Truyện ngắn - Về nhà

06/10/2022 - 07:18

PNO - Quen nhau hơn ba tháng, Sơn mới hỏi Thư có anh em gì không. Thư khựng lại mất mấy giây, định trả lời không nhưng rồi im lặng.

Sự thật là Thư có tới ba người anh trai và không phải anh ruột. Mẹ của họ lấy cha Thư, Thư là “con anh”, ba người họ là “con em”, may mà cha và mẹ không có “con chúng ta”.

***
Hồi đó còn nhỏ nhưng Thư vẫn nhớ như in lời cha nói, rằng mẹ tội nghiệp lắm, một nách ba con còn thêm bà nội nhưng mẹ vẫn không được thương quý. Chồng cũ của mẹ sau tai nạn thì sức khỏe không được như cũ, cũng không có việc gì làm nên sinh ra rượu chè, khi say lại đánh mẹ với ba đứa trẻ. Ông nói “tam nam bất phú”, vì mẹ sinh ba đứa con trai nên ông mới bị tai nạn, giờ thành người thừa. Có lần, ông còn tính mang anh Út đi cho nhưng may mà anh Hai thấy, liền chạy theo đem anh Út về. Dù khổ cực, mẹ vẫn ráng cho bầy con đi học. Ba anh em một buổi đi học, một buổi đi bán vé số, lượm ve chai. 

ảnh: tâm anh nguyên
Ảnh: Tâm Anh Nguyên

Không đợi Thư đồng ý, cha đã đón bốn mẹ con về nhà. Căn nhà có thêm bốn người trở nên ồn ào, chật chội. Thư đi tới đâu cũng đụng người, không phải là mẹ thì là các anh. Thư chống nạnh quát: “Sao mấy người không biết tránh né gì hết, nhà tui, tui có quyền đi đâu, đứng đâu, làm gì tùy ý nhưng mấy người phải biết ý tứ dẹp đường”. Bữa đó, Thư bị cha bắt úp mặt vào tường sau khi nhận hai roi vào mông. Cha nói Thư còn nhỏ xíu mà đã ác. Cha nói, mẹ và ba anh nay là người nhà của Thư, nếu Thư không thích thì cha sẽ không thương Thư nữa.

Úp mặt vô tường, Thư len lén nhìn quanh và ngạc nhiên khi thấy ở bức tường đối diện, họ cũng đang úp mặt. Họ có lỗi gì chứ, còn đứng thật ngay ngắn nghiêm túc. Nhìn coi, đứng úp mặt mà phe họ cũng áp đảo phe Thư. Ngoài sân, mẹ đang lặt rau. Thư nhích từng bước ra hiên, nghe mẹ nhằn cha: “Con còn nhỏ, tự nhiên có cả đám người tới nhà làm xáo trộn cuộc sống của nó, nó phản ứng vậy cũng là bình thường mà. Đó giờ một cha một con, mẹ con em vừa về, anh phạt vậy con nó tủi”. “Nhỏ không vin lớn gãy cành. Em cứ để anh dạy con” - cha nói.

Thư bĩu môi, nghĩ mẹ giả bộ nhân từ. Trên đời có mẹ ghẻ nào hiền đâu. Lúc được tha, Thư đi tắm rồi lên giường nằm, không thèm ăn chiều. Khuya, Thư nằm khóc, một phần vì đói, một phần vì tủi thân do cha không hỏi tới Thư một lời. Mẹ đem cơm cho Thư nhưng kêu mà Thư không lên tiếng. Ba anh cũng thập thò ngoài cửa. Có lúc, trán Thư bị một bàn tay nhỏ xíu đụng vào, không biết là tay anh nào, hẳn anh muốn kiểm tra coi Thư có nóng sốt gì không.
Nhà Thư vốn nhỏ, phía sau là khoảnh vườn rộng, nay có thêm người, cha dẹp vườn, dẹp luôn mấy luống hoa của Thư để làm thành một căn phòng rộng sơn màu xanh nhạt Thư thích. Ba người ở chung trong căn phòng đó. Thư thích phòng ba anh vì có tới ba cái giường, ba cái bàn, tới ca súc miệng, ca uống nước cũng có ba cái. 

Vậy nhưng họ không cho Thư ở chung. Thư có thể dùng bất cứ thứ gì trong phòng, thích nằm ở giường nào cũng được nhưng đến tối là họ bắt Thư về phòng và đóng cửa lại mặc kệ Thư gào khóc. 

Về ở nhà Thư, ba anh được cha mua quần áo, giày dép, sách tập cho nhưng họ vẫn một buổi đi học một buổi đi làm. Mấy lần Thư len lén đi theo đều bị phát hiện và lôi về. Cha biết Thư đội nắng đi chơi thì phết vào mông Thư mấy roi đau điếng. Thư gào lên: “Cha nay có con trai nên hết thương con gái, cha làm cha của bọn họ đi, con không cần”.

Thư ghét họ nên không ưa cả mẹ, người phụ nữ luôn cúi mặt và nói năng nhỏ nhẹ. Đi ngoài đường thấy ai bà cũng chào. Trước khi đi chợ, bà hay hỏi Thư nay thích ăn gì. Thư không trả lời mà bà không hề nản, sáng nào cũng hỏi. Thư chưa từng nói hỗn với bà nhưng bà cứ khép nép như thể Thư đáng sợ lắm. Điều làm Thư thấy an ủi là mặc dù cha quý ba người họ nhưng họ vẫn gọi cha bằng chú chứ không phải bằng cha. Tất nhiên rồi, cha là của riêng Thư thôi, cũng như mẹ là mẹ của họ, đâu phải mẹ của Thư.

Về chung nhà được bốn năm thì mẹ bệnh và mất sau đó nửa năm. Khi đó, anh Hai đã vào cấp III, anh Ba và anh Tư đang cấp II, Thư học lớp Năm. Thư đã chạy tới trước mặt ba người họ dõng dạc: “Giờ các anh cũng không có mẹ như em rồi!”.

Thư không hiểu sao mình lại bị cha đánh đòn. Cha đánh khá đau. Anh Hai giằng roi trên tay cha ném đi, nói: “Bé Út còn nhỏ dại nên chưa hiểu”. Thư không hiểu nhỏ dại với ăn đòn có liên quan gì với nhau, nay ngồi hồi tưởng mới thấy lúc đó mình thật ngu ngốc và độc ác. Ba anh mới mất mẹ mà Thư lại nói bằng giọng hả hê. Vậy nhưng có ai hiểu Thư, Thư đã bao giờ có mẹ đâu. Họ mất mẹ, nay cả Thư và họ đều giống nhau. Thư chỉ biết nghĩ vậy mà quên mất mình còn có cha.
***
Mẹ mất, ba anh ngày càng im lìm hơn. Cha quy định mỗi ngày ăn gì làm gì tùy nhưng bữa tối cả nhà phải có mặt đông đủ. Trong bữa ăn, mặc Thư nhoi chỗ này giành chỗ kia đòi món nọ, ba người đều nhường. Cha hỏi anh Hai tính thi trường nào, anh nói chắc anh đi làm luôn, cha nạt nói phải vào đại học, không vào thì đừng về cái nhà này. Anh Ba nói hết lớp Chín anh đi học nghề rồi sẽ đi làm cũng bị cha càu nhàu, anh Tư len lén đẩy miếng đuôi cá lại chỗ Thư rồi lí nhí trả lời gì đó… Không ai để ý tới Thư.

Khi Thư vào lớp Bảy, cha cũng đi xa. Trong đám tang cha, người ta nhìn mấy anh em thở dài nói tội đám nhỏ, giờ thành bơ vơ. Thật ra chỉ có ba người họ bơ vơ chứ Thư được cô Út đón về nuôi. Cô Út lấy chồng nhưng không có con. Cô nói chồng đi lấy vợ khác mà sinh con đẻ cái, cô về xin nội miếng đất nhỏ cuối vườn, cất cái nhà và đón Thư về. Sau này, Thư luôn tự hỏi nếu khi đó cha không đi sớm thì cô Út có ly hôn không.

Ba anh vẫn ở lại nhà cũ của cha. Có người nói coi chừng mất nhà, họ có máu mủ ruột rà gì đâu. Cô Út bỏ ngoài tai không nghe, thỉnh thoảng đưa Thư về nhà cũ, đem theo khi bịch trái cây, khi gói bánh và thắp nhang rồi hỏi han chuyện học hành của ba anh. Ba anh khoanh tay thưa Út rồi trả lời đâu ra đó. Thư lén nhìn ba người họ, không biết ai nấu cơm, ai giặt đồ, ai rửa chén. 

Nhà không có người lớn nhưng khá gọn gàng. Cô Út đi quanh nhà dòm chỗ này một chút, ngó chỗ kia một chút. Thư ló đầu vô phòng ba anh, thấy mọi thứ vẫn y nguyên. Nay nhà không còn ai mà họ vẫn ở y một chỗ, không qua phòng cha cũng không ở phòng Thư. 

Ba người thường xuyên ghé nhà cô Út, mua cho Thư áo quần và mấy cái đồ cột tóc. Cô Út nạt: “Tiền đâu bây mua bậy bạ? Bộ tao để em gái bây thiếu thốn gì hay sao?”. Thư khi đó lớp Tám đang săm soi cái kẹp tóc, nghe vậy thì quăng kẹp ra sân, vùng vằng: “Em gái nào? Con đâu có anh”. Cô Út lấy tay phết vào mông Thư nói hỗn nào. Thư òa lên khóc. Tới cô Út cũng không thương Thư. Cô cũng như cha, chỉ thích con trai. Thư lớn rồi mà còn bị cô đánh mông, lại trước mặt người lạ.

Thư giận, tránh mặt ba anh, thấy họ từ xa là Thư trốn. Đang ở trong nhà thấy hai cái xe đạp quẹo vô sân là Thư nhảy qua bờ rào đi chơi. Đi học về thấy họ trong nhà là Thư đi thẳng. Cô Út cũng biết Thư tránh họ, chỉ thở dài nói lớn thêm chút nữa con sẽ hiểu.

Đi học, Thư bị đám lớp bên giật tóc, đẩy té xe rách quần, u đầu, chảy máu chân phải nghỉ học mấy ngày. Bữa đi học lại, thấy đám đó tới gần, Thư co rúm sợ hãi rồi ngạc nhiên khi thấy cả đám cúi mặt xin lỗi hứa từ nay sẽ không ăn hiếp Thư hay bất kỳ ai nữa. Tới cuối năm học, Thư mới biết đám đó bị ba anh chặn đường “dạy dỗ” chu đáo và tuyên bố ai dám trêu ghẹo hay ăn hiếp Thư sẽ bị ăn đòn nhừ tử.

Khi nghe chuyện, Thư ngẩn người nhưng vẫn như cũ, từ chối mọi cuộc nói chuyện hay tiếp xúc với họ. Ngay cả khi anh Ba vô đại học hay anh Hai tốt nghiệp đại học trở về quê làm ở thị xã, Thư cũng không tới. Hồi Thư lên thành phố học, cô Út muốn làm mâm cơm, Thư nói không cần, rằng người ta không cha không mẹ mà cũng vô đại học, con có Út nuôi nấng thì vô đại học có gì đáng mừng đâu.
***
Thư học năm cuối thì cô Út đi. Cô bị một cái xe mất thắng đụng. Thư hay tin về tới nhà thì mọi người đã lo liệu cho cô tươm tất. Thư thấy ba dáng áo xô trắng tất tả ra vô. Trong lúc Thư sững người thì có người đưa cho Thư bộ khăn áo, nói: “Út mặc đi rồi vô chào cô”. Thư như cái máy đưa tay ra cho người ta mặc áo. Lúc đó, Thư mới nhận ra từ nay mình hoàn toàn cô độc. Cha đi khi Thư còn nhỏ, Thư có buồn nhưng quên rất nhanh. Bao năm nay cô Út lo toan trong ngoài, nuôi nấng Thư, cô cũng lắc đầu trước bao lời đề nghị muốn về chung nhà. Cô nói cô lo cho đám nhỏ đã kín thời gian rồi.

Người thân cuối cùng không còn, Thư phải tự thân. Thư nhận thêm học trò, tranh thủ đi bán hàng ở siêu thị, nhận giấy về dán thành túi… Mỗi ngày Thư ngủ ba tiếng, luôn động viên mình ráng lên, cha với cô Út đang nhìn. Chỉ còn mấy tháng nữa thôi là Thư ra trường, đi làm, sẽ không còn khó khăn nữa.

Thư nhận điện thoại. Anh Hai gọi nói có người muốn mướn nhà Út. Nghe số tiền cho thuê nhà sẽ nhận được, Thư không tin nổi. Cái nhà cấp bốn vậy mà cho thuê bằng học phí ba đứa học trò. Hằng tháng, Thư nhận được khoản tiền thuê nhà kha khá và tháng nào cũng có thêm một chút với lý do là tiền bán hoa trái trong vườn. Nhờ đó, Thư giảm bớt công việc làm thêm, chuyên tâm vô bài vở.

Ra trường, Thư phải tìm nhà trọ vì hết tiêu chuẩn ở ký túc xá. Khi nghe giá tiền thuê phòng trọ, Thư mới nhận ra số tiền cho thuê nhà cô Út cao một cách vô lý. Lúc này thì Thư hiểu có sự can thiệp của ba anh. Thư lại nghĩ nếu khi ấy họ nói muốn gửi tiền cho Thư, chắc gì Thư chịu nhận. Chắc chắn là không vì chưa khi nào Thư coi họ là người thân. Mà Thư thì đâu có lý do gì để nhận tiền của người lạ.

Từ ngày đi làm, Thư không về quê. Về thì biết ở đâu. Nhà cô Út cho thuê, nhà cha có người ở. Không biết từ khi nào, Thư không còn ghét ba người nữa nhưng để giáp mặt, để cùng nhau ăn bữa cơm, để ở chung một nhà thì Thư không làm được.
***
Thư kể chuyện mình, hỏi Sơn: “Anh có thấy em tệ không? Sau này, em mới biết khi cô Út đón em về, họ thường xuyên lui tới thăm em, thăm cô. Hồi em đi học, họ cũng qua lại với cô. Đáng lẽ em phải hiểu ra sớm hơn rằng cô Út là người sắc sảo khôn ngoan hiểu chuyện, vậy mà cô để nhà của anh trai cho người lạ ở mà không ý kiến, chắc phải có lý do đặc biệt nào đó. Rồi khi em đi học xa, họ có công ăn việc làm và đã phụ Út chăm sóc em… Giờ anh Hai anh Ba làm ở thị xã, vẫn ở nhà cũ; anh Tư ra trường ở lại thành phố nhưng em không biết anh ở đâu. Thiệt lạ, dù em từ chối họ nhưng họ không chút để ý…”.

Khi Sơn nói muốn cùng Thư về quê thắp cho cha và cô Út nén nhang thì Thư bối rối. Thư xa quê lâu lắm rồi, giờ làm sao về? Về thì ở đâu? Gặp mấy anh, Thư biết nói gì?… Lấn cấn cả tối, Thư mới đủ can đảm nhấn số gọi anh Hai. Số này Thư thuộc lòng vì anh thường gọi điện, nhắn tin nhưng chưa khi nào Thư gọi đi hay chủ động nhắn cho anh. Giọng anh Hai ngỡ ngàng: “Út hả? Út khỏe không? Có chuyện gì nói nhanh anh Hai nghe?”.

Lần đầu tiên Thư chủ động gọi cho anh, hẳn anh cũng kinh ngạc nên nghĩ Thư bị sao hay có chuyện gì. Thư nghe tiếng chân rồi tiếng thầm thì bên kia và anh Hai thì thào: “Bé Út gọi”. Chỉ có vậy mà Thư bật khóc. Nay Thư đã 25 tuổi, vậy mà vẫn được mấy anh yêu thương gọi là bé Út, hệt như hồi xưa. Cách gọi này hẳn được dùng nhiều lắm, thường xuyên lắm nên anh mới thốt ra trơn tru nhẹ nhàng vậy.

Thư không nói được gì, chỉ nức nở. Thư nghe tiếng anh Ba hỏi: “Phải Út đau bệnh không Hai? Con nhỏ này có tật mỗi khi đau bệnh là bỏ ăn nằm khóc…”. Anh Hai nhỏ giọng: “Út thấy đau chỗ nào? Anh kêu anh Tư chạy qua Út liền. Sáng sớm mai, anh chạy lên với Út nghen…”.

Thư nói trong tiếng nấc: “Em không đau chỗ nào hết. Em muốn về nhà”.

Giọng anh Hai đầy yêu thương: “Nhà mình với mấy anh ở đây luôn đợi Út mà. Giờ Út nghe lời anh Hai, đi ngủ nha. Mai anh Hai, ờ, anh Ba nữa, lên đón Út về”. 

Nguyễn Thị Thanh Bình

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(3)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI