Điện thoại đến khi đã khuya, mọi người đã ngủ sau những ngày bận bịu đưa tiễn người thân về thế giới người hiền. Hôm nay, việc của mẹ đã xong, trong nhà chỉ còn vài người bà con gần.
Sau ba lần chị từ chối cuộc gọi, đã có vài ánh mắt đá tới. Chị cười gượng, cầm điện thoại ra ngõ. Con ngõ tối om, một bên là hàng tre ken dày lúc nào cũng xào xạc. Tiếng côn trùng rỉ rả không ngớt càng làm chị u uất.
Bắt máy, chị nói nhanh: “Đồ đạc của tôi, anh cho người để ra cửa, tôi sẽ thuê người đến dọn, chi phí tôi trả” rồi nhanh chóng cúp máy. Chỉ có mấy câu mà chị như kiệt sức. Trong nhà có tiếng gọi, hẳn con trai chị thức giấc tìm mẹ. Ở đây toàn người lạ, mẹ con chị đến đây mấy ngày rồi mà thằng bé chưa quen ai, cả ngày bám chị không rời.
"Con nhớ mẹ” - thằng bé mếu máo, hai dòng nước chảy ướt cái má phúng phính. Nó là đứa trẻ khép kín và nhạy cảm. Hai tuổi, nó đã chứng kiến cảnh Hải, người nó gọi là ba, đánh mẹ. Thằng bé khóc lạc giọng, sau đó im bặt, chỉ mở to mắt nhìn trừng trừng. Sau đó, thằng bé bệnh suốt một tuần, lúc nào cũng khóc gào mê sảng.
***
Mặc gia đình khuyên, mặc Hải quỳ xuống thề thốt, chị vẫn quyết dắt thằng Khôi đi. Chị không biết sau khi chị đi, Hải càng trở nên bê tha hơn, đập phá hết đồ đạc trong nhà, cả ngày chỉ chìm trong bia rượu. Trong một lần ngật ngưỡng, Hải túm cổ áo một bạn nhậu hỏi: “Mày giấu vợ tao ở đâu?”, thế là đánh nhau, thế là Hải đi…
Chị biết tin nhưng không về được. Thằng Khôi đang bệnh, không ngừng gào lên trong cơn mê sảng: “Ba đừng đánh mẹ nữa, máu quá trời kìa”. Chị biết nghĩa tử là nghĩa tận nhưng con trai chị quan trọng hơn tất thảy mọi thứ trên đời.
Hải đi, người ta quên mất một Hải hổ báo nhậu nhẹt, quen thượng cẳng tay hạ cẳng chân, người ta chỉ còn xót xa: “Thằng ấy chưa đầy 30, trẻ quá! Con vợ nó thật tệ…”. Mẹ chị nằm liệt giường nói từ nay đừng về nữa. Chị cười nhạt, khoảng cách 1.500 cây số, muốn về là về được hay sao.
Chị lầm lũi nuôi con, ai thuê gì làm nấy, mẹ đâu con đó. Thằng Khôi sợ màu đỏ, cứ thấy gì có màu đỏ là nó nhìn chết trân, tối về sẽ phát sốt. Chị biết con mình bị ám ảnh. Một tối, trên đường đi giúp việc về, chị và con trai gặp một bé gái nằm trong bụi. Con bé không bị thương chỗ nào. Khi chị lấy chai nước rửa mặt cho nó thì nó tỉnh dậy, mếu máo khóc. Hóa ra nó đói.
Con bé nói mình tên Xí Muội, luôn lắc đầu khi chị hỏi nhà ở đâu, chỉ biết ba gọi là ba, nhà có bồn hoa, nhà có ba với con Cà Na. Chị đưa con bé về căn phòng trọ chật chội của mình, trước đó còn ghé qua chị Hân chủ nhà, nhờ báo với công an khu vực một tiếng. Chị phải cho con bé ăn uống một chút trước khi nó lả đi.
Hết một ngày vẫn không có ai đến tìm, con bé được ăn uống, tắm rửa sạch sẽ nhìn thật xinh. Đám sinh viên ở cạnh nói để tụi em đăng bài tìm người nhà con bé. Chị Hân nói cô cứ đi làm đi, để con bé ở nhà chị coi cho nhưng Xí Muội không chịu, nó đòi đi theo chị. Chị Hân thở dài, chạy ra chợ mua cho con bé hai bộ quần áo.
Xí Muội đeo chị và dễ nuôi, cho gì ăn nấy, bảo ngủ là ngủ. Hai đứa trẻ sàn sàn tuổi nhau, trông nhau khá tốt. Nhờ vậy, chị không cần để mắt tới con thường xuyên nữa. Cuối ngày thứ hai, ba con bé tìm đến. Con bé đi theo người anh bà con, hai đứa trẻ leo lên xe buýt. Tới trạm, con em bị cuốn theo dòng người đi xuống, thằng anh không biết em xuống lúc nào, xe buýt nào cũng không nhớ…
Xí Muội ôm rịt cha nhưng không chịu về. Nó đòi ba nó mua cho nó một đứa con trai như em Khôi để chơi cùng. Ba nó hứa hẹn đủ kiểu mà lúc đi nó cứ khóc nức.
***
Hai cha con Xí Muội đến dãy trọ thường xuyên hơn. Chị đi suốt, người nói chuyện với họ là chị Hân chủ trọ. Chị Hân kể nhà đó cũng neo đơn, mẹ con bé bỏ đi khi nó nửa tuổi, tới giờ không nghe tin tức gì. Chị Hân thở dài: “Có khi trời đưa hai nửa mảnh vỡ đến gần nhau để ghép lại thành cái chén lành đó”.
Chị cười buồn, mấy năm nay chị quen một mẹ một con, đói mình biết, lạnh mình hay. Ngày xưa, Hải cũng từng thương yêu chiều chuộng chị nhưng sau đó anh có nhớ gì. Chị thấy một mình tự do, không phụ thuộc, cũng chẳng cần nhìn mặt ai để sống. Vụ “nhìn mặt” này là cô chủ nhà nơi chị giúp việc nói. Cô nói những người như chị giờ không giữ là mất ngay, tìm được người giúp việc vừa ý đâu dễ dàng. Vài lần, cô đề nghị mẹ con chị về nhà cô ở, cô giới thiệu cho vài nhà nữa mà làm, khỏi cần sớm hôm chạy chợ này buôn chợ nọ.
Qua lại gần nửa năm, ba Xí Muội đề nghị mẹ con chị về ở chung nhà cho hai đứa nhỏ có bạn chơi. Anh cũng thật thà nói từ nhà anh qua đây cả chục cây số, đi lại cũng cực. Chị cười cười: “Tôi ở một mình quen rồi”. Lời thẳng toẹt ấy là lời từ chối tốt nhất. Hai cha con vẫn qua lại hằng tuần. Anh nói anh đã xin cho thằng Khôi vào mẫu giáo.
Sang năm thằng bé vào lớp Một rồi, chị không nghĩ cho mình cũng phải nghĩ cho con. Chị sống, kiếm tiền cũng vì nó chứ vì ai.
Cuối năm, chị đồng ý chuyển nhà. Chị Hân đòi làm mấy mâm tiễn mẹ con chị, đồng thời đãi đám sinh viên bữa tươi. Dãy trọ chục phòng mà ai ở đây rồi thường không muốn đi. Chị Hân ăn nói rổn rảng nhưng lành tính, cũng một thân một mình nhưng bữa nào cũng nấu dư cả lon gạo rồi tựa cửa chờ đám sinh viên về, réo: “Đứa nào ăn giùm tao miếng cơm coi. Để cơm dư thiu uổng”.
Tô cơm dư ấy bao giờ cũng kèm khứa cá kho hoặc mấy miếng thịt và tô canh rau ngọt mát. Chị Hân cười cười: “Tao ưng sống vui hà. Đủ thiếu sao tính được. Chết có mang theo được đâu mà tham mà trữ”.
***
Con bé Xí Muội là người vui nhất. Nó xí chỗ nằm bên trái chị, đòi tắm gội bằng dầu gội sữa tắm của chị nhưng bĩu môi: “Sao con không thơm như cô?”. Thằng Khôi im ắng hơn, nó bám chị hơn. Chị vào nhà vệ sinh thì nó bắc ghế ngồi chờ ngoài cửa. Chị vừa ra khỏi tầm mắt là nó vội đi tìm.
Anh ít khi có nhà, công việc của anh luôn phải xa thành phố. Mỗi tháng anh ở nhà chừng một tuần nên anh chị không có thời gian để va chạm. Chị vẫn làm công việc cũ, sáng ghé chợ lấy một xe rau củ đưa đến mấy khu chung cư bán lẻ. Trưa, chị về cơm nước nghỉ ngơi, từ hai giờ chiều chị đi giúp việc.
Ngày trước, chị đem theo một đứa trẻ thì nay thành hai. Bữa chiều, ba người ăn cơm chị nấu nướng lúc trưa mang theo. Đến tám giờ tối, chị mới cùng hai đứa trẻ trở về, con Cà Na đã đứng chờ ở cửa. Cực thì không cực nhưng bận tâm. Đôi khi, chị còn không tin mình đã có một bờ vai để tựa.
Những ngày ở nhà, anh nấu cơm, rửa chén, lau nhà rất khéo. Anh nói bao ngày chị vất vả, anh về thì để anh. Chị Hân nói: “Cha con bé Xí Muội ngó vậy mà coi được. Tự dưng nó làm tao cũng muốn lấy chồng”.
Mẹ con bé Xí Muội đột ngột trở về. Cô ấy về đã mấy tháng, tìm gặp anh mấy lần, đề nghị được về ở chung với cha con anh, còn mua cho Xí Muội nhiều quần áo, đồ chơi. Những thứ đồ đó, anh nói là của người bà con tặng, họ không biết anh đã có gia đình nên không biết thằng Khôi để mua quà. Chị bảo không sao và nhận thấy người bà con này thật hào phóng, lâu lâu lại có quà. Những lần sau, thằng Khôi vẫn không có gì.
Nhìn thằng bé thèm thuồng trước những món quà của Xí Muội, chị chạnh lòng, vội đưa con đi tắm. Chị không nói, nhưng thầm trách anh vô tâm. Những món quà của con bé Xí Muội đã ghim vào lòng chị mầm mống của sự thất vọng. Vậy nên khi nhìn thấy anh và vợ cũ, chị đã không giữ được bình tĩnh.
Bình tĩnh sao khi anh không giới thiệu chị với vợ cũ. Bình tĩnh sao khi cô ấy nói bao nhiêu năm qua ngôi nhà này vẫn y vậy. “Cái bàn đó em đòi anh làm thêm cái hộc, anh nhớ không? Góc sân có vòi nước cũng là em đòi anh mắc thêm để đi đâu về có ngay nước rửa chân tay…”.
Khi ấy, chị chợt nhận ra mình chỉ là thứ điền vào chỗ trống. Kiểu như cái nút lá chuối bịt tạm chai rượu khi cái chai bị mất cái nút gỗ thông duyên dáng. Chị khó chịu khi nghĩ mình đã chiếm chỗ của người khác.
Nay cô ấy về chị mới nhận ra trong ngôi nhà này, đâu đâu cũng có dấu vết hình dáng của người cũ. Anh thì cho rằng cô ấy là mẹ Xí Muội, đến thăm con, làm sao anh cấm cản.
Bên nhà anh có đám giỗ, anh hỏi chị đi không. Chị từ chối vì biết chắc vợ cũ của anh cũng có mặt. Anh nói anh không nghĩ chị để bụng mấy chuyện cỏn con ấy, rằng anh thấy chị sống với anh mà vẫn luôn đề phòng, khách sáo. Anh đưa lương nhưng chị chỉ lấy một nửa, dù không nói ra nhưng anh biết chị vẫn tự chi trả chi phí của hai mẹ con. Là chị không tin tưởng anh? Anh hỏi chị sống nơm nớp như vậy có mệt mỏi không. Chị không mệt nhưng anh thấy u ám, nặng nề lắm.
Chị bình thản: “Mẹ bé Xí Muội về rồi, gia đình anh vậy là tròn trịa rồi”. Anh đưa con về nội, chị đưa con về lại xóm trọ cũ, chị Hân đưa cho chị lời nhắn của em trai, báo mẹ chị mất rồi. Chị Hân chở mẹ con chị ra thẳng bến xe, nói: “Tối về tao lùa đám sinh viên dồn phòng, trả lại phòng cũ cho mẹ con bây”.
***
Quê đã thay đổi nhiều. Em trai nói trước khi đi, mẹ luôn gọi tên chị. Mẹ nói giá mẹ đừng để ý mặt mũi nhiều thì con gái, cháu ngoại đã không phải khổ. Nếu mẹ con chị về thì giữ lại, đừng cho đi nữa.
Em dâu chìa ra cái hộp thiếc, nói mẹ dặn đưa chị. Trong hộp là một xấp tiền đủ loại, mấy tấm hình thằng Khôi hồi thôi nôi. Em trai nói mẹ mất, vợ chồng em chuyển về đây hương khói, căn nhà hai gian một buồng vợ chồng em ở để lại cho mẹ con chị. Chị nhìn vợ chồng em trai, nhìn kỹ cô em dâu mới gặp lần đầu, nước mắt cứ trào ra. Thời nay có được đứa em trai, em dâu như vậy hẳn phải phước đức lắm.
Nói là làm, vợ chồng em trai bắt tay vào dọn nhà. Giấy tờ nhà chúng cũng đưa cho chị. Lúc này, chị lại phân vân. Nơi xa kia chẳng còn gì để chị nuối tiếc nhưng chị vẫn muốn quay lại một lần để cảm ơn những người đã cưu mang mẹ con chị suốt mấy năm dài. Chị Hân nghe báo tin thì mừng rỡ: “Thôi khỏi vào chi cho tốn kém, món nào gửi được, tao đóng gói gửi ra cho. Mừng cho mẹ con mày đã qua cơn mưa dầm”.
Ngần ngừ một lát, chị Hân nói: “Mấy nay ngày nào cha con Xí Muội cũng qua bên này, tao nói mẹ con mày không về đây. Thôi thì của thiên trả địa”. Chị phì cười, của ở đâu mà thiên với địa. Anh còn tìm chị làm gì? Không phải là khi đó đã nói rõ ràng với nhau rồi sao?
Chị thay quần áo, mang cuốc ra vườn. Đầu tiên phải dọn cỏ làm mấy luống rau. Góc vườn kia xây chuồng heo, chị sẽ nuôi heo và thả vào đó mấy con gà lấy trứng cho bọn trẻ ăn. Cháu gái chị rất quấn bác dù mới gặp lần đầu. Hẳn là máu mủ nên sẽ nhanh chóng thân thiết. Những ngày lo đám tang cho mẹ, vợ chồng em trai đôn đáo, chị chỉ biết cho cháu ăn, dỗ nó ngủ.
Vườn đầy muỗi, vừa làm chị vừa bem bép đập muỗi, nghe mùi máu tanh tanh. Em dâu đứng sau bếp: “Chị vào ăn cơm, hai đứa chờ bác lấy cơm cho ăn kìa. Để đấy mai nhà em quơ mấy cái là xong, bác xa nhà bao năm mà tay cuốc vẫn khéo quá”. Chị cười cười, tém mớ cỏ thành một đống, đợi khô sẽ đốt lấy tro. Hẳn em dâu nghĩ mấy năm qua chị là người thành phố ăn trắng mặc trơn.
Dựng cái cuốc bên tường bếp, chị vừa đi vừa gãi chân. Lũ muỗi cứ vo vo quanh chị. Lúc ngẩng lên, chị sững người thấy anh đứng trong ánh sáng nhập nhoạng từ trong nhà hắt ra sân. Em dâu thấy có khách, định hỏi, nhìn thấy chị ở đó vội vào nhà.
“Anh về đây làm gì?” - chị nhấm nhẳng. Chị nhìn vào trong nhà, nghe tiếng cháu gái đang hướng dẫn con chị làm gì đó, giọng con bé nghe như hát. Chị đi đến chỗ sân giếng, anh nhanh chân hơn, cầm lấy cái gàu nhỏ, tiếng anh lẫn trong tiếng nước dội xuống. Dòng nước mát làm dịu đi cơn ngứa trên bắp chân chị: “Xí Muội đang ở với chị Hân, anh nói mãi chị ấy mới đưa địa chỉ của em. Anh về thắp nhang cho bố mẹ và đón mẹ con em”.
Ngọc Thanh