Truyền thông điệp tích cực về Việt Nam

30/12/2023 - 06:04

PNO - Trao đổi với phóng viên Báo Phụ nữ TPHCM, tiến sĩ Trần Thanh Huyền - Trưởng khoa Quan hệ quốc tế, Trường đại học Kinh tế Tài chính TPHCM (UEF) - đánh giá, hoạt động ngoại giao nhân dân không chỉ góp phần nâng cao hình ảnh, vị thế của Việt Nam mà còn tranh thủ được nguồn lực để phát triển đất nước.

Phóng viên: Bà đánh giá thế nào về hiệu quả của các hoạt động đối ngoại nhân dân trong thời gian qua, thưa bà?

Tiến sĩ Trần Thanh Huyền: Những năm gần đây, Việt Nam đã tham gia các diễn đàn nhân dân đa phương một cách tích cực, chủ động và có trách nhiệm, thể hiện được tiếng nói ở các diễn đàn thế giới. Có thể kể, Diễn đàn Hội đồng Kinh tế - Xã hội Liên hiệp quốc (ECOSOC), Ủy ban Liên chính phủ ASEAN về nhân quyền, Diễn đàn nhân dân ASEAN, Diễn đàn nhân dân Á - Âu, Hội nghị thế giới chống bom nguyên tử và khinh khí A&H, Diễn đàn nhân dân ASEAN… Từ đó, Việt Nam đã mở rộng quan hệ với hàng ngàn tổ chức nhân dân trên khắp thế giới.

Đặc biệt, chúng ta đã tham gia giải quyết các vấn đề quốc tế và khu vực, góp phần nâng cao uy tín của các tổ chức nhân dân Việt Nam. Năm 2022, lần đầu tiên, Việt Nam đăng cai và tổ chức thành công Đại hội lần thứ 22 Hội đồng Hòa bình thế giới, cho thấy sự đóng góp tích cực và đầy trách nhiệm của Việt Nam vào các hoạt động của hội đồng nói riêng và phong trào hòa bình thế giới nói chung.

Với tinh thần “tranh thủ tối đa các nguồn lực bên ngoài” để phát triển kinh tế, xã hội, các cơ quan, tổ chức của Việt Nam đã tích cực vận động các tổ chức phi chính phủ nước ngoài hỗ trợ kinh phí cho các dự án phát triển và an sinh xã hội trong nước. Từ năm 2021 đến tháng 6/2023, có 421 tổ chức phi chính phủ nước ngoài hoạt động thường xuyên tại Việt Nam với tổng giá trị viện trợ được giải ngân trung bình 228,3 triệu USD/năm. Các khoản viện trợ này tập trung vào một số lĩnh vực ưu tiên của Việt Nam như y tế, phát triển kinh tế, giải quyết các vấn đề xã hội, giáo dục - đào tạo, ứng phó biến đổi khí hậu… đóng góp tích cực vào công tác giảm nghèo và phát triển bền vững tại Việt Nam.

Tất cả các hoạt động của các hội, liên hiệp hội địa phương đã góp phần truyền tải thông điệp về một Việt Nam “là bạn, là đối tác tin cậy, là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế”, giúp nâng cao vị thế, vai trò, hình ảnh của Việt Nam.

* Sự song hành của ngoại giao nhân dân với hoạt động đối ngoại chính thức của Đảng và Nhà nước những năm qua diễn ra như thế nào, thưa bà?

- Công tác đối ngoại nhân dân thành công mang đến hình ảnh đất nước Việt Nam hữu nghị, hòa hiếu với bạn bè quốc tế, tạo nền tảng thuận lợi cho đối ngoại đảng và ngoại giao nhà nước. Trong các chuyến thăm, làm việc của lãnh đạo Đảng, Nhà nước với người đồng cấp các nước, luôn có các hoạt động của các tổ chức liên hiệp hội hữu nghị của 2 bên. 

Các hoạt động ngoại giao nhà nước là nhằm đạt được các cam kết, thỏa thuận có giá trị ràng buộc về pháp lý, còn hoạt động đối ngoại nhân dân góp phần thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau, biến sức mạnh vô hình về mặt tinh thần thành những kết quả hữu hình, như các dự án hợp tác, viện trợ, các hoạt động đoàn kết, ủng hộ, qua đó huy động nguồn lực hỗ trợ cho sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Ngoại giao nhân dân tiếp tục khẳng định là một kênh tiêu biểu của “ngoại giao tâm công”, chinh phục trái tim và khối óc, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân các nước đối với Việt Nam thông qua công cụ chính là thuyết phục, vận động.

* Có thể hiểu, đối ngoại nhân dân là “mỗi người dân đại diện cho đất nước truyền tải những thông điệp tích cực về văn hóa, đất nước, con người Việt Nam đến bạn bè thế giới”. Theo bà, làm sao để khuyến khích mỗi người dân ý thức hơn về ngoại giao nhân dân?

- Trong lễ trao giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ chín, năm 2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nói: “Chúng ta phải viết nên những câu chuyện sinh động, cuốn hút, giàu bản sắc, mang đậm tính dân tộc để thế giới biết, hiểu, đồng hành, tin tưởng, yêu mến, ủng hộ Việt Nam, đưa các thông điệp của Việt Nam đến với bạn bè quốc tế, đồng thời kêu gọi sự hỗ trợ, ủng hộ của các nước để góp phần làm nên một Việt Nam tỏa sáng trong lòng bạn bè quốc tế”. 

Để thực hiện được điều đó, cần phải huy động sức mạnh của người dân, nhất là các bạn trẻ, để “mỗi người dân là một vị đại sứ trong công tác thông tin đối ngoại, mỗi một người bạn trên khắp 5 châu phải trở thành nhịp cầu gắn kết chặt chẽ thế giới với Việt Nam” như lời Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nói. Cần xây dựng các chính sách, tổ chức các hoạt động giúp người dân - đặc biệt là thế hệ trẻ - hiểu được tầm quan trọng của ngoại giao nhân dân, thúc đẩy hiểu biết toàn cầu và đóng góp vào sự phát triển quan hệ ngoại giao của đất nước.

* Xin cảm ơn bà

Minh Linh (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI