Truyện ngắn - Trăng ơi!

23/03/2023 - 15:35

PNO - Mẹ Hương ơi, mặt trăng tròn đẹp quá, như gương mặt của má con. Mẹ Hương ơi, mẹ có thể nào nói với mặt trăng làm ơn thức với con như má từng thức canh những đêm con nằm trong bệnh viện?

Từ khi có thêm 1 đứa con gái “ngang hông”, chị dần mất đi những giấc ngủ ngon lành. Vậy nhưng cũng từ đó, chị thấy lòng mình đang trải ra, đón nhận một nguồn năng lượng lạ lùng từ con bé. Nước mắt của con bé những đêm trằn trọc khó ngủ cũng rỉ rả thấm vào lòng chị. Mỗi lần nó khóc, chị thấy mình cần phải mạnh mẽ hơn, kiên nhẫn hơn một chút. 

***
Ký ức của một đứa nhỏ lên 7 chắc chắn không thể nào ôm rịt hết những đường nét trên khuôn mặt má nó, chỉ nhớ mang máng là mặt má tròn, da má trắng, duy nhất đôi mắt má không đẹp. Không đẹp vì đôi mắt đó buồn quá. Chị còn nhớ lời ông cụ hàng xóm cảm thán “Mắt đó là cả đời chìm trong bể khổ”. Ông cụ biết mình lỡ lời nhưng rồi cứ khẳng định chắc nịch “Cả nhà phải để ý cô ấy một chút”. 

Chị không biết “phải để ý” là sao. Cha mẹ chồng mất sớm, chị sống chung với gia đình em chồng từ hồi mới cưới. Lúc con trai lớn của chị vào đại học thì em chồng mới kết hôn với Nga. Từ ngày Nga về làm dâu, trở thành chị em bạn dâu với chị, mọi thứ trong nhà ít nhiều đều xáo trộn. Kiểu như nhà thêm một người thì thêm một cái chén một đôi đũa, thêm một miệng ăn, thêm một giọng nói, thêm một tiếng cười hay thêm một chỗ nằm. Và rồi, sẽ có thêm ti tỉ thứ tủn mủn nhưng chị không nghĩ là nó sẽ biến dạng, phình ra như bột ủ men quá tay, phình đến lúc chán chê thì tự bể. 

Thoạt đầu chỉ là những cái nhíu mày xung quanh hóa đơn điện nước bất ngờ tăng vọt. Ban đầu là những câu bóng gió xa xôi. Sau, Nga méc với chồng, cho rằng điều đó vô lý. Chị không buồn, chỉ thấy mọi thứ bắt đầu trở nên lộn xộn. Căn nhà nhỏ xíu nhưng 2 gia đình ở chung. Chị luôn tự nhủ rồi mọi thứ sẽ ổn nếu mọi người biết nhẫn nhịn, tự thu xếp, tự cân bằng, nếu lòng ta không chật hẹp. Nhưng có lẽ mãi mãi chị không ngờ tới, một căn gác nhỏ bé, một chỗ để xe, một gian bếp nóng nực thì có thể cơi nới được, nếu ta muốn. Lòng người thì dễ dầu gì!

Hôm cô ấy làm mình làm mẩy với cả gia đình chỉ vì mấy cái hóa đơn, chị nghĩ đơn giản rồi cơn giận cũng nhanh chóng xẹp như món cá viên chị hay chiên cho mấy đứa nhỏ ăn. Mấy viên cá phồng lên trên mặt chảo nóng. Tụi nhỏ còn chưa hết cơn khoái trá thì tiu nghỉu nhìn viên cá rúm ró nhăn nheo, co rút lại cỡ đầu ngón tay. Chị lật qua lật lại viên cá. Phải chi mình vói tay tới được, nhất định sẽ túm lấy những cơn giận hờn rất nhỏ nhặt của Nga, cạo nó ra, cho đến khi nào tróc khỏi tâm trí cô ấy. Như cái hôm Nga lúng túng trong bộ váy áo cô dâu về nhà này, chị cũng là người ngồi gỡ từng cái kẹp tăm ra khỏi mái tóc được uốn lọn, điểm tô kỹ càng của cô sau tiệc cưới. Chị nhớ như in hôm đó nhìn Nga rất đẹp. 
***
Lấy chồng muộn, sinh con khi đã bước qua tuổi 40, rõ ràng cô ấy phải hứng chịu nhiều thiệt thòi. Bé Diệu ra đời như một cuộc tái sinh kỳ diệu của Nga. Huyết áp cao, hở van tim nhẹ, tuổi không còn trẻ… những điều đó khiến cô lần khân trong việc mang thai. Song, cuối cùng, tình yêu của người mẹ đã giúp cô vượt qua tất cả. Hôm Diệu chào đời, nhỏ xíu, đen nhẻm, Nga nhìn con bé nằm im trong chăn, hoang mang hỏi chị chừng nào con bé sẽ lớn. Chị bật cười. Ai làm mẹ lần đầu cũng đều ngớ ngẩn như nhau. Chị làm mẹ trước Nga, cũng từng mất ngủ triền miên chỉ vì sợ bỏ quên một nhịp thở nào đó của con mình giữa đêm. Khi làm mẹ, Nga tưởng cuộc đời con là cuộc đời mình. Mười phần cô sống trọn vẹn hết mười cho con, làm gì còn phần nào cho dung nhan hay vóc dáng mình.

Chị có lần nhắc khéo bằng cách mua tặng cô những bộ quần áo đẹp nhưng chưa khi nào chị thấy Nga mặc. Hôm cô ấy mất, chị là người lau rửa, thay đồ cho cô lần cuối. Bộ đồ vải lụa mịn màng mà mấy năm trước chị tặng vẫn nằm yên trong góc tủ. Có lẽ Nga ngại vì vóc dáng xập xệ của mình. Hôm đó, chị đã chọn nó để mặc cho cô ấy. Dù có đi đâu, đến một thế giới nào khác thì cũng phải gọn gàng, tươm tất nhất có thể, phải không em?

Chắc là hôm đó, Nga không nỡ nào giận chị kiểu “sống để bụng, chết mang theo” nữa rồi dù đã lâu, cô ấy không còn tha thiết chuyện trò gì với chị. Có món ngon, cô lẳng lặng mang đặt lên bàn ăn, chừa phần cho mấy mẹ con chị, rồi thôi. 

Chị không trách hờn gì cô. Sinh bé Diệu, cô yếu như cọng bún thiu. Chồng cô trở thành trụ cột. Mọi chi tiêu trông chờ mớ tiền chồng cô kiếm được từ các hợp đồng thầu xây dựng. 2 năm COVID-19, mọi ngành nghề đều ngắc ngoải. Chồng cô gần như chỉ nhận được những mối sửa chữa, cải tạo nhà nhỏ lẻ. Nga thích đeo vàng. Nhưng rồi từ chiếc nhẫn đến bộ ximen cũng lần lượt ra đi. Có lẽ vậy mà cô đã cố gắng chắt bóp, mất một đồng là xót hết một ngày. Tuy nhiên, chị không nghĩ cô bủn xỉn đến mức so đo tính toán những thứ vặt vãnh, rồi làm um lên khiến chị ngại muốn chui xuống đất. May mà chồng Nga hiểu chuyện, dàn xếp êm xuôi. Cũng trận đó, Nga la làng, rồi tự “may” miệng mình lại. Trước đó, cô gần như rút khỏi những cuộc họp mặt gia đình.

Giỗ ba má chồng, cô lui cui đứng bếp, lau rửa ly chén, tránh mặt bà con họ hàng trên bàn tiệc. Lần cô nói chuyện với chị gần nhất là trước ngày cơn thịnh nộ của cô bùng phát chừng 1 tuần. Chị nhớ mài mại Nga buông tiếng thở dài, khẽ khàng khi chị đang chúi mũi xem ti vi cùng bé Diệu.

- Nói dại chứ lỡ chồng em mà có “phòng nhì”, chắc em chết!

Chị phẩy tay, cười khẩy:
- Tào lao! Con còn nhỏ xíu, mắc gì chết!

Mấy lần chị thập thò định bước lên gác xép, chỗ vợ chồng Nga và bé Diệu gói ghém ở đó để mở lời làm hòa nhưng cánh cửa phòng lúc nào cũng khép khiến chị ngại ngần. 

Lòng Nga đóng lại rồi. Chẳng lẽ chỉ vì việc tranh cãi vặt vãnh quanh những món tiền điện nước, chi tiêu trong sinh hoạt chung mà Nga nỡ đoạn tuyệt với chị sao? Chị đã bàn với chồng sẽ nhận phần thiệt thòi về mình, miễn Nga cảm thấy dễ chịu dù gánh nặng chi phí đại học cho con lớn, học phí cấp III cho con gái kế ở đất Sài Gòn khiến vợ chồng chị xoay đủ kiểu vẫn tối tăm mặt mày. Chị bối rối. Chị hoang mang. Chị khó chịu như có kiến bò ngang bò dọc trong lòng. 

Đầu trên xóm dưới biết nhà này có 2 chị em bạn dâu. Chị em dâu như bầu nước lã. Có người còn khuyên nhủ chị nên gói ghém ra riêng, thuê nhà cũng được, lâu lâu vợ chồng con cái đùm túm nhau về, anh chị em tụ họp, vậy mới giữ được tình cảm gia đình. Xa thương, gần thường. 2 “bầu nước lã” chạm mặt nhau mỗi ngày kiểu gì cũng nhạt nhẽo dần, không nóng thì ắt sẽ lạnh.

Chừng nào thì họ thôi xầm xì sau lưng chị, kiểu như chị là “ma cũ ăn hiếp ma mới”, một thể loại gì đó vô cùng xấu xí trong mắt họ? Chị kệ vì nghĩ Nga không giận lâu. 

Nga giận đâu có… 2 năm chứ mấy. Rồi Nga đi, đột ngột sau một cơn co giật vì huyết áp. Cả nhà sững sờ như hóa đá trong tiếng khóc thét của bé Diệu. Chồng Nga như kẻ mất hồn. Nhà vắng đi một miệng ăn, một cái chén, một đôi đũa, một chỗ nằm. Vắng cái bóng đi ra đi vô, lên xuống gác xép, ra lan can nhỏ xíu tưới mấy chậu bông treo lủng lẳng, vắng tiếng bóng gió cằn nhằn… tưởng sẽ thênh thang trống trải. Nhưng không. Nhà như co rúm lại, méo mó nhưng lại im thinh bởi những nỗi niềm khó diễn tả thành lời.
***
Chỉ đến lúc chồng Nga báo tin mình sẽ kết hôn lần nữa, ngay sau đám mãn tang Nga ít hôm, chị mới giật mình nhớ lại lời Nga hôm nọ. “… chắc em chết!”. Trời đất ơi! Nga đã dự trù sẵn những điều tồi tệ có thể xảy đến. Chị quên mất rằng linh tính đàn bà là thứ gì đó rất nhạy. Sao chị có thể vô tâm đến mức không ngồi lại với cô ấy thêm một vài lần nào nữa. Cơn thịnh nộ của Nga từ đâu mà có? Chị nhớ những đĩa thức ăn cô lẳng lặng đặt trên bàn cho mẹ con chị. Cô từng muốn lại gần chị đó thôi.

Nhưng rồi cuối cùng, trong căn nhà nhỏ xíu tưởng sẽ bó chặt người ta đến mức không thể nào thấy cô đơn được, Nga vẫn cô độc một mình chịu đựng tất cả. Chị nhớ những đêm chồng Nga về khuya say khướt, sáng sớm hôm sau sẽ thấy bóng cô đứng bần thần bên mấy chậu bông. Cái tướng muốn chồm lên bầu trời cao rộng kia. Chồng Nga, chồng chị mấy khi ngó ngàng lên hướng lan can đó. Chỉ có chị chạy bộ mỗi sớm trở về, thỉnh thoảng ngước lên trông chừng mỗi khi nghe nước rỉ từ mấy chậu bông, thấm lên tóc mình.

Giờ, chỉ còn chị và con bé ngồi nhìn trăng qua song sắt lan can. Con bé mê trăng, nhiều lần giơ tay giả đò ôm mặt trăng như ôm khuôn mặt má nó. Nó có thể ngồi đó đến khuya, khi mặt trăng vào độ tròn đầy nhất, cũng là lúc ba nó chân thấp chân cao trở về sau những chầu nhậu quên trời đất. Nga mất chẳng bao lâu, chồng cô dường như cũng quên mất mình còn có con. 

- Mẹ Hương có thương con như má thương con không?

Chị ôm con bé, dụi đầu tóc xoăn tít của nó vào lòng, hít hà cái mùi tóc cháy nắng.
- Sao con hỏi vậy? Mẹ lúc nào không thương con?
- Con sợ…

Chị không dám gặng hỏi, sợ con bé sẽ òa khóc. Lâu rồi, con bé như sợ chị giận nên cố nín nhịn, không dám khóc bù lu bù loa như hồi má nó mới mất. Hồi đó, tiếng khóc của con nhỏ là nỗi ám ảnh mỗi đêm của chị. Chị ra điều kiện, nếu con bé còn khóc là chị không thèm làm mẹ nó. Chị tự hổ thẹn khi phải áp đặt lên một đứa nhỏ đang mang nỗi đau quá lớn nhưng chị không còn cách nào khác.

- Mẹ Hương cho con theo mẹ suốt đời được không?

Chị sửng sốt.
- Sao con lại hỏi vậy?

Con bé nín thinh. Đêm đã khuya. Mặt trăng giữa tháng khoe hết vẻ đẹp mượt mà. Căn gác nhỏ xíu này là nơi duy nhất trong nhà con bé có thể vói tay ôm lấy khuôn mặt ngọc ngà của má nó. Ngày mai, ngày kia, ba nó lại hân hoan trong bộ vest tân thời, cầm tay một người không phải má nó. Cái bụng bia dường như khiến dáng đi của ba nó trở nên lạ lẫm. Lâu rồi, ngoài việc đưa nó đến trường mỗi sáng, 2 cha con rất ít có những bữa cơm chung. Chiều chiều, nó đem cơm lên gác ngồi, vừa ăn vừa đợi con sẻ nâu lạc bầy ưa đáp xuống thành lan can. Nó dành hẳn cho con sẻ nâu chén nhựa lúc nào cũng đầy hạt kê. 

- Chắc con sẻ cũng mất má nó, giống con.

Chị đã ứa nước mắt khi nó kéo chị lên gác, chỉ con sẻ nâu đang cặm cụi mổ hạt. 
***
Chị giúp con bé thu dọn mớ đồ đạc về phòng chị. Lâu rồi, 2 đứa con chị đang ở tuổi bị cuốn hút bởi những cuộc vui bạn bè, thỉnh thoảng mới nhớ tới chị. Con bé xin phép ba cho nó dọn xuống ở cùng chị. Ba nó bối rối. Chị chỉ mỉm cười trấn an. 

- Chú Út đừng lo. Con bé không sao đâu!

Con bé chừng như quyến luyến căn gác nhỏ, dọn hết đồ mà nó vẫn ngồi nán lại nhìn lên trời đêm đầy sao. Phía xa, mặt trăng hiền từ nhìn nó. 

- Con chỉ ước đêm nào trăng cũng sáng hoài như vầy nè mẹ Hương, trăng đừng ngủ…

Con bé sẽ không dành tiếng “mẹ ơi” cho ai khác, ngoài chị. Cũng như cái tiếng “má” thương yêu nhất nó vẫn dành phần riêng cho người đã sinh ra nó. Chị cầm tay con bé, đeo cho nó chiếc vòng bạc thiệt đẹp mà Nga chưa kịp sắm cho nó như đã hứa.

- Dù gì thì ngày mai con phải là đứa con gái xinh xắn nhất trong đám cưới của ba, nha con!
Rồi con sẽ có em chơi cùng. Con sẽ không đơn độc như con sẻ nâu tội nghiệp kia. Tin mẹ đi, con gái nhỏ của mẹ! 

 

Trần Huyền Trang

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI