Truyện ngắn - Ước mơ

03/09/2024 - 19:57

PNO - Lúc trời còn quện sương đêm dày đặc khắp không gian, Lụm giật mình thức giấc ôm ngực hớt hải. Má đã dậy từ trước đó để ra chợ gánh cá thuê, tiếng mở cửa kin kít lôi Lụm thoát khỏi cơn ác mộng.

Thỉnh thoảng, Lụm mơ thấy những kẻ mang khuôn mặt bặm trợn gớm ghiếc tới đập phá nhà. Lụm thấy như mình bị bọn chúng phang thẳng lên người, da thịt bầm tím, cả người nằm bất động, tay chân cứng đờ không nhấc nổi. Lúc tỉnh dậy, nó mới biết chỉ là bị bóng đè.

Lụm đưa bàn tay nổi sần lau mắt, ngồi lên vuốt vuốt mái tóc khô như rơm rồi chạy ù ra chợ đầu mối. Lụm không nhớ rõ đã nhốt đời mình trong khu chợ bao nhiêu ngày. Lâu quá rồi. Nó đếm mải miết số chồng lên số kéo dài tới mức đầu óc lùng bùng không tính được nữa.
Có đứa trẻ nào trong cái xóm èo uột toàn dân trôi sông lạc chợ này sống khác Lụm đâu. Bị ném vào đời kiếm cơm, đứa nhỏ bán vé số, đứa lớn làm bốc vác, đứa yếu đi xin ăn, đứa có chí gom tiền học nghề sửa xe… Để thêm tiền, mỗi sớm tờ mờ, tụi nó lại dậy chạy đua ra chợ lụm đồ rơi rớt. Đứa nào cũng có tên do ba má đặt, chỉ mỗi Lụm bị má quăng mất tên, nên đành gọi là Lụm.


***
3, 4 giờ sáng, khu chợ nhốn nháo từng đoàn xe nối đuôi nhau ra vô. Rau củ, cá tươi chất đống ngang dọc lăn lóc, người hò la luôn tay luôn chân. Mấy tay bốc vác thoăn thoắt xếp dỡ cá rau. Vài người đàn bà gánh cá thuê lăng xăng lui tới. Những chiếc xe kéo chất đầy hàng nhanh chóng di chuyển từ xe tải tới các sạp buôn. Chủ sạp lẩm nhẩm kiểm hàng giao nhận, bấm máy tính cạch cạch cộng tiền. Đằng sau những chiếc khẩu trang bịt kín là bao khuôn mặt bơ phờ há miệng ngáp ngủ. Trong mớ ồn ào đó, đâu ai rảnh rang bận tâm dăm ba con cá bé xíu nhảy khỏi thùng xốp hoặc đám rau củ lỡ rớt xuống từ gánh hàng.

Lụm xách bọc ni lông khom lưng chạy theo xe kéo chở hàng của các chủ vựa, cúi người lụm cá rơi cá chết, rau rớt củ lăn. Tranh thủ nhanh tay lẹ mắt chớ bọn nhóc ở chợ lanh lắm. Tiền ăn uống cả ngày phụ thuộc vào việc lụm lặt này nên chỉ cần 30 giây là hết sạch. Đứa nào đứa nấy đảo mắt liên hồi chực chờ sẵn để nhào ra quay cuồng chụp vội. Không ai nhường ai. Có vài thằng nhóc thua tuổi Lụm, ròm đến lòi hết xương sườn, miệng luôn chép nước miếng thèm thuồng mỗi khi thấy chủ sạp hàng húp xì xụp tô bún chả cá nóng hổi thơm phức. Vậy mà tụi nó “chiến” lắm, mấy chú bốc vác muốn lụm lại hàng đều không kịp trở tay.
Tới khi trời hưng hửng sáng, các sạp cá rau xếp gọn đâu vào đó, bọn nhóc gom đồ lụm được đem về cho má bán hoặc tự bán lại cho các bà hàng rong. Bữa nào xe hàng về nhiều, Lụm kiếm được chừng hơn trăm ngàn đồng, lén giấu đi 20.000, trừ tiền ăn ổ bánh mì hoặc tô cháo lòng, còn lại đem về đưa má. Lòng bàn tay Lụm nhăn nhúm lại, trắng hếu vì dính cá ẩm ướt suốt mấy tiếng đồng hồ. Cả người nó ướp đẫm mùi tanh của cá trộn lẫn mùi mặn của mồ hôi và bụi bặm. Hôi rình từ tóc tai, quần áo, mùi thấm vào trong ngỡ như da thịt cũng hôi theo.

Lụm ngồi dựa vào cây cột ở góc chợ, chậm rãi nhai gói xôi đậu. Đầu nó cứ quay quay lâng lâng vì thiếu ngủ. Cả người hầm hập nóng và bức bối vô cùng. Đang giữa hè, mặt trời nhả nắng y hệt nhả lửa, cháy da cháy thịt, cháy luôn lòng người. Lụm kệ hết, mấy bà ở chợ hay biểu nó sức trâu, chút mệt nhọc sao quật ngã được. Nó miên man nhớ lại lúc má ngồi bên hồ cá mát rượi tối hôm qua, hôm trước và hôm trước nữa. Tối nay, nhất định nó sẽ tiến tới ngồi cạnh má. Mỗi ngày, 2 má con Lụm có gặp nhau được nhiều đâu, nói chuyện với nhau lại càng ít. Nhiều lúc, Lụm cảm tưởng như má không hề nhìn thấy nó. Bận cắm đầu, rảnh đâu mà nhìn.
***
Hồi đó, thằng Sáng ngoan lắm. Ba má bận tối mắt tối mũi với xưởng in, nào in ấn bằng khen, thiệp cưới, lịch treo; nào phô tô giáo trình, tài liệu, đề thi. Sáng ngoan ngoãn tự chơi một mình, không quấy khóc bao giờ. Ba cưng Sáng nhất trần đời, đòi chi đều cho, từ mô hình siêu nhân chớp nháy tới chiếc xe đạp mini sơn bóng. Bữa nào xưởng in vắng khách, rảnh việc, ba chậm rãi giữ tay lái tập cho Sáng biết đạp xe rồi đứng đằng sau cổ vũ, ánh mắt sáng ngời.

Buổi trưa, thay vì theo chân đám bạn chạy rông ngoài đường, tắm suối, trèo cây hái trái, Sáng ở nhà lắp ghép mô hình rồi ngủ. Ba dặn Sáng tuyệt đối không dang nắng bởi cơ thể yếu, dễ đau ốm vặt. Bù lại, cứ chiều mát, ba sẽ dẫn Sáng ra bãi cát gần nhà thả diều. Gió trời lồng lộng nâng con diều có cái đuôi tua rua sặc sỡ bay phấp phới giữa lưng chừng nền mây. Cũng có bữa ba má cho Sáng tới khu vui chơi thỏa sức chơi bi lắc. Sáng cười giòn tan, tiếng cười hạnh phúc xua đi mọi mỏi mệt của ba má.
Xưởng in của ba ngày càng làm ăn phát đạt, má muốn mở thêm cơ sở thứ hai. Dù sao Sáng đang lớn dần, trong nhà trăm thứ cần tiền. Nghe má tâm sự, bà khách quen của xưởng liền rủ chơi hụi. Góp kiên trì cỡ 2 năm, má sẽ đủ tiền mua lô đất nho nhỏ trong xóm. Mới được 7 tháng, bà khách hớn hở chỉ chỗ người ta cần sang lại quán giá rẻ. Có sẵn cơ sở rồi, sửa sang lại một chút và mua thêm dàn máy in nữa thôi. Của hời không để được lâu, phải mau mau giành lấy. Cứ vay đỡ tiền đâu đó mua trước, đợi đủ ngày rút hụi đắp lại sau là được. Có chỗ cho vay thủ tục dễ ợt, chẳng cần thế chấp chi hết. Lời bà khách thúc giục bên tai, má xuôi theo mà chưa từng mảy may nghi hoặc.

Vừa chuyển tiền xong, đùng một phát, bể hụi. Bà khách như bốc hơi, số tiền má vay nóng cũng bị lừa hốt sạch sẽ. Giấy tờ sổ đỏ của quán là giả, chủ quán thật không hay biết liên quan chi. Tới hạn trả lãi, bọn đầu gấu tới nhà đòi nợ, gom hết đồ đạc quý giá. Nhà cửa, xưởng in tan hoang. Ba và Sáng bị bọn chúng đập nhừ tử phải nhập viện cấp cứu. Cả người 2 cha con bầm dập, bê bết máu, các bác sĩ đã tìm mọi cách nhưng đều thua. Bọn côn đồ chưa buông tha, hăm dọa sáng tối. Hết cách, má đánh liều gói ghém quần áo bỏ chạy trong đêm. Vật vạ, lăn lóc trầy da tróc vảy, cuối cùng tới được cái xóm tạm bợ của những con người từ bốn phương tám hướng đổ về.

Phải chi hồi đó má đừng tin lời người ta ngon ngọt dụ dỗ. Phải chi má đừng chơi hụi, đừng vay nóng. Là tại má, tất cả là tại má…

Ngay cả trong giấc mơ, Lụm cũng nghe thấy má tự trách mình. Lụm từ đằng xa nhìn thấy mọi thứ nhưng với tay mãi không chạm tới. Lụm ước chi nó được làm thằng Sáng con cưng của ba, cùng ba đi câu cá, đá banh như trong câu chuyện má hay kể. Những lúc đó, má sẽ đứng ở ngõ gọi í ới, kêu 2 cha con về nhà ăn cơm. Bao lâu rồi Lụm chưa được ba má ôm vào lòng?
***
Má biểu, đàn bà ở khu tạm bợ này mà không có đàn ông trong nhà thì khó sống lắm. Tụi ba trợn ba trạo lượn lờ bày đủ trò, đập cửa, hú hét, huýt gió, cười cợt, dòm trộm, sấn tới sờ mó, chặn đường…

Chồng sau của má làm bốc vác ở chợ, ai sai đâu chạy đó, lầm lì ít nói và chưa gây khó dễ cho má bao giờ. Làm được nhiêu đồng không đủ ăn nhưng ông ta có miếng đất nho nhỏ kế bên hồ cá, dựng cái chòi mái tôn che mưa che nắng canh cá giùm ông anh họ. Thôi thì có chỗ chui ra chui vô trốn nắng tránh mưa cũng tạm ổn. Vậy là má chịu ăn ở với ông ta, thêm một người cho bữa cơm đỡ hiu quạnh. Cứ tới với nhau vậy thôi chớ không cần hôn thú hay thông báo cho ai.

Lạ đời, hồi còn thui thủi với cái bóng và đám cá tối tối đớp sương, ông ta biết lo làm ăn. Từ ngày có bàn tay của má chăm nom khuya sớm, ông ta trở nên ỷ lại và bắt đầu sanh tật. Thời gian ông lê la ở chiếu bạc, sân đá gà nhiều hơn những lúc đẩy xe hàng cho chủ sạp. Và sau mỗi cuộc đỏ đen dù thua hay thắng đều sẽ tới cuộc nhậu. Bữa nào ông trợn mắt đá mâm vung tay thì chắc chắn vừa gặp một trận cháy túi.

Lụm bị đem ra làm bao cát để xả cơn tức, nhẹ thì bợp tai tím tái mặt mày, nặng là ăn trọn cú đạp vào bụng. Hầu như nó làm chi cũng ngứa mắt ông ta, không làm chi lại càng có cớ để đánh. Mỗi bữa cơm, ông ta chửi trên đầu Lụm chửi xuống: “Nhà ni nợ kiếp mô mới đẻ ra thứ vô dụng như mi”. Nó cúi gằm mặt và miếng cơm trộn chung nước mắt. Riết thành chai lỳ, chửi thì nghe, đánh thì chịu, mắt Lụm khô rang lạnh tanh.

Lụm không nhớ rõ ngày tháng năm nào ông ta xách đầu Lụm ra chợ cho biết mùi đời. Ngày nó kiếm được nhiều tiền sẽ được vỗ lưng khen giỏi, ngày về tay trắng đành cắn răng nghe chửi rủa. Trận đòn càng đau, Lụm càng ráng tìm cách tránh gọi là ba. Lụm đâu xem ông là ba dù ông là cha ruột của nó. Mỗi câu nói ra đều bị hụt mất đại từ xưng hô nhưng không ai nhận ra điều đó. Ông chỉ quan tâm tới chuyện lấy tiền đâu đi đánh bài và uống rượu.

Lạ đời, ông ta chưa từng động tay động chân với má. Có lẽ tại má đẹp. Dù phơi nắng dầm sương tới tóc chẻ da rám, má vẫn đẹp nhất khu tạm bợ. Như mấy bà ở chợ hay chòng ghẹo, cỡ má chỉ cần sẩy ra là biết bao thằng bu lại hốt liền. Thỉnh thoảng trong hơi men nồng nặc, ông ta chửi má. Nhiều lúc, hình như thay vì đánh má, ông ta trút sang Lụm. Và Lụm lại được má dang tay ra ôm để cản cơn thịnh nộ, dẫu điều đó không xóa được những vết bầm dập trên da hay trong tim nó.

Đợt rày Lụm đang ủ kế hoạch. Số tiền kiếm được từ việc bán cá rau ngoài chợ, Lụm không đưa hết cho má để má dúi vào tay người đàn ông đó như lúc trước. Mỗi ngày nó lén giấu 20.000 đồng, 40 ngày gom lại được 800.000 đồng, vừa đủ tiền mua 2 vé xe khách đi vào miền Nam. Lụm sẽ dẫn má đi trốn. Phải thoát khỏi người đàn ông xấu xa đó. Dù sao má đã trốn khỏi quê xứ 1 lần, đang sống đời lầm lũi như con giun con dế, trốn thêm lần nữa có chi khác đâu. Chỉ sợ má không dứt ra khỏi ông ta được, hệt như tất cả đàn bà ở khu tạm bợ không bao giờ rời bỏ gã đàn ông của mình dù xảy ra chuyện gì.
***
Ngày thứ 29, Lụm đã để dành được gần 600.000 đồng.

Má ngồi sát vào cây cột ở góc bên phải mái che, thòng chân xuống hồ cá, nghiêng đầu ngó sững mặt nước lóng lánh ánh sáng hắt ra từ những chiếc đèn thắp chong cá. Dù cả ngày dài chạy quắn đít mệt rã người, sau mỗi bữa cơm tối, má đều ra phía gió trời lồng lộng ngồi thừ người cả buổi rồi mới vào trong treo mùng đi ngủ.

Rong rêu nồng ẩm trộn lẫn mùi đất mùi cỏ thoảng trong hơi nước mát rượi bay lên từ hồ. Ngửi riết quen, dù sao vẫn êm dịu hơn đống mùi tanh của chợ cá và nhất là dễ chịu hơn thứ mùi khăm khẳm bốc ra từ người ông ta sau mỗi cơn say.
Lụm sè sẽ tiến tới ôm dựa cây cột bên trái cách má chừng 5 bước chân, ngước mặt đếm sao trời nhấp nháy. Liệu trong số những ngôi sao sáng chi chít trên nền mây vời vợi kia có ba không? Lụm cũng nhớ ba nhiều như má hoặc nhiều hơn cả má. Mỏi cổ, Lụm lén nhìn sang phía má, dỏng tai nghe má rủ rỉ với đám côn trùng núp trong bờ lùm ven hồ.

“Hồi đó, nó ngoan lắm, năm mô cũng đạt học sinh giỏi. Mỗi bận đi họp tổng kết về, ba nó lại nghếch mặt lên, 2 mũi hỉnh to khoe khắp xóm. Hồi đó, nó dính ba nó như sam, sao bây giờ…”.

Trong ánh sáng lờ mờ, Lụm thấy mặt má ươn ướt. Lụm cắn gãy phựt cái móng tay đã biến dạng, trán nhăn nhó kéo sát 2 đầu lông mày lại gần với nhau. Bụng nó cồn cào nghi hoặc. Là má nhớ sai phải không? Chớ Lụm mần chi biết chữ mà học giỏi…

Ny An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI