Bà Mười cấm tụi nhỏ: “Không đứa nào cắt cành cắm bình chưng nha! Cấm! Hoa tết phải để trên cây, chứ cắt đi thì còn ra thể loại gì…”. Ngoài miệng nói vậy nhưng trong bụng bà nghĩ khác. Năm nay, vợ chồng thằng Hai sinh được con nhỏ cháu nội đầu lòng, bà khấp khởi mừng. Cứ phải để nguyên cây mai vàng rực cho con nhỏ vui. Ai cầu cháu trai đầu lòng, chứ bà lại thích cháu gái. “Ruộng sâu, trâu nái, không bằng con gái đầu lòng”, người xưa nói chẳng sai câu nào. Đó! Con trai đầu lòng như thằng Hai Hùng nhà bà. Con vợ nó mà không khôn ngoan thì cái quần xà lỏn thằng con bà cũng không có mà mặc.
***
Hồi thằng Hai mới có người yêu, dắt về ra mắt, bà vừa liếc nhìn cô gái đã ưng bụng rồi. Dù không được cao ráo nhưng nhìn qua cái sống mũi cao với cặp chân mày thanh đậm của nó, bà biết đây là của quý, tướng “vượng phu, ích tử” nên thúc hai đứa làm đám cưới ngay. Cưới dâu về rồi, bà mới biết mình bắt được con trâu vàng, đi đâu bà cũng khen con dâu hết lời. Mới ngoài hai mươi mà con nhỏ đảm đương được nhiều việc hơn bà nghĩ.
Con trâu vàng về nhà chồng được một tuần thì tỏ rõ bản lĩnh. Bà má chồng không biết là nể hay bực với con dâu. Việc đầu tiên là nó sai thằng chồng chuyển cái lò nấu cám heo từ trong bếp ra ngoài hàng hiên. "Nấu cám heo trong bếp khói bụi dơ lắm". Nó xắn tay áo dọn dẹp lại cái bếp, luôn miệng giải thích với chồng. "Ngăn bếp là vương quốc riêng của đàn bà, không thể bừa bộn được". Bà Mười thấy dâu lôi đám xoong nồi ra giếng thì dặn: "Con cứ để như cũ cho má. Tiện đâu má lấy đó". Nó lắc đầu. "Không được! Như vậy chỗ đâu mà đi".
Nó lại sai chồng kiếm mấy cái đinh, đóng một hàng ngang trên tường.Xoong chảo, nồi niêu chà rửa sáng bóng, treo thứ tự trên tường từ lớn tới nhỏ. Trên tủ chén, loại lớn nhỏ úp riêng mỗi thứ một góc. Bà hơi bực mình, cảm thấy quyền của mình trong căn bếp bị ảnh hưởng. Nhưng nhìn lại, thấy bếp núc gọn gàng, rộng rãi hơn trước, bà quyết định không nói gì. Thôi! Cờ đến tay ai người đó phất. Bây giờ bà cũng già rồi, đành chuyển giao quyền lực cho con dâu vậy.
Nhưng mà con dâu hình như "không biết điều". Tuần trước, bà kêu thằng Hai đem cái ti vi cũ đi sửa. Đang coi phim bộ, ti vi hư. Có tối bà phải chạy qua hàng xóm coi ké. Thằng Hùng đi một lát rồi quay về.
- Cái ti vi thời Bảo Đại này mà nó nói sửa hết bảy trăm ngàn đồng!
Con dâu đang lúi húi trong bếp, nói vọng ra:
- Bỏ đi! Giờ ai xài mấy thứ đó nữa. Mua ti vi màn hình phẳng coi cho sướng!
Thằng chồng ậm ừ:
- Mua mới mắc lắm! Tới bảy, tám triệu đồng!
Con dâu bà cười ha hả:
- Tính với toán! Anh sửa cái cũ vài lần là hết nửa tiền mua cái mới! Tiền nào của nấy. Mua ti vi mới đi, rồi kéo cáp "quai phai", tha hồ coi phim, coi ca nhạc hàng trăm kênh, hông sướng hơn sao!
Bà Mười bực bội ra mặt. Cái ti vi mua được hơn sáu năm chứ mấy, mà nó đòi bỏ.
- Vợ chồng bây không coi thì để trong phòng ngủ cho má. Tao coi một mình!
Chiếc ti vi sửa xong, tốn gần triệu bạc mà được mấy ngày lại trở chứng, màn hình nhấp nha nhấp nháy, phải lấy tay vỗ bồm bộp phía trên vỏ mới có hình ảnh. Con dâu đem bán một chỉ vàng, bù thêm ba triệu đồng tiền bán heo, hối chồng đi mua ti vi mới. Bà Mười giận không thèm ngó. Tới bữa đang coi phim đến khúc hay, cái ti vi lại nhấp nháy mất hình, bà miễn cưỡng bước ra coi ti vi mới. Trời ơi, đẹp! Màn hình tổ chảng, màu sắc sặc sỡ, lại mỏng te, không dềnh dàng như cái ti vi cũ. Bà lặng lẽ ngồi xuống ghế coi phim tiếp, quên cả giận. Phim đang cao trào, thằng Hai ở đâu lò dò về. Nó thông báo:
- Nhà Kim mới mua máy cày. Nó lấy sáu trăm ngàn đồng một công cày bừa. Năm công nhà mình nếu thuê bừa là hết ba triệu đồng.
Bà Mười dậm chân bành bạch:
- Nhà này dư tiền hả? Không cày bừa gì hết! Máy cày làm ẩu lắm. Để cuốc từ từ. Có chi mà gấp.
Con dâu nhìn má chồng cười hinh hích:
- Má tính sao vậy? Chồng con cuốc giỏi cũng phải năm ngày mới xong một công. Cuốc xong ngâm ải, sau lại đảo lên lần nữa. Lặn hụp cả tháng mới xong. Thôi, thuê máy làm cho khỏe xác má ơi!
Nó không thèm để ý tới thái độ của bà, quay sang bảo chồng:
- Anh nói thằng Kim cày cho nhà mình trước đi. Tiền công em có rồi.
Bà Mười nén thở phào nhẹ nhõm nhưng vẫn âm ỉ tức. Con nhỏ này được nước làm tới. Mấy bữa sau, bà thấy con trai phóng một chiếc xe máy còn khá mới về, mặt mũi hí hửng:
- Vợ ơi! Có xe máy rồi nha! Giờ cưng thích về thăm ngoại lúc nào thì về!
- Xe anh lấy ở đâu vậy?
- Mua.
- Tiền đâu mua?
Thì bữa em đưa tiền mua heo giống, còn dư chín trăm anh vẫn giữ đây!
Con vợ cười nghiêng ngả:
- Nói chuyện cứ như thằng Bờm có cái quạt mo. Ai bán cho mình chiếc xe này chín trăm ngàn? Có mà xe ăn cắp!
- Xe của thằng Tiến ngoài lộ, sao lại là xe ăn cắp?
- Tiến Honda á?
- Ừa.
Thôi! Xe nát nó mua về mông má rồi bán cho anh. Mấy triệu?
- Rẻ lắm. Bốn triệu đồng à! Nó cho trả góp, mỗi tháng một triệu.
Lần đầu tiên bà thấy con dâu tức giận. Con "trâu vàng" vểnh hai bím tóc như cặp sừng lên, mắt trợn tròn:
- Bị lừa rồi! Đảm bảo xe này chạy một tháng đi sửa năm lần. Chồng làm ơn đem trả lại, lấy tiền về giùm em liền!
Nhìn thằng con cun cút quay xe đem đi trả, bà Mười xót xa trong lòng. Từ hồi mồ côi cha năm lên chín tuổi, chưa khi nào bà thấy mặt nó buồn vậy. Một mẹ một con suốt hai chục năm nay, có bao giờ bà nặng lời với nó đâu. Tự dưng bà thấy ghét cay ghét đắng con "trâu vàng". Vàng, bạc gì! Cái thứ vũ phu với chồng. Mà sao thằng Hai hèn vậy?
Nó hỗn, cứ đánh cho một trận, bà không bênh. Nhưng thằng con bà thuộc loại râu quặp, lại gặp đúng con vợ trên cơ nên chẳng dám hó hé gì. Bà Mười thấy nỗi bực dọc lồng lộn tâm can. Không thể để nỗi nhục này trong nhà, coi thiệt chướng mắt, bà kêu hai vợ chồng tụi nó lại, tuyên bố cho ở riêng. Bà bán cặp bò, rút thêm sáu chục triệu đồng tiết kiệm, xây cho tụi nó căn nhà nhỏ sau vườn. Thằng Hai tỏ vẻ buồn, thất vọng, cảm thấy như bị mẹ bỏ rơi. Con vợ nó thì hớn hở như trúng số độc đắc.
- Đừng buồn, anh! Rồi vợ chồng mình sẽ làm giàu nhanh thôi!
Bà cấp cho cặp vợ chồng trẻ mười giạ lúa, đủ lương thực ăn trong bốn tháng, sau đó thì tự lo. "Để coi thiếu bà má già này, tụi mày nuôi nhau kiểu gì". Ngày nào vợ chồng nó cũng đi từ sớm, tới chiều muộn mới về. Bà Mười không thèm quan tâm. Một buổi, ngồi hóng mát với mấy bà hàng xóm dưới gốc me đầu xóm, bà mới nghe thiên hạ nói về con mình.
- Vợ chồng Hai Hùng làm như vậy, tiền để đâu cho hết. Bà Mười được nhờ rồi.
Bà ngơ ngác, không biết ất giáp ra sao. Ngồi một lúc lâu bà mới hay con trai mình giờ theo phụ máy cày cho anh vợ. Đang mùa làm đất, nó hùng hục suốt ngày ngoài đồng, tiền công cao gấp ba, bốn lao động thường. Con vợ nó xin vào công ty may ở huyện bên, lương tháng đâu cũng hơn năm triệu đồng. Hai vợ chồng son ăn gì hết? Có nước mua vàng để dành. Bà bán tín, bán nghi nhưng cũng thừa nhận con dâu mình giỏi. Nữ tuổi Đinh Sửu không chê vô đâu được. Chỉ hiềm nó đứng trong bốn hàng can Đinh, Nhâm, Quý, Giáp. Bà không tin mấy chuyện đó nhưng vẫn thấy lo lo cho thằng con. Cứ ngẫm số mình ra thì biết, dẫu không hai lần đò nhưng cũng góa chồng sớm. Thằng con trai bà tuy ở riêng nhưng vẫn thường dưới sự giám sát của má, nhất là chuyện ăn uống, sinh hoạt.
- Làm ra tiền thì nhớ bồi dưỡng tấm thân, chứ đổ bệnh ra thì tiền núi cũng hết! Vợ chồng sinh hoạt cũng nên điều độ, còn ở với nhau cả đời, đừng cố đấm ăn xôi mà chết nghe con!
Con dâu bà chỉ cười hì hì.
- Con có chồng thì phải lo cho chồng chứ má!
Nó nói vậy, chứ ngày nào nó cũng chạy qua hỏi:
- Má khỏe không? Hôm nay có gì ăn cơm?
Buổi tối ấy, trời đang mưa, thấy con dâu choàng áo bưng qua cho một nồi canh chua cá lóc, bà cảm động muốn rớt nước mắt. Người đời nói: "Dâu hiền nên gái. Rể hiền nên trai" là như vậy. Phúc nhà bà lớn lắm.
***
Hồi chớm đông, thấy con dâu cổ dài ra, bà mừng, hỏi đón:
- Bầu bí gì chưa con?
- Má hay vậy! Con bầu ba tháng rồi!
Chưa biết trai gái thế nào, mà trong bụng bà mừng rơn. Bà thích có cháu gái đầu lòng, như con mẹ nó. Hôm bà sui qua chơi thăm con gái, ngồi với nhau cũng nói y vậy. Bà sui đắn đo hồi lâu, rồi mới nói:
- Có chuyện quan trọng em xin nói với chị sui. Chắc vợ chồng Hai Hùng xin phép chị rồi. Nó mượn sổ đỏ nhà em, thế chấp vay ngân hàng sáu trăm triệu đồng mua máy cày chị à!
Bà Mười mém té ngửa.
- Ôi trời đất ơi! Sao tụi nó liều vậy? Rồi tiền đâu trả ngân hàng? Lỡ mất nhà thì chị ở đâu?
Bà sui cười hinh hích, điệu cười giống con gái.
- Em hông có lo! Con gái em cũng tính toán được. Thêm thằng rể chịu khó nữa. Ba năm là trả xong tiền ngân hàng thôi.
Không phải nhà mình, tiền của mình, mà bà Mười lo lắng mất ăn, mất ngủ. Tụi nó làm ăn thua lỗ, là coi như sui gia mất nhà. Sui gia mất nhà thì liên quan tới bà, vì con nợ là trai, là dâu của bà. Ôi trời Phật ơi! Cầu cho vợ chồng nó ăn nên làm ra. Nhưng lo là lo vậy thôi. Từ bữa chiếc máy cày màu cam về đậu trong sân nhà bà, thằng Hai không lúc nào hết việc. Con dâu bầu vượt mặt mà vẫn cặm cụi đi may, khiến bà lo lắng.
- Con à! Tiền làm ra cũng quý thiệt nhưng con người quý hơn nhiều. Hay là nghỉ việc may đi, ở nhà cơm nước cho ba nó đi làm.
Bà sắp nổi điên khi con dâu lại cười.
- Thôi má ơi, hổng sao đâu! Bỏ việc bây giờ để chết à! Tiền thai sản của con hơn ba chục triệu đồng đó!
Bà Mười không hiểu:
- Bây giờ đẻ con mà cũng được trả hơn ba chục triệu hả? Vậy thì bây đẻ thêm mấy đứa nữa đi, đặng kiếm chút vốn.
Con dâu bà lại phá lên cười ngặt nghẽo. Ghét vậy chứ! Có khác nào nó cười chọc quê bà. Nó là đứa tham việc. Bụng bầu mà không biết giữ gìn, còn cố làm tăng ca, tăng buổi. Bà cằn nhằn với con dâu: “Con không thương thân mình thì cũng thương lấy đứa con".
Sự lo sợ của bà Mười là có thật, khi một hôm Hai Hùng mặt xanh mét chạy về thông báo: "Vợ con té, giờ đau bụng, ra máu nhiều quá má ơi! Sợ sẩy thai quá". Nó định kêu taxi đưa vợ đi bệnh viện, bà không chịu: "Cứ để đó cho má". Bà gọi thằng cháu họ có xe hơi chở hai mẹ con tới ngay phòng khám tư của bác sĩ phụ sản gần nhà. "Thai dọa sẩy bác ạ! Cần phải tiêm thuốc ngay. Ba ngày một mũi". "Bác sĩ cứ điều trị thật tốt cho tôi, đừng sợ thuốc đắt".
Tính ra mỗi lần khám siêu âm, thuốc chích, thuốc uống cũng hơn ba trăm ngàn đồng. Bà Mười tháo ngay đôi bông tai một chỉ vàng, bán lấy tiền lo cho con dâu. Khoảng mười ngày thì tình hình tạm ổn. Bà mừng cho con dâu khỏe, cháu nội khỏe. Đủ chín tháng mười ngày, cháu nội bà chào đời. Con nhỏ xinh đẹp nặng tới ba ký tám.
Bà Mười nhất định bắt vợ chồng thằng Hai quay lại nhà cũ. Lý do để bà nội có thời gian chăm sóc cháu. Bà mãn nguyện quá, vì cháu đầu là con gái. "Ba năm nữa bây đẻ thêm cho nó thằng em nữa là vừa đẹp". Bà cười tươi nói với con dâu.
Cây mai năm nay hoa nở sớm. Mới rằm tháng Chạp mà đã chi chít nụ vàng. Ừ! Nở từ từ là vừa. Mùng Chín tháng Giêng đầy tháng cháu nội, chắc chắn đám hoa mai sẽ nở bung vàng rực trước sân.
Phùng Phương Quý