Truyện ngắn - Trước thềm nhà cũ

11/12/2023 - 19:26

PNO - Tôi về căn nhà cũ một mình.

Tôi đã nói với các con rằng “mẹ muốn sống nơi đây một thời gian”, rằng “mẹ muốn rời xa phố xá và bẵng quên chuyện bán buôn ồn ã và tất bật của gia đình mình lâu nay”. Linh: “Dạ! Mẹ cứ yên tâm nghỉ ngơi. Con cáng đáng được hết mọi việc mà”. Tôi gọi taxi và thấy may vì lúc đó 2 đứa nhỏ nhất đang ở trường. Tụi nó đòi theo cũng mệt và tôi thêm bịn rịn cũng phiền.

Tôi nói tài xế thả tôi ngoài quốc lộ rồi tôi đi bộ vô. Cái túi đâu đáng kể gì nhưng lòng nặng quá. Nặng và mỏi khiến chân đành bước chậm và phải ngồi nghỉ rất lâu nơi bậc thềm. Căn nhà này chúng tôi mua hồi mới có đứa con đầu. Ngày đó, có một cái chợ gần đây. Bởi vậy, chồng tôi mới chịu mua với giá rất cao, chứ đâu dễ gì. Chồng tôi rất mê làm ăn và ghiền con cái. Anh chiều khách bắt bực và cưng con bắt ghét. Vậy mà anh đã bỏ tất cả: tôi cùng những đứa con và rất đông bạn hàng, thêm mấy căn nhà, cửa tiệm cùng vô số đất đai.

Cũng bởi quá mê chuyện bán buôn nên nhìn đâu, ba tụi nhỏ cũng thấy tiền bạc. Chúng tôi gây nhau miết và dữ dội nhất là lần tôi dắt con đi, cũng ở căn nhà này và ngay tại bậc thềm này. Đúng là những ngày đó cực quá mà chồng tôi lại ham quá. Trong khi tôi còn rất trẻ, lúc nào cũng thèm ăn ngủ, chơi bời. Mà từ mờ sớm tới khuya, tôi luôn ngập đầu với cả đống công chuyện. Còn căn nhà? Không biết phải kêu sao đây cho phải khi hàng hóa chất chồng và nghẹt cứng. Chúng tôi ăn ngủ trên hàng, nấu ăn bên hàng và làm tình cạnh hàng. Làm sao mà chịu thấu!

Tôi đưa con trở lại khi nghe tin chợ di dời nơi khác. Lúc tôi về, cái nhà đã trống trơn. Chồng tôi đã kịp chở hàng hóa, đồ đạc tới chỗ mới - một ngôi nhà to đùng và cũng gần chợ. Tôi nói: “Anh để nơi này cho em”. Chồng: “Ừ, chứ bán được mấy đồng”. Căn nhà có ý nghĩa riêng tư hơn khi chúng tôi không còn sống luôn ở đó. Tôi về khi nào thích, ưa thì ở lại, lâu hoặc mau.

Và, ưng thì ngồi trên bậc thềm dăm ba tiếng rồi khép cổng đi. Các con tôi thỉnh thoảng cũng ghé như một người khách chứ không phải một người nhà. Tôi thích cái bậc thềm và hay ngồi ở đó để nhìn ngó mông lung trong khi tâm trí tha hồ bay nhảy. Cánh đồng một bên và đường xe lửa chạy qua một bên. Những chuyến tàu ra vô, đi về. Ruộng lúa mùa bội thu, mùa thất thoát… Khu chợ sầm uất hồi nào giờ bỗng trở nên hoang trống buồn thiu.

Trước đây, do đi về con đường này thường xuyên nên tôi thuộc lòng đến từng cái ổ gà… Sau này, tôi càng rành rẽ hơn với từng khúc cua, vũng nước đọng… Căn nhà cũng trở nên thân thiết và gần gũi hơn. Như là cái tủ thờ mà Linh đã lập thêm. Con trai tôi nói: “Để ba canh má”. Tôi thắp nhang ngay sau khi mở cửa như một lời chào: “Anh ơi! Em đã về” và ngồi rất lâu nơi bậc thềm rồi mới vào nhà. Cái bậc thềm ấy khuya khác mà những sớm mai cũng rất khác.

Tôi thích dậy thật sớm để đi bộ ra cánh đồng. Đứng ở đó thấy lòng bình yên đến lạ. Tôi luôn tập thể dục ở khoảng sân phía sau vì ở đó, tôi có thể nhìn thấy núi. Núi, với tôi, luôn là một điều bí ẩn. Như sự ra đi tức tưởi của chồng tôi. 2 thằng út ít lôi về ngôi nhà của mẹ rất nhiều cây cảnh, nói: “Để mẹ vui. Chị Ly biểu tụi con làm vậy”.

Chồng tôi cứ thích tôi sinh nhiều, chắc không phải để cho mình anh được hưởng những niềm vui từ con cái. Làm sao không khốn khổ thêm khi phải hứng chịu những nỗi đau, những muộn phiền một mình. Song, được nhận bao hạnh phúc sướng vui nghe ra cũng chẳng khá hơn khi không còn đủ đôi. Đó cũng là điều tôi đã kịp thấu hiểu khi mất chồng.
***
Tôi khóc nức nở ngày Ly - em kế Linh - lấy chồng. Tôi khóc giữa giấc khuya khi ngồi trên bậc thềm ngôi nhà cũ cùng thằng con trai đầu. Suốt cả ngày giữ phép để tiếp khách nhưng với Linh và cả thùng bia nó ôm tới thì tôi rất sẵn lòng để thả buông. Tôi uống nhiều và khóc dữ còn Linh uống nhiều nhưng trầm và im hung. 2 mẹ con dẫu ít chuyện trò nhưng lại thấy rất gần gũi khi có được những khoảng thời gian thật hiếm hoi ngồi lại bên nhau cùng vài lon bia nâng lên hạ xuống.

Linh khác chồng tôi trong cách làm ăn và khác hơn ở kiểu uống. Chồng tôi càng uống càng vui. Linh càng uống càng buồn. Chồng tôi khi có rượu bia thì luôn miệng nói cười, kể chuyện tiếu lâm, làm hề, ngâm thơ, hát hò… Còn Linh, khi lai rai thì làm thinh. Ngó chồng tôi say, tức cười còn nhìn Linh say lại muốn khóc.

Có được một thằng cháu, thích thiệt! Ngày nào Ly cũng đưa con về ngoại. Các cậu, dì của nó ghiền lắm, nhất là Linh. Vào những lúc Linh ẵm bồng nựng nịu thằng nhỏ, đôi khi, tôi gặp được trong ánh mắt con trai mình nỗi khát khao làm cha. Linh đã ngoài 30 mà sao tôi chẳng thấy nó bồ bịch với ai và cũng chẳng hề nghe nó nói gì đến việc cưới vợ. Linh cứ một mình khiến tôi càng thêm thương con và nóng ruột.

Thời gian trôi nhanh quá. Ba nó mất, có cảm giác như mới đó vậy mà đã gần 10 năm. Mấy đứa sau thằng Linh và con Ly lớn nhanh đến chóng mặt. Út ít nhà chúng tôi giờ đã ra dáng thanh niên lắm rồi. Ra phố, nó đã biết liếc xéo dọc ngang và rì rầm chuyện con gái với mấy đứa bạn cùng lứa. Nói chi xa, thằng cháu ngoại của tôi mới đỏ hỏn đây mà quay đi đã biết lật, quay lại đã biết bò rồi thôi nôi, sinh nhật… Tôi ngắm nhìn sự chuyển biến của con cháu mỗi ngày, thấy vui và thấy lẻ loi kinh khủng.

Sự cô đơn không cách gì bứt ra khỏi tôi dù tôi vẫn sống cùng các con với những mâm cơm trưa chiều sum họp đông vui; vẫn đi chợ với chị giúp việc, chơi thể thao với 2 thằng con trai; uống bia và bàn tính chuyện làm ăn với Linh; nói chuyện gia đình với Ly và mê say nựng nịu cháu ngoại. Tôi chạnh lòng, lẻ loi vào những lúc tách rời gia đình và chạnh lòng, lẻ loi ngay cả giữa cảnh nhà đầm ấm.

Những đêm ở phố, rất khuya, tôi hay leo lên sân thượng và nép mình một góc ngắm nhìn khu chợ bên dưới. Tôi nhìn chợ bằng ánh mắt săm soi mà chẳng hiểu vì sao. Trước khi mất khoảng dăm tháng, tối đến, chồng tôi ưa ra chợ chui vô cái sạp bán đồ khô nằm, nói trong nhà ngột ngạt quá. Các con tôi la rầm trời phản ứng hết sức mà tôi lại thấy rất… bình thường. Ai lại không biết chợ hôi hám và nhiều muỗi nhưng có mấy ai ghiền chợ, ghiền quán bằng chồng tôi. Thì ghiền quá nên lúc thức bám riết mà chừng ngủ cũng đâu chịu buông rời.

Tôi nhìn chợ, căn vặn với chợ giữa tiết hè và tôi ngắm chợ, rưng rức lòng với chợ giữa mùa đông. Sân thượng trống trải, ngập gió và lạnh thấu xương, vậy mà chợ vẫn không chịu buông tha cho tôi nhờ; vẫn bắt tôi đăm đắm dõi nhìn, hỏi han khi đóng đinh chân tôi vào một chỗ đứng co ro, tội tình. Bờ vai tôi đã không một nơi nương tựa và quanh tôi đã không một bóng hình. Chợ đìu hiu và hoang vắng vẫn cuốn chặt tôi trong rất nhiều mải mê… 

Cũng không ít đêm, tôi bứt mình ra khỏi chợ với một chỗ đứng nơi sân thượng ở nhà để phóng xe về ngoại thành với căn nhà cũ. Không ít đêm, tôi bỏ đi và không ít lần tôi khóc, khóc theo những vòng xe lăn nhanh. Vòng xe lăn nhanh mà nỗi lẻ loi của tôi lại trôi đi rất chậm. Cứ thư thả, nhẩn nha. Là dài dặc quá một nỗi lẻ loi. Và sâu hút. Và rộng rinh. Cuộc sống thật buồn là cuộc sống không có đôi, là khi người đàn ông của đời mình đã mất. Là khi cha của các con tôi đã không còn.
***
Suốt mấy tháng nay, cả thành phố đồn ầm chuyện Linh chung sống với một phụ nữ lớn hơn nó nhiều tuổi, không gia đình và rất hư đốn. Tôi không ngạc nhiên nhưng cũng không thể điềm nhiên. Tôi tìm cách lảng tránh khi nghe ai đó nói tới chuyện này. Trong tận cùng sâu thẳm lòng mình, tôi trông chờ những tâm sự của con trai. Vậy mà những buổi trưa rảnh rang của 2 mẹ con rồi cũng qua. Những buổi tối trống không rồi cũng qua.

Những khoảng thời gian thật hiếm hoi cho tôi và Linh cùng những ly bia nâng lên, hạ xuống rồi cũng qua. Con trai tôi vẫn im lặng. Có vẻ như Linh muốn bưng kín, giấu chặt mọi nỗi niềm riêng tư. Những sinh hoạt trong nhà vẫn thế. Cái vòng quay mỗi ngày của tôi và các con vẫn đâu thể dừng dù lắm khi tôi thấy chán chường, mệt mỏi và mong muốn những đổi thay. Chuyện của Linh không là một sự đổi thay như tôi hằng mong muốn. Nó khiến tôi thêm mệt trí và nặng lòng. Nó đeo bám tôi suốt ngày.

Bây giờ, vào những buổi chiều, sau những séc bóng bàn gay cấn với Lân và Lam, tôi thường lên sân thượng và ngồi ở đó rất lâu; khác với khi trước, mấy mẹ con vội vã tắm rửa và hối hả lao vào bàn ăn vì bụng đói meo. Tôi ngồi đó rưng lòng vì nhớ chồng và quắt trí vì lo cho con. Tôi ngồi đó để biết rằng đêm đã xuống và khu chợ dưới kia vắng ngắt; để thấy rằng ông chồng mê làm ăn của mình đã có lý biết bao khi mua những ngôi nhà đều sát chợ.

Chợ, khi ngày đã tắt và những hỗn tạp đã hết, có những nét riêng, một đời sống riêng. Cha của các con tôi rất mê chợ ngày. Còn tôi lại yêu quá những khu chợ ban đêm, khi không có nhóm họp và mua bán; không thấy những nhớp nháp, lộn xộn…; không nghe những cười cợt, kình cãi…; không có những hình ảnh, âm thanh. Chỉ có mùi vị - những mùi vị chợ, lúc phảng phất, khi nồng đượm theo gió bay tới tận chỗ tôi ngồi. Cũng từ một chỗ ngồi nơi sân thượng nhà mình, tôi ngắm nhìn khung cảnh chợ đêm xác xơ, xẹo xọ… mà ngậm ngùi.

Vào một buổi tối như vậy, khi tôi đang ngồi một mình thì Linh tới bên. Nó đi lên cầu thang nhẹ quá hay là lòng tôi xáo trộn quá mà tôi không nghe được bước đi của con trai mình. Linh nói ngay khi biết tôi đã nhận ra sự xuất hiện của nó. Linh cho biết nó đã có vợ. Cả hai đã đi đăng ký kết hôn và làm một bữa tiệc nhỏ ở nhà hàng. Đó là những gì mà bạn gái của nó tha thiết khẩn cầu.

Linh sợ tôi không cho phép và mất thêm thời gian trong khi ngày, giờ của tụi nó không còn nhiều nữa… Linh nói gấp gáp đến không kịp thở. Con trai tôi mang khuôn mặt biến sắc, thất thần vì vừa trải qua rất nhiều khủng hoảng. Đôi mắt nó ập lên tôi cả trời thống khổ, bất an. 
***
Sau khi vợ mất, Linh giao công chuyện kinh doanh lại cho tôi và kêu vợ chồng Ly về phụ mẹ rồi đi. Nó muốn ở ẩn đâu đó một thời gian. Tôi không dám nhìn sâu vào đôi mắt buồn rười rượi của Linh. Tôi sợ phải đối diện với những đớn đau của con hay là của chính mình ngày trước? Tâm - vợ Linh - bị ung thư và được phát hiện khi đã quá muộn. Chiều theo ý con, tôi đưa Tâm về và con dâu tôi đã có những ngày cuối đời như ước nguyện - được sống trong một tổ ấm gia đình; được chồng và những người thân trong nhà chăm chút, lo toan đầy đủ. Khi làm điều này, tôi đã gặp không ít phản ứng từ khắp phía nhưng nào có đáng gì! Còn có gì là đáng kể nữa đâu trước những bất hạnh mà con trai tôi phải chịu đựng? Tôi chiều theo Linh trong tất cả mọi chuyện và con tôi răm rắp làm theo hết thảy những nguyện vọng của người sắp mất.

Tâm đã được gặp linh mục lần cuối để chịu các phép. Linh, một mình, đi sau linh cữu vợ bước vào giáo đường và đứng sững suốt tang lễ. Tôi biết đó là lần đầu con trai tôi đến nhà thờ. Chua chát thay khi con tôi đến đó không phải trong niềm hạnh phúc ngất ngây lúc trao nhẫn cưới và những lời khấn nguyện cho người nó yêu.

Tiễn đưa Tâm tới nơi an nghỉ cuối cùng chẳng có ai ngoại trừ tất cả thành viên trong gia đình đông đúc của tôi và những người làm thân tín. Không có khăn tang, chỉ có những bộ quần áo màu đen và rất nhiều bông cúc trắng. Đó là loại hoa vợ Linh thích. Đó cũng là màu Tâm rất yêu. Tôi và Linh rời nghĩa trang cuối cùng.

Con trai tôi không khóc. Linh không hề khóc trong những ngày qua và suốt tang lễ. Con tôi chỉ gào lên “Em ơi!” bên ngôi mộ mới đắp, khói nhang tỏa khắp trời, những cành hoa còn rất tươi… Sao chỉ là những cành hoa? Sao không có ai nghĩ tới chuyện đặt cho Tâm những vòng hoa? Tôi ngắm nhìn rất lâu những cành hoa ấy. Rợn trắng, ngập buồn và đầy ắp nỗi lẻ loi. Tiếng gào của Linh tức tưởi, rền âm giữa không gian chiều vắng lặng và tím tái. 

Tôi chợt nhận ra trời đã sang đông.

Nguyễn Mỹ Nữ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI