PNO - Lời nói qua điện thoại không thay thế được vòng tay ôm, không thay thế được những cái hôn, không thay thế được những món ăn mẹ nấu, không thay thế được mùi thơm tóc mẹ trên gối, không thay thế được cuộc đi chơi công viên dịp cuối tuần mà mấy đứa bạn có cha dạy đá cầu và có mẹ mua kem cho ăn
Chiều hôm qua đi học về, Út lầm lì chẳng nói năng gì. Con hỏi: “Em bị cô giáo la mắng oan ức hả”, Út nín thinh. Con hỏi tiếp: “Hay là em bị đứa bạn nào kéo tóc hả?”, Út cũng nín thinh. Bà ngoại nói vô tai con: “Nó không kéo tóc người ta thì thôi chớ đứa nào dám kéo tóc nó”.
Kề miệng sát tai con mà ngoại cố tình cao giọng để Út cũng nghe được. Đó là tuyệt chiêu của ngoại. Mỗi khi có đứa cháu nào nín thinh, ngoại sẽ tìm cách nói khích sao cho đứa đó nổi tự ái mà cự cãi lại câu ngoại vừa nói. “Cự cãi với người lớn là không nên nhưng trong trường hợp này thì tốt”, ngoại nói vậy. Vì cãi lại tức là đã chịu mở miệng. Gì thì gì, bật thốt một câu thì cơn nín thinh đã được khai thông, thế nào cũng sẽ tuôn luôn nỗi ấm ức, mới nhẹ lòng được.
Con đợi Út phụng phịu kêu lên: “Út đâu phải đầu gấu mà ngoại nói vậy”. Ngoại sẽ tỏ ra hối hận vì lỡ lời rồi phân bua rằng ý của ngoại là Út rất mạnh mẽ, can đảm chứ không dễ bị người khác ăn hiếp như chị Hai nói đâu. Chợt ngoại ồ lên như chợt nhớ ra: “Hồi đầu năm học, ngoại có hứa nếu Út được điểm giỏi thì thưởng gấu bông mà không ngờ Út đạt nhiều điểm giỏi quá nên ngoại sợ nhà mình biến thành chuồng gấu. Giờ biết làm sao để ngoại không bị Út trách thất hứa mà nhà mình không biến thành cái chuồng? Ngoài gấu ra, Út còn muốn ngoại thưởng gì nè?”. Con phụ họa bằng cách tỏ ra ganh tị: “Ngoại không công bằng, con cũng có điểm giỏi mà sao không được ngoại thưởng gì hết?”. Ngoại hắng giọng: “Cho tiền mua cái máy tính xách tay để học này học kia trên mạng không phải là thưởng sao?”.
Trời ơi, con chỉ giả bộ ganh để có cớ với Út, để Út hiểu là mình được ngoại thương nhiều lắm. Dù ngoại không nói ra nhưng con biết để mua được cái máy tính cho con thì ngoại phải dành dụm mấy tháng lương hưu. Ôi, câu nói của con phụ lòng ngoại quá! Con ước mình chưa nói gì. Tự nhiên con làm ngoại buồn mà Út vẫn nhất định lầm lì suốt bữa cơm chiều cho tới lúc bày sách vở ra bàn học bài. Con liếc nhìn, thấy Út bặm môi trước bài toán có dấu sao. Con đợi Út nhờ giảng bài mà Út vẫn nín thinh cho tới khi đi ngủ.
Lên giường rồi, con mới nhận ra đáng lẽ con nên mở lời trước: “Toán có dấu sao là thử thách ghê lắm đó, để chị giảng cho nè”. Bài toán khó đó là một cái cớ tuyệt vời để con bắt chuyện với Út, vậy mà con chỉ im lặng chờ đợi. Vậy đó, con muốn Út nói chuyện với mình mà chính con cũng nín thinh. Con vụng về quá phải không mẹ? *** Thường, hai chị em có giận hờn gì thì trong giấc ngủ cũng làm hòa mà không cần ai nói lời xin lỗi. Đang quay lưng mà chỉ cần một tiếng động trong đêm tối là quay lại ôm nhau, cứ như con ma biết sợ khi thấy người ta ôm nhau. Vậy nhưng sáng thức dậy không thấy chị em con tíu tít thúc hối nhau ăn sáng nhanh nhanh kẻo đi học trễ, ngoại cứ nhìn con với câu hỏi trong mắt: “Tối qua Út cũng chưa chịu nói năng gì hả con?”.
Con thương Út lắm mẹ à! Tối qua con đã nhận ra mình vụng về nhưng con phải đi học. Nếu sáng hôm nay được ở nhà thì con đã bày sách vở ra để giảng bài toán có dấu sao cho Út và thực hành nói tiếng Anh. Thực hành nói tiếng Anh là cách hữu hiệu nhất để ai đó chịu mở miệng ra và như ngoại nói, cơn nín thính được khai thông…
Song, con phải đi học và Út cũng vậy. Tối qua nhìn Út nằm thu người sát vách tường, con cố nghĩ cách giúp Út vui trở lại và đã nghĩ ra nhưng con không thực hiện được. Con làm chị mà dở quá hả mẹ?
Trường tiểu học cách nhà mình chỉ trăm bước chân nên từ khi Út lên lớp Năm thì ngoại để Út đi học “một mình”. “Một mình” tức là ngoại không còn cầm tay Út dắt tới tận cổng trường mà đợi Út ra khỏi nhà rồi ngoại mới đi theo sau, cách một khoảng. Mấy lần Út kể con nghe mà cố tình nói thật to để ngoại cũng nghe: “Ngoại của mình kỳ cục lắm nha Hai. Chính ngoại nói lên lớp Năm đã là đàn anh đàn chị trong trường nên Út phải tự đi học không cần ai nắm tay mà ngoại cứ đi theo sau lưng làm chi không biết”.
Con giả bộ không hiểu ngoại. Con cũng giả bộ không hiểu Út. Con nói: “Báo chí đăng là mấy quán game đã lan tới gần trường tiểu học nên chắc ngoại sợ Út đi lạc tới quán game”. Ngay lập tức, ngoại kêu lên: “Nói bậy nè, ngoại không có ý đó” rồi ngoại nói thêm: “Theo Út làm chi cho mỏi chân, ngoại đi mua đồ ở quán tạp hóa đầu đường mà!”. Út hờn con suốt cả ngày vì dám suy luận cái kiểu xúc phạm vô cùng. Người ta là học trò giỏi mà sao dính dáng tới chuyện trốn học đi chơi game. *** Út học bán trú nên bữa trưa chỉ có ngoại và con. Bữa cơm chiều có Út, ngoại hay nói chuyện về mấy nhân vật trong phim hoạt hình. Ngoại mượn nhân vật để nói gần nói xa cho Út biết kẻ hay người dở. Khi Út vắng thì ngoại hỏi han: “Con chọn khối thi chưa? Tính thi vô ngành nào thì tập trung học mấy môn đó cho chắc chứ đừng lan man. Báo đăng năm ngoái có học trò giỏi toàn diện mà thi đại học không đủ điểm sàn đó Hai à…”.
Vậy mà trưa nay ngoại cũng nín thinh. Ngoại mà nín thinh là chuyện lớn rồi. Con phải dọa: “Ngoại ơi, năm học này thi cử nặng lắm nên đầu óc con phải được thông suốt thì học mới vô, mà nhà mình ai cũng im im thì làm sao con tập trung học tốt được?”. Lời hăm dọa hiệu nghiệm ngay lập tức. Ngoại thở dài thở ngắn rồi kể: “Sáng nay, ngoại đi theo Út tới cổng trường thì gặp cô Ngà mẹ của bé Ty bạn cùng lớp với Út. Cô Ngà đó nhiều chuyện và vô duyên quá. Cô ta chìa điện thoại cho Út đọc trang Facebook của mẹ. Mà con bé Ty đó chắc là cũng nhiều chuyện giống má nó…”. Ra là vậy. *** Chuyện mẹ sinh em bé đâu phải là bí mật. Từ mấy tháng trước, Facebook của mẹ đầy những tấm hình khoe những món đồ sơ sinh, mẹ còn khoe cái nôi màu hồng. Con không nghĩ gì xa xôi đâu, mẹ à! Con tính Chủ nhật tới sẽ đi mua quà gửi tặng mẹ và em bé. Con muốn mua cái khăn màu hồng giống cái nôi và hộp phấn em bé cũng màu hồng. Con nghĩ là mẹ thích màu hồng cho em bé, không biết con nghĩ vậy có đúng.
Con đọc báo biết có nhiều trường hợp giống nhà mình: cha mẹ chia tay. Có nhiều đứa con ích kỷ không muốn cha mẹ đi bước nữa. Thật lòng, lúc mẹ mới đi với dượng, con buồn lắm nhưng con không muốn mình là đứa con ích kỷ. Hồi mẹ mới đi theo dượng, tối nào ngoại cũng vô giường nằm với hai chị em con. Hồi trước, ngoại nấu bồ kết cho tụi con gội đầu mà khi mẹ mới đi thì ngoại mua về chai dầu gội đầu loại mẹ hay xài, nên cái gối vẫn thơm mùi tóc mẹ.
Đợi Út ngủ say, ngoại thủ thỉ với con là hãy mở lòng mình ra. Con không biết mở lòng là làm sao, con chỉ cố gắng không nghĩ tới nỗi buồn… Đọc Facebook của mẹ, thấy mẹ đăng hình xinh đẹp rạng rỡ bên cạnh dượng, con cố gắng để vui niềm vui của mẹ… Có lần, Út chỉ tay vô khuôn mặt dượng bên cạnh mẹ mà gằn giọng: “Ghét”. Con nói với Út rằng dượng là người tốt nên mẹ mình mới tươi cười vui vẻ được như vậy; chị em mình may mắn vì mẹ gặp được người tốt. Đó là con lặp lại lời của ngoại chứ tự con không nghĩ ra. Mà giờ thì con cũng hiểu rồi. Cũng như con đã hiểu vì sao hồi mẹ mới đi theo dượng, ngoại hay gãi đầu vò tóc than thở loại dầu gội pha sẵn trong chai làm ngứa ngáy quá mà ngoại vẫn ráng xài đến chai thứ ba mới thôi, khi Út đã dần quen và không hay úp mặt vô gối tìm mùi mẹ nữa.
Bây giờ là vì tên gọi Út, mẹ à. Gia đình có bao nhiêu đứa con thì cũng như nhau thôi, chỉ đứa Út là duy nhất. Một vị trí quyền lực biết bao! Có mấy lần hai chị em đùa giỡn, con lý lẽ: “Chị Hai cũng là duy nhất đó nghe: lớn nhất nhà, có quyền gõ đầu bất cứ đứa em nào”. Út thách thức: “Chị thử giơ tay lên đi, chỉ giơ tay lên thôi chứ chưa gõ xuống mà em mếu thì để coi ngoại la ai cho biết”.
Lần đó mới thi học kỳ xong, rảnh quá nên hai chị em giỡn xàm, thử coi ngoại cưng đứa nào hơn. Con bèn giơ tay lên và gõ xuống thật nhanh trước khi Út kịp né cái đầu. Út la vang nhà: “Tưởng nói giỡn mà sao chị làm thiệt?”. Út khóc nức nở không phải vì đau bởi con gõ nhẹ hều, mà vì nghĩ rằng con không thương em, rằng từ trước tới nay nói thương chỉ là xạo thôi. Đứa bị ngoại la mắng là con mà đứa khóc hết nước mắt là Út. Nay con kể cho mẹ nghe để mẹ biết Út nhà mình nhìn bướng bỉnh vậy mà dễ tủi thân biết chừng nào. *** Ngoại thở dài hoài. Ngoại nói nếu biết trước sẽ xảy ra chuyện rối ren này thì hồi đó cứ kêu tên bé Bi hay bé Nhí gì đó cho xong. Ngoại gọi: “Út ơi, ra ăn cơm”, em vẫn ngồi lì trong phòng như không nghe gì. Chuyện đi học là quan trọng nhất, mà khi con nói: “Sáng rồi, dậy đi học kìa Út”, em càng quấn chặt cái mền…
Em cho cả nhà hiểu rằng em đã biết mình không còn được là Út nữa, đừng gọi em bằng cái tên gợi nhắc rõ ràng đến mất mát to lớn đó nữa. Phiền hơn, em nghĩ mẹ không còn thương như lần con gõ đầu em. Thương là phải làm sao cho người ta thấy và biết đó là thương, chứ chỉ nói suông thì không phải. Em nghĩ những cuộc điện thoại mẹ gọi chỉ là nói suông, những lời quan tâm của mẹ chỉ là xạo. Lời nói qua điện thoại không thay thế được vòng tay ôm, không thay thế được những cái hôn, không thay thế được những món ăn mẹ nấu, không thay thế được mùi thơm tóc mẹ trên gối, không thay thế được cuộc đi chơi công viên dịp cuối tuần mà mấy đứa bạn có cha dạy đá cầu và có mẹ mua kem cho ăn…
Ngoại nói một khi người đang buồn mà chịu mở miệng thì chuyện thế nào cũng sẽ êm xuôi, mà cơn mở miệng của em khiến ngoại chảy nước mắt. Con cũng khóc vì không thể làm gì cho nguôi nỗi buồn nhớ của em. Mẹ à, con lớn rồi nên con biết vui theo niềm vui của mẹ nhưng em còn nhỏ quá, em chỉ biết vui niềm vui của chính mình và cũng như vậy với nỗi buồn… *** Ngoại nói mẹ đọc thư này sẽ buồn lắm đó, có khi còn gây sóng gió. Rồi ngoại nói thêm, cuộc đời này có buồn có vui, nơi nào buồn thì chịu, nơi nào vui thì cứ vui. Ngoại còn nói nỗi buồn như dịch bệnh lây lan và người ta nên tìm cách ngăn nó lại, chỉ có kẻ ngốc mới kéo nhau chìm trong nỗi buồn. Ngoại luôn có lý. Con không phải là kẻ ngốc. Ngoại còn nói ai ích kỷ thì khi buồn mới kéo người khác buồn theo mình. Con không muốn mình là một trong những ai ích kỷ đó. Nhưng, làm sao để mẹ biết nỗi tổn thương vô tình mà trang Facebook của mẹ gây ra cho em?
Mẹ biết không, trong giấc ngủ say, em hay nhéo tai con. Con kết tội em có tính xấu - thích ăn hiếp người khác. Con diễn giải rằng vào ban ngày thì lý trí tỉnh táo giúp người ta che giấu thói hư tật xấu. Tới khi lý trí đi ngủ, tính xấu mới lộ ra. Ngoại bật cười rồi giải thích ban đêm con nít thường sợ ma nên dù ngủ say đứa nào cũng hay táy máy rờ rẫm người bên cạnh như để yên tâm nó không phải đang một mình, để yên tâm là đang có người che chở.
Con hiểu kiểu nói của ngoại quá mà! Ngoại luôn tìm cách để con nhớ mình là chị. Là chị thì phải biết nhường nhịn và bao dung chứ đừng lý lẽ kiểu bắt bẻ. Con hiểu nhưng có lần bực mình quá, con đánh tay em một cái khá đau. Em lồm cồm ngồi dậy bật công tắc đèn rồi mếu máo: “Chị hả? Em tưởng là mẹ…”. Lẽ ra nên dỗ em nín thì con lại ôm em mà khóc. Con vụng quá đi thôi!
Mẹ à… Là em nhớ mẹ lắm đó. Và con cũng nhớ. Chỉ nhớ thôi, chứ con không hờn trách gì mẹ đâu.
NSND Trần Ngọc Giàu cho biết, Liên hoan Cải lương toàn quốc 2024 có thêm giải thưởng cho tác giả chuyển thể là bước tiến lớn, động viên lực lượng sáng tác.