Truyền nghề truyền cả đam mê giúp đời

23/12/2020 - 07:38

PNO - Hơn mười năm qua, vợ chồng họ đã truyền nghề đan móc len cho hàng trăm chị em phụ nữ khó khăn, khuyết tật. Không chỉ vậy, họ còn truyền cho học viên cả niềm đam mê giúp đời.

Năm nay chị Đinh Thị Tuyết Đào, 50 tuổi. Cách nay 46 năm, khi cô bé Đào mới lên bốn, bệnh sốt bại liệt đã khiến chân trái của cô bé teo dần. Từ đó việc đi lại của cô phải nhờ vào chiếc nạng gỗ và sự giúp đỡ của người khác. Dù nhà nghèo, nhưng cô bé tật nguyền vẫn kiên trì theo học hết bậc phổ thông rồi mới bước ra đời bươn chải kiếm sống. Cô thuê mặt bằng gần Trường THPT Lê Thánh Tôn, Q.7 để bán văn phòng phẩm. Và tại đây cô đã gặp gỡ một khách hàng đặc biệt là anh Nguyễn Hữu Phước - giáo viên dạy nghề đan móc len ở Trường Đa Thiện (H.Nhà Bè cũ). Sự đồng cảm và gắn kết với len đã gắn kết anh chị với nhau. Sau khi nên duyên vợ chồng, anh vẫn đi dạy nghề, còn chị vẫn buôn bán văn phòng phẩm. 

Nhưng việc buôn bán ngày càng ế ẩm, hai đứa con lần lượt ra đời khiến cuộc sống gia đình chị lâm vào khó khăn. Nhìn các con cực khổ, mẹ chồng chị khuyên: “Hay tụi con chuyển sang nghề đan áo len bỏ chợ đi. Xưa giờ má chỉ có nghề này mà nuôi bảy anh em thằng Phước khôn lớn”. Vốn biết nghề đan móc len từ nhỏ nên chị Đào nghe má chồng, thử vận may. Gom hết vốn liếng, chị đan một số mẫu áo len, khăn len rồi đem đi chào hàng ở các chợ. “Hai vợ chồng mày mò làm, làm xong 5-10 mẫu thì anh Phước lại chở tôi đi từng chợ giới thiệu hàng. Nhà ở Q.7, nhưng chợ nào trong thành phố, từ Xóm Chiếu, Bà Chiểu, Tân Bình cho đến Bình Tây… chúng tôi đều tới. Anh kiệm lời, tôi thì đi đứng khó khăn, lại không biết chạy xe, nên hai vợ chồng lúc nào cũng phải đi cùng nhau. May mắn là các mẫu hàng của mình khách đều thích thú…” - chị Đào kể. Rồi chị lại được Hội Phụ nữ phường giúp vay 10 triệu đồng vốn để đầu tư, mở rộng công việc. 

Lớp học đan len cho phụ nữ khó khăn của vợ chồng chị Đào - anh Phước
Lớp học đan len cho phụ nữ khó khăn của vợ chồng chị Đào - anh Phước

Trong công việc của mình, chị Đào cố gắng tìm tòi, sáng tạo ra những mẫu mã mới, đa dạng về chủng loại và chú trọng trong từng sản phẩm. Từ áo ấm cho trẻ em, chị làm thêm áo cho người lớn, khăn, nón, vớ… và kiên trì thuyết phục các sạp ở chợ nhận hàng. Công việc thuận lợi, chị lập cơ sở đan len tại nhà và sau đó thành Công ty TNHH Đan len Phước Đào (174/12 Lê Văn Lương, khu phố 2, P.Tân Hưng, Q.7). 

Hơn mười năm làm nghề cũng là từng ấy thời gian vợ chồng chị mở lớp truyền nghề cho các chị em nghèo khác trong khu phố, người khuyết tật, người đã lớn tuổi khó xin việc, người bận bịu chăm con nhỏ… Mỗi lớp anh chị dạy từ 15-20 người. Một khóa học cơ bản hai tháng, nâng cao bốn tháng. Người bình thường chị thu tiền; người được Hội giới thiệu hộ nghèo, gia đình khó khăn, chị miễn giảm học phí; người khuyết tật, chị tìm nguồn trợ giúp. Thậm chí có Mạnh Thường Quân còn giúp xe đưa đón học viên từ lúc vào lớp cho đến lúc ra nghề. Chị Ngô Thị Anh Thư - học viên lớp học nghề đan len do Hội LHPN Q.7 phối hợp Công ty Phước Đào tổ chức - kể: “Thầy cô tận tụy với học viên vô cùng. Dưới sự hướng dẫn của thầy cô, chúng tôi hầu như ai cũng làm được. Nhờ thầy cô, giờ tôi có nghề, có việc làm, thấy vui lắm”.

Được sự động viên của vợ chồng chị Đào, chị Huỳnh Thị Út ở Q.8, sau khi học nghề xong đã mạnh dạn đứng ra tập hợp chị em thành một nhóm đan móc len theo yêu cầu và cung cấp các mặt hàng đan móc len thủ công. Nhóm hoạt động không chỉ thuần để tăng thu nhập mà còn tham gia nhiều hoạt động thiện nguyện với cộng đồng. Mùa dịch covid-19, các chị đan tai giả tặng các y bác sĩ. Mùa bão lũ miền Trung, các chị lại đan áo ấm tặng đồng bào. Chị Huỳnh Nguyệt Ánh - Chủ tịch Hội LHPN Q.7 - nói: “Kể về sự đóng góp, trợ giúp của vợ chồng chị Đào với những mảnh đời khó khăn, bất hạnh thì kể hoài không hết. Điều đáng quý là tấm gương, nghị lực và tấm lòng nhân ái của anh chị đã truyền cảm hứng đam mê đến nhiều học viên. Họ học nghề và học cả lối sống giản dị, yêu thương con người để mà dang tay giúp đỡ mọi người”.

Chị Đào nói: “Tôi mang ơn Hội nhiều lắm. Chính Hội đã tiếp sức và cùng vợ chồng tôi từng bước vượt qua khó khăn để phát triển cơ sở đan len Phước Đào thành Công ty TNHH Đan len Phước Đào như ngày hôm nay”.

Sự trợ giúp của Hội với chị không chỉ là nguồn vốn 10 triệu đồng ban đầu, vốn vay quay vòng lên hơn 50 triệu sau này, mà còn là những suất học bổng để con trai của chị vào được giảng đường đại học và nuôi lớn những ước mơ nơi con gái; là việc Hội LHPN các quận 4, 7 và 8 đã phối hợp để chị tổ chức truyền dạy nghề giúp chị em phụ nữ khó khăn; là Hội luôn nhớ đến chị khi có những khóa huấn luyện từ cơ bản đến nâng cao cho người khởi nghiệp. Mới đây, Trung ương Hội LHPN Việt Nam đã hỗ trợ cho doanh nghiệp của chị 10 triệu đồng để vượt qua khó khăn do dịch bệnh, chị đã nảy ý tưởng “mở” cửa hàng len Phước Đào để bán hàng online, nuôi sống chính mình và nhân viên trong mùa dịch bệnh khó khăn… 

Hạnh Chi

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI