Túy cười, nhìn ông già lóng ngóng bưng ly cà phê đen lên, hớp mấy lần không vô miếng nào. Vô gì nổi mà vô, bận ngắm “người đẹp có tuổi” bên kia. Chưa từng thấy ai thương thầm bền bỉ như ông già này.
- Vậy sao tía không dặn “bồ câu” của tía qua “hỏi thăm” người ta luôn? - Túy nói, lôi tờ báo ra tính đọc.
Thiệt ra hai người không có quan hệ máu mủ gì hết. Túy chạy xe ôm công nghệ, hay ghé đây làm ly cà phê với ổ bánh mì hai trứng cho tỉnh trước khi bật app kiếm khách. Lần nào tới cũng thấy ông Ba ngồi trước, mặt luôn hất qua bên kia đường, chỗ sạp trái cây. Tới lúc nghe cô chủ quán nói ổng ngồi vậy mấy năm rồi đó, anh chỉ biết kêu trời. Thương gì mà im ru ngồi một chỗ ngó mấy năm, trần gian này chắc có mình ông. Ngồi gần riết quen, từ từ thân, anh kêu ông bằng tía nuôi. Anh mồ côi cha, trong thâm tâm cũng ngưỡng mộ mối tình câm của ông, tính ra gọi vậy hợp.
- Dặn rồi, dặn rồi! - ông Ba cười khà khà, lại cầm ly cà phê lên ực một ngụm… không khí, mắt chưa thôi dán vô sạp trái cây.
Ông Ba dứt lời đã thấy thằng nhỏ lon ton đi tới sạp trái cây. Đó, “bồ câu” của ông Ba đó. Ông mướn nó, bởi vía tốt mạng hợp, ngày nào cũng biểu nó qua mua trái cây ủng hộ người đàn bà cho cả ngày buôn bán đắt khách.
Ông Ba hồi hộp coi thằng nhỏ nói cười với bà chủ sạp, lo không biết nó có nhớ lời ông dặn hỏi thăm hổm rày bà có bị làm sao không. Lá me trên cao rắc xuống bám đầy trên tóc mà ông không hay, mặc kệ chúng điểm lấm chấm vàng. Ông bận nín thở quan sát người thương. Thằng Túy thấy cảnh đó ồ lên trong bụng, nhìn tía nuôi nó lúc này đẹp hết sẩy. In hệt bức tượng đá đen, cẩn vàng lấp lánh bằng mớ lá me, thần thái toát ra nửa hạnh phúc nửa ngóng trông coi buồn đứt ruột.
Ăn hết ổ bánh mì, uống cạn ly cà phê, Túy mắc nói quá.
- Rồi tía định chừng nào nói cho “người ta” hay có người để ý “người ta” mấy năm ròng?
Ông Ba như bị câu hỏi đập mạnh vào đầu, cả người rung một cái chao đảo. Lấy lại bình tĩnh, tằng hắng nạt:
- Mày lo coi kiếm khách đi chứ trưa trời trưa trật kìa, ở đó nhiều chuyện.
Thằng Túy đứng lên trả tiền, bị nạt mà vui, chưa kịp trả luôn phần ông Ba thì đã nghe tiếng ông:
- Phần tao lát tao tự trả, mày mà trả là mai mốt hổng có tía con gì hết nghe.
***
- Sao con, sao con… - ông Ba chồm khỏi ghế, sốt sắng hỏi thằng nhỏ “bồ câu”.
Nó vuốt mồ hôi lấy lại nhịp thở mới trả lời được:
- Con nghe cô bán báo kế bên… nói… bà Chín bữa nay… bệnh… nên hổng có… có bán…
- Bệnh nặng hông con, nặng hông? Bị sao? Có ai chăm hông? - ông Ba hỏi liên hoàn.
Túy phải ra hiệu cho ông Ba chầm chậm lại để thằng nhỏ còn kịp nhớ mấy tin tức nó dò được. Bà Chín, chủ sạp trái cây ông thương thầm, bị cảm lạnh do hứng mấy trận mưa đầu mùa. Không sao hết, đau đầu nên nằm nhà cho con gái chăm, mai mốt là khỏe re chứ gì, đó là cô bán xôi đậu trước sạp báo nói vậy.
- Chắc bả tiếc tiền chưa chịu làm lại mái che, để mưa tạt vô hoài. Thiệt tình, có bao nhiêu đâu… - ông Ba buồn so, lặng lẽ đặt người xuống ghế trong tư thế của chiếc lá vàng đáp đất lúc không có gió.
- Thì tía qua làm cho “người ta” đi! - thằng Túy bỏ nửa ổ bánh mì đang gặm xuống bàn.
Ông Ba nhìn Túy, mặt mếu như sắp khóc. Đâu phải ông không muốn. Ông tha thiết được qua đó a-lô người tới làm liền nhưng sợ sau đó ông không còn được ngồi đây mà nhìn lén “người ta” nữa. Nhìn mặt ông, Túy không dám chọc nữa, cắm cúi ăn cho xong phần bánh mì. Thiệt tình thương kiểu gì cực thân hổng hiểu nổi!
***
- Cho con hai chục ngàn đó luôn, khỏi thối! - ông Ba chơi lớn với thằng nhỏ bán vé số làm nó mừng húm.
Túy thấy bữa nay tía nuôi anh trông tươi quá xá. Bà Chín đã dọn hàng ra bán lại. Vui hơn nữa khi “bồ câu” được ông Ba phái qua đưa mấy bịch chè thưng với lý do “má con nấu nhiều quá ăn hổng hết” và bà chịu nhận. Thương kiểu ông là kiểu thầm lặng không cần đáp lại, hễ làm gì được cho người thương vui là lòng như trổ cả một hàng rào bông tươi thắm.
Ông Ba nhìn hoài nhìn hủy sạp trái cây tuốt đằng xa. Không, ông không nhìn bằng đôi mắt nheo nheo đã ngả màu đục và đầy nếp nhăn kia mà nhìn bằng trái tim, bằng cả ký ức.
Túy nhớ có lần hỏi cắc cớ ông Ba, sao tía nhìn qua mị mị ngã tư thì thấy tỏ mặt người mà dò vé số phải kê sát mặt mới thấy. Lúc đó mặt ông Ba đỏ rần, mắng anh là thằng quỷ. Ông nói cũng không biết tại sao. Mắt ông già khụ chứ có trẻ trung gì, nhìn xa chút đã mờ mịt. Chỉ không hiểu sao nhìn sang “bên đó” lại rõ, như được lắp ống nhòm, thấy tận tường từng cái nhíu mày mệt mỏi của bà Chín.
Chắc có lẽ ông nhìn bằng quá khứ, bằng mấy chục năm thương nhớ. Nỗi nhớ giày vò là nắm hạt rải xuống đất lành mọc lên rừng nhớ, có chặt bao nhiêu lần cũng chỉ khiến chúng trổ bấy nhiêu lần tược mới. Một chỗ cắt ra năm, sáu chồi, xanh um.
- Tía đừng nói với con mấy chục năm rồi tía mới gặp lại “người ta” nha? - Túy bóp bóp vai cho ông Ba, khi ông vặn vặn người than nhức mình nhức mẩy.
Ông Ba không nói, chỉ gật đầu. Giọt nước mắt như con kiến bò khỏi ổ, chầm chậm đổ dọc xuống mặt.
***
Hai chục năm có khi hơn, ông Ba mới gặp lại bà Chín. Đừng hỏi tại sao ông không chớp thời cơ tới giáp mặt người thương. Ông thèm lắm, quay quắt như kẻ ly hương biết mình không còn nhiều thời gian chỉ ray rứt muốn hồi hương. Nhưng làm sao làm sao làm sao đây?
Khi ông Ba không quên được hồi mười năm trước. Nỗi đau cũ chưa hề liền sẹo. Ông gặp con gái bà Chín. Cô nhận ra ông, liền sau đó giận dữ. Cô nói chính ông hại chết ba cô, đừng bao giờ tới kiếm má cô.
Ông không phải kẻ giết người. Nhưng trời ơi ông vẫn là kẻ gián tiếp giết người. Nếu hồi đó ông không tới, nếu ông không điên dại kéo bà Chín đi với mơ mộng chạy trốn, có lẽ chồng bà đã không chết.
Cặp mắt trân trân của chồng bà Chín còn hằn dấu trong đầu ông. Giữa cơn mưa nhuộm xám xịt đất trời, cặp mắt bốc cháy như hai cục than gặp củi. Ánh mắt nóng phừng xuyên qua ông, đang níu tay vợ người ta. Bà Chín nhìn ông, cái nhìn đau đớn của thân cây bị phạt đứt đôi, rứt tay ông khỏi mình, chầm chậm rẽ mưa đi về phía chồng. Ông chồng không nói không rằng, quay lưng bước.
Bất kỳ gã đàn ông yêu điên cuồng nào cũng là kẻ điên. Ông Ba điên vì thương quá. Chồng bà Chín điên vì ghen quá. Ông Ba xấn tới nhà cầu xin bà Chín bỏ tất cả theo ông, khi chính ông đã không còn màng gì. Thì chồng bà giữa trận mưa xối chống xuồng vô giữa dòng sông cuộn đục, quyết chối bỏ sự thật hóa ra người mình ôm ngủ mỗi đêm chưa bao giờ yêu mình.
Cuộc hôn nhân ràng buộc chỉ là sự sắp đặt của người già. Người ta chỉ thấy ông ấy đi chứ không thấy ông trở lại. Người ta cũng thấy bà Chín khuỵu bên bến, gào khóc. Người ta không tìm được xác chồng bà, chỉ tìm thấy những mảnh ván xuồng bể nát. Dám ông đã trôi tuốt đâu xuống hạ nguồn. Có người nói biết đâu trước lúc chết ông ấy thề không nhìn mặt vợ, nên thôi có kiếm cũng chẳng gặp đâu. Lúc đó, con bà mới mười lăm tuổi đã phải hứng chịu nỗi đau mất cha, cùng những lời xì xầm người ta áp lên má mình, rằng đó không phải hạng đàn bà đứng đắn. Làm sao mà nó không hận ông Ba cho được!
Ký ức đó như khối ung thư trong người ông Ba, mỗi năm mỗi di căn. Bà Chín là thuốc chữa, thứ thuốc chữa xa vời ông vĩnh viễn không có được. Ông cầm cự căn bệnh kỳ quặc đó bằng cách âm thầm theo dõi bà. Biết bà vẫn ổn, vẫn sống khỏe, ông cũng an lòng. Còn đòi hỏi gì nữa đâu.
Khi người ta soi gương nhận ra mình chẳng còn sợi tóc nào xanh trọn vẹn, thứ người ta muốn chỉ đơn giản còn vỏn vẹn chữ thương. Dẫu vụng trộm thương, dầu hóa thành đứa nhỏ mỗi ngày đi ngang tiệm đồ chơi thèm thuồng nhìn chứ không có tiền mua, thì món đồ chơi còn nằm nguyên đó được ngắm thôi đã là thỏa dạ. Còn mong gì nữa. Mà mong cũng có được đâu!
***
- Nếu trúng số tía định làm gì? - Túy mót mớ cà phê đắng trong lúc nhìn ông già cẩn trọng dò vé số.
- Tao sẽ gửi tiền cho “người ta” đi mổ tim.
- Làm gì nữa tía? Đi du lịch hả? - Túy nhìn ông tía nuôi, cười cười.
- Tao cho mày tiền sửa nhà với sắm xe mới, coi cái xe mày cũ xì hư lên hư xuống hoài - ông Ba rạng rỡ - chứ mang tiếng tía nuôi mà có làm gì được cho mày đâu!
- Tía hông để tiền dưỡng già hả? - Túy nghe sống mũi mình cay xè. Anh không ngờ trong những dự định giàu sang của ông già chẳng máu mủ ruột rà lại có tên mình.
- Thôi mày ơi, tao không con cái lo chi nhiều - ông lắc lắc đầu, bẻ trái chuối trong nải chuối thằng nhóc “bồ câu” mới từ chỗ bà Chín đem về, đưa cho Túy.
- Dễ gì trúng mày ơi! - ông Ba thở dài.
***
Sáo nhìn má chìm vào giấc ngủ sâu, yên tâm ra khỏi phòng bệnh. Má cô đã mổ tim xong, với số tiền một người bạn lâu năm của má gửi tặng. Lẽ ra cô không nhận nhưng không làm khác được. Má lên cơn đau tim, cần mổ gấp. Sáo đã thử gọi cho ba, ba chỉ giúp được một phần. May có người bạn giấu mặt của má.
Chính Sáo cũng không ngờ ba còn sống. Lúc biết tin, cô mừng lắm. Dù sắp muộn nhưng chưa bao giờ cô thôi nhớ về ký ức ngày gia đình còn đủ ba người. Cô tưởng ba sẽ trở về, nối lại dở dang ngày trước. Nhưng không thể nữa rồi. Ba đã có gia đình khác. Từ từ, cô cũng thông cảm cho ba. Thời gian dạy con người lớn lên, bằng cách chấp nhận những điều mà trước đây người ta nghĩ là không thể nào chấp nhận. Không có lựa chọn khác ngoài chuyện đó, bởi điều đã xảy ra thì đã xảy ra, điều có thể thay đổi nằm ở hiện tại và tương lai mà.
Thời gian cũng làm Sáo nhận ra mình chẳng còn hận một người đến mức thề hủy hoại tất cả. Cô biết rõ người gửi tiền cho má là ai, chỉ là chưa dám đối diện sự thật đó. Cô chọn cách tiếp cận từng chút hai từ “tha thứ”. Chẳng có mối thù nào lớn bằng tình yêu cô dành cho má. Nhìn má nằm trên băng ca chạy đua với thời gian, cô da diết muốn làm má vui dẫu có mài mình ra để đổi. Thì dẫu niềm vui của má là người đó, cô cũng bằng lòng.
Không phải Sáo không hay ông ta luôn dõi theo má. Cả cô và má đều biết thằng nhóc mỗi ngày qua mở hàng sạp trái cây của má là do ông ta mướn. Nhìn má tủm tỉm cười mỗi lần thằng nhỏ đem qua món gì đó; nhìn má trông ngóng khi chưa thấy nó tới; nhìn má buồn rầu lúc bệnh không ra bán được, cô làm như không biết những sắp đặt cố tình. Từng ngày một, cỏ lên xanh vườn lòng hoang cũ.
Ngẫm nghĩ thật lâu, Sáo bấm số gọi cho thằng nhóc. Nhờ nó nhắn ông Ba tới thăm má cô.
***
- Con trả chiếc xe cho tía! - Túy bước tới nắm tay ông Ba giữ lại, khi ông dợm bước đi.
- Cho rồi trả gì mà trả! - ông Ba vùng vằng.
- Nhưng tía nói xạo con! Tía đâu có trúng số! - Túy gào lên.
- Tía bán nhà rồi tía ở đâu? - Túy khóc, ôm chầm lấy ông Ba khi thấy ông định bỏ chạy.
Túy làm sao nghĩ nổi tiền ông Ba cho anh mua xe mới, tiền mổ tim cho bà Chín, là tiền ông bán nhà. Một thân một mình, chỗ ở cũng không còn, thiệt tình anh không ngờ nổi trò liều mạng này của ông. Anh tới kiếm ông, thừa biết có chết ông cũng không chịu nhận lại chiếc xe. Thì anh sẽ ép ông về nhà anh ở, chứ đâu để tía nuôi chịu khổ được.
Đúng lúc đó, thằng “bồ câu” hồng hộc lao tới. Nó vồ lấy ông Ba, thì thầm gì đó. Mặt ông như đóa bông héo gặp nước, bừng lên tươi. Ông vỗ lưng Túy đau điếng, nhảy phốc lên xe réo như con nít sắp nhận quà:
- Lẹ, lẹ! Chở tao đi thăm bà Chín!
Túy cười, xốc ông ngồi lại cho ngay ngắn mà nghe mằn mặn trên môi.
Phát Dương