Truyện ngắn: Về ngõ Tạm Thương

22/04/2021 - 15:06

PNO - Có những thứ trong cuộc đời mình, cứ nghĩ chỉ là tạm bợ, thoáng qua nhưng rồi lại vương mang trong dạ suốt cả một đời.

Cô đi ngang ngõ Tạm Thương buổi đất trời trắng xóa màu hoa sấu. Bỏ lại sau lưng cái ồn ào, xao động của phố xá giờ tan tầm, cô dừng chân nơi hàng chè của cụ già vấn khăn nâu đang ngồi phẩy chiếc quạt liên hồi. “Mới ra à con? Trời nay đỡ nồm nhưng cứ lắc rắc mưa. Hình như con gầy đi thì phải?” - u Thế nhận ra ngay người quen mỗi độ từ Sài Gòn ra thể nào cũng ghé cái ngõ rêu phủ để ngồi hong mớ cũ càng này. U vẫn vậy, bao năm rồi vẫn màu áo nâu, vấn khăn trên đầu, nhớ kỹ từng người khách dẫu là dân phố cổ chính gốc hay chỉ là kẻ lỡ vương lòng mình nơi con ngõ nhỏ. Khác chăng sáu năm rồi, trên gương mặt ấy đã hằn thêm nhiều nếp gấp thời gian. 

Cô chọn một góc tĩnh lặng. Chén chè đậm vị Thái Nguyên đắng chát đầu lưỡi nhưng cứ nhấm nháp thêm vài lần sẽ thấy nơi cuống họng cái hậu ngọt thơm mát lành. Sáu năm rồi, giờ cô ngồi đây chắt chiu ký ức. Hà Nội mà, chẳng thể vội được đâu! 

Cô nhớ, lần gần nhất cô chào u Thế, gió đông se sắt lạnh bàn tay côi. U bảo dẫu thời gian cứ luân chuyển bao mùa nhưng luôn đọng lại trong lòng người ta một mùa để nhớ. Chỉ một mùa thôi đủ khiến con người ta sống cả đời trong thương tưởng. U rót chén chè, nhấp một ngụm, nhẹ hẫng nhìn mây mùa đông xám xịt vắt ngang phố cũ trầm buồn. 
U bảo bấy lâu rồi vẫn nhớ con nhỏ có mái tóc mây, mỗi lần ghé quán u, tóc nó cứ như đùa với gió.

Con nhỏ Sài Gòn có giọng nói ấm áp như nắng phương Nam. Con nhỏ có cái đồng điếu, cười một lần, phố mềm như lụa; cười lần thứ hai, chết hết con trai Hà Nội. Con nhỏ Sài Gòn ngơ ngáo đến ngõ Tạm Thương tìm đền thờ Nguyên phi Ỷ Lan cho một chuyến khảo cứu, vậy đó rồi cứ ghé ngang mỗi ngày một lúc. Không sáng thì chiều, có hôm nó ngồi tới lúc phố giăng đèn mới lững thững đi về phía phố cổ. Con nhỏ hiền lành nhưng lại có cặp mắt ướt rượt. “Mắt này thì khổ vì tình lắm con ơi”, u bảo thế khi lần đầu thấy cô. 

Hồi ấy, cô chỉ cười nhẹ: “Con có ai đâu mà khổ u ơi. Ngoài ba mươi vẫn ế chỏng ế chơ nè u. Thế u có anh trai nào ngon lành cành đào ngoài này thì hú con cái nhé! Con phải lòng Hà Nội rồi…”. “Ơ thế muộn nhỉ, mấy thằng cháu u thì có gia đình hết, sót lại một thằng mãi vẫn lông bông, nhưng nó mới ngoài hai mươi thôi con à!”, u chép miệng. Cô cười khanh khách: “Vậy con đặt gạo u nha. Chừng cậu ấy lớn con cưới”. U cười, cô cười, gió bận đó cũng cười nhún nhảy lên làn tóc mây.

Sau hôm ấy, cô vẫn hay đến hàng nước chè của u. Lần nào ghé, cô cũng gọi: “Nội ơi”. 
***
Sếp bảo chuyến hội thảo này cô phải đi, ngoài đó người ta đọc cuốn sách cô viết về Hà Nội mà ưng quá. “Em cứ ra ngoài đó, chi phí người ta lo hết. Hai viện xưa nay giao lưu khắng khít nghĩa tình cùng nhau, giờ người ta ngỏ lời, sao mà anh từ chối. Người ta quý lắm mới gởi thư mời đích danh. Hội thảo của lễ kỷ niệm hơn ngàn năm thủ đô, đâu phải ai cũng có vé mà dự. Các chuyên gia, học giả, các nhà nghiên cứu người ta giành nhau. Em không đi không được. Về mà thu xếp đi!”, sếp tuôn một tràng. 

Tranh: Phạm Ánh
Tranh: Phạm Ánh

Cô rời phòng họp mà lòng ngổn ngang. Chiều Sài Gòn chớm hạ nóng hâm hấp. Từ phía ban công của viện, cô nhìn xuống con đường ngập lá dầu, những trái dầu theo gió xoay tròn trên không trung rồi rơi xuống. Mình kêu là trái dầu, ngoài đó gọi là chò nâu. Cô lẩm bẩm trong lòng rồi khẽ cười. Có những thứ chẳng thể nào quên. Có những điều lòng mình chẳng thể khiển. Nó cứ tự nhiên mà dấy lên, như từng con sóng của ngày biển động. 

Tháng Tư gõ ngang phố những đêm oi bức, cô thường soạn bài thảo luận ngoài ban công, đám khiết bông được nắng trổ đỏ rực, quấn quanh cả thành ban công, mùi nồng nàn da diết. Có nhiều hôm, những hình ảnh xưa cũ cứ chờn vờn trong cô, chẳng thể nào tập trung. Chợt cô ngưng gõ, gấp cái laptop lại, nhoài mình trên chiếc ghế lười mà nhắm mắt, đắm mình vào dòng hồi ức. Hương hoa đưa cô về miền xưa xa của sáu năm trước…
***
- Ơ cô này hay nhỉ, đá xi-nhan bên trái, sao lại rẽ bên phải? 

Giữa đường Láng, một đêm mưa phùn, cô và hắn ngã ngang mặt đường sau cú thắng gấp. Ngay lập tức, hắn chạy tới lay cô dậy và dìu vào lề đường, miệng vẫn không thôi càu nhàu: “May là đường vắng đấy, thế này là nhẹ rồi”. Hắn lần lượt dựng hai chiếc xe sát lề đường rồi quay sang nhìn cô, tiếp: “Này, hay tôi gọi xe cấp cứu đưa cô đi bệnh viện nhé! Chứ cô cứ im im thế này làm tôi lo đấy!”. Hắn huơ huơ tay ngang tầm mắt cô như dò chừng xem cô thế nào. 

Đến lúc cô hoàn hồn mới bắt đầu thấy chân mình đau nhói, máu từ phía đầu gối phải rịn ra, rát buốt. Cô khóc ngon lành. “Ơ hay, cô chạy xe có lỗi mà! Thôi thôi đến khổ cái màn ăn vạ của cô. Tôi có bắt đền gì đâu! Xe tôi tự sửa, được chưa? Cô nín đi. Trời ạ! Đến khổ vì con gái. Cứ khóc thế tôi rối đấy!”, hắn luống cuống. 

Đến khi hắn nói gì đó trong điện thoại, cô mới chợt giật mình, vội lên tiếng: “Tôi không sao, chỉ là hơi rát chỗ đầu gối, tại tôi không biết đường nên bị lạc. Anh đừng gọi công an. Xe này… tôi mượn của người ta…”.

Hắn chưng hửng nhìn cô. Cô ngó hắn như van nài. Chẳng may có chuyện gì lại phiền hà. Hay giờ cô năn nỉ hắn thử, rằng cô mới từ trong Nam ra, biết phố xá gì đâu, thật tình là cô chạy chậm nhưng đường vắng, rồi trơn trợt, rồi mưa, thêm trời tối, đâm ra cô cứ quẹo theo hướng nào ra đường lớn nhiều ánh đèn để đi, chứ cái bản đồ đã tắt ngấm từ lâu vì sóng mạng chập chờn. Cô bắt đầu quan sát hắn. Da trắng, dáng cao to, quần đùi, áo số, bắp tay cuồn cuộn, cái mặt nghênh nghênh, cái miệng vênh vênh…

Một lúc thì có xe trờ tới, vài người bạn của hắn bước xuống. Cô đảo mắt nhanh, tim đập thình thịch. “Này, bọn tôi đưa cô về, sáng mai tôi ghé sang mang xe cô đi sửa. Tôi đền hết được chưa? Tí ghé tiệm thuốc mua cho cô bông băng nữa”, hắn nói và nhìn cô đang co rúm, lắp bắp. Thật tình cô đang run sợ khi mường tượng đến viễn cảnh sẽ bị cướp hay làm nhục… 

- Ơ này, tôi không có ý bậy bạ gì đâu nhé! Đây, giấy tờ tôi cô cứ cầm. Tin chưa? Rõ khổ, tôi đẹp nhưng không dễ dãi nhé! Mấy cô cứ ăn dưa bở thế này thì có ế đến già. 
Cô ngồi phía sau, hắn cầm lái trên chiếc xe cô. Trong đầu cô sắp sẵn bài toán, nếu hắn có giở trò xấu xa, cô nhảy khỏi xe, ráng bò lết và la làng thật lớn. Cứ vậy cô nắm chặt giấy tờ tùy thân của hắn trong tay. Mưa rây lất phất đường về. 
***
Dăm ba tin nhắn, vài lần đón đưa, hắn ngỏ lời, cô lừng khừng… Cho đến một chiều đông Hà Nội buốt giá, cô gặp hắn ở ngõ Tạm Thương. Hắn một mình bên chén chè xanh ngút khói. Nét lãng tử phớt đời với ánh mắt bất cần nhìn phố xơ xác, bàng bạc màu ghi như thôi thúc cô đến ngồi chung. Cả hai cứ thế lặng im. Chợt hắn lên tiếng, phá tan sự im lặng. Hắn hỏi cô có tin vào duyên số. Buổi đó, hắn chở cô lang thang Hồ Tây. Trọn một vòng hồ, hắn hát mãi một bài tình ca:

“… Em cho ta yêu thương tình cờ
Nuôi cho tóc xanh lại
Những âm u vừa chớm đã tan đi nhẹ
Em cho ta vô tư tình cờ
Và tô son những đêm dài
Những sớm mai tỉnh giấc
Đời thành vườn hoa…”. 
(Vừa biết dấu yêu - Quốc Bảo)

Hắn luồn tay ra sau nắm lấy tay cô ủ ấm. Như gió đong đưa, mối quan hệ khó gọi tên giữa cô và hắn cứ lững lờ tựa đám liễu rủ bên Bờ Hồ. 

Mẹ gào lên trong điện thoại khi cô xin phép ở lại Hà Nội tìm việc bởi lý do cô thích nơi này. Sao bỗng dưng cô thấy mình chẳng nỡ rời xa những ngõ phố rêu xanh mà mỗi mùa hoa đi ngang qua thành phố này cũng mang đầy thương nhớ. Mẹ bảo con gái có thì, thằng ấy dân quần đùi áo số, chạy mãi theo trái bóng, bấp bênh lắm! Rồi thì người Nam kẻ Bắc, làm gì bền chặt. Nó còn trẻ quá, mới hai mấy, con thì đã ngoài ba mươi. Đàn bà con gái qua một mùa thôi là đủ già nua, huống chi… Thôi con à, về đây đi, ngoài ấy lạ xa nào biết ai đâu, lỡ có chuyện gì thì nương tựa vào ai. Về đi con! 

Ngõ Tạm Thương chiều hôm trời đỏ ửng như bếp cơm mẹ nấu. U Thế bảo đứa con là một thời bồng bột nông nổi của hắn nhưng may là hắn còn chịu giữ lại. Cô gái ấy thì ráo hoảnh giao con rồi đi, nghe đâu đã vào Sài Gòn lấy chồng. U thủ thỉ: “Nó cũng chả buồn tiếc gì con bé ấy nhưng nó thương thằng nhóc hết lòng. Nó dốc cả niềm thương vào thằng cu con, nên lâu lắm rồi chẳng thấy nó dẫn ai về nhà, cũng chẳng nghe nói tìm hiểu ai. Đôi lúc bạn bè mai mối thì nó bảo thôi, cái gì đến tự nhiên nó đến, chuyện tình cảm là từ con tim và tùy duyên số. Nó cứ mặc đời xô đẩy. Mà đời thì nghiệt lắm con à!…”. 
***
Đã là ngày cuối cùng ở Hà Nội sau chuyến hội thảo khá thành công. Sếp bảo sao không ở lại chơi thêm vài bữa, Hà Nội mùa này sấu đẹp lắm đấy, mùa loa kèn nối dài trên phố; cô nói thôi cứ đặt chuyến về tối nay cho cô. Đâu còn việc gì phải nấn ná thêm ở đây. Tự dối mình như thế bởi cô sợ lòng mình rồi chẳng thể yên. 

Lang thang vài ngõ phố để hong khô kỷ niệm, cô tìm về phố Phan Đình Phùng rợp bóng cây xanh, nắng tháng Tư rót mật xuyên vành lá. Nhớ lần nào đó, cũng ngang con phố này, hắn bảo nắng đấy là nắng đàn bà, đậm đà chứ không rực rỡ, chói chang như nắng con gái. Nắng con gái là nắng xuân. Xuân như cô đấy. Lúc đó, cô chỉ biết véo hắn một phát đau điếng. 

Đôi chân vô thức lại dẫn cô tìm về ngõ Tạm Thương. U Thế ngẩn người khi cô chào tạm biệt, có lẽ rất lâu hoặc đôi khi cô chẳng còn can đảm để trở lại nơi này nữa đâu. Những ngổn ngang cứ choán lấy tâm trí cô suốt hơn chục ngày qua. Tựa thể lòng cô có một hạt mầm nảy nở. Bao năm rồi nó vẫn vậy. “Cái thằng ấy thương ai thì thương sống chết nhưng chẳng mở lời, chẳng níu kéo. Nó là thằng cháu nội làm lòng u lo lắng nhất đấy”, u Thế buông giọng khi gió chiều hất tung mái tóc cô. Gió rối bời hay lòng cô rối bời. Cháu nội u Thế… Hóa ra…

U Thế bắt đầu câu chuyện dài: “Mẹ nó bỏ đi khi nó còn bé xíu. Rồi nó lớn lên, bồng bột tuổi trẻ lại gãy đổ một lần. Vậy nên, nó mang nhiều vết thương sâu hoắm trong lòng. Lầm lì, ít nói, tự lập, đôi khi nó cứ để vụt mất những thứ đáng ra phải níu giữ. Hai năm trước, nó bị đứt dây chằng, đành cắn răng bỏ cái nghiệp quần đùi áo số. Nó hùn tiền cùng đám bạn mở một quán ăn ngay phố Lý Văn Phức, cái quán mang tên Duyên Kỳ Ngộ. Từ lúc con về lại Sài Gòn, suốt ngày nó tập hát boléro. Nó nói với u rằng, người nó thương thích nghe nhạc này…”. Kể đến đây, u Thế châm chén chè, lại nhấp một ngụm, rồi tiếp: “Con người ta kỳ lạ lắm, như cái ngõ nhỏ này vậy. Dân ở ngõ Tạm Thương này lòng luôn quẩn quanh con ngõ nhỏ chỉ bảy thước mà muôn dặm niềm an nhiên. Có những thứ trong cuộc đời mình, cứ nghĩ chỉ là tạm bợ, thoáng qua nhưng rồi lại vương mang trong dạ suốt cả một đời đấy con à”. 

Câu nói của u Thế cứ bồng bềnh theo từng nhịp chân bước của cô. Phố lên đèn. Cô nên tìm về Duyên Kỳ Ngộ hay sẽ ra sân bay cho kịp chuyến? Cô rẽ qua Hàng Bông. Cô vòng lại Bờ Hồ. Tháng Tư mùa nối dài trên phố, lòng cô cũng miên di. 
***

Sân bay tối muộn vắng ngắt. Ở cổng số 6, cô đang đợi lên máy bay. Từ đằng xa, một bóng dáng quen thuộc hớt hải chạy đến. Bao năm rồi cô vẫn nhớ như in cái dáng ấy. Lẫn trong tiếng thở hổn hển là câu từ đứt quãng: “Bà bảo có người về ngõ Tạm Thương, vậy tiện đường dẫn tôi về Sài Gòn xin cưới vợ được không?”. 

Trên tay hắn chỉ mỗi tấm vé, chẳng hành lý. Cô chẳng biết nói gì. Nước mắt không dưng lại rơi. “Đấy, đã bảo rồi, tôi sợ nước mắt! Tôi sợ người con gái mình thương phải khóc. Mà lần này là tôi bỏ nhà theo gái đấy. Trai Hà Nội chẳng được cái gì, mỗi cái lỳ để có vợ thì vô địch”. Cô lại véo vào người hắn một phát đau điếng rồi nhoẻn miệng cười, nụ cười luôn khiến tim hắn xốn xang suốt bao năm qua, dẫu có lúc nó chỉ còn trong ký ức.

Mùa vẫn nối dài trên phố. Lòng người vẫn quẩn quanh con ngõ Tạm Thương. Mà hễ còn thương thì sớm muộn, người ta lại tìm về bên nhau mà thôi. 

Tống Phước Bảo

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI