Ông vốn không phải người vùng này. Ông thuê ki-ốt bán quần áo cũ, loại quần áo còn được gọi bằng cái tên bình dân là đồ si đa. Đó cũng là lý do người ta gọi ông bằng cái tên mà ai không hiểu sẽ dễ mất lòng: Khải si đa. Ông có gu thẩm mỹ tinh tế.
Nhờ vậy, những kiện đồ ông nhập về, phối lên cho ma-nơ-canh mặc quảng cáo trước cửa tiệm khiến mấy bà mấy cô một khi đã ghé là luôn luôn quay lại. Ngoài ra, do trước kia từng là dân buôn bán nên ông có tài ăn nói. Ưu điểm này càng làm khách hàng, nhất mà mấy chị lỡ thì, chết mê chết mệt. Nhiều lần, ông được người ta tặng đồ tỏ tình nhưng lần nào ông cũng lơ đi rồi tìm cách trả lại quà, nói gọn lỏn: “Đừng thương tui chi, khổ đó!”.
Chính bởi ông khéo ăn nói nhưng không phải phường bay bướm lả lơi, 50 tuổi mà nhìn vẫn phong độ ngời ngời nên người ta mới đem lòng tương tư ông. Rồi người ta ngã ngửa, bắt đầu thêu dệt khi biết ông đem lòng thương chị bán bún cá đã từng dang dở một lần đò. Người đàn bà đó có cái quán nhỏ xíu chỉ có nồi nước lèo, cái tủ kính nhỏ, ba cái bàn nhựa nằm núp dưới bóng cây xoài già, vậy nhưng quán của chị lúc nào cũng đông khách.
Ông thương chị bởi vẻ dịu dàng chịu thương chịu khó chứ không vì nhan sắc bởi rõ ràng chị không đẹp bằng những người từng phải lòng ông ở cái chợ nằm bên rìa thành phố này - cái vùng thành phố không phải mà ngoại thành cũng không. Giống như cuộc đời của ông và chị: lỡ dở, lửng lơ mà không dám một lần rõ ràng, mạnh mẽ để có thể tìm hạnh phúc mới cho mình. *** Chị từng có chồng, một thợ hồ quanh năm suốt tháng bôn ba theo mấy công trình cầu đường mà chị không có quyền cằn nhằn lấy một lời. Chồng chị nói đàn ông phải có máu tung hoành, đi đây đi đó mới khôn ngoan, mới trở thành hảo hán còn phận đàn bà như chị biết gì mà nói.
Ừ thì chị không nói, bởi dù có nói trăm ngàn lần đi nữa cũng như dao chém vào nước, như gió thổi vào thinh không, có chạm được tới tâm can ai đâu… Để rồi ngày nọ có một phụ nữ trẻ vác cái bụng lùm lùm vượt mặt tới tận nhà bắt chồng chị phải cưới.
Vậy là chồng chị cưới. Chị tưởng vậy là anh ta sẽ phải ly hôn với chị, tưởng đời chị từ nay sẽ không còn dính líu gì tới người chồng bạc bẽo đó nữa nhưng không, chồng chị vẫn đi về hai nhà, không chấp nhận ly hôn, không muốn trả tự do cho chị.
Theo anh ta, đàn ông xưa giờ vốn năm thê bảy thiếp, người ta ngoại tình vợ bé vợ mọn đầy đường ra đó, có sao? Tuy nhiên, chị hiểu rõ ngọn nguồn cách hành xử của anh ta: Nếu họ ly hôn, chị ra đi thì sẽ không có ai ở nhà chăm sóc, hầu hạ cha mẹ anh ta.
Chị đau xé lòng, như con cá mắc cạn. Hóa ra anh ta lấy chị chỉ để có người thay anh ta làm tròn chữ hiếu.
Suốt ba năm trời anh ta không một lần đặt chân về nhà, bỏ mặc mình chị ngày ngày sống giữa những lời đay nghiến, dằn hắt của ba má chồng. Nghe nói anh ta dính líu tới một vụ làm ăn khiến ông chủ phá sản nên bị người ta truy tố. Chị chẳng rõ anh ta đang trốn chui trốn nhủi phương nào.
Thật lạ khi nghe tin anh vướng vòng lao lý mà trong lòng chị chẳng có chút gì buồn rầu. Từ trong sâu thẳm tâm can, chị còn thấy hả hê, vui sướng. Trên đời này, có vay ắt có trả, phải vậy chứ! Nhiều đêm không ngủ được, chị cũng có chút hoài nghi phải chăng cái tâm mình cũng ác khi nghĩ về anh như thế. Chị chịu đựng lâu nay đã quá đủ. Sau một đêm thức trắng, chị bỏ đi. *** Chị rời bỏ vùng quê mà người ta ngỡ là bình yên để lên thành phố, đúng hơn là vùng rìa của thành phố. Nơi đó, mấy chục ngàn người lao động tứ xứ tập trung lại kiếm từng đồng lương ít ỏi nhưng vẫn mang trong mình hoài bão đổi đời, thoát khỏi cảnh cơ cực quanh năm cày bừa, chân lấm tay bùn.
Từ khi hàng bún cá của chị mở ra, khu chợ lại có thêm một sự chọn lựa cho hai bữa ăn sáng, chiều. Thấy chị buôn bán đắt khách, ba bốn gian hàng bún cá khác mau chóng mọc lên. Vậy nhưng cái vị, cái hương và cả cái duyên của người bán thì đâu phải ai cũng được như chị. Khách ít đi một chút mà chị vẫn vui, phẩy tay xuề xòa, nói là miễn khách dễ tính, ăn sao cũng được thì mình cũng dễ sống.
Duy nhất chỉ có ông Khải si đa, vị khách khó tính thích cái vị tẩm ướp trong thịt cá và nêm nếm của nước lèo là đều đặn mỗi tuần ba ngày ghé hàng bún cá của chị gọi một tô không giá không rau đắng. Nhiều lần chị cằn nhằn, ăn bún cá mà không ăn rau đắng thì còn gì là bún cá. Ông chỉ nhíu mày, nói: “Kệ tui đi!”. Thôi thì khách hàng là thượng đế, muốn gì cũng được, chị tự nhủ.
Lời qua tiếng lại là vậy nhưng sau những câu cằn nhằn kiểu như: “Người gì đâu mà khó ưa”, chị vẫn luôn đặt trước mặt ông Khải tô bún cá không sai một chút nào so với yêu cầu “trời hỡi” từ ông. Bữa nào ông ngó qua không thấy chị dọn hàng ra bán hoặc những ngày lẽ ra ông sẽ ghé quán mà không thấy tăm hơi ông là cả hai đều cảm thấy như thiếu thiếu điều gì đó. Cứ vậy, từ khi nào không rõ, hai người từ khó chịu, hay cằn nhằn cử nhử nhau lại dõi ánh mắt lo lắng, cảm thông hướng về nhau trong cái nhìn ganh tỵ và những cái miệng thêu dệt đủ mọi điều không hay về chị.
Có lần bán ế, chị làm một tô tươm tất rồi mang qua tiệm của ông, kêu cứu bồ giùm. Chị ngồi nghe ông vừa ăn vừa kể về cuộc đời lang bạt của mình và cái quá khứ làm ông chủ một doanh nghiệp lớn, dưới trướng có tới gần một ngàn công nhân. Vậy nhưng trời chẳng cho ai tất cả nhưng vẫn có thể lấy đi của ai đó tất cả.
Ông tin lầm người trợ lý chẳng hề có bằng cấp hay nghiệp vụ do vợ ông tiến cử để rồi dính líu tới pháp luật. Công sức gầy dựng sự nghiệp mấy chục năm đổ sông đổ biển. Cùng lúc, ông biết được người hại ông cũng chính là người lâu nay dan díu với vợ ông. Cuối cùng, ông mất hết: gia đình, sự nghiệp. Ông trở về với con số không tròn trĩnh như 30 năm trước.
Ông nói không biết với biến cố trên, ông nên oán trách hay cảm ơn người đàn ông đó bởi so với trước đây, ông đang có cuộc sống bình yên, thanh thản hơn rất nhiều. Chị ngồi im lặng, nghĩ mình giống cái thùng rác cho ông xả bớt gánh nặng. Nghe từ ông rất nhiều nhưng chị chỉ biết cúi đầu, khẽ cắn môi và giấu đi đôi mắt đau khổ. *** Tình cảm giữa chị và ông không hình thành bởi một sự kiện gì ghê gớm hay từ sự đồng cam cộng khổ cùng vượt qua giông tố mà cứ nhẹ nhàng len lỏi vào giữa hai người sau mỗi cái phẩy tay chị đuổi ông mau về coi tiệm kẻo người ta dọn hết đồ hay cái lườm của ông khi đưa cho chị cái áo ông thấy rất hợp với chị mà chị cứ cằn nhằn: “Tui không có tiền mua mấy thứ này đâu”.
Chị gọi điện về quê, em gái út của chị cũng đã lấy chồng. Chị như người ngủ mê bừng tỉnh. Ờ há, cũng gần mười năm rồi chứ ít gì. Nhỏ út nay cũng 25 tuổi rồi chứ đâu phải còn non xèo như cái ngày chị gỡ tay nó ra để dứt khoát rời khỏi cái xóm đã trói chân chị bao năm trời trong tuyệt vọng và đau khổ. Nghe nhỏ út kể chồng chị đã mãn hạn tù, đưa vợ con về rình rang lắm.
Nó còn nói anh ta đang ra tòa án huyện xin thủ tục ly hôn đơn phương. Nhỏ út chợt thở dài, như là nó đang tiếc thương cho số phận của chị.
Chị gác máy, thấy lòng trống rỗng lạ lùng. Hôm qua, ông Khải ngỏ lời với chị. Đây là lần thứ tư rồi. Chị nói ông lo tìm hạnh phúc khác đi, chị là người đã tan vỡ một lần đò, hạnh phúc lứa đôi với chị đâu khác gì trò chơi may rủi. Mà với chị, vận xui lúc nào cũng tìm tới.
Chị như con chim sợ cành cong, té một lần là đủ mang ám ảnh. Huống chi… Chị đành từ chối ông bằng cái lý do nhẹ hẫng rằng mình là “hàng đã qua sử dụng”, cũ rồi. Ông cười, hỏi chị có biết tại sao thay vì mở shop bán thời trang trẻ thì ông lại chọn bán hàng si đa, phải bỏ công tới điểm sỉ để lựa từng cái áo, từng bộ đầm, từng cái quần hay cái nón với giá cao gấp mấy lần hàng mới tinh được bày bán la liệt khắp khu chợ công nhân này không.
Vì ông hoặc bất cứ ai hiểu về đồ si đa cũng biết dòng đồ này tuy đã qua sử dụng nhưng đều là đồ tốt. Chỉ những người có con mắt biết nhìn, có trái tim biết cảm như ông mới nhận ra giá trị của nó. Tình cảm ông dành cho chị cũng vậy.
Ông vốn tinh tường nên chọn chị chắc chắn là không lầm. Chị đã một lần đò thì ông cũng một lần đổ vỡ. Người ta cười nhạo thì đã sao? Làm lại thì đã sao? Yêu lại thì đã sao? Miễn ông và chị thấy cần nhau và hạnh phúc. Miệng lưỡi thế gian nào có sá gì.
Chị quyết định nghỉ bán một tuần để về quê vừa là để thăm nhỏ út mới sinh con sắp tròn một tháng, vừa để má chị biết chị vẫn sống tốt, sống đường hoàng ngay thẳng chứ chẳng nghiện ngập, sa đọa, bệnh tật như miệng lưỡi thế gian đồn đại. Và, quan trọng nhất cũng là để nhìn lại người chồng, nay đã cũ sau nhiều năm xa cách giờ đang sống như thế nào. Từ sâu thẳm tâm tư chị như có đốm tàn tro đang âm thầm nguyền rủa, cầu mong người chồng đó sẽ phải trả một cái giá thật đắt cho dù ngay cả khi anh ta đã chấp nhận làm việc tốt đầu tiên là giải thoát cho chị.
Căn nhà nhỏ nơi trước đây chị từng ở, từng chờ mong và khao khát một hạnh phúc giản đơn, giờ đây đang rộn rã tiếng cười đùa của trẻ con, đang lấp lánh ánh mắt hạnh phúc mà anh ta trao cho người vợ trẻ. Tim chị như bị bóp nghẹt. Thứ cảm giác đố kỵ, oán trách, không cam tâm như đang thi nhau trào lên, sục sôi rồi vỡ òa ra. Chị khóc.
Hóa ra người đàn ông dù có tệ ra sao, trải qua biến cố cay đắng thế nào thì vẫn biết quay đầu với gia đình nếu có người dành cho anh ta trái tim bao dung và thấu hiểu. Chị khóc nhưng sao tim chẳng còn thấy đau.
Chị lặng lẽ quay gót. Đã tới lúc mối tình si giữa người thanh niên theo công trình xây cầu và cô thôn nữ bán quán nước năm xưa chấm dứt. Là do chị đã bước vào cuộc hôn nhân ấy với quá nhiều hy vọng nên khi vỡ mộng là cả một đời chị mang nỗi oán hận. Buông bỏ được rồi, ai yêu ai không còn quan trọng nữa. Chị sẽ đi tiếp, chọn lựa cho mình một người phù hợp. Người đó và chị đều nhận ra giá trị của nhau. Đó cũng là người từng nói với chị rằng đồ cũ đôi khi còn có giá hơn đồ mới bởi bản chất nó vốn là đồ tốt, đồ xịn.
Mặt trời trên cao đang rọi những tia vàng rực xiên qua ngọn dừa. Chị đưa tay che ngang mắt, nheo nheo nhìn bầu trời qua mấy kẽ tay, nghĩ vẩn vơ: “Người ta gọi đồ cũ là đồ si đa, vậy tình cảm bắt đầu lại lần hai… thì có gọi là tình si đa không?”. Chị bất giác bật cười với ý nghĩ đó rồi chậm rãi bước đi, khuôn mặt nhẹ tênh, nghĩ về một công thức bún cá mới mà chị sẽ dành để nấu riêng cho người đàn ông bán đồ si đa và cũng có thể là người dệt mối tình si đa cho cuộc đời chị. Điện thoại reo vang, chị nhìn nó bằng ánh mắt reo vui lấp lánh. Trên màn hình nhấp nháy một cái tên quen thuộc.