Mưa quất xéo tới tấp vô mặt lúc Cẩm chờ người phụ nữ trước bậc thềm sảnh chung cư. Từ hơn sáu tháng nay, việc ra vô tòa nhà số 7 La Bàn và mọi tòa nhà khác luôn là vấn đề. Điều đó khá nhiêu khê nhưng cần thiết vì sự an toàn cho tất cả, đại diện ban quản lý nói. Họ cấp thẻ nhận dạng cho cư dân, riêng người ngoài phải được bảo lãnh và đến nơi thì cần trình giấy tờ tùy thân, “thẻ xanh vắc-xin”, giấy xác nhận âm tính với COVID-19 còn hiệu lực trong vòng 72 giờ. Cẩm không phản bác, dù cô biết mớ giấy tờ rối rắm chỉ là phần nổi của tảng băng ám ảnh dịch bệnh.
“Thành phố phồn hoa chúng ta từng sống sẽ không bao giờ được như cũ” - Cẩm thường nghiền ngẫm lời bác bảo vệ trong thinh lặng, chí ít điều này đúng với ông và cả cô - những người đã mất người thân giữa chuỗi ngày quái quỷ vừa qua.
|
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock |
***
Căn hộ của Cẩm nằm cuối hành lang tầng chín, nhìn xuống công viên và hồ bơi nội khu. Người phụ nữ kia có vẻ ấn tượng với tầm nhìn đó, trầm trồ Cẩm thu vén khéo. Phòng khách rộng rãi nhờ lối bài trí tối giản với chỉ một kệ sách dài xếp hàng tá cuốn hướng dẫn làm các món bánh lạnh, một chiếc ghế đệm hình quả bí ngô. Ngó quanh, Cẩm thốt nhiên bối rối. Cô đã quên tình huống có khách tới nhà. Người phụ nữ xua tay: “Ngồi đâu cũng được mà”.
Ngoài ban công, mấy khay gừng, sả lên màu xanh mướt; dây khổ qua rừng đang cho trái. “Người ta trồng mọi thứ có thể vì sợ hóa chất…” - người kia bỏ dở câu, hít hà không khí sau mưa rồi nói tiếp: “Đó là cách nghĩ thông thường. Tôi thì tin chăm sóc cây trái là khoảnh khắc đầu óc ta được gội rửa, trút bỏ hết lo phiền”. Cẩm khẽ cười, nghĩ chẳng cần giải thích mấy thứ này thực ra chỉ để xông mũi trong những tháng ngày đánh vật với con vi-rút vô hình.
Vợ chồng Cẩm trả góp căn hộ suốt chín năm. Bình làm biên tập viên một nhà xuất bản, Cẩm phấn đấu dần từ chân nhân viên lên cấp quản lý cửa hàng bánh J&N đầu đường Phương Đông, thu nhập gọi là khá, vậy mà chắt chiu bao lâu mới được cái không gian 65m2 này. Năm nào Bình cũng muốn đi du lịch: “Tụi mình đã dành cả tuổi trẻ chỉ để ráng mua nhà thành phố rồi còn gì”, Cẩm hiểu chủ đích hâm nóng tình cảm sau bao mệt nhoài cơm áo của chồng mà vẫn bàn ra. Tính Cẩm hay lo, muốn dứt hết nợ nần đã.Rồi niềm vui đến trước dự tính. Cẩm mang thai cách đây ba năm, cũng sau nhiều trù trừ. Bình hào hứng bật “bài ca”… mình đi chơi đi. Cẩm ừ, thì đi.
“Cô ấy đã gửi gắm vậy rồi, số của chị cũng được lưu thành số gọi khẩn cấp, thành ra khi chị đặt vấn đề, chúng tôi nghĩ nó hiển nhiên. Đây chỉ là vài thủ tục thôi, không có gì rắc rối đâu”, rốt cuộc người phụ nữ cũng chịu vào chuyện sau một quãng đảo tới đảo lui mấy căn phòng, gian bếp, ban công, kèm những lời khen. Cẩm biết mình nên nói chừng mực những chuyện đã xảy ra, một cách thành thật.
"Chúng tôi gặp nhau tại Căn Phòng Khóc nằm sâu trong hẻm Cây Gòn. Nó như một chỗ xả cảm xúc. Hồi đó, tôi mất con. Đó là lần thứ hai. Tôi cảm thấy tội lỗi. Như chị nói, bác sĩ cũng từng khuyên vấn đề là bất khả kháng. Tôi mắc chứng rối loạn đông máu dạng hiếm. Lý do cô ấy đến đó, chị phải hỏi trực tiếp chớ. Chúng tôi gặp lại nhau tại tiệm bánh J&N. Tôi làm quản lý ở đó. Thời điểm ốm nghén, cô ấy chỉ thích bánh Swedish Princess, tôi thường tự chuẩn bị mỗi khi cô ấy ghé qua. Vì chúng tôi đều là phụ nữ chăng, thân tình tới tự nhiên vậy thôi. Tôi đưa cô ấy về nhà vài lần nhưng không vào. Chồng hoặc bạn trai cô ấy hả? Chuyện riêng tư của người khác không nên là câu hỏi dành cho tôi. Chúng tôi không gặp nhau kể từ mùa hè, vì dịch bệnh, chị biết đấy. Tôi có nhắn rằng nếu trở dạ, cần giúp đỡ thì gọi tôi. Tôi có vài người quen có thể hỗ trợ cô ấy. Gì chớ chuyện sinh nở, người ta đâu thể làm khó mình khi qua các chốt kiểm dịch, đúng không?”.
Người phụ nữ chăm chú lắng nghe, thi thoảng gật đầu. Sau cùng, chị hỏi Cẩm dự tính sao chuyện ngày mai. Đây mới đúng phần quan trọng của chuyến viếng thăm. “Từ cổng tòa nhà, chị sẽ thấy biển hiệu Grandma’s Cake bên kia đường. Tôi khai trương vào tuần sau”. Một nhân viên từng hỏi Cẩm về tên tiệm: “Sao không là bánh của má hay của ba mà lại của bà?”. “Ở viện mồ côi, bọn tôi có nhiều má, má Lớn, má Nhỏ, má Tư, má Năm… chớ đâu có ba” - Cẩm đáp. Cậu nhân viên lúng túng. Cẩm cười trấn an.
Trên đời này, đâu phải chỉ mình Cẩm bị bỏ rơi. Cậu nhân viên gãi đầu bối rối, còn Cẩm phải bật đứng dậy, rướn người thở ra. Di chứng hậu COVID-19 khiến Cẩm mệt nhoài. Mấy tuần đầu sau khi được xác nhận khỏi bệnh, cô không sao chợp mắt nổi. “Nhớ nhà”, dòng tin nhắn vừa gửi đi, ngay lập tức có cuộc gọi lại từ đồng nghiệp cũ: “Đang ở nhà mà Cẩm”. Ừ, vì đang ở nhà nên Cẩm không biết trở về đâu, chỉ là nhớ, nhớ đến héo mòn. Cô nhiễm bệnh hồi tháng Bảy. Bữa xét nghiệm toàn khu La Bàn, Bình đi vắng. Anh báo ở lại nhà xuất bản, mùa dịch quỷ quái này bản thảo tới ào ạt…
"Tôi rất tiếc chuyện chồng cô”, người phụ nữ nấn ná ngoài hành lang, chưa đi hẳn sau khi xong màn kiểm tra, cho hay tuần sau bên trung tâm sẽ ghé lại lần nữa. Cẩm ước, giá người ta biết đôi khi im lặng chính là an ủi. Đứa bé đầu tiên bỏ lại bọn Cẩm ngay trong chuyến du lịch tới bãi biển Hạnh Phúc. Đứa bé sau ở được với cô lâu hơn - bảy tháng. Cẩm đã bắt đầu mường tượng căn hộ ấm dần lên với một bờ vai vững chãi và tiếng trẻ con bi bô. Cô muốn bảo vệ con bằng hết thảy tâm can và sức lực. Ngay cả khoảnh khắc bác sĩ chép miệng lắc đầu, Cẩm vẫn năn nỉ coi lại giùm, biết đâu có nhầm lẫn. Cô thậm chí còn chẳng dám bước mạnh chân trong thời gian thai kỳ.
Sau hai lần mất con, Cẩm càng lúc càng ít nói. Bình chọn ở lại chỗ làm nhiều hơn. Không cãi vã ồn ào. Âm thanh thường được quy về hai dạng, hoặc người ta còn tha thiết nhau hoặc đã chán ngán nhau. Cẩm không biết bọn cô thuộc kiểu gì khi cái hố thăm thẳm chắn giữa. Bình tần ngần nói đọc nhiều sách cũng đã thấm, rốt lại thành vô duyên, chẳng cách nào đọc được chữ trên nét mặt lạnh tanh của vợ. Giá Cẩm khóc, có thể anh sẽ dễ thở hơn; đằng này cô chỉ im lặng. Sự im lặng gây tan nát.
Cẩm chỉ một mình trong những ngày chống chọi cơn bệnh muốn phá hủy lồng ngực.
***
Bình không về nữa. Bữa anh trở lại số 7 La Bàn trên tay một người lính, Cẩm đứng chết trân, hỏi trời ơi, sao chồng tôi lại nằm trong đó. Trong cái bình gốm kia phải là cái đứa đã chẳng còn hy vọng gì vào cuộc đời như tôi đây chớ. Từ hàng chờ dài phía sau lưng Cẩm vang lên tiếng xì xầm: “Coi bộ cổ phải điều trị tâm lý”.
“Tại sao Bình chết, còn mình sống?”, Cẩm đập trán thình thịch vô tường vào những buổi chạng vạng, ý nghĩ nhọn lên như dao. Ký ức không mất đi. Bình nheo mắt cười nhún nhảy dưới tia nắng cuối ngày ngoài ban công: “Mình đi chơi đi”. Bình nắm tay Cẩm trở lại viện mồ côi thăm các má và cũng dưới những tia nắng cuối ngày chùng chình, anh say sưa đọc sách cùng tụi nhỏ. Cẩm vẫn lo đủ hai bữa cơm sáng và tối nhưng viện cớ công việc, bọn cô thôi chung mâm. Nhiều ngày, thậm chí nhiều tuần, họ ngừng nói với nhau dù chỉ một câu ngắn sau cái bận Bình cười phớ lớ: “Tụi mình còn trẻ, bất quá thì xin một đứa nuôi”.
Ngừng chia sẻ những gì mình nghĩ, những tồi tệ mình đang trải qua đồng nghĩa ngừng kết nối. Sợi dây duyên Cẩm từng ngờ rất chắc chắn lại đứt lìa theo cách như vậy. Cẩm lôi từ góc phòng ra rất nhiều đồ chơi bọn cô chuẩn bị cho đứa trẻ. Không có đứa trẻ nào, cũng không có Bình, Cẩm ngồi lặng, lâu lâu từ miệng cô lại phát ra âm thanh còi hụ.
Ngày tắt rồi ngày lại lên. Tiếng còi hụ loãng dần.
Chuông cửa reo, ngày thứ tư kể từ bữa sáng Bình về. Cẩm giật mình. Âm thanh vừa gần lại vừa xa, nghe mịt mờ như cõi nào. Cẩm thấy gương mặt Bình phía trước, nheo mắt cười với xấp bản thảo dày trên tay, cô cố lao thật nhanh mở cửa nhưng đôi chân không nghe lời chủ nhân của nó.
***
Khi Cẩm mở mắt, một bóng áo trắng đứng xoay lưng lại phía cô, đang chỉnh dây truyền dịch. Bác bảo vệ tòa nhà hấp tấp vạch tấm màn chắn giữa các dãy giường bệnh, hỏi Cẩm đã đỡ mệt chút nào chưa, tuyệt nhiên không nhắc tới việc cô đã bỏ bữa quá lâu và kiệt sức. Ông mang tới cà mèn cháo khoai tây, biểu cô ráng ngồi dậy ăn. Trong nấc nghẹn là câu hỏi: “Làm sao bác chịu được?”. COVID-19 đã cướp của ông một mái ấm - bác gái và vợ chồng người con trai. Gượng ngồi, Cẩm phát hiện bàn tay nhỏ xíu từ phía sau lưng bác bảo vệ ngọ nguậy kèm theo đó là giọng cười trẻ con. Đây hẳn là câu trả lời của ông.
Trung tâm Tình huống khẩn cấp được thành lập hồi đầu mùa hè khi tình hình dịch COVID-19 trở nên khó kiểm soát. Những hàng rào sắt di động được dựng lên khắp nơi, chắn ngang người với người. Tiếng còi xe cứu thương liên hồi thật nhức nhối. Trung tâm đang tìm Cẩm. Họ báo đã gọi điện nhiều lần, sau cùng đành liên hệ ban quản lý nhờ kiểm tra coi liệu Cẩm còn sống tại số 7 La Bàn hay đã chuyển đi đâu. Bác bảo vệ nói nếu không vậy thì ông cũng định lên nhà cho cô ít cà rốt bà bạn trên Đà Lạt gửi. Cẩm đoán người ta sẽ nói về di vật của Bình. Vậy mà không. Có năm cuộc gọi nhỡ, tiếp đó là hai tin nhắn dài đều báo chuyện về Yên - cô gái bước ra từ Căn Phòng Khóc.
Cẩm vẫn nhớ gương mặt Yên mỗi lần gặp nhau sau đó, sáng sủa và lanh lợi. Yên lí lắc, thích Swedish Princess vì thích Cẩm. Chừng hai lần mỗi tuần, có thể hơn, Yên ghé J&N vào giấc trưa, Cẩm trực tiếp làm bánh để Yên mang về hoặc bọn cô cùng ăn vài món trong cửa hiệu Cơm Quê phía đối diện. Yên lảng tránh nhắc người đàn ông của mình, Cẩm thì chẳng tò mò mấy chuyện riêng tư, chỉ một lần, hình như Yên lỡ miệng: “Ảnh gần xịt hà, mà hóa xa, có thể em phải sinh bé một mình”. Vì câu nói này mà Cẩm đâm lo. Dịch bệnh bủa vây, cô gái trẻ như Yên xoay trở làm sao. Rồi Cẩm nhiễm COVID-19, cuộc dùng dằng tử - sinh khiến cô cạn sức. Yên cũng ngừng tin kể từ tháng Bảy, nói chuyện sinh nở đã có người giúp, Cẩm đừng lo gì. “Chị mừng” - nào ngờ câu cuối cùng Cẩm dành cho cô ấy chỉ vậy thôi.
Tuần trước, Cẩm tìm tới khu trẻ sơ sinh. Yên đi rồi, như Bình và hàng triệu sinh mạng trên thế gian này chỉ trong vòng hai năm COVID-19. Đứa bé được Trung tâm Tình huống khẩn cấp chăm sóc tạm. Có cả ngàn em bé mồ côi vì đại dịch lần này, nhiệm vụ của trung tâm là tìm cho các con những ngôi nhà mới, đảm bảo rằng quá trình trưởng thành của bọn trẻ được an toàn. “Với trẻ sơ sinh, chúng tôi sẽ dõi theo ít nhất sáu năm, tới chừng các con vô lớp Một”, họ nhấn mạnh. Khoảnh khắc cô muốn nói lời từ chối với người đại diện trung tâm, bàn tay nhỏ xíu bất ngờ giữ chặt ngón tay Cẩm khóc ré lên. Người phụ nữ giải nghĩa đó là một tín hiệu: “Bé cần cô giúp đỡ”.
Có lần, Bình thức trắng ba đêm đọc bản thảo một tiểu thuyết kể những bất trắc tinh thần của người trẻ. Bình rất tâm đắc đề tài này. Anh say sưa tới độ không để ý thấy Cẩm cắn đầu ngón tay tứa máu. Đó là chỉ dấu tan vỡ từ bên trong mà mãi về sau Cẩm mới chua chát nhận ra. “Bạn ấy viết đừng hứa việc gì bản thân chưa chắc chắn”, anh tấm tắc. Giờ, sực nhớ hình ảnh chồng ngồi ghế xoay nheo mắt cười với xấp chữ, Cẩm trộm nghĩ, những hứa hẹn xúc cảm phải chăng chỉ đẹp đẽ trong khoảnh khắc.
Quá trình hoàn tất hồ sơ diễn ra thuận lợi. Cô quấn con trong tấm khăn mềm, đi bộ dọc theo công viên hướng lên căn hộ. Gió xuân lùa qua tóc Cẩm. Một bông hoa sa la rơi rất khẽ xuống giữa tấm khăn trắng muốt trên tay cô. Lâu rồi, không nhớ là bao lâu, Cẩm mỉm cười: “Chúng ta về nhà thôi”.
Thảo Nguyên