Truyện ngắn - Trái tre

29/08/2020 - 17:10

PNO - Bà đã nuôi con, mỗi ngày mỗi tháng mỗi năm, chúng lớn lên là cùng lúc mái tóc trên đầu bà ngắn đi, xác xơ, thưa thớt và trắng dần.

Bà ngồi thu chân, cách ngồi của người miền Tây xưa khi nước lũ về hay mùa chướng nước tràn đồng lấp loáng, hừng đông thò chân xuống giường nghe tiếng “tỏm” là biết nước ngập lênh láng hết nhà. Từng hòn than đã chuyển dần từ màu đỏ sang màu xám rồi tàn lụi hắt héo còn một nhúm con con. Cuộc sống con người suy tận cùng rất mong manh và bất định. Một lúc nào đó trong đời nhất là khi vào tuổi như bà, những sợi dây gắn kết với cuộc sống trở nên lỏng lẻo hoặc mất đi, sẽ nhận thấy rõ hơn bao giờ hết điều đó.

Bà không buồn đứng lên. Ý nghĩ cứ bồng bềnh chênh chao về những con nước lớn ngày nào. Cái xứ này tứ bề là nước. Cái xứ này hoa trái quanh năm. Cái xứ này con cá con tôm, tát ao tát đìa là loi nhoi lúc nhúc. Cá mắm tính bằng lu bầu. Vậy mà… 

Bà nghe nặng trĩu ở đâu đó trên vai tựa hồ như có ai đặt bàn tay nặng ngàn cân lên vậy. Muốn nhấc cũng không nhấc nổi. Gió vẫn thổi xào xạc trên tàn cây, phần phật bụi chuối bên hè. Nhưng vẫn có cảm giác rít rắm đến tận từng lỗ chân lông, không mát mẻ dễ chịu chút nào. Thật lạ kỳ!

- Má không vô nhà ngồi đây chi?

Bà không ngước lên, cũng không nhìn con. Đôi mắt tù mù hai lần mổ cườm băng băng bó bó, đi lại tốn kém mà vẫn cứ như có màn sương mỏng chờn vờn che phủ. Lắm khi sớm mai thức dậy, cứ ngỡ có cục ghèn nào vướng víu, đưa tay giụi như muốn moi cả con ngươi, rát rạt, vậy mà cứ đùng đục một màu lờ nhờ đến bực cả mình. Không muốn phiền con cháu, bà giấu. Giấu như thể những khuya trở trời cái lạnh ở đâu xộc vào cửa sổ, ập lên gáy, bò xuống từng khớp lưng, khớp gối, mắt ráo hoảnh, xoay qua trở lại, bà nghe tiếng thằn lằn bắt muỗi “tọp tẹp” trong đêm tối, thắc thỏm một mình: sao trời càng ngày càng lâu sáng?

- Thằng Bin đâu mà bây về một mình?

- Con thả nó đầu đường, chơi với đám thằng Bo. Chắc tầm này cũng chưa học hành gì! Kệ, đá đấm gì đó cho giãn gân giãn cốt.

Bà di di ngón tay trỏ gầy héo tựa miếng củi khô đi lạc vào đầu gối, tiếng vải sột soạt vang lên nho nhỏ. Không có gì làm mình thấy rõ bước đi của thời gian cho bằng lần lượt trông thấy những đứa con nít lớn lên. 

Bà đã nuôi con, mỗi ngày mỗi tháng mỗi năm, chúng lớn lên là cùng lúc mái tóc trên đầu bà ngắn đi, xác xơ, thưa thớt và trắng dần. Đôi khi ngồi nhìn con ngủ, nghĩ đến cảnh vì bất cứ lý do nào, sáng mở mắt không còn nhìn thấy chúng nữa, bà nghe như có ai thò tay vào ngực mình mà túm, vặn, siết lại day day, cơ chừng muốn bứt quả tim ra khỏi lồng ngực. Quặn thắt.

Như con gà mẹ, không gian sống của bà là bầy con. Chớp mắt các con rẽ bầy, mỗi đứa đi mỗi nơi với cái tổ của chúng. Giật mình quay lại, hình như bà đã đánh rơi cuộc đời mình từ lúc nào. Tựa như tiếng dầm buông xuống nước, chưa kịp nghe đã có tiếng dầm khác buông xuống tiếp, giữa mênh mông là nước, trên con sông dài, chiếc ghe phải về bến, một tiếng dầm rồi sẽ mất hút. Bà từng nghĩ như vậy. Và cũng từng tự nhủ: có bao nhiêu người đàn bà nắm trong tay hàng ngàn ngày tháng, ngoảnh đi ngoảnh lại, hết trơn cuộc đời, chưa kịp hiểu mình đã xài như thế nào.

Riêng với cháu nội thì khác. Thằng Bin lớn lên mỗi ngày là mỗi ngày bà cảm thấy rõ hơn rằng mình thuộc về một lớp người cũ kỹ, tựa một món đồ nào đó bị bỏ quên trong xó nhà hay kẹt cửa từ lâu không còn ai sử dụng. Sao chúng như từ một cõi khác lừng lững trong nhà bà. Tiếng dạ thưa dạy mải dạy miết mới thành được câu cửa miệng. Chứ không, đi học về là chân nam quăng giày ra hướng đông chân chiêu ném giày ra hướng tây, chả thấy thưa gởi ai.

Suốt ngày nó cứ cắm đầu vào bấm bấm chi trong cái điện thoại nhỏ hơn bàn tay, cười cười nói nói trong đó, chẳng trò chuyện gì với cha mẹ ông bà. Ngày nhỏ, nó quấn lấy chân bà gỡ không ra, giờ, gọi mòn cả tiếng mới nghe nó trả lời. Vậy mà khi trả lời, mắt nó vẫn không rời màn hình, khéo rồi vài hôm nữa bà cháu lại không nhận ra nhau. 

Từ Tết giờ, gần hết tháng Giêng, nghe nói có bệnh dịch gì đó nguy hiểm, người ta đứng gần, hắt xì hơi, chạm tay chạm chân là có thể lây lan nóng sốt ho không thở được mà chết, bà không biết bệnh ấy thế nào, chứ ho khó thở thì tuổi già như bà một năm dăm bảy lần không đường nào tránh khỏi. Những cơn ho kéo đến như ác mộng, muốn nén cũng không biết cách nào. Cổ họng bà đau rát như có ai thọc tay vào mà cào xước cả lên. Nước mắt sống trào ra, bò xuống mũi, xuống miệng, muốn lau cũng không được, tay ôm ngực, tay nắm vào thành giường tìm điểm tựa.

Vài lần ở nhà một mình, bà chìm trong những cơn mê man bồng bềnh, nghe tiếng trẻ hàng xóm í ới ngay đầu ngõ lúc được lúc mất, xa xăm như vọng từ cõi nào về. Muốn ngồi dậy, gọi ới một tiếng cũng không còn chút sức lực nào. Nên nghe nhà trường cho trẻ nít nghỉ học, bà ưng trong bụng.

Nhưng ở nhà, ngày rộng tháng dài, thằng Bin cháu nội bà, bảo đằng trước nó chạy ra đằng sau, coi bài qua lệ, phụ việc nhà cho có. 12, 13 tuổi đầu ăn xong là ngủ, ngủ dậy quay qua quay lại là len lén ôm cái điện thoại của cha, của mẹ. Con nhà nông dân tưới cái cây không cầm được vòi nước cho tử tế, nói chi đến chuyện biết đóng cây đinh hay cuốc liếp đất như cha nó ngày nhỏ. Bà khẽ thở dài rồi lại miên man suy nghĩ.

Nhắc đến chuyện tưới cây, bà lại chợt nhớ. Rõ là tuổi già khác nào cuộn chỉ rối, nói đến đâu nhớ đến đó. Mới nghĩ cái gì vừa xong quay vào tìm đứa con đứa cháu, phút chốc đầu óc trống trơn như cây kim tuột khỏi tay, cố tìm cũng không thấy. Lắm khi cả ngày sau mới chợt nhớ ra. Nước nôi kiểu gì mà mặn chát mặn chằn, mặn như nước muối. Mỗi ngày nhìn đám cây bông giấy, thiên tuế, cây bưởi ngoài sân héo rũ teo tóp mà xót trong dạ. Nhà có mấy cái lu chứa nước mưa, giờ nước ngọt quý giá vậy, chỉ để dành nấu cơm hay xối một ca cho đỡ rít sau khi tắm mà còn tiếc. Người còn không dám dùng cho mình, nói chi đến cho cây! Đám dừa cao ngút mắt, bông rụng tả tơi trắng gốc, ba tháng nữa còn trái nào trên ngọn? 

Chân không bước ra đồng ra ruộng nhưng bà mường tượng được cảnh đất khát nước. Bà như thấy rõ những vết nứt như những vết thương hở, sâu hoắm. Tất cả cái gì của sự sống có lẽ đã bị ai đó hút đi hết rồi. Đất đang hấp hối. Cây cũng đang hấp hối.

Nhiều khi bà thầm cám ơn đôi mắt mờ mờ, không nhìn rõ của mình. Bởi lẽ bà có cảm giác hàng bao nhiêu lá cây là bấy nhiêu con mắt đang nhìn bà kêu cứu. Bà nhìn chúng, có cảm giác như mình là món đồ chơi lên dây cót của thằng Bin ngày nhỏ, đã hoàn thành chuyến đi, không còn miếng năng lượng nào để nhích thêm dù một chút xíu nữa. Sự đời, bà thoáng nghĩ, đôi khi không cần tường tận rõ ràng làm chi, chỉ chuốc thêm đau lòng. Phiên phiến, bụng cứ bảo dạ rằng mình có là gì đâu mà lo chuyện lớn lao là sẽ yên. Thân bà gần đất xa trời, như trái chuối chín rục còn chút da bám lấy buồng. Gió lắm khi cũng không cần thổi, chỉ khẽ lung lay thôi đã rụng rồi. 

- Nội, nội, nội ơi!

- Gì vậy con? Mày làm hết hồn.

- Nội coi, nội coi, con cá, con cá… Ba con câu dưới ao. Nội coi, nội coi…

 Bin ùa vào sau tiếng kêu đứt gãy, mang theo mùi nắng mà lâu lắm bà mới ngửi thấy trên người cháu. Chả hiểu sao bà cứ thích mê cái mùi nắng nồng nàn trên da trên thịt con người, trên quần áo chăn màn. Nó mang hơi hướng của đồng bãi, của những con đường dài, của lá khô của gió, của sự khỏe mạnh tươi tắn… Nó khệ nệ ôm cái xô nhựa cũ, đặt xuống trước mặt bà, mặt mũi nghiêm trọng như có cái gì bí mật lắm.

- Nội…

- Cái gì từ từ con!

- Nội không thấy rõ đâu, để con đi lấy cái thau.

Lâu rồi mới thấy cháu hồ hởi, bà cũng rộn ràng. Thằng bé lấy thau rồi từ từ nghiêng cái xô. Một con cá rô phi to bằng bàn tay người lớn xòe rộng, đuôi hãy còn ve vẩy. Con cá áng chừng hơn một ký. Ừ, cái mương cạnh nhà lâu nay, từ hồi ông còn sống, sau này vẫn vậy, cứ bỏ đủ thứ cá xuống nuôi. Tuần dăm ba lần quẳng cần câu là có cá ăn không phải mua. Loại cá rô phi đen này ăn tạp và mau lớn. Vỏ dưa hấu, cơm nguội, rau củ thừa gì nó cũng ăn. Thi thoảng có khách Sài Gòn về, đưa cho cái cần câu, câu được con cá, chiên xù ăn với mắm xoài mà tươi cười cho đến hết bữa. 

- Mắc gì con hớn hở Bin. Con cá thôi mà. Ba mày câu để lát mẹ về nấu cơm.

- Không! Không ăn được. Ba con nói không ăn được. Nội coi kỹ đi.

- Coi gì con, cá rô phi mà!

- Nè, nè… Nội coi, nội coi!

Thằng cháu bưng cái thau để sát vào chân bà, đưa tay chỉ chỉ. Con cá hãy còn sống lượn vòng bơi trong cái thau hẹp. Bà có thấy gì ngoài một tảng đen đen. 

- Lấy mắt kính cho nội.

Bà đeo mắt kính vào, từ từ ngồi xuống nền nhà. Chồm vai, rướn người nhìn theo hướng tay cháu. Trời ạ, con cá rô phi hai mắt trắng dã, lồi ra chực rơi khỏi hốc mắt như đã được nấu chín. Dưới lườn, trên lưng, sau đuôi là những vết lở loét thể như vết thương con người lâu ngày mưng mủ nhầy nhụa. Bà luống cuống, đưa tay gỡ mắt kính ra, kéo vạt áo lên lau chùi kỹ hai cái tròng và nhìn thêm lần nữa. Con cá đã mù và sắp chết!

- Ba con nói nước mặn nó nổ mắt, ghẻ lở, không ăn được đâu nội. Con đi tắm đây.

- Ờ, rồi giờ làm sao con? Bà nhìn cháu cầu cứu.

- Nội, nội! Hay mình bỏ nó vào thau, rồi lấy nước mưa đổ vào, cấp cứu nó nha nội. Chắc nó sẽ lành thôi.

- Ờ, ờ… Vậy thử đi con. Đổ nước này ra, lấy nước mưa. Nhanh Bin!

Con cá loay hoay bơi trong thau nước nhỏ.

- Nội coi nó mừng chưa kìa? 

Bà nhìn con cá rồi lại nhìn cháu. Thằng bé chăm chú, hai má hãy còn phảng phất vẻ phinh phính trẻ thơ. Tự nhiên bà nghe cuộc đời dài lướt qua mặt mình, cuộc đời của ông bà của con rồi của cháu. Tựa như con đường, lẽ nào càng về sau chẳng những không hanh thông quang quẻ mà càng nhỏ hẹp gập ghềnh? Con cá quẫy mạnh, nước vung tung tóe trên mặt, trên tóc Bin. Vài giọt nhỏ dính trên cánh tay bà mát lạnh.

- Con cho nội cái này. Con mới nhặt ở bụi tre nhà thằng Bo. Nhiều lắm. Con đi tắm đây.

Bin thả vào bàn tay bà một vật tròn tròn, tựa như trái cau. Bà đưa sát vào mắt mình. Bỗng như có ai đó đưa tay gạt một công tắc điện. Mọi thứ cơ chừng ngừng lại ở nơi bà. Trái tre! Trái tre sao? Đây là trái tre ngày nhỏ bà đã nghe cha bà nhắc đến? Là cái thứ cả trăm năm mới có một lần? Là cái thứ trổ ra đồng loạt và sau đó những cây tre sẽ chết sao? Là cái thứ mà khi nhìn thấy nó có nghĩa là mưa không thuận, gió không hòa, là tai ương, là bệnh tật sẽ đến sao?

- Bin! Bin! Đây là… trái của cây tre hả con?

- Con đâu biết đâu, nó có nhiều lắm ở bụi tre nhà thằng Bo. Tre gì mà có trái nội? Chắc cây gì nó leo lên cây tre rồi ra trái á.

Tiếng Bin vọng ra từ nhà tắm lẫn vào tiếng nước xối ào ào. Bàn tay run rẩy. Vật tròn tròn rơi xuống, lăn qua chân bà, qua bậc thềm, chui tọt vào kẽ hở của các chậu cây. Mất hút. 

Ừ. Chắc là trái của cây gì đó. Bà ngồi yên nơi bậu cửa như đã ngồi ấy hàng trăm năm, nghe hơi lạnh từ đất lan đến sống lưng, đến tận gáy. Bà đưa tay cài nút cổ áo, cái nút trên cùng. 

Triệu Vẽ

 
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI