Truyện ngắn: Và biết đâu

10/08/2024 - 19:31

PNO - Minh về thăm nhà gặp lúc họp tổ dân phố. Dân xóm thay nhau mỗi nhà làm tổ trưởng 1 năm, cứ xoay vòng như vậy, hễ ai làm tổ trưởng thì họp hành tại nhà người đó.

Thông báo họp lúc 7g30 thì thường sau 8g bà con mới tụ tập đông đủ. Vậy nhưng hôm nay, từ khi trời chiều còn nắng, cả xóm đã râm ran rủ nhau. Có sự chộn rộn đó bởi vì con gái ông tổ trưởng lấy chồng Đài Loan (Trung Quốc), đi làm dâu 3 năm tới nay mới về thăm nhà lần đầu, mà không phải về một mình, tức là có chàng rể Đài Loan đi cùng. Nghe nói ở “bển”, vợ xúi chồng mở quán bún xào chả giò, nay rất đông khách.

Đọc báo nghe kể đủ chuyện về việc làm dâu xứ người, nay mới có dịp mắt thấy tai nghe nên dân xóm xôn xao. Nghe khen chàng rể này dễ thương lắm, sáng nay xách giỏ theo vợ đi chợ, tới hàng rau hàng cá đều lễ phép cúi đầu chào, miệng cười tươi rói. Cứ vậy mà lời khen từ chợ bay về khiến cả xóm xôn xao, lại thêm bà Sáu có đứa cháu ngoại đi xuất khẩu lao động bên Đài nên nhân dịp này muốn trực tiếp hỏi han cuộc sống bên đó ra sao. Lỡ ra cháu sợ mình buồn lo nên điện thoại gọi về lúc nào cũng nói “ổn” nhưng biết đâu chừng...
Muốn hỏi chuyện phải có phiên dịch. Thì có con gái ông tổ trưởng ở Đài 3 năm rồi kìa. Vậy nhưng mấy đứa bạn thân từ thời con gái đã kéo cô đi từ chiều, tâm sự đến khuya chưa chắc đã hết chuyện.

Tranh: P.H AI
Tranh: P.H AI

Bà Sáu đang bí xị thì má Minh qua nhà xin nắm lá lốt.
- Thằng Minh về hả? - bà Sáu mừng rỡ.

Có Minh ở nhà thì thế nào má cũng qua nhà bà Sáu xin lá lốt để nêm nồi canh mít non, món ruột của Minh.
***
Minh là hướng dẫn viên du lịch thường dẫn tour đi Đài Loan.

Nếu là trước đây, Minh sẽ tìm cớ tránh né để khỏi phải dính dáng tới mấy bà trong xóm bởi dính vô chuyện này thế nào cũng kéo ra chuyện nọ rồi xọ chuyện kia… Như khi bà Sáu tính cho thằng cháu ngoại đi xuất khẩu lao động xứ Đài đã nhờ Minh tìm hiểu giùm xem công ty môi giới đó có đàng hoàng không, rồi khi Minh giới thiệu công ty của người quen chắc chắn đàng hoàng, thậm chí là chỗ quen biết thân tình nên chưa phải nộp tiền mà thằng nhỏ đã được cho vô lớp học tiếng Đài và rèn luyện tay nghề, chi phí từ huyện ra phố ở trọ học hành cũng do công ty ứng trước. Thằng nhỏ học sắp xong khóa 3 tháng thì bà Sáu đùng đùng chọn công ty khác với lý do giá rẻ hơn. Minh phải cắn răng lấy tiền túi trả cho khóa học và tiền trọ của cháu bà Sáu, còn bị ba má la rầy là giúp đỡ kiểu gì mà bị chê mắc mỏ. Minh thề trong lòng không bao giờ dính dáng tới hàng xóm láng giềng nữa.

Nhưng nếu không có hàng xóm láng giềng thì giờ đây Minh đã mồ côi cha hoặc phải bỏ việc ở phố để về nhà thay cha làm trụ cột gia đình và phụ giúp má chăm sóc cha nằm liệt. Bữa đó, ba Minh đang làm rẫy thì người tự nhiên cứng đờ rồi té nhào giữa đống đất vừa xới. May mà có người cắt cỏ cho bò gần đó hô hoán… Ông Thành đầu xóm có cái máy cày, rơ moóc đã chất đầy đậu phộng để chở đi giao cho đại lý nhưng ngay lập tức đổ hết đậu xuống rồi trải cái mền dày để ba Minh nằm cho êm… Mỗi người một tay kịp đưa ba Minh tới bệnh viện huyện. Bác sĩ nói may mà bệnh nhân đến kịp khung giờ vàng chứ đột quỵ mà đưa tới trễ thì…
***
Gặp được người rành tiếng nước mình, chàng rể Đài vui lắm. Đây là cơ hội để chàng cho bên vợ thấu rõ vợ mình không phải làm gì cho nhà chồng ngoài việc chăm lo quán ăn làm vốn riêng mà thôi. Chuyến về thăm nhà lần này là do mẹ chồng thúc hối vì con dâu đã có thai được 3 tháng, mai mốt bụng to đi lại mệt nhọc, sinh con xong lại càng khó đi. Vậy nên mẹ chồng tự nguyện trông coi quán ăn để chồng đưa vợ về thăm quê…

Kể lể hạnh phúc đã đời rồi chàng rể Đài mới qua chuyện mà bà Sáu sốt ruột chờ đợi nãy giờ. Công ty xây dựng nơi cháu bà làm thì anh có nghe qua nhưng công việc xây dựng thì anh không chú ý nên không biết gì để nói. Thôi thì cứ cho số điện thoại của đứa cháu rồi mai mốt về Đài, anh sẽ liên lạc tìm hiểu…

Cuộc làm phiên dịch bất ngờ đó kéo Minh vô một việc khác. Sau cuộc họp tổ dân phố đó mấy ngày, khi Minh đang ở công ty thì má gọi thủ thỉ:
- Con à, cô bác trong xóm chứng kiến con nói chuyện rành rọt với người ta thì mới nhận ra là có cơ hội kết nối con cháu mình ở xứ người. Ờ, khi nào con đi tour Đài thì báo cho bà con biết trước vài ngày để họ chuẩn bị chút quà gửi qua đó cho con cháu họ biết là mình được gia đình quan tâm thương nhớ…

Minh nghe mà giật mình:
- Gửi quà không đơn giản đâu má ơi.
- Thì con chịu khó bưng xách…
- Không phải chuyện đó, mỗi vé bay có 20 ký hành lý ký gửi, con xài không hết, muốn gửi thêm chục ký cũng được nhưng quy định nghiêm ngặt lắm, cấm thứ này thứ kia…
- Thì con cứ gửi cái quy định cấm đó cho má biết mà nói với mọi người. Mấy khi mình trả được nợ ân tình hả con…
Nhắc tới nợ ân tình thì Minh chịu thua.
***
Trong xóm chỉ có 2 nhà dính dáng tới xứ Đài là ông tổ trưởng và bà Sáu, mà rồi dây mơ rễ má là người này có đứa cháu con ông anh, người kia có đứa cháu con bà chị...

Chuyến đi nào Minh cũng cầm theo vài gói quà bà con trong xóm nhờ cầm giùm cho người thân. Cũng không phiền hà gì lắm. Tới nơi, Minh gọi điện thoại nói địa chỉ khách sạn mình đang ở và hẹn giờ cho người nhận tới lấy. Tưởng vậy là đủ nhiệt tình rồi, nào ngờ mấy bà mấy thím chuyển lời trách móc qua má Minh: “Gửi quà là cái cớ để gặp thôi, phải làm sao cho nó kể chuyện làm ăn sinh sống ở xứ người…”. Trời, thêm khúc này thì hơi phiền.
Rồi Minh cũng thử.

Gói bột xay các loại đậu xanh đậu nành đậu đen gửi cho cậu con trai làm ở cảng cá Cao Hùng. Thiệt tình, quà cho đàn ông con trai là món bột đậu xay thì hơi kỳ cục. Minh chưa nói gì, cậu con trai đã phân bua:
- Bà già cứ hỏi con cần gì má gửi, biết ở nhà đang có sẵn mấy thứ đậu nên em nói má làm bột đậu luôn.
- Rồi có ăn không hay để phí?
- Có chứ. Hồi còn nhỏ sáng nào trước khi đi học em cũng ăn 1 tô bột khuấy nước sôi, no tới trưa luôn.

Minh buột miệng:
- Nếu nhà không có sẵn đậu thì em nói thích gì?
- Dạ, mắm kho quẹt.
***
Minh kể lại nguyên văn cho má nghe, rồi tùy má thông tin lại cho mấy bà mấy thím. Nghe tới khúc “mắm kho quẹt”, má sụt sịt: “Tội nghiệp chưa, chắc thằng nhỏ nhớ nhà lắm”.

Nhưng cũng có chuyện vui vui, đó là gói chuối khô cho cô gái tên Tú chăm sóc người già bị bệnh.
- Chắc là nhà em có một
vườn chuối?
- Sao anh biết?
- Thì em sợ người nhà tốn tiền cho nên má hỏi thích gửi gì thì nhắm trong nhà có gì nói thích thứ đó.
Cô đỏ mặt rồi nhoẻn cười:
- Anh đoán đúng mà cũng chưa đúng.
- …
- Đúng là vườn nhà em có nhiều chuối nhưng chuối phơi khô theo nắng thì hao công lắm. Nên không tốn tiền mua mà tiền công tính ra còn hơn.
Giọng cô trong trẻo quá khiến Minh muốn kéo dài cuộc trò chuyện:
- Em nhớ nhà không? Nhớ ai nhiều nhất?

Hỏi xong Minh mới thấy mình vô duyên thậm tệ. Mà cô thì hồn nhiên gật đầu, rồi chớp chớp đôi mắt đỏ hoe:
- Nhớ má. Em đi làm xa thì má cực nhiều hơn. Nhớ mấy đứa em nữa.

Không nghe nhắc tới ba, Minh nghĩ thầm rồi sợ mình hỏi thêm thì 2 con mắt đỏ hoe kia sẽ thành một trận mưa nên chuyển đề tài khác:
- Bà chủ của em dễ chịu không?
- Cũng được. Mỗi tuần bà chủ cho em nghỉ 1 buổi từ trưa tới 10g tối Chủ nhật. Thôi em phải về đây, lỡ bà cụ thức dậy mà không có em thì…

Minh đưa cô ra cổng khách sạn rồi nhìn theo cô đi như chạy về hướng trạm xe buýt, tự nhiên nghĩ thầm lần sau sẽ đưa quà cho cô vào chiều Chủ nhật để nói chuyện được nhiều hơn. Nhưng những chuyến đi sau, không thấy gói quà nào ghi số điện thoại của cô. Không có lý do để gặp lại, Minh tự cười mình vu vơ đâu đâu.

3 tháng trôi qua, khi Minh đã quên đi nỗi vu vơ thì bỗng gói quà là khoai lang mật sấy dẻo ghi số điện thoại của Tú đập vô mắt. Ông trời định hay sao mà tour này khởi hành vào thứ Năm từ Đài Bắc và đến Cao Hùng vào Chủ nhật.

Theo lịch trình, tới chiều tối đoàn sẽ dừng ở Dòng sông Tình yêu. Minh gọi điện hẹn gặp Tú để đưa quà ở đó. Rồi Minh thấy buồn cười vì tên của địa điểm gặp gỡ nghe như người gọi cố ý chọn địa điểm hẹn hò. Cũng vì hẹn ở nơi khác thì giữa trưa cô phải đi ra đường nắng nôi tội nghiệp.
- Từ chỗ em tới đây xa không?
Cô không trả lời mà nhìn quanh bao lấp lánh rộn ràng của khu du lịch nổi tiếng với đôi mắt háo hức.
- Ở đây đẹp quá ha!
- Em chưa tới đây sao?
- Dạ chưa.
- Vậy mỗi chiều Chủ nhật được nghỉ, em thường đi đâu chơi?
- Em làm ở quán dimsum.

Vậy là cô dành toàn thời gian để kiếm tiền. Cô đang cố gắng cho một dự định tương lai hay vì đàn em nheo nhóc? Minh thấy dậy lên niềm thương cảm sâu sắc.
Có vẻ như sợ Minh nghĩ mình ham tiền, cô co vai:
- Mới đầu chưa quen biết ai, được nghỉ cũng không có bạn rủ đi chơi nên em mới đi làm, mà bà chủ quán tốt quá nên em làm luôn tới giờ.
- Bà chủ tốt ra sao?
- Thì thỏa thuận là tính tiền công theo giờ, mà rồi người ta cho em ăn bữa chiều không tính tiền. Anh biết 1 phần dimsum ở đó bao nhiêu không?
- Bao nhiêu?
- Trăm rưỡi.

So với những nhà hàng Minh đưa đoàn tới thì cái giá cô vừa nói là rẻ, mà cô thốt lên bằng giọng như được tăng lương. Công việc cô đang làm thu nhập ra sao, anh muốn hỏi nhưng lại thôi.
- Nếu không đi làm quán dimsum thì em thích làm gì?
- Thích làm du lịch như anh… được đi đây đi đó…
Cô vội che miệng như vừa lỡ thốt ra một ước mong không thể thành sự thật.

Minh muốn hỏi thêm nhưng rồi lại thôi. Hãy để lần đầu tiên đến Dòng sông Tình yêu là một kỷ niệm đẹp trong cô và anh là một phần thơ mộng trong đó.

Nhìn cô hân hoan nhìn quanh những xôn xao dập dìu lóng lánh, anh chìa tay ra: “Đưa điện thoại đây rồi tạo dáng anh chụp hình cho”. Cô cười ngượng ngùng rồi cũng đưa điện thoại cho Minh và vuốt lại vạt áo.

Nheo mắt qua ống kính, Minh tha hồ ngắm cô kỹ hơn. Mái tóc ngang vai, vầng trán thanh thanh... Chợt Minh nhớ mỗi lần về thăm nhà ghét nhất là bị mấy bà mấy thím trong xóm hỏi “Khi nào mới cho hàng xóm uống rượu hồng đây?”.
Chỉ 1 lần không ai nói gì về điều đó, là lần có chàng rể Đài. Mà cũng từ chuyện đó mới nảy ra chuyện kia và Minh mới gặp cô ở nơi này…

Mà cô vừa nói gì? Thích làm du lịch để được đi đó đây... Mỗi ngày cô trò chuyện tiếp xúc với dân Đài là cơ hội luyện nói tuyệt vời.
Lần sau, anh sẽ nói với cô hãy cứ ước mơ. Anh sẽ tặng cô cuốn sách du lịch song ngữ, rồi thì...

Và biết đâu...

Nguyên Hương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI