Bà Điếc, mà không, chỉ là hơi lãng tai. Bả nói hồi đó cũng nghe ngon lành lắm, nhưng sau một lần bị xe bò đụng, rách vài chỗ trên cơ thể thì cái tai bị lãng luôn. Đôi khi bả cũng lãng theo kiểu khôn, như là thích nghe thì trả lời, không thích thì cứ “hả, hả” miết làm người ta đâm bực, không hỏi nữa.
Bà Điếc chớm năm mươi chứ có nhỏ nhít gì. Dáng nhỏ, đã vậy còn điếc và sún, da dẻ thì đen thùi lùi, người ngợm hôi rình do cả ngày chưa tắm. Mà vé số bả bán có duyên lạ lắm, thế nào trong xấp vé với hàng chục đầu số đó, chiều cũng có người trúng số đầu hay giải tư, giải năm. Một đồn mười, mười đồn trăm nên bà Điếc bán vé số đắt lắm dù khung nền của bả dòm là mắc chán.
***
Bà Điếc hay đông đổng hỏi ông Lùn sửa xe: “Ê ông Lùn, tui muốn lấy chồng mà cỡ tui vầy có ai lấy hông ông?”. Ông Lùn cũng thuộc loại lùn lạ chứ chẳng lùn thường. Lưng dài y chang bao người khác, chỉ có điều cặp giò lại lùn kiểu “lùn mã tử”, lùn như mấy chú lùn trong câu chuyện nàng Bạch Tuyết nên cũng ngót năm mươi mà chưa ai thèm lấy. Ông làm nghề sửa xe máy ở ngã tư chợ. Cái chòi sửa xe của ông Lùn có cây trứng cá mát rượi nên không chỉ bà Điếc vé số mà mấy ông xe ôm cũng đứng đó chờ khách, mấy cô công nhân chiều xuống xe vẫn lấy tiệm ông Lùn làm mốc đứng chờ gia đình tới rước nên tiệm sửa xe kiêm bến xe, kiêm điểm uống trà đá miễn phí cứ tấp nập người.
- Ê ông Lùn, tui muốn lấy chồng để chồng nuôi khỏi đi bán vé số nắng nôi, cực nhọc. Mà cỡ tui vầy có ai lấy hông ông? Mua phụ tui tấm vé số đi!
Câu nói gần như độc thoại của bà Điếc mỗi sáng tới tiệm ông Lùn là vậy. Bữa rảnh tay thì ổng mua, bữa nào bận bơm vá xe… là ông xua: “Xích ra tui làm ăn coi bà nội! Quỷ lấy bà chớ ai thèm lấy! Biến”.
- Ổng nói gì vậy? Ổng chửi tui hả?
Bà Điếc bước ra khỏi tiệm, khều mấy chú xe ôm hỏi về cử chỉ của ông Lùn. Anh xe ôm vui tính nói: “Ổng biểu bà lấy chồng đi, chồng nuôi, khỏi bán vé số”.
Bà Điếc đi một vòng quanh ngã tư, vô chợ huyện chừng 20 phút rồi cũng quay về tiệm sửa xe ông Lùn, vì ở đó có bóng mát, có nước uống và có khách tới lui, dễ bán vé số.
Sửa cho nổ máy được cái xe cũ của ông nông dân già, đôi tay ông Lùn run lên vì đói. Đã chín giờ sáng chớ ít đâu. Trước giờ, ông Lùn thường mở cửa tiệm rồi bỏ đó đi ăn sáng hoặc a lô cho cô chủ xe bánh mì cách tiệm 200m đem cho ông hai ổ bánh mì thập cẩm để ăn sáng và ăn trưa.
Nay, cô bánh mì nghỉ. Vừa mở cửa thì ông nông dân già ì ạch đẩy cái xe tới nhờ sửa, sao mà ông Lùn nỡ bỏ ông già mà đi ăn sáng cho đành. Vậy là sửa miết tới chín giờ luôn. Đói rã ruột, ổng la lớn:
- Bà Điếc! Đi qua quán Lý mua giùm tui gói mì được hông?
Tay thì ngoắt, tay thì ông móc tiền đưa. Bà Điếc hỏi chú xe ôm đứng gần nhất:
- Ông Lùn kêu tui gì vậy? Ổng chửi tui hả?
- Không, ổng nhờ mua gói mì! Mì gói á!
Vừa nói, anh xe ôm vừa làm động tác tay cầm tô, tay trộn trộn và đưa lên miệng ăn.
- Bánh mì nay nghỉ rồi! - bà Điếc trả lời.
- Bánh mì bà nội tui chứ bánh mì! Gói mì! - ông Lùn lớn tiếng.
Chú xe ôm lanh trí, bẻ một nhánh cây trứng cá viết xuống đất: “Mua mấy gói mì”.
May quá, bà Điếc biết chữ. Dáng nhỏ xíu đen đúa của bả lanh lẹ bước đi.
***
Thật ra bà Điếc từng có chồng con chứ không phải “năm mươi mùa mít rụng vẫn còn zin” như ông Lùn. Có điều hồi đó trẻ người non dạ, chưa thành chữ vợ chồng mà đã có đứa con. Thuở đôi tám, hình như trí não cô chậm hơn người khác một chút. Cha mẹ hỏi ai làm ra cái bụng bầu, cô chỉ khóc: “Anh Đệ… ảnh rủ con đi mót mì… rồi ảnh đè con ra cởi áo con… nói bắt kiến giùm… Mà ảnh nặng quá… con chạy không được…”.
Cha mẹ chàng không cưới, nói chắc gì con cháu nhà họ, hãy để cô gái sinh đứa bé ra xem có phải “giỏ nhà ai quai nhà nấy” không, rồi thú phạt cũng không muộn. Chàng cũng mới 17 tuổi, chả biết làm gì ngoài việc… nghe lời cha mẹ.
Chín tháng cưu mang quả thật không dễ dàng với cô gái 16 tuổi.
Rồi cũng đến ngày sinh nở, chỉ phiền là đứa bé gái mới sinh ra bị dị tật khoèo chân. Cha mẹ cô gái quyết đem đứa bé đỏ hỏn kia gửi cửa chùa để con gái họ làm lại cuộc đời.
Tỉnh dậy, cô gái nhỏ hỏi về con, cha mẹ bảo rằng đứa bé khó nuôi nên cho “thầy” nuôi giùm rồi, vài tháng nữa đứa bé khỏe sẽ đem về cho mẹ nhìn con.
Thế nhưng cái ngày đó biền biệt. Khi biết chắc con mình đã lưu lạc phương trời lạ, cô khóc một trận như mưa bão.
Người cha ngồi im như pho tượng, người mẹ tội nghiệp chỉ biết vuốt lưng con gái và khóc theo. Rồi cô nhỏm dậy chạy vụt đi. Cô chạy mãi… giữa màn mưa không hẹn dứt, va vào chiếc xe bò và cái tai đã lãng luôn từ đó.
Dòng đời đưa đẩy, người quê rủ cô lên phố huyện chạy bàn quán ăn, mua bán vặt vãnh để trốn xó quê đầy đau thương ấy. Cô Điếc đi theo người cùng quê. Cha cô tuổi sáu mươi mà già xọm như ông lão tám mươi sau bao biến cố gia đình.
20 tuổi, cô Điếc chính thức mồ côi cả cha lẫn mẹ. Hồi trước cô ở chung nhà với người bà con từ quê rủ cô lên phố. Sau nhà trọ 12m2 một mình cô một cõi. Người ta nói có người gian xảo còn quỵt tiền công rửa chén cả tháng của cô Điếc, bằng cách trừ vào số chén bể. Có người trừ tiền xách nước của cô bằng những ổ bánh mì, gói xôi thừa mà họ cố ấn vào tay cô.
Cô không đòi, chỉ biết òa khóc rồi xí xô xí xào phân bua với người đứng gần vì số tiền công mình cầm trên tay không tương xứng. Câu “Không đúng mà… không đúng…” cứ lặp đi lặp lại nhưng chẳng ai làm Bao Công xử án giúp cô. May sao cô vẫn đủ tiền trả nhà trọ, ăn toàn mì gói, cháo bịch và đồ ăn dư người ta cho.
Sau nhiều năm lưu lạc xứ người, cô Điếc trở thành bà Điếc.
Bà Điếc sức khỏe kém rồi nên không đi rửa chén cho quán ăn hay xách nước thuê cho mấy người trong chợ nữa. Bả đi bán vé số, nhẹ nhàng ổn định lại không có chuyện ế ẩm để ngày mai ngày kia.
***
Ông Lùn ném cái cờ lê vào khay đồ nghề. Tật của ổng là mỗi khi xong một “ca khó” là ném đồ như để xả xì-trét vậy. Ném xong, ông Lùn làu bàu:
- Làm… làm con… chuột gì mà làm hoài! Làm có ai ăn đâu mà làm! Mẹ… mai nghỉ đi chơi coi có chết thằng tây nào không!
Mấy ông xe ôm cười khùng khục:
- Đi chơi ở đâu hả chú Lùn?
- Nhà công chúa Bạch Tuyết hả? Cổ có chồng là hoàng tử rồi, không thèm chơi chung với chú lùn nữa đâu!
- Bảo cưới vợ đi cho có đôi có cặp mà không chịu! Rồi than làm cho dữ không ai ăn!
Mỗi người một câu làm ông Lùn bực hơn:
- Tụi bây cứ ghẹo hoài! Chó lấy tao chứ ai mà thèm lấy?
- Có nhen! Tui thấy bà Điếc xứng với ông lắm luôn!
- Ừ, bả nấu cơm dọn dẹp nhà cửa khỏi đi bán vé số cực. Ông sửa xe xong là có cơm nóng canh ngon mà ăn, khỏi ăn bánh mì trừ bữa! Ha ha…
Cả đám cười hô hố làm ông Lùn suy nghĩ lung lắm. Rồi ông nói khẽ:
- Bữa tui lỡ nói… chỉ có quỷ lấy bả rồi… Giờ sao mấy chú em?
- Chứ ông tưởng ông giống người lắm sao? Anh xe ôm áo xám nói thẳng tưng.
- Nãy tui nhớ ông còn nói chỉ có chó lấy ông mà?
- Trời ơi… quỷ với chó lấy nhau là đúng bài luôn!
Hai anh xe ôm biệt danh Sáo Sậu và Cò Lửa góp lời làm cả nhóm cười ha hả. Ông Lùn cũng cười. Quả thật, hình như mấy năm nay mới thấy nụ cười của ổng dù nó chỉ là gượng gạo, méo mó.
***
- Bớ người ta! Ông Lùn chết rồi! Ông Lùn chết!
Sáng sớm tinh sương mà tiếng la bài hải của bà Điếc làm cả ngã tư nhốn nháo. Người người ngừng lại nhìn. Đúng là ông Lùn nằm ngay đơ giữa nền nhà lổn nhổn khay để đồ, vỏ ruột xe, bình bơm hơi, máy vá ép… Vài thanh niên, chắc là công nhân chờ xe tới rước thì nhón chân nhìn chứ không dám bước hẳn vô tiệm. Chắc sợ bước vào sẽ phiền nên họ chỉ nhìn theo kiểu hiếu kỳ. Anh xe ôm tên Sáo Sậu vừa tới, đá chống xe bước nhanh vô giữa tiệm, áp tai nghe lồng ngực ông Lùn, giơ tay ấn vào huyệt nhân trung của ông, xong la lên:
- Còn thở. Ông Lùn còn sống. Ai phụ tui ôm ổng đi bệnh viện coi!
Lập tức có một bóng áo công nhân màu xanh đậm bồng ông Lùn lên chiếc xe máy chờ sẵn của anh Sáo Sậu. Chiếc xe vút đi về hướng bệnh viện bỏ lại bà Điếc ngơ ngác.
***
Tỉnh dậy, ông Lùn phân bua: “Tối qua buồn quá có uống mấy lon bia… Chậc, tui cả đời có mấy lần uống bia đâu… mà nay tự dưng buồn quá… rồi xỉn ngủ luôn không kịp giăng mùng, đóng cửa gì cả. Ai dè… Phải chi chết luôn là khỏe!”.
Anh Sáo Sậu bảo ông Lùn nói bậy, người ta muốn sống còn không được. Ông có nhà ở, có việc làm ổn định mà muốn chết. Kỳ cục. À, liệu mà về cảm ơn bà Điếc vì nếu bả không phát hiện kịp, dám ông “nhập thổ” thiệt rồi.
Gương mặt héo của ông Lùn bỗng dưng giãn ra khi nghe hai từ “bà Điếc”.
Ba ngày sau, ông Lùn xuất viện kèm lời dặn của bác sĩ rằng hãy ăn uống cho điều độ. Chứ hay nhịn đói rồi ăn mấy ổ bánh mì hoài hại bao tử lắm.
Ông Lùn mua mấy hộp xốp trắng trắng về rủ anh xe ôm áo xám, anh Cò Lửa, anh Sáo Sậu: “Nghỉ chạy xe một buổi, tao trả luôn tiền mất thu nhập, ngồi xuống nhậu chơi”.
Trời đất quỷ thần ơi, người nửa đời không nhậu, giờ lại mua tôm nướng, ốc hấp, heo quay, gà lăn bột… đủ trên rừng dưới biển vầy là có chuyện lớn rồi nha.
- Chú Lùn cần gì tụi này nói đại, sao phải khách sáo bày rượu bia chi? - anh áo xám vào đề.
- Ngoài mừng thoát chết, còn gì nữa ông Lùn? - anh Sáo Sậu chép tiếp đoạn thân bài.
Bia khui bong bóc, mỗi người hết hai lon rồi. Anh Cò Lửa (vì ảnh hay mặc áo thun màu đỏ) lè nhè:
- Hay chú muốn nhờ tụi tui làm mai bà vé số cho chú?
- Bốp! Hay quá Cò Lửa ơi! Y chắc luôn! Anh Sáo Sậu vỗ đùi mình kiểu ưng ý lắm.
- Mấy chú em làm tao nhột hà! Tao không cha không mẹ, làm sao để cưới vợ?
- Trời ơi! Già sắp xuống lỗ rồi, cưới hỏi gì nữa chú ơi! Hê lên một tiếng, à quên, lấy giấy viết mấy chữ đưa bả đọc. Bả làm thinh là bả ưng hà! Rồi làm mâm cơm cúng cô hồn, lộn, cúng ông bà, xong mời tụi tui ăn là coi như ông cưới vợ rồi đó! - anh xe ôm áo xám gợi ý.
- Viết… sao giờ? - giọng ông Lùn ngại ngùng.
- Thì viết vầy nè: “Em Điếc ơi, bữa giờ em nói muốn lấy chồng mà không biết có ai lấy em không. Anh lỡ nói có quỷ lấy em, thì nay em cho anh làm con quỷ đó nha”. Đại khái vậy đó chú! - anh Cò Lửa hiến kế.
- Dài dòng quá… kỳ cục lắm. Ngắn chút đi! - ông Lùn mắc cỡ.
- À, có rồi! “Em Điếc, anh muốn cưới em và nuôi em cả đời, không cần đi bán vé số cực khổ, chỉ ở nhà nấu cơm, giặt đồ cho anh thôi” - anh áo xám ý kiến.
- Cũng… dài quá. Mấy chú biết rồi, tui ăn nói cụt ngủn hà!
- Thôi chốt luôn: “Bà Điếc, tui lấy bà nhen!”. Ngắn gọn, hợp với kiểu nói chuyện của chú á! - anh Sáo Sậu “chốt đơn”.
Rồi chẳng biết ông Lùn nói hay viết mà ba ngày sau người ta không thấy bà Điếc bán vé số ở ngã tư chợ huyện nữa. Tiệm sửa xe chú Lùn từ đó có người đàn bà loay hoay phụ rửa xe, đi chợ, nấu cơm…
Đào Phạm Thuỳ Trang