Chồng tôi là con út nên chúng tôi sống cùng mẹ, còn vợ chồng anh Hai ra riêng.
Mẹ chồng tôi rất hiểu biết nên cuộc sống chung với bà khá dễ chịu. Cha chồng mất trước khi tôi về làm dâu sáu năm, nhưng tôi luôn có cảm giác mình biết rõ về ông vì mỗi lần giỗ cha thì mẹ, anh Hai và chồng tôi đều hay kể lại những kỷ niệm về ông một cách thương kính.
Tôi nghĩ bà yêu và nhớ ông nhiều lắm vì sáu năm qua, có người đàng hoàng tử tế ngỏ lời và các con trong nhà cũng đều ủng hộ mẹ đi bước nữa nhưng bà lắc đầu. Nựng nịu cu Tý con tôi, mẹ chồng thường nói: “Lớn lên hãy giống ông nội nghe con”. Góp nhặt qua lời kể, tôi hình dung cha chồng là một người đàn ông chăm chỉ làm ăn, tốt bụng với mọi người, hết lòng chăm lo cho vợ con.
Thật bất ngờ, vào ngày giỗ ông, một cô gái xuất hiện, xin phép được đặt hộp trái cây lên bàn thờ và thắp nhang.
Từ ngày về làm dâu, vào ngày giỗ, chưa bao giờ tôi thấy có người khách nào. Sau thì tôi hiểu đó là dịp quây quần với kỷ niệm về cha nên mẹ muốn chỉ con cháu trong gia đình đầm ấm với nhau mà thôi. Tôi nghĩ, cô gái đó có lẽ là một trong những nhân viên từng được cha giúp đỡ.
Cả nhà ngừng trò chuyện, đợi nghe cô kể chuyện mình được giúp thế nào và hai bên nói lời cảm ơn nhau, rồi thì tiễn cô ra cửa. Thế nhưng, cô gái cứ lần khần. Sau khi cắm nhang vào lư, cô mở nắp hộp trái cây, sắp xếp lại thành hình tháp, sửa sang mấy cái chân nhang cho thẳng thớm… Một hồi, chừng như không biết làm gì nữa, cô quay nhìn mẹ, mặt mũi đỏ ửng, rồi bật ra:
- Dạ, con tên Tú Vân, là con của…
Cô chỉ tay lên khung hình trên bàn thờ. Cả nhà chúng tôi đều sửng sốt.
- Con đã định không bao giờ… nhưng vì má con mất rồi mà con sắp lấy chồng, nhà người ta muốn biết gốc gác… cho nên con… Xin bác và anh chị thông cảm - cô lắp bắp tuôn thật nhanh như sợ ngừng lại thì không thể nói tiếp được - Con chỉ làm phiền gia đình mình lần này thôi…
Ra là cha mẹ chồng tôi từng ly hôn, sau hai năm thì hàn gắn. Trong hai năm đó, ông có qua lại với một phụ nữ.
***
Sau ngày giỗ đó, mẹ chồng tôi lặng lẽ hẳn. Vợ chồng anh Hai tối nào cũng gọi điện hỏi tôi: “Mẹ sao rồi?” và tôi cũng thì thầm trả lời: “Vẫn vậy thôi”.
Chồng tôi thì ngượng ngùng phân bua với vợ:
- Anh cũng bất ngờ như em. Khi đó anh còn nhỏ quá nên không nhớ gì. Hình như là anh không biết luôn.
Vì đã nói nhiều điều tốt đẹp về ông nên giờ đây mẹ và chồng tôi rơi vào bẽ bàng. Tôi trở thành người an ủi cả hai. Tôi nói với chồng:
- Em thật lòng tin anh không biết, bởi vì ngay tụi mình đây, mỗi khi cãi nhau cũng đâu để cu Tý phải nghe. Nói dại, nếu lỡ tụi mình chia tay thì em sẽ nói với Tý là anh đi công tác xa, đợi tới khi con lớn tự hiểu được thì tính sau.
Rồi tôi hỏi mẹ: “Hồi đó có phải mẹ nói dối anh Hai và chồng con là ba đi công tác xa?”. Mẹ thở ra một hơi dài như chỉ mong tôi hỏi vậy cho mẹ được nhẹ lòng:
- Ừ, việc nói dối đó không gặp trở ngại nào bởi ba con thường xuyên về thăm hai đứa nhỏ. Vợ chồng chia tay nhưng ba có trách nhiệm với con cái lắm. Cũng vì vậy nên mẹ mới chịu trở lại.
Người đàn ông thương con và có trách nhiệm thì sao có thể bỏ rơi Tú Vân? Câu hỏi hiện ra trong đầu tôi mà không dám thốt thành lời vì sợ gây thêm một vết thương hoặc là có thể băng bó vết thương với một câu hỏi khác rằng khi quay về hàn gắn, ông không biết người phụ nữ đó đã có thai.
Tôi chọn tình huống thứ hai để nói chuyện với mẹ chồng. Mẹ bừng lên tia hy vọng mong manh rằng người đàn ông của mình vô tội và những kỷ niệm đẹp ông để lại vẫn tiếp tục lung linh.
- Làm sao biết chắc là con nói đúng? - Mẹ khẽ khàng.
- Con sẽ tìm cách để biết ngày tháng năm sinh của cô ấy.
***
Đúng là Tú Vân sinh ra sau chín tháng cha chồng tôi quay về hàn gắn, tôi biết điều này nhờ đọc Facebook của cô. Cũng từ trang Facebook ấy, tôi thấy những tấm ảnh chụp một phụ nữ bế đứa con nhỏ mà tấm nào bà cũng quay lưng lại, chỉ thấy khuôn mặt em bé lớn lên dần theo thời gian. Hình như người phụ nữ ấy là thợ may hay thợ thêu vì có những tấm ảnh chụp đứa bé ngồi giữa đám vải vóc và mớ ren tua rua vui mắt cùng những tép chỉ bóng nhiều màu. Không thấy có bóng dáng người cha.
Ảnh mới nhất là một mẫu áo dài cưới màu hồng thắm kết hình đuôi phượng và status mới nhất: “Đứng trước đại dương mà không có thuyền và cũng không biết bơi, mình cần rất nhiều can đảm và cả liều lĩnh nữa”. Là Tú Vân muốn nói tới đám cưới hay là việc xuất hiện vào ngày giỗ đó?
Cuối tuần đi siêu thị, thấy Tú Vân đẩy xe về phía mình, tôi đang phân vân không biết nên bắt đầu thế nào thì Tú Vân đã đến trước mặt tôi.
- Chào chị - Tú Vân nói với miệng cười ngượng ngùng.
- Chào Tú Vân.
Tôi đáp lời và nhìn vào xe hàng của cô, trên cùng có mấy bịch ren, voan và hạt đá lóng lánh.
- Em muốn tự tay kết khăn voan đội đầu và kết hoa cho áo dài cưới mà không biết có ra gì không.
Nghe như là một cô gái khéo tay. Giống mẹ chăng?
- Ngày đó em mời chị được không? - khuôn mặt Tú Vân đỏ ửng.
Cả hai chúng tôi đứng khựng nhìn nhau một hồi, rồi Tú Vân khe khẽ: “Nếu vợ chồng chị cùng đi thì em cảm ơn nhiều lắm”. Nghe giọng cô nài nỉ mà nao lòng. Tôi hiểu, nói mời tôi nhưng thật ra Vân mong chờ sự có mặt của chồng tôi, tức là anh trai của cô. “Nhà người ta muốn biết gốc gác” - tôi nhớ lời nói hôm nào và cảm thấy xót xa giùm.
Tôi cũng từng là cô dâu mới ra mắt nhà chồng, cũng từng dành những tốt đẹp về gia đình ruột thịt của mình với mong muốn mình được nhà người ta trân trọng. Tú Vân có gì để trả lời cho những câu hỏi mà cha mẹ chồng nào cũng muốn biết về cô dâu của con trai mình?
-Để chị nói với anh xem sao. Chị sẽ rủ cả vợ chồng anh Hai nữa. Tôi bật thốt rồi sợ mình gieo hy vọng quá sớm, vội nói thêm: “Nhưng mà chị không dám chắc đâu nghe”.
Tú Vân mỉm nụ cười tội nghiệp. Tôi nhận ra cô luôn cố gắng để mỉm cười nhưng không giấu được sự phập phồng, sẵn sàng đón nhận hụt hẫng. Rõ ràng cô đã phải cố gắng rất nhiều. Có lẽ cảm nhận được sự thông cảm và cả thắc mắc của tôi, Tú Vân nói nhanh: “Người lớn không nói nên em cũng không biết chuyện của người lớn ra sao. Cho tới lúc má bị bệnh nặng mới kể cho em biết về gia đình mình”.
***
Tôi kể lại cuộc gặp gỡ Tú Vân và lời mời đám cưới. Mẹ chồng cắn môi: “Nghĩa là người đàn bà đó yêu sâu nặng lắm mới chọn lựa nuôi con một mình”. “Và lặng im cam lòng chịu khổ để giữ cho người đàn ông của mình được bình yên” - mẹ nói thêm sau một khoảng ngập ngừng.
Nhưng bình yên đó có tiếp tục bình yên không lại là chuyện khác, không dính tới yêu đương. Yêu hay không cũng đã là quá khứ rồi. Để tâm buồn vui với quá khứ là chuyện của những người đàn bà dễ xiêu lòng. Trao quyền cho quá khứ dằn vặt mình là chuyện của những người đàn bà nhẹ dạ. Đàn ông quan tâm tới thực tế thẳng thừng và phũ phàng.
- Nếu mình dự đám cưới, trước mọi người mà giới thiệu là anh em ruột thịt thì đó là bằng chứng để sau này đòi chia thừa kế - câu nói của anh Hai như bom nổ.
Chồng tôi mới hôm qua vừa đồng ý sẽ mua một món quà thật giá trị và thật đẹp để tặng Tú Vân nhân ngày vu quy, nhưng sau cuộc gặp với anh Hai thì chồng tôi lắc đầu. Vốn rất chiều chuộng tôi nhưng với chuyện này, chồng gay gắt: “Nếu em vẫn muốn dự đám cưới thì coi như là bạn của Tú Vân thôi, không liên quan tới anh”.
Tôi không dám có ý kiến nữa. Thông cảm, xót xa cho Tú Vân nhưng việc chính của tôi vẫn là giữ yên ổn cho gia đình nhỏ của mình. Nếu vợ chồng tôi xào xáo vì Tú Vân thì thật quá vô duyên. Tôi nghĩ vậy và cố gạt Tú Vân ra khỏi tâm trí.
Vậy nhưng tôi lại gặp Tú Vân hay nói đúng hơn là Tú Vân tìm gặp tôi. Tội nghiệp, cô còn biết gặp ai khác nữa. Đang đi trên đường, bất ngờ tôi thấy cô đứng trước mặt mình như từ trên trời rơi xuống. Cô khoe đã làm xong cái khăn voan đội đầu và hỏi tôi chiều dài khăn voan tới giữa lưng là hơi ngắn hay đã vừa. Cô khoe kết được một chùm hoa trên tà trước của áo dài cưới rồi cô hỏi có nên kết thêm hạt đá ở tà sau không. Thời buổi này mà áo cưới lấp lánh quá thì có quê không?… Cô tươi cười tíu tít như gặp tôi chỉ để kể về khăn với áo.
Nói thật thì sợ cô tổn thương mà nói dối thì chẳng biết lấy cớ gì nên tôi bối rối ậm ừ như chính tôi là người có lỗi. Một hồi sau, cô chợt hạ giọng rầu rĩ: “Chồng chị và anh Hai không muốn dự đám cưới em, đúng không?”. Tôi lặng lẽ gật đầu, định nói luôn là chính tôi dù muốn cũng không thể. Có đau thì đau luôn một lần cho xong. Song thấy Vân buồn quá, tôi không mở miệng được. Đôi mắt ứ đầy nước như chỉ cần một cái chớp nhẹ thì cơn tủi thân sẽ trào tuôn. Ngay giây phút đó, tôi nghĩ là mình sẽ dự đám cưới, cho dù vợ chồng tôi có chiến tranh cũng đành.
-Em thích gì, Tú Vân? - tôi nhẹ nhàng hỏi - Chị muốn tặng một món quà thật hợp ý em.
- Em thích ngày cưới của mình có mặt anh em ruột thịt bên nhau, để nhà chồng không nghĩ em là đứa con hoang. Chồng em thương em nhưng nhà chồng có người này người khác, khổ tâm lắm chị. Dù chỉ là cùng cha thôi cũng là ruột thịt phải không chị? Mà bà ngoại đoán đúng. Ngoại nói người ta không chịu đâu. Nhận anh em mất công chia thừa kế, ai mà chịu. Nhưng em thề, em chỉ…
Tú Vân òa khóc. Đang giữa đường, người và xe cộ tấp nập, có những chiếc xe luồn lách lao lên vỉa hè, phóng sạt qua người khiến tôi vội kéo Tú Vân đứng sát bức tường. Cô úp mặt vô tường như học trò bị phạt còn tôi cứ đứng trân ra chẳng làm được gì.
***
Tôi không muốn mẹ chồng nặng lòng nghĩ ngợi thêm nữa nhưng lời lẽ và nước mắt của Tú Vân cứ hiện ra trong tâm trí. Tôi lại vô Facebook của Tú Vân. Tấm ảnh mới nhất là cảnh mây mù xám xịt và status cụt lủn “Đợi gió mưa”.
Lần lữa rồi tôi quyết định nói với mẹ. Chỉ để tôi được nhẹ lòng. Chỉ để tôi được đổ thừa rằng đó không phải do tôi. Chỉ để nếu gặp lại Tú Vân, tôi sẽ nói tôi cũng giống như cô, chỉ là một nàng dâu trong nhà.
Nghe tôi kể xong và nhìn tấm ảnh “Đợi gió mưa” trên Facebook của Tú Vân, mẹ đứng lên đi tới bàn thờ, chậm rãi thắp một nén nhang. Khuôn mặt cha chồng mờ ảo sau làn khói. Mẹ thì thầm trong vắng lặng, từng tiếng vang như tiếng vọng: “Tôi tin là khi quay về, ông không biết đã có Tú Vân. Mà nếu chẳng phải vậy thì cũng cảm ơn ông đã chọn mẹ con tôi”. Tôi nín thở, đợi một trận nước mắt. Nhưng không, mẹ bình tĩnh cắm nén nhang vô lư rồi quay qua tôi:
- Bây giờ con đi mua vải với mẹ được không?
- …
- Để may áo dài mới cho mẹ dự đám cưới Tú Vân.
Quá bất ngờ, tôi không biết nói gì.
- Người phụ nữ đó xứng đáng được đáp đền - mẹ nói với một nụ cười nhẹ của người đã vượt qua sóng gió - Mà rồi con đã biết Tú Vân thích quà gì chưa?
Sự có mặt của mẹ trong đám cưới chính là món quà tuyệt vời nhất, tôi nghĩ trong đầu và nín thinh.
Tôi sẽ nhường Tú Vân nói câu đó với mẹ.
Nguyên Hương