Truyện ngắn - Về muộn

11/04/2021 - 18:18

PNO - Hạnh sợ mùi dầu gió tỏa ra từ da thịt mẹ chồng cũ. Thứ mùi đầy dự cảm bất an và cô độc.

- Dì ứng tiền tiêu vặt trước được không?

- Sao thế?
- Không thích cho thì thôi. Đừng hỏi.
- A, xin tiền mà láo! - Thuận quắc mắt. 

Luna chờn, cụp mặt:
- Con muốn sắm mấy món đồ, sợ lại lockdown chẳng đi được. 

Thuận nào chắc lép với con chồng. Từ khi có việc ở xưởng giặt, lĩnh lương, Thuận lại giúi cho Luna khi năm chục lúc cả trăm EUR. Người biết chuyện bảo Thuận mua chuộc tình cảm con chồng. Ai cấm được mồm thiên hạ. Không cho họ cũng bảo mấy đời dì ghẻ mà thương con chồng cơ mà. Luna 15 tuổi rồi, mua thứ không hợp nó không dùng. Cho tiền tự sắm thiết thực hơn. 

Thế nhưng dạo này Luna xin nhiều, vẫn thói lên mặt cảnh cáo vợ mới của bố. Lúc nó ốm đau, Thuận băm hành nấu cháo đưa tận miệng. Nó húp sạch đáy không buồn nói một câu cảm ơn. Khi Thuận trúng gió nằm bẹp một xó như nắm giẻ, nó lướt qua, mở tủ bâng quơ: “Sao chưa có gì ăn nhỉ? Mình sắp phải đi học nhảy mà người ta có thèm nhớ đâu”. Thuận nhịn hết. Bởi nghĩ đến anh Hà còn thất vọng hơn.

Công việc ở cảng Antwerpen khi ca tối lúc ca ngày. Lịch như thế, sức đâu che chắn hết được cho vợ. Mà người đâu hơi tí đã đùng đùng. Thuận mới nhờ xem hộ điều kiện nhập quốc tịch bây giờ thế nào, Hà đã nóng gáy: “Ở thế này chưa ổn hay sao mà nhấp nhỏm quốc tịch với cả việc làm?”.

“Nói chứ, tức thế bố ai chịu được!” - Katrien cao mét tám, hai tay to khỏe như càng cua nhấc núi khăn tắm bỏ vào máy giặt nhẹ như không. Ở xưởng giặt, Thuận hợp mỗi Katrien. Chơi với người bản xứ cho yên thân, đồng hương hở ra chuyện lan cả tổng. Katrien bộc trực nhưng không lạnh mặt ngó lơ hoặc cười nhạt kiểu ghét dân nhập cư tranh hết việc.

Cô mê nem rán của Thuận. Cho ăn ngon vẫn mắng: “Trong nước, cô cũng đại học nọ kia, nhân viên nghe răm rắp. Sang đây không trị nổi con bé vắt mũi chưa sạch là thế nào?”, “Con chồng, vướng lắm”. Katrien giũ mớ khăn mới giặt, vứt lại giỏ chờ là khô, cười hì hì, bảo cả nước này có đến 50% hộ gia đình sống cảnh rổ rá cạp lại:

- Tôi cũng có bố dượng. Ông ấy ô kê.

- Cô có chịu nổi kiểu đi làm về mệt mỏi ngả lưng ra giường, thấy gối cộm cứng. Hóa ra con bé nhét cả cuốn ảnh cưới của bố mẹ nó vào đó.

- Vứt sọt rác xem còn nhét nữa không? Nói vào mặt nó, cấm tự tiện vào phòng ngủ của cô. Tôi chả nhịn, tôi gào lên, ông dượng tôi cũng gào lên. Rồi hòa, rồi hiểu. Cứ chịu đựng có ngày chẳng nhìn nổi mặt nhau ấy chứ.

Thì đấy, năm đầu sang đây, hầu như cuối tuần nào Thuận cũng đạp xe sang nhà mẹ chồng cách ba cây số. Rồi Hạnh thậm thụt quay lại tìm mẹ chồng cũ nhiều hơn, có lần còn ngủ lại. “Ôi, tiện gặp chị ở đây tôi cảm ơn đã chăm sóc Luna. Sớm muộn tôi cũng đón con bé về với tôi. Nem ngon quá, xin miếng nhé…”, thái độ Hạnh trâng tráo không để đâu cho hết. Mẹ chồng bảo, dù gì Hạnh cũng là mẹ các cháu của bà, không nên đuổi nó ra ngoài khi cơ nhỡ, không thể cản nó thăm con. Đến Hà ghét Hạnh ra mặt cũng chẳng cấm được. Thuận đành bớt sang cho đỡ ngứa mắt.
***
Cứ để Thuận nghĩ Hạnh vẫn năng qua lại với mẹ chồng cũ đi. Cho cô ta nếm mùi đau khổ. Sống xứ này tưởng dễ à! Cũng vì thằng Brian còn ở đó nên phải quay lại chứ Hạnh ngán tận cổ cái nhà đó rồi. Bỏ đi cũng gần ba năm mà mỗi khi bước đến cửa, nỗi chán chường vẫn dâng ngập óc. Hạnh sợ mùi dầu gió tỏa ra từ da thịt mẹ chồng cũ. Thứ mùi đầy dự cảm bất an và cô độc. Hạnh ngán màu buồn bã hương trầm nhang khói hoen vàng các góc rèm. Ôi chao những ngày lần đi từng bước trong tối tăm.

Có ngóc ngách nào, lối đi nào mà không va vướng đồ đạc cũ. Gạo, bún, miến, nấm măng, mộc nhĩ tích trữ phòi ra từ các cánh tủ bếp. Bốn mặt tường giăng hoành phi câu đối khảm trai, không có lấy một khoảng thở. Chỉ nghĩ việc ngồi xuống bộ ghế đánh véc-ni giả cổ, Hạnh đã lạnh cả xương sống. Cô muốn ngóc đầu lên mà phơi phới sống nhưng luôn bị không khí ấy kéo chùng hai vai.

Không chừng màu ấy, mùi ấy cũng ngấm vào da thịt Hạnh rồi. Dẫu đã dọn ra ngoài ở mà vẫn có đêm Hạnh giật mình tỉnh giấc vì ác mộng. Các vỉ thuốc khớp, ho, long não lăn lóc trên ghế, dưới nền nhà như xác pháo. Luna đang tập bò, nhặt viên thuốc của bà cho vào mồm, mắt trợn ngược. Nghe mẹ chồng kêu, Hạnh từ gác lao xuống, nhấc ngược con lên, đập mạnh mấy phát vào lưng. Bật thuốc ra rồi cô mới ngồi thụp xuống khóc vì sợ. Bao chuyện dồn lại, muốn ở riêng cho lành. Mà dùng dằng mấy năm chưa xong, ràng buộc bao điều kiện.

“Cô nó bị sập tiệm rồi, nặng nợ. Thằng Hà phải giúp em lúc khó khăn trước rồi ra ở riêng sau”, mẹ chồng giải thích. Còn nữa: “Mua nhà nào ở gần đây, phải có phòng ngủ dưới gác cho mẹ dọn đến lúc không tự chăm thân được nữa”… Chưa kể đến sự dồn ứ những lắt nhắt khó thở khác Hà gây ra: “Mẹ bảo với tôi là mẹ đã sắp sẵn quần áo ấm cho thằng Brian đi học mà sáng nào cô cũng chọn đồ khác, để con phong phanh. Cứ ngược ý mẹ mới được à? Có mỗi việc nín nhịn người già cho tôi đỡ điếc tai cũng không làm nổi”… Hạnh chấp nhận trắng tay để ra đi.
***
Nắng trong vắt mà lạnh co rút cả chân tay. Hạnh nép vào góc tiệm báo, lục túi lôi khẩu trang ra đeo. Luna hiện ra. Tưởng hẹn đi mua quần áo, nó lại giúi tay Hạnh mấy tờ trăm EUR xanh xanh màu nước biển: 
- Mẹ cầm thêm dồn trả tiền thuê nhà, đừng theo người ta về ở không rồi nay dọn nhà mai đổi chỗ. Cứ thế này bao giờ mẹ đón chúng con được.

- Con bé này tưởng giúp mẹ mấy trăm mà to à. Sông có khúc, người có lúc. Mẹ đây số đen, tưởng gặp người hóa quỷ, làm việc chẳng may hỏng việc, cầm đồng tiền tiêu vặt của con, mẹ phiền lòng gấp vạn ấy chứ. 

Luna xụ mặt:
- Mẹ không nhận, con không gặp mẹ nữa đâu đấy!

Nói xong nó quay phắt đi, cặp mông tròn lẳn ra dáng thiếu nữ lắm rồi.

Có giỏi cứ đi, sau này cũng phải tìm về với mẹ thôi con ạ. Thuận từ đâu đạp xe tới, gạt phắt chân chống, ngáng mặt Hạnh:

- Có loại mẹ nào đứng ngoài đường xin tiền con gái chứ! Nhục!
- Ơ… ơ, thế rình mẹ con người ta thì vẻ vang chắc?
- Có rảnh vào quán cà phê với tôi nói chuyện. 

Hạnh cảnh giác:
- Ai trả tiền?
- Tôi.
- Ô kê.

Đi lòng vòng mới nhớ ra, chả quán cà phê nào mở cửa giữa thời buổi này. Take-away còn được. Nhưng đứng ngoài cảng chục phút giữa mùa này có mà thành đồ đông đá. May chủ quán Việt ở góc phố vẫy vẫy: “May cho các cô hôm nay khách đặt tiệc nên tôi phải nấu nướng sớm. Hai cô đi sâu vào trong, cạnh cửa kho ấy, chỗ tôi kê cái bàn cho người nhà. Ăn gì uống gì cứ gọi. À, tôi sắp thổi xôi gấc đấy, dẻo ngọt lắm. Bánh chưng cũng có, bảy đồng cái sáu lạng, mười đồng cái một cân”. Còn bụng dạ nào xôi gấc với bánh chưng, Thuận trút ngay cơn giận.

- Sao không kiếm việc mà nuôi thân? Lại đi xin con?
- Ơ hay, ai bảo tôi xin? Con bé tự nguyện đấy chứ. 
- Kiểu nào cũng nhục nhã cho cô.
- Chị bỏ hết cơ đồ mà sang xứ này, nhẫn nhịn để một thằng thợ máy thô thiển đè đầu cưỡi cổ, nhục kém gì tôi?
- Ai bảo cô tôi bị đè đầu cưỡi cổ?

- Xin chị. Tôi về làm dâu nhà đó trước chị. Chị đang khổ sở thế nào tôi lạ gì. Khiếp, tôi còn ngửi thấy mùi gia trưởng của ông Hà ủ trên tóc trên áo chị đây này. Bà chủ ơi có nâu đá không cho em xin hai cốc. À mà chị uống nâu hay đen?

- Kệ tôi. Sống dựa dẫm cô không chán à?

- Tôi mới sổ lồng vài năm. Chán là chán thế nào! Mà tôi có ăn không ngồi rồi đâu, tôi cũng thử đi làm móng. Chẳng may cô Vy(*) nó hành, tiệm cứ đóng lại mở, mở lại đóng, đời nào họ dành chỗ cho thợ mới như tôi. Không có trợ cấp thất nghiệp mà tiền thuê nhà, điện nước hằng tháng vẫn phải trả. 

- Tiền trợ cấp nuôi con hằng tháng cô giữ cả đấy thôi? Trong khi con Luna chúng tôi nuôi, thằng Brian bà nội nuôi.

- Các người tưởng mấy trăm bạc ấy to lắm? Ông Hà nuôi con được mấy năm rồi mà tính toán với người đàn bà suýt chết vì đẻ con cho ông ấy. Có đón con Luna về cũng đừng hòng cướp đồng tiền đó, người ta chỉ gửi vào tài khoản người mẹ mà thôi. Còn bà nội muốn giữ chặt đích tôn, coi thằng Brian là dòng giống bà ấy thì phải nuôi thôi. Họ bỏ tôi vẫn đón cơ mà. 

- Nghe đồn cô đi với anh Pháp này rồi lại vớ anh Đức nọ trẻ hơn cả chục tuổi. Bọn nó không đãi đằng hay sao mà giờ bòn của con, về mẹ chồng cũ ăn chực?

Hạnh tháo khẩu trang, nhét túi áo khoác. Khinh người cũng khinh vừa thôi chứ.

- Chị nói chuyện tử tế thì tôi hợp tác, không thì biến. Đàn bà với nhau, đồng hương, cùng cảnh, lại nể chị đang chăm sóc Luna tôi mới nhịn để chị từ nãy cứ như ngồi lên đầu người ta như thế.

Thuận cũng nhận ra mình hơi quá. Tại Thuận tức. Có lẽ đâu cuộc đời mình mà bắt bao người phiền lụy. Hạnh thấy Thuận im thì dịu lại: 

- Tôi hỏi chị chứ, thân gái mười hai bến nước, ai chẳng muốn cập cái bến tử tế. Chẳng may vớ toàn bến thối hoắc phải nhổ neo tháo cọc chứ ở đó cho ô uế hết đời à! Còn chuyện này nữa, chị tốt với con tôi nhưng đừng nghĩ tôi nợ chị, đừng mong con tôi coi chị như mẹ. Chị chọn bước chân vào nhà ấy, chấp nhận sống cảnh ấy, không ai bắt. Tôi bảo thật, chị thấy khổ quá cứ bỏ đi. Nửa đời rồi còn gì, nên rộng lượng với chính mình, chả việc gì muộn phiền với điều không xứng đáng.

- Ơ hay, tôi có cần cô khuyên đâu! 
-Hồi tôi còn u mê, có người khuyên như vậy, tôi nói lại thôi. Mà sao những người học thức cao như chị, hiện đại như chị lại lao vào cái nơi tăm tối tôi đã cố thoát ra? Hồi trong nước chị bị thất tình, chán đời hay sao mà sang đây? Công nhận đàn ông sướng, kiểu gì họ cũng có được vợ đẹp con khôn.

- Đàn ông không phải nhận gánh nặng đó, mà gánh nặng đó chỉ chuyển từ vai người đàn bà này sang người đàn bà khác, từ cô sang tôi đấy thôi. Nhiều lúc tôi còn nghĩ kiếp trước tôi nợ cô và con cái cô nên kiếp này phải trả chăng?
- Nghĩ thế sao cứ phải tránh mặt tôi?
- Ghét chẳng muốn nhìn, thế thôi!
- Tôi có bắt chị yêu tôi đâu! Ghét dễ lắm. Yêu mới khó. Lâu nay chị chỉ biết về tôi kiểu một chiều, nghe lời bôi bác tôi từ ông Hà, từ mẹ chồng. Lạ gì! Nhưng, tôi nghĩ lý do chính khiến chị ngại giáp mặt tôi là vì sợ nói chuyện với tôi sẽ lộ ra nhiều cái dở về ông Hà. Chị sợ mỗi ngày lại thấy tai ông ấy dài ra như tai lừa. 
Thuận định cãi, bỗng điện thoại đổ chuông. Hà gọi: “Giờ này tưởng xong việc ở xưởng giặt rồi. Không nhớ hôm nay sang mẹ nấu cơm giao thừa à?”. Thuận nhìn Hạnh đang dốc cạn cốc cà phê, đáp gọn: “Em chưa xong, bảo mẹ đừng chờ” rồi tắt cuộc gọi. Hạnh hí hí:

- Người ngoài cảng lại chơi trò Mayday Mayday Mayday(**) à?
- Tại cô mà tôi quên còn hơn tiếng nữa là giao thừa.
- Hâm. Nhà ấy vẽ chuyện. Sáu giờ tối bên này còn đang tắc đường, nhá. Chưa phải nửa đêm mà giục.
Tiếp tin nhắn của Luna: “Bà nội hỏi dì đấy. Còn nồi miến gà với đĩa nem rán. Chưa đủ mâm cúng giao thừa”.

- Con chị cũng giục tôi đây này! - Thuận chìa tin nhắn cho Hạnh. 

Hạnh bĩu môi: 
- Cúng giỗ lễ tết thành tâm. Sao cứ phải đủ lệ bộ. Úi, mùi gì thơm thế chủ quán ơi?
- Cháo lòng, các cô ăn không? Thời buổi cô Vy, đến dân làm móng cắt tóc cũng chuyển sang nấu đồ ăn ship tận nhà cạnh tranh với mình. Đấy, có mấy người hỏi cháo lòng ăn sau giao thừa tôi cũng phải nhận lời nấu ngay. 

Điện thoại lại báo tin nhắn của Katrien: “Lão Hà vừa gọi hỏi xưởng làm thêm giờ à. Tôi bảo đang chổng mông giặt khăn đây. Cô đi đâu cũng đừng vội về, kệ lão ấy”. 

Hạnh nhìn Thuận, nháy mắt:
- Làm bát cho ấm bụng hãy về. Ở đây mấy khi có cháo lòng ăn đâu.

Thuận cảnh giác:
- Ai trả tiền?
- Tôi trả bát tôi. 

Thuận tắt hẳn điện thoại:
- Ừ thì ăn xong mới về. Đời còn dài, chẳng lẽ không đủ để ta ăn một bát cháo, nhỉ? 

Kiều Bích Hương

(*) Cô Vy: đại dịch Covid-19
(**) Mayday: tín hiệu báo nguy

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI