Những buổi trưa nắng như nung, chị chỉ muốn bỏ gánh hàng mà về nhà múc nước giếng xối lên người cho dịu cái nóng hừng hực nhưng sao mà bỏ về được bởi tiền ăn, tiền trọ học trên phố của 2 đứa con gái trông cả vào gánh hàng rong cạnh trường học này.
Trống trường đánh một hồi dài, học sinh ùa ra như ong vỡ tổ. Đám học trò cấp II vây quanh chị, đứa chỉ gói bim bim, đứa khều bịch bánh tráng, đứa khác lại chỉ mấy gói kẹo xanh đỏ chị treo đầy trên quang gánh. Chưa kịp thối tiền đứa này thì đứa kia đã giục. Mướt mồ hôi nhưng sự luôn tay luôn chân đó đã được đợi cả ngày trời.
Ảnh: xumochu
Chỉ một loáng, đám học sinh đã vãn, cổng trường khép lại. Sau khi vuốt phẳng phiu mấy tờ tiền lẻ để gọn gàng vào cái túi xách đeo bên hông, chị lấy cái điện thoại cũ mèm gọi chồng ra chở về. Đầu dây bên kia đổ chuông mà chẳng ai bắt máy. Chị nhấn gọi đến 3 lần vẫn y như thế. Thở dài, chị đút điện thoại vào túi áo khoác rồi gánh hàng lên vai đi bộ về. Ngồi ngoài đường cả ngày khiến người chị mỏi nhừ. Trường cách nhà tới 6 cây số, ngồi xe máy cái vèo là tới, còn đi bộ với gánh hàng trên vai thì mất cả tiếng đồng hồ. Nhà có chiếc xe máy, chị nhường chồng để anh đi lại. Mỗi sáng, anh chở chị đến cổng trường, chiều thì anh ghé rước chị về. Nhưng dạo gần đây, anh cứ hay quên, để chị tự đi bộ về nhà. Bóng chiều chênh chếch sau dãy núi. Chị đi ngang qua những thửa ruộng khô khốc, mặt ruộng nứt nẻ như đang há mỏ chờ những cơn mưa.
Về đến sân, chị thấy nhà cửa tối om. Mấy con gà thấy chủ về ùa ra đòi ăn, có con còn mổ cả vào chân chị. Chị bật điện, bếp núc lạnh ngắt. Nồi cơm điện nấu từ hôm qua đã bốc mùi thiu khiến chị tủi thân trào nước mắt. Chị lấy điện thoại gọi cho chồng vài cuộc nhưng đầu máy bên kia chỉ có những tiếng chuông đổ dài. Chị thả cái điện thoại lên bàn, lúi húi cọ nồi rồi nấu cơm. Nhà chẳng còn gì ăn, chị đành chiên trứng cho qua bữa.
Khi 2 cái trứng vịt đã trở thành món trứng chiên vàng ruộm trên chảo, có tiếng xe máy vào sân. Con Trập nằm dưới gầm bàn nghe tiếng xe quen vẫy đuôi rối rít. Chồng chị đá chân chống, miệng huýt sáo. Chị nheo mắt nhìn. Thấy mấy con cá rô phi quẫy rột roạt trong cái túi ni lông anh đang cầm, cơn giận trong chị bốc lên ngùn ngụt. Chị vội tắt bếp gas rồi nhanh như cắt giật lấy túi cá trên tay anh vứt thật mạnh ra sân. Cái bịch xổ ra, 3 con cá to bằng bắp chân người lớn nằm lăn lóc trên sân. Con Trập thấy cá liền chạy vù đến ngoạm 1 con rồi chạy biến vào một góc. Quá bất ngờ trước hành động của chị, anh đứng ngây một lúc.
- Em điên à? Mấy con cá này anh câu cả buổi chiều đó.
- Thì ra cả chiều anh đi câu cá. Tôi gọi cho anh đến cháy máy mà anh không nghe. Anh bắt tôi gánh hàng lội bộ mấy cây số về nhà. Gà không cho ăn, heo đói trong chuồng, cơm nước không thèm nấu để thong thả ngồi câu cá ngoài sông. Anh thấy mình tệ lắm không?
Cùng với từ “tệ lắm không” nước mắt chị ầng ậng chảy. Chị buộc lại mớ tóc xõa lòa xòa rồi bỏ cơm vào buồng nằm. Anh thấy vợ như vậy thì nín thinh, ra ảng nước làm cá. Anh chiên 2 con cá ngập trong dầu, giã chén nước mắm thật cay đúng ý chị. Anh nhẹ nhàng đặt dĩa cá chiên lên bàn, nói vọng vào buồng “ra ăn cơm” nhưng trong buồng không có động tĩnh gì.
*** Mỗi lần gặp lão Tầm, chị Tám đều giả vờ không thấy để khỏi chào hỏi. Chị ghét lão bởi lão khiến chồng chị mê câu cá. Chị biết chồng mình vốn dĩ đâu phải người tệ, không lo làm ăn. Vậy mà không hiểu sao khi buông cần, anh lại quên hết sự đời như thế. Chiều hôm đó, anh đi đâu có việc, chạy xe ngang chỗ lão Tầm ngồi câu. Lão ngoắt anh lại, bảo anh ngồi chơi với lão, sẵn có cần câu dư ngồi câu cho vui.
Chẳng biết chiều đó anh có vui không mà mớ hàng chị nhờ anh đi lấy, anh quên ráo trọi. Anh ngồi từ đầu giờ chiều đến tối mờ tối mịt mới về, xách theo cái bọc ni lông có 4 con cá to bằng 2 ngón tay. Từ bữa đó, anh như bị bỏ bùa. Hễ rảnh giờ nào là anh xách cần đi câu với lão Tầm, lúc ngồi bờ sông, lúc bờ suối, lúc bỏ tiền vào tận hồ câu ngồi mấy tiếng đồng hồ rồi về. Có bữa, 2 người còn đi xe máy mấy tiếng đồng hồ tới cái đầm xa lắc ở huyện bên để câu. Anh thường hồ hởi khoe mấy con cá rô phi câu trong hồ. Chị nhăn mặt, giống cá này rẻ rề, chừng ấy tiền bỏ ra mua vé vào hồ sao không đưa chị ra chợ mua mấy ký lô cá to hơn tha hồ ăn.
Mà đâu chỉ có thế, anh lặn lội cả ngày trời đi tìm cây trúc đẹp, chặt về hơ lửa, uốn cong làm cần câu. Anh mất công đi đào giun, rang thính, ủ mồi, nghiên cứu loại mồi nào hợp với từng loại cá. Từ tay ngang lơ mơ, anh khoe với vợ, mình đã trở thành một tay sát cá. Anh nói chị không biết được cái thú khi ngồi nhẩn nha chờ con cá đớp mồi. Câu cá không thể nóng vội, càng vội càng hỏng. Khoảnh khắc nhìn sợi cước động đậy rồi bị kéo căng thật là sung sướng. Kéo cần lên, nhìn con cá mắc dưới lưỡi câu, anh sướng run người… Càng nghe, ruột gan chị lại càng lồng lộn. Từ trước đến nay, chị đi bán, anh ở nhà làm mấy sào ruộng, cuộc sống chật vật nhưng không đến nỗi nào. Vậy mà từ hồi dính vào thú câu cá, anh quên nhổ cỏ, bón phân…
Mùa này vừa sạ xong ông trời đột nhiên nắng hạn làm mấy sào ruộng èo uột, vàng vọt. Anh càng được thể thong thả đi câu nhiều hơn vì không có nước thì ruộng đồng biết làm gì. Anh đâu biết tiếng thở dài của vợ mỗi lần đếm xấp tiền lẻ buôn bán cả ngày, nhăn trán mỗi khi 2 đứa con trên phố gọi điện xin tiền đóng tiền trọ, tiền học. Một vài tháng chồng rong chơi còn chịu được, đến 2 năm như thế, chị chẳng còn chịu nổi nữa.
*** Hôm nay, khi cổng trường khép, chị lại gọi anh nhưng đầu dây bên kia chỉ là những hồi chuông đổ dài như hôm qua. Gánh hàng băng ngang đám ruộng lơ thơ sắp chết khô, lòng chị nặng trĩu. Rồi tiền đâu gửi cho con, tiền đâu mua gạo, chồng thì suốt ngày ngồi thảnh thơi câu cá như chẳng biết hũ gạo nhà mình sắp cạn. Bao nhiêu lần chị ngọt nhạt, tỉ tê, giận hờn nhưng khi cầm cần câu lên, anh nào nhớ đến gia đình nữa.
Khi anh cầm bịch cá vào nhà thì chị dằn mạnh lên bàn tờ đơn ly hôn. Môi chị mím lại, chực khóc. Bao nhiêu nỗi tủi hổ đè nén được chị nói ra hết. Chị chẳng muốn sống như thế này nữa. Một mình chị không thể nuôi nổi 2 con còn nuôi thêm chồng. Những năm trước còn mấy đám ruộng, còn có chỗ bấu víu, nay ruộng đồng khô cháy, cả nhà chẳng biết sống dựa vào gì. Chị bảo anh ký đơn ly hôn rồi chị sẽ khăn gói lên thành phố làm công nhân hay rửa chén, phụ việc nhà kiếm tiền nuôi con học tiếp. Chị kiệt sức rồi!
Anh sững sờ khi nghe từ ly hôn. Bịch cá rớt xuống chân, con mèo thấy chủ sơ hở chạy lại cào rách cái bịch mà anh chẳng buồn đuổi. Chị nói xong quay vào buồng nằm, cắn chặt môi thành ra tiếng khóc tức tưởi bị đè nén.
*** Sau vài ngày loay hoay hỏi thăm thì chị cũng đã nộp được lá đơn có chữ ký của chồng lên tòa. Tòa án ở trung tâm huyện, xa lắc lơ mà nhà chỉ có chiếc xe máy nên bữa tòa gọi, anh chở chị đi. Hàng xóm thấy vợ chồng chở nhau lên huyện cứ nghĩ họ đi chơi chứ có ngờ đâu họ dắt díu ra tòa. Vị nữ quan tòa mang đôi kính dày cộm nhìn chị vân vê tà áo, rồi nhìn qua anh bảo 2 người về nhà hòa giải, chừng nào không thành công thì ra tòa xử. Vợ chồng nhìn nhau rồi lại đèo nhau về.
Chị nói bữa nay họ thành những kẻ ly thân chứ không còn là vợ chồng như trước kia nữa. Anh muốn làm gì thì làm, chị chẳng ý kiến. Chuyện 2 người đừng nói vội cho 2 đứa con, để khi nào xong thủ tục, tự chị nói với con cũng chưa muộn. Từ bữa đó, chị vẫn hằng ngày ngồi trước cổng trường với gánh quà vặt. Buổi chiều định gọi anh thì sực nhớ 2 người đang sửa soạn ly hôn, vậy là chị đành đi bộ về còn anh càng được thể đi câu nhiều hơn. Sáng sớm anh đã sửa soạn mồi câu, ngồi cả ngày từ bờ sông lê la tới hồ câu, có khi đến tối mịt mới về. Khuya khoắt định nướng con cá ăn cơm thì thấy nồi cơm chẳng có ai nấu, anh đành úp mì tôm ăn đỡ. Nắng xao xác mái tôn, nhà lạnh ngắt. Dạo này người ta thấy anh cứ ngồi với lão Tầm suốt, cũng thắc mắc “Vợ không càm ràm à?”. Anh gãi đầu: “Sắp ly hôn rồi, càm ràm gì nữa!”.
*** Buổi chiều đó, có người hớt hải chạy đến báo tin cho anh biết chị bị xe đụng, đưa đi nhà thương rồi. Anh hốt hoảng buông câu, chạy xe đến bệnh viện mà quên cài dây nón bảo hiểm. Tới nơi, anh hoảng hồn thấy chị nằm trên giường, máu me dính đầy quần áo. Bác sĩ nói chị bị gãy chân phải, những chỗ khác trên người chỉ bị xây xước nên không nguy hiểm. Cái chân gãy phải bó bột hơn tháng. Chị kể với anh trưa nóng quá định sang đường mua chai nước uống, có thằng thanh niên không đội nón bảo hiểm phóng xe bạt mạng đâm trúng chị.
Gãy chân bó bột phải nằm nhà, chị từ một người quán xuyến hết công việc nhà rồi bán buôn mà giờ phải ngồi một chỗ. Nghe tiếng heo kêu, tiếng gà đòi ăn, chị sốt ruột không chịu nổi. Cũng may, từ bữa chị gãy chân, anh hiểu chuyện, ở nhà phụ vợ. Sáng sớm, anh nấu cơm cho chị ăn, đi cắt rau lang về nấu cám cho heo ăn. Mỗi lần chị gọi, anh dìu chị tập tễnh vào nhà vệ sinh. Khoác cánh tay lên vai chồng, chị nghe mùi mồ hôi quen thuộc nồng nồng. Hình như lâu lắm rồi chị mới gần chồng như thế. Chị nhìn qua, thoáng thấy mấy sợi tóc bạc trên tóc anh. Thấy gương mặt dạn dày sương gió, thấy râu ria lún phún mọc như kẻ bất cần đời, tự nhiên lòng chị gợn lên những suy nghĩ mông lung. Chị cố nhớ lại gương mặt lúc 2 người mới quen.
Cả tuần không gội đầu khiến tóc tai chị ngứa ngáy, bết lại. Ngồi gội thì sợ ướt cái chân bó bột nên chị nhờ anh chở ra tiệm gội đầu ngoài chợ. Anh ngó ra ngoài trời nắng chang chang rồi bảo để mình gội cho, chứ chân như thế ngồi xe máy cực quá. Anh lấy cái ghế dài để ngoài ảng nước, dìu chị nằm lên. Mái tóc dài của chị thường ngày búi lại nay được anh xõa ra. Nghe nước mát rượi trên đầu mình, mùi dầu gội thơm thơm, từng ngón tay thô sần của chồng vụng về trên da đầu mình, tự nhiên chị trào nước mắt.
Chị nhớ lại ngày mình có bầu đứa con gái đầu lòng cũng được chồng gội đầu cho như thế. Hồi đó tới bây giờ cũng hơn 20 năm. Bao nhiêu vui buồn, bao nhiêu sóng gió chẳng còn nhớ hết nhưng chắc chắn đã từng có những ngày rất vui, rất hạnh phúc. Chị thấy bàn tay anh chầm chậm trên đầu, từng ngón tay vụng về nhưng thật dịu dàng. Lúc anh lau tóc bằng khăn, đỡ chị ngồi dậy, chị thoáng thấy mắt anh ươn ướt.
Bữa sau, lão Tầm gọi anh đi câu cá, chị thấy anh nhấp nhổm, hình như có ý muốn đi nhưng rồi lại bỏ điện thoại sang một bên, bật bếp nấu cơm. Anh kho cá với lá nghệ, món mà chị ghiền nhất. Anh dọn cơm lên bàn rồi dìu chị ngồi vào bàn ăn. Bình thường mạnh ai nấy ăn, nay mới lại ngồi chung bàn. Anh gắp cho chị khúc cá thật ngon. Chị nhìn anh cười cười. Chiều đó, đột nhiên trời chuyển mưa. Không khí mát lạnh chẳng mấy chốc ùa vào nhà. Chị nói với anh, chắc tại hồi chiều anh kho cá cho chị ăn nên trời mới mưa.
Mấy tuần sau, anh chở chị đi tháo bột. Đi ngang qua cánh đồng, chị ngỡ ngàng khi thấy mấy đám ruộng nhà mình đã xanh trở lại. Anh nói bữa trời mưa, anh vác cuốc đi đắp bờ, rồi vãi phân, chỉ chừng 3 bữa là thấy lúa xanh lại rồi. Giống lúa kể cũng lạ, thấy trơ trơ tưởng chết mà chỉ cần 1 cơn mưa là đã hồi sinh. Anh nói mưa xuống rồi, mai cuốc cái vạt đất trước nhà giâm ít rau lang, chừng vài tuần là có rau ăn mệt nghỉ.
Đi tới bệnh viện phải ngang qua cổng tòa án. Anh ngoái đầu nhìn vào trong rồi ngập ngừng hỏi: “Giờ ly hôn tiếp hay sao?”. Chị đấm thùm thụp vào vai chồng, cười bẽn lẽn…