Truyện ngắn: Xuôi dòng tình về

11/07/2022 - 17:48

PNO - Mùa mưa năm đó, mái nhà Hường bị giật tung khỏi vách.

Gió giũ phần phật suốt đêm, căn nhà rung lên như giãy chết trong cơn đuối nước. Cả đêm đó mất ngủ, Hường chạy trước chạy sau che đậy mấy món đồ đạc cho khỏi ướt, gom hết nồi thau ra hứng mưa dột. Cả người Hường sũng nước. Thỉnh thoảng gió lại hú lên, nghe ớn lạnh. Gần sáng, mưa ngớt, Hường ngồi bó gối bất động, đến cả đôi mắt cũng không chớp. Hồi đó, Hường vẫn chưa chồng. Hàng xóm nói nhìn Hường tội nghiệp quá chừng. Không có đàn ông bên cạnh lúc gió mưa thì khổ lắm. Có bề gì làm sao mà trở tay cho kịp. Hường cười nói: “Ở một mình riết rồi cũng quen”. 
 

Ảnh Khắc Hiếu
Ảnh Khắc Hiếu

Nghe tin nhà Hường tốc mái, Linh liền chèo xuồng đi mua lá dừa về lợp lại ngay bữa đó. Hường mừng đến rưng rưng nước mắt. Không có anh, Hường không biết phải làm sao để chống chọi với mùa mưa bão này. Mái nhà được lợp lại tươm tất. Anh ngồi trên cây xà ngang, lưng mướt mồ hôi, kỹ lưỡng buộc từng tay lá. Hường đứng bên dưới, ngước cổ lên nhìn anh chờ anh gọi để phụ việc.

Người ngoài trông vào, thấy họ như cặp vợ chồng; dù nhìn từ sau lưng hoặc nghiêng một góc chéo, kiểu gì cũng thấy đẹp đôi. Đến chiều thì xong việc, Hường mời anh ở lại ăn cơm. Nấn ná một hồi, cuối cùng anh lại từ chối, nói còn mẹ già ở nhà, tranh thủ về kẻo mẹ trông. Nghe vậy, Hường cũng không tiện giữ lại, đành đứng trên bờ, lặng lẽ dõi theo bóng lưng anh chèo chiếc xuồng qua bên kia sông, phía cây gáo già, chỗ bến nước Hường quen thuộc đến từng bậc đá.

Thấy anh từ mé sông bước lên bờ, mồ hôi nhễ nhại, lủi thủi đi thẳng vô bếp, dì Ba ngước về phía bên kia sông, thở dài, thầm nghĩ: “Cái thằng tánh thiệt kỳ cục…”.
***

Suốt ngày, Linh phơi lưng ngoài đồng nắng, mặt mũi đen đúa, tóc cháy xơ cứng như nắm dây cước. Tính anh ít nói, lầm lì suốt ngày, bởi vậy khó biết anh nghĩ gì trong lòng. Dòng sông còn có lúc lên lúc xuống, lúc chảy xiết, lúc lững lờ trôi… vậy mà đoán được, còn lòng anh sao mà khó đoán.

Hường chờ hết mùa trăng này đến mùa trăng khác, trăng mười lăm vẫn tròn mà lòng cô còn đang khuyết, chờ một nửa kia. 

Ba Linh mất sớm, để lại một mảnh ruộng nhỏ, hai mẹ con chật vật cũng sống qua ngày. Anh chịu khó làm ăn nhưng cũng chỉ đủ nuôi mẹ già. Vậy mà cái nghèo cứ bám theo anh mãi chẳng chịu buông.
Lâu lâu, Hường lại sang giúp dì Ba nấu cơm. Mỗi lần như vậy, cô lại tự hỏi tới khi nào căn bếp này mới thuộc về mình. Cô không bỏ tiêu vào cá kho mà bỏ hành, không nêm ớt vào canh mà để ngò vì anh không ăn cay được. Dì Ba nhìn Hường mà mắt tự dưng ươn ướt, vội giơ tay áo chùi lia lịa như sợ Hường bắt gặp.

Mỗi bữa thấy anh đi làm về mình mẩy lấm lem bùn đất, mồ hôi nhễ nhại, Hường đi vào trong lấy khăn tắm cho anh, dịu dàng nói: “Anh tắm xong vô ăn cơm, Hường với dì đợi”. Anh không nhìn thẳng vào mặt Hường, ngó bụi cỏ dưới chân nói “cảm ơn”. Hường nghĩ bụng: “Không biết tới lúc nào anh mới hết khách sáo với mình?”.

Lên mâm cơm, anh không nói tiếng nào, chỉ cúi đầu cắm cúi ăn. Hường tính nói: “Anh ăn từ từ thôi, coi chừng mắc nghẹn”, nhưng rồi lại thôi. Rồi anh bỏ đũa xuống, nói mình no rồi. 

Anh ra đưa võng mắc giữa hai cây dừa, gác tay lên trán, nhắm hờ mắt như đang ngủ. Hường thẫn thờ bước ra sau vườn, nhìn anh mà muốn khóc. Cô bước tới gần chỗ anh hỏi: “Bộ anh ghét Hường lắm hả? Sao cứ tránh mặt Hường hoài vậy?”. Anh không trả lời, vẫn giả vờ như mình đang ngủ, nhưng Hường biết anh nghe rõ hết lời mình.

Một bữa, Hường tới bên cái võng anh thường nằm, vừa khóc vừa nói: “Đây là bữa cơm cuối cùng Hường nấu cho anh và dì, mai mốt Hường theo chồng rồi”. Đôi mắt anh đang nhắm càng nhắm chặt hơn, như sợ có vật gì đó rơi ra khỏi khóe mắt. Đôi vai anh khẽ run. Anh vẫn vờ như đang ngủ.

“Chắc đây là lần cuối Hường ở đây nói chuyện với anh. Ít bữa nữa Hường theo người ta về huyện, biết khi nào mới gặp lại. Vậy mà anh không có gì để nói với Hường sao?” - giọng Hường vẫn nghèn nghẹn. Anh mở mắt ra nhìn Hường, lòng đau như cắt nhưng vẫn cố giữ bình tĩnh để không rơi nước mắt: “Chúc Hường trăm năm hạnh phúc”.

Trên má Hường như có dòng sông trôi chầm chậm giữa trưa hè nắng gắt. Cô vừa quay lưng ngậm ngùi bỏ đi, nước mắt Linh bắt đầu rơi lã chã. Anh khóc rưng rức, lâu lâu còn nấc lên vài tiếng nghèn nghẹn. Anh còn biết nói gì hơn. Tiếng yêu anh không gánh nổi, phận nghèo khó nói lắm, Hường ơi!

Bữa đó, dì Ba đứng nép sau vách nghe được chuyện, bấm tay vô cán chổi giận thằng con mình sao mà khờ. Hường vừa đi khuất, bà cầm chổi ra rượt đánh đứa con đã gần 30 tuổi đầu mà lời thương còn không dám nói. Chạy đuổi một hồi, thấy bà thở hổn hển, anh đứng lại cho bà đánh, tới khi nào mỏi tay thì thôi. Những phát đánh không đau, chắc là dì đánh nhẹ hoặc cơn đau đó không thấm thía gì với cơn đau trong lòng anh bây giờ. Bà cứ ngỡ con trai mình hiểu được tâm ý của Hường, nào ngờ nó tỉnh bơ nhìn Hường đi lấy chồng. Cả làng ai nhìn vô cũng biết là Hường thương Linh, vậy mà người trong cuộc không biết sao? Đánh một hồi, dì Ba giận hỏi: “Mày không thương con Hường, vậy mày thương ai?”. Thấy mẹ mình khóc, anh cũng khóc theo, giọng nghẹn ngào: “Dạ, con thương Hường nhiều lắm, má ơi!”. Anh quỳ thụp xuống nền đất, đưa đôi tay chai sần, khô ráp ôm mặt mà khóc.
Đêm đó, anh ngồi nói chuyện với má hồi lâu. Anh nói rất nhẹ mà sao bà khóc thật nhiều. Má ôm Linh vào lòng như những ngày còn thơ, khóc nức. Cái nghèo lẽo đẽo theo chân anh từ năm này qua tháng nọ. Đôi lần, anh muốn nói tiếng thương với Hường mà không thốt thành lời. Anh lánh mặt, anh trốn tránh, anh thờ ơ để Hường từ bỏ tình cảm với anh mà có một cuộc sống mới, hạnh phúc đủ đầy. Anh không xứng với Hường, anh chỉ là một thằng nghèo xơ xác. Hường xứng đáng nhận được những điều tốt đẹp nhất mà anh không thể có.
***

Trước ngày đám cưới, Hường qua nhà dì Ba từ biệt. Thấy Linh ngồi ngoài hàng ba nhâm nhi chai rượu đế, cô ngạc nhiên vì từ đó đến giờ anh không uống rượu. Dì Ba biểu Hường ngồi xuống cho bà chải lại tóc, mái tóc dài đen huyền thoang thoảng mùi thơm hoa bưởi. Bà chải thật nhẹ nhàng, vừa chải vừa nói: “Dì sẽ chải thiệt mượt để ngày mai con trở thành cô dâu thiệt xinh đẹp”. Rồi dì dặn: “Về đó nhớ giữ gìn sức khỏe nha con!”. Tự dưng Hường cảm thấy lành lạnh trên đầu. Không thấy được mặt dì, Hường chỉ nghe tiếng hít nước mũi khe khẽ.

“Cái thằng coi vậy mà có hiếu dễ sợ. Dì biểu nó lấy vợ, rồi sinh con cho dì có cháu ẵm bồng với người ta mà nó không chịu, đòi ở vậy nuôi dì. Nó thương người ta dữ lắm mà hổng dám nói, sợ cái nghèo quanh quẩn làm người ta khổ” - dì Ba run run nói trong nước mắt.

Hường vùng chạy ra ngoài hàng ba, ngồi xuống trước mặt Linh. Cô ngó lơ chỗ khác, nhìn ra đám cây bạch đàn xụi lơ trước gió. Ngọn đèn dầu leo lét rọi vào gương mặt lộ rõ vẻ buồn man mác và hốc hác của anh.

“Cho em uống với” - Hường chậm rãi nói.
Anh rót cho Hường một ly vơi, cô nói: “Rót đầy uống mới đã”. Anh không cản, cũng chẳng nói gì. Anh buồn. Hường cũng buồn chứ có sướng gì. Cô nhắm mắt, nhăn mặt mà uống, dù có cay đắng cũng phải nuốt vào lòng. Rồi cô nhìn anh hỏi: “Bộ anh hổng thương em thiệt hả?”. Lần này, anh cầm cả chai tu ừng ực, khà một tiếng dài. Rượu cay quá làm anh rơi nước mắt. Cách xa cả khoảng mà Hường còn nghe vị cay nơi cuống lưỡi. Nó gặm mòn câu trả lời của anh trước khi kịp bật ra ngoài.

Chiếc lúp che lên gương mặt Hường mờ mờ nhưng rõ ràng đôi mắt ấy đang ươn ướt. Ngoái lại nhìn căn nhà nhỏ xập xệ, có dì Ba đang đứng trước hàng ba trông theo, có Linh đang ngồi uống rượu, có mấy cây bạch đàn vẫy vẫy trong gió, có tiếng chó sủa inh ỏi. Mọi người cười hỉ hả, không ai để ý ánh mắt thẫn thờ, man mác buồn của Hường. Hường quay đầu nhìn lại thêm lần nữa, mong bắt gặp ánh mắt hay cử chỉ luyến tiếc của người ta. Nhưng không, Hường chỉ thấy dì Ba ngóng theo. Bà chạy ra tận mé sông nghiêng mình ngó theo còn anh đang gắp mồi mà gắp hụt, chắc anh say thật rồi.

Hường được mặc đồ mới, tay đeo vàng, mặt thoa phấn, môi tô son làm mấy chị em trong xóm thầm ganh, ước mình cũng có một tấm chồng như vậy. Mấy cô, mấy dì bán cá ngoài chợ cũng tích cực bàn tán: “Con nhỏ này thấy vậy mà có phước hết sức vì có được thằng chồng thương yêu, chiều chuộng hết cỡ”.

Một hôm, Hường đi chợ tình cờ gặp Linh. Thấy Hường, anh thoáng ngạc nhiên. Nhìn Hường xác xơ, tiều tụy. Mái tóc dài bềnh bồng từng làm anh đắm say giờ trở nên cằn cỗi và cháy nắng. Trên mặt chị có nhiều vết bầm tím, cả mờ lẫn đậm. Hường quay mặt bước nhanh đi chỗ khác nhưng anh vẫn gọi với theo, tiếng gọi níu chân cô lại: “Dạo này, Hường vẫn khỏe chứ?” - anh ngập ngừng hỏi. Nhìn bộ dạng của Hường cũng biết câu trả lời nhưng Hường vẫn gượng mỉm cười, ngượng ngùng đáp: “Em vẫn khỏe”.
Lòng anh như thắt lại, đau đến khó thở. Anh cứ tưởng Hường có chồng giàu sẽ được sung sướng, hạnh phúc.

“Bộ em bị chồng đánh à?” - anh nghẹn ngào hỏi.
“Em không sao, thấy vậy chớ ảnh thương em lắm. Ít ra ảnh còn dám nói thương em chớ không im lặng rồi bỏ mặc em một mình, đẩy em cho người khác” - Hường nhẹ nhàng đáp rồi quay lưng bước đi. Anh nhìn theo bóng lưng cô mà xót xa. Hàng loạt cảm xúc ùa về bùi ngùi, day dứt…
***
Dưới cái nắng chang chang đến cháy da của mùa hè, Linh vẫn lặn lội ra đồng làm cỏ, bắt sâu, mong có được một vụ lúa khấm khá. Thấy anh ngồi dưới gốc bạch đàn nghỉ mệt, ông Năm gọi: “Vô đây uống miếng nước với chú, ngồi ngoài đó chi cho nắng”.

Anh bước vào căn chòi nhỏ, ngồi xuống bộ vạt tre, uống ly trà còn hâm hẩm. Từng cơn gió lùa vào vách lá, lướt qua mấy gương mặt lấm tấm mồ hôi, đen sạm. Cơn gió như tưới mát tâm hồn đang cằn cỗi.
Ông Năm buông tiếng thở dài ngao ngán, hỏi: "Bây hay chuyện gì chưa?”. Đôi mắt Linh khẽ nhíu lại, anh lắc đầu. Một chút cảm thương pha giận dữ. Ông uống một ly trà, nói: “Thằng chồng của Hường thấy vậy mà tệ quá, bây ơi! Cứ nhậu xỉn là lôi con nhỏ ra đánh nhừ tử. Nó nói con nhỏ là đồ “cây độc không trái, gái độc không con”.

Hồi sáng tao mới ra chợ mua đồ, thấy nó đem đồ đạc của con nhỏ quăng ra đường hết, đuổi ra khỏi nhà. Rồi nó dắt con nhỏ nào ở xóm trên về, cái bụng bự chảng rồi. Tao thấy con Hường tay xách một mớ đồ lủi thủi đi về nhà, nhìn tội lắm”.

Linh nghe mà lòng quặn lên từng cơn đau như tiếng chuông ngân dài, day dứt. Mắt anh rưng rưng. Trên đường về nó cứ chảy mãi, như một dòng thác từ trên cao đổ xuống. Vừa về tới, Linh lật đật chèo xuồng qua nhà Hường. Dòng sông xanh thẳm, êm đềm mà sao dài rộng đến thênh thang. Anh nắm chặt tay chèo, cố dùng sức chèo cho nhanh. Cập bến, anh thấy Hường ngồi dưới một đám cỏ xanh, hai tay ôm đầu gối, mặt cúi xuống đất, thút thít, sau đó là nức nở.

Ngôi nhà nhỏ do chính tay anh cột từng đôi lá giờ đã xác xơ, trơ trụi giữa nắng mưa nghiệt ngã của cuộc đời. Cả hai lặng nhìn nhau không nói. Chữ thương anh đã cất ở đâu đó lâu lắm rồi. Từ lúc Hường đi lấy chồng, anh đã không dám nghĩ tới, nên quên. Ánh mắt Linh nồng nàn, thiết tha như muốn xoa dịu vết thương tâm hồn lẫn thể xác mà Hường đã chịu đựng trong nhiều năm qua. Anh bước tới ngồi bên cạnh Hường, rụt rè nói: “Hay Hường về ở với tui nghen? Mình có rau ăn rau, có cháo ăn cháo, tui sẽ không bao giờ làm Hường đau…”.

Chưa bao giờ Linh nói nhiều tới vậy. Anh nói như thể đây là cơ hội cuối cùng.

Dòng sông vẫn trôi như bao đời nay phù sa xứ này bồi lở vẫn luôn che chở cho biết bao đứa con của quê hương. Đi qua dâu bể thác ghềnh, dẫu muộn mằn thì con nước châu thổ vẫn xuôi về đồng bưng thể như con người ta hễ còn duyên thì cứ xuôi dòng mà tình theo về.

Trần Quốc Giàu

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI