày đỉnh dịch 10/4. Con số này nhảy vọt lên đến 17.540 ca cho đỉnh dịch lần 2 vào ngày 8/10.

Ở Tây Ban Nha, riêng thành phố Madrid đã có hơn 20.000 ca mắc trên tổng số 30.000 ca toàn quốc, cao hơn nhiều lần so với đỉnh dịch trước đó.

Nước Anh đang đề ra các biện pháp để đối phó với dịch bệnh đang có nguy cơ lan nhanh ở các thành phố lớn - Ảnh: Matt Dunham/AP
Nước Anh đang đề ra các biện pháp để đối phó với dịch bệnh có nguy cơ lan nhanh ở các thành phố lớn - Ảnh: Matt Dunham/AP

Tuy nhiên, theo các nhà nghiên cứu thì những con số trên chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, bởi vẫn có hàng nghìn ca lây nhiễm hoặc có nguy cơ lây nhiễm đang ở bên ngoài cộng đồng mà chưa được phát hiện.

Các biện pháp hạn chế được áp dụng trở lại

Trước tình hình ngày càng phức tạp của làn sóng đại dịch lần 2, các quốc gia châu Âu đã thắt chặt các biện pháp phòng chống dịch nhằm cố gắng hạn chế thiệt hại do COVID-19 gây ra.

Chính phủ Pháp áp đặt các lệnh hạn chế hoạt động tại các khu vực đô thị; trong đó, nhà hàng, trường học, quán bar, và phòng tập gym là những nhóm bị đóng cửa hoàn toàn.

Tây Ban Nha hạn chế việc di chuyển vào và ra khỏi trung tâm thủ đô Madrid.

Nước Anh thì đề ra một hệ thống cảnh báo và xử lý theo 3 cấp độ nguy cơ để chính quyền địa phương có sự chủ động trong ứng phó.

Một điều mà tờ The Conversation lưu ý, đó là nước Đức vốn là một hình mẫu cho việc thành công trong chống dịch lần trước; thế nhưng với làn sóng dịch lần 2 này, thủ đô Berlin “đang đối mặt với một đỉnh dịch cao chưa từng thấy trong suốt 70 năm qua”.

Các biện pháp hạn chế đang được áp dụng khắp các nước châu Âu - Ảnh: Getty Images
Các biện pháp hạn chế đang được áp dụng khắp các nước châu Âu - Ảnh: Getty Images

Châu Âu có thể học được gì từ thành công của những nước như Việt Nam?

Đó là câu hỏi được in đậm trong bài báo của tờ The Conversation khi nhắc đến Việt Nam cùng một vài quốc gia Đông Nam Á khác bởi “các nước này đã làm tốt một cách đáng kinh ngạc trong việc khống chế dịch”.

Điều đầu tiên mà nhóm tác giả bài báo nhắc đến, đó là những nước như Việt Nam, Thái Lan, và Campuchia chỉ có không quá 5 ca mắc mới trong suốt 2 tuần vừa rồi mặc dù có dân số đông.

“Đây là thành công thấy rõ mà những nước này đã đạt được”, tờ The Conversation khẳng định.

Việt Nam được đặc biệt nhắc đến như là một đất nước điển hình trong phòng chống dịch COVID-19 - Ảnh: LUONG THAI LINH/EPA/AAP
Việt Nam được đặc biệt nhắc đến như là một đất nước điển hình trong phòng chống dịch COVID-19 - Ảnh: Luong Thai Linh/EPA/AAP

Tờ báo này còn dành riêng một đoạn để mô tả các phương pháp phòng chống dịch mà Việt Nam đã áp dụng thành công:

“Tổng số ca mắc ở Việt Nam chỉ là 1.124 (số liệu đến cuối ngày 16/10), đặc biệt thấp đối với 1 quốc gia có tới gần 100 triệu dân. Cách làm thông minh của đất nước này là đội ngũ y tế tập trung xét nghiệm những nhóm đối tượng mà họ cho là có nguy cơ cao cũng như ở những khu dân cư hay tòa nhà đã có ca xác nhận dương tính.

Hệ thống y tế tiến hành tìm kiếm, truy vết để phát hiện những trường hợp có nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng, kể cả khi họ chưa có triệu chứng. Việt Nam cũng thiết lập các khu cách ly tập trung cho những người mắc COVID-19 trong nước lẫn khách quốc tế nhằm hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng”.

Du khách nước ngoài cho biết, họ cảm thấy an toàn khi ở Việt Nam kể cả trong thời điểm dịch bệnh hiện nay - Ảnh: Manan Vatsyayana/AFP
Du khách nước ngoài cho biết, họ cảm thấy an toàn khi ở Việt Nam kể cả trong thời điểm dịch bệnh hiện nay - Ảnh: Manan Vatsyayana/AFP

Có thể thấy rằng, trong khi Việt Nam đã vượt qua được cả 2 đợt dịch với những thiệt hại được hạn chế đến mức thấp nhất thì các nước châu Âu đang bước vào đợt lây nhiễm lần thứ 2 với những thách thức lớn mà chưa có giải pháp hữu hiệu để đối phó.

Và vì vậy, việc các quốc gia trên thế giới tìm hiểu những nước đã thành công trong chống dịch như Việt Nam để tham khảo và học hỏi là điều có thể hiểu được.

Nguyễn Thuận

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI