Truyện ngắn - Tìm con

19/01/2025 - 09:57

PNO - Tôi ngồi cùng bạn nghe kể lại câu chuyện của bạn và 2 cặp vợ chồng với nhiều tình tiết gay cấn mà nhiều lúc rưng rưng nước mắt.

Một bữa tôi đang trực ở tòa soạn thì phòng bảo vệ gọi vào báo:

- Anh ơi, có vợ chồng chú này muốn gặp anh, em hỏi có quen biết gì không thì chú thím nói là không quen… Anh có cho vào không?
Tôi bóp trán suy nghĩ, lục nhanh trong ký ức những người có thể quen biết nhưng không ra, đành trả lời cậu bảo vệ:
- Em cứ cho vào, anh sẽ tiếp.

Trước mắt tôi là cặp vợ chồng đã luống tuổi. Tôi chưa hề gặp và cũng không có chút ấn tượng nào là mình đã thấy họ ở đâu đó. Người đàn ông nói ngay:
- Tui là Võ Văn Rô, thường gọi là Sáu Rô, còn đây là bà nhà tui. Chú đây có phải là nhà báo Ngô Đồng Vũ?

Tôi gật đầu. Chưa kịp để tôi hỏi thêm, người đàn ông đã nói tiếp:
- Cách đây cũng hơi lâu, có người đọc báo, nói là chú viết về chuyện 1 cặp vợ chồng đem đứa con bị đau nặng giao cho thầy thuốc nhờ chữa bệnh rồi quày quả bỏ đi, để lại đứa nhỏ cho ổng. Cặp vợ chồng đó chính là tụi tui…

Ảnh minh họa - Shutterstok
Ảnh minh họa - Shutterstok

Nói đến đó, người đàn ông nghèn nghẹn, còn người đàn bà thì khóc thút thít. Bà nói nấc quãng:
- Cũng tại hồi đó khổ quá chú ơi… Tụi tui đâu có ngờ nó vẫn còn sống, bây giờ đã 30 tuổi rồi…
Giờ thì tôi đã hiểu mọi chuyện. Tôi đưa vợ chồng người nông dân mới quen mà thực ra đã biết lâu rồi ra quán nước trước tòa soạn, để tiện nói chuyện. Mọi thứ chợt ùa về.
***

Cách đây hơn 2 năm, tôi có viết một bài ký về một nhà từ thiện, đăng trên báo tỉnh. Đó là một nhân vật khá đặc biệt. Ông là thầy thuốc đông y, tên Năm Lư. Không chỉ thường xuyên khám bệnh, bốc thuốc miễn phí cho bà con nghèo mà ông còn nhận nuôi nhiều trẻ mồ côi. Ông đã nhận 16 đứa con nuôi, đứa lớn nhất chính là con của cặp vợ chồng kia, còn đứa nhỏ nhất mới học tiểu học. Ông còn 2 đứa con ruột nữa, tổng cộng 18 đứa. Vợ ông làm thợ may, trước thường vá mướn, sau này mới may đồ chợ, may gia công; thi thoảng cũng có người tới đặt may quần áo…

Chuyện thằng nhỏ con Sáu Rô kia cũng khá ly kỳ. Tôi nghe Năm Lư kể lại rằng một bữa có cặp vợ chồng nọ coi bộ nghèo khổ lắm, giữa trời mưa lớn mà bồng một đứa nhỏ đến gặp ông, nhờ trị bệnh. Thằng nhỏ bị sốt xuất huyết, họ không có tiền đi bệnh viện nên đưa đến phòng thuốc của ông. Lúc đó, nó đã thiêm thiếp. Ông khám xong, nói: “Anh chị nên đưa cháu đi bệnh viện. Ở đây tui không dám đảm bảo đâu!”. Tự nhiên, cả 2 người đều quỳ xuống, nước mắt giàn giụa, nói: “Tụi tui cắn rơm cắn cỏ nhờ anh. Anh ráng chữa giùm, nếu nó có phước thì cho nó được làm con nuôi của anh, còn rủi mà mệnh nó yểu thì mong anh chôn nó giùm. Vợ chồng tui sống trong ruộng, nghèo quá, ở nhà còn 4 đứa con nữa, bữa nào cũng chạy gạo hụt hơi, không thể nào lo cho thằng nhỏ này được…”. Nói rồi họ lạy lấy lạy để. Năm Lư không biết tính sao. Bản thân ông cũng nghèo quá, lại đang có 2 đứa con, lo ăn còn vất vả, lấy đâu… Nhưng ông chưa kịp từ chối thì cặp vợ chồng kia đã chạy vụt ra màn mưa mà không ngoái đầu nhìn lại…

Bất đắc dĩ ông phải nhận nhưng thằng nhỏ đúng là có phước. Chẳng những nó không chết mà sau đó còn mạnh cùi cụi.
Chuyện đó đã 26 năm rồi.
Khi kể lại, Năm Lư vẫn còn bồi hồi, xúc động. Tôi nghe mà nhiều đoạn cũng thấy rưng rưng…
***
Ngồi trong quán nước, Sáu Rô kể sau đó vợ chồng ông có đi tìm nhưng nghe đâu thầy thuốc Năm Lư chuyển về huyện làm. Mà ông bà cứ đinh ninh con mình chắc không qua khỏi nên cũng không quyết tâm đi kiếm. Vả lại, nghèo túng quá, lo miếng cơm manh áo từng ngày, đâu ai rảnh mà bỏ công bỏ của đi làm chuyện vô vọng… Ít năm sau thì tách tỉnh, nghe loáng thoáng thầy Năm Lư chuyển về tỉnh mới, vợ chồng Sáu Rô mất hẳn manh mối.

Cách đây mấy tháng, tình cờ có người quen đọc một tờ báo cũ dán trên vách, có bài viết của tôi. Vậy là vợ chồng Sáu Rô biết con mình còn sống nên mới đi tìm. Hỏi dò riết họ mới biết đầu dây mối nhợ là ở tác giả bài viết nên lần đến chỗ tôi. Âu cũng là cái duyên.

Tôi hỏi:
- Giờ anh chị đi tìm con, rủi ông Năm Lư không cho nhìn thì sao?

Vợ chồng Sáu Rô nhìn nhau, bà vợ rơm rớm nước mắt nói:
- Anh Năm không cho nhìn là phải. Vì ai đời cha mẹ lại đi bỏ rơi con cái như vậy. Nhưng tụi tui đến để nhìn thấy mặt con, coi nó tròn méo, mập ốm ra sao, đặng mà yên lòng chú nhà báo ơi!

Sáu Rô cũng nói theo vợ:
- Tụi tui cũng tính rồi. Đến gặp mà anh Năm hay con tui có xài xể thì tụi tui cũng không giận. Chỉ nói được câu cảm ơn anh Năm thôi thì tụi tui thỏa nguyện rồi.

Tôi nghe vậy không cầm lòng đặng, đáp:
- Anh chị yên tâm, tôi nhất định sẽ có cách để anh Năm cho anh chị nhận con. Mà tôi tin rằng ảnh sẽ chịu.

Tôi hỏi dò thêm, biết vợ chồng Sáu Rô vẫn ở quê, mấy năm nay nhờ các con phụ làm hơn mẫu lúa mỗi năm 3 vụ, sử dụng máy móc nên năng suất ngày càng cao, không chỉ đủ ăn mà còn dư dả chút. Đi chuyến này, ông bà đã giao lại ruộng vườn, nhà cửa cho mấy đứa con, vượt hơn trăm cây số, nói rằng quyết tâm tìm được con mới về. Cám cảnh, tôi đưa 2 người đi mướn phòng trọ nghỉ ngơi trước khi đi tìm Năm Lư.
***
Để chắc ăn, tôi đi tìm Năm Lư trước. Gặp tôi, anh vồn vã hỏi thăm. Còn tôi thì hỏi về đám trẻ. Năm Lư than:
- Tốn kém quá chú ơi! 6 đứa con nuôi đang học đại học ở Cần Thơ. Tháng nào tụi tui cũng lo tiền ăn ở hụt hơi.

Tự nhiên Năm Lư cười:
- Vậy mà thương lắm nghen chú! Tụi nhỏ rất biết tiện tặn, cuối tuần nào không về đây thì đi làm thêm, tụi nó về còn mua quà bánh cho vợ chồng tui nữa…

Tôi nghe mà vui lây. Vậy là lòng nhân ái của anh đã cảm phục hoàn toàn tụi nhỏ, chúng thương vợ chồng anh như cha mẹ ruột, chúng học ở vợ chồng anh đức giản dị, tiết kiệm, siêng năng. Tôi hỏi:
- Anh có nhận thêm đứa con nuôi nào không?

Năm Lư cười hềnh hệch:
- Không nhận con nuôi nhưng tui nhận cháu nuôi chú ơi. Từ hồi báo chú viết đăng về tui, tui lượm thêm 2 đứa nhưng để tụi nhỏ nhận làm con nuôi. Mình già rồi. Mà tụi nhỏ cũng sốt sắng lắm. Con gái lớn của tui năm nay 37 tuổi, có 2 đứa con, vừa rồi nó nhận nuôi 1 đứa, năm nay đã hơn 3 tuổi rồi. Con gái kế thì có 4 đứa con còn nhỏ nên chưa nhận được nhưng có kêu chừng nào anh chị em không nuôi nổi thì đưa qua nó. Thằng con nuôi lớn của tui, thằng Duyên đó, cái thằng mà cặp vợ chồng nọ bỏ lại cho tui chữa bệnh đó, năm nay 30, mới có 1 đứa con, vừa rồi nhận nuôi thêm 1 đứa con gái, 2 tuổi rồi. Nó nói nó không đẻ thêm nữa vì đủ 2 con theo quy định rồi, chỉ nhận con nuôi thôi…

Tôi nghe mà cảm phục vô cùng. Thì ra các con anh còn học ở vợ chồng anh lòng nhân ái. Tôi hỏi thăm chị Năm, anh cười bảo:
- Bả lúc này rề rề hà nhưng cũng còn may đồ, phụ thêm cho mấy đứa lớn nuôi đám nhỏ.

Hỏi thêm mới biết, 2 con ruột của anh chị đều sống gần nhà, thường xuyên chạy qua chạy lại, phụ anh chị chăm sóc, tiếp tế cho mấy đứa em nuôi đang đi học - ngoài mấy đứa đang học đại học còn 3 đứa học cấp III, 2 đứa học cấp II và 2 đứa học tiểu học. 3 đứa con nuôi khác đã đi làm, đứa học ít nhất cũng hết lớp Mười hai.

Chuyện trò lâu, tôi mạnh dạn hỏi Năm Lư:
- Vậy chứ hồi nào đến giờ có cha mẹ đứa nào đến nhận con không anh Năm?
Nghe đến đây, Năm Lư
buồn buồn:
- Tui cũng mong có người đến nhận con, cho đám nhỏ biết nguồn cội nhưng thiệt buồn vì chưa có người nào hết.
Tôi hỏi thêm:
- Nhưng người ta nhận mà con anh không chịu, anh làm sao?
- Phải nhận chớ - Năm Lư nói như giãy nảy - Con người phải có tổ có tông. Vợ chồng tui nuôi, thương tụi nó như con ruột nhưng tụi nó có nguồn gốc, bà con của tụi nó, phải nhận chú à! Đứa nào không chịu nhận, tui méc chú, chú đưa lên báo giùm tui, để xã hội phê phán nó…
Tôi nghe mà như được mở
tấm lòng.
***
Buổi chiều đó, tôi đưa vợ chồng Sáu Rô đến gặp Năm Lư. Gặp ngay thằng Duyên ra chào, tôi nói khẽ: “Nó đó”. Tức thì vợ Sáu Rô khóc như rống, ôm chầm lấy thằng Duyên mà nức nở. Vợ chồng Năm Lư nhìn tôi, tôi khẽ gật đầu. Họ cũng khóc. Chỉ có thằng Duyên là đứng như trời trồng.

Khi bình tĩnh trở lại, mọi người mới hỏi han nhau. Tôi đứng giữa làm trung gian, giải thích mọi chuyện. Bấy giờ thằng Duyên mới nói:
- Cha mẹ ác thiệt mà! Không có ba má Năm Lư đây thì con đã chết mấy kiếp rồi, giờ đến nhìn làm gì chứ!

Cái thằng thường ngày trông cứng cỏi vậy mà bây giờ khóc hu hu như con nít, tay quẹt nước mắt liên hồi. Năm Lư nói:
- Duyên ơi, bây nói vậy là trật rồi con à! Hồi đó nếu cha mẹ con không đưa con tới gặp ba má mà dầm mình đi mấy cây số nữa đến bệnh viện huyện thì chắc bây chết trong mưa gió bão bùng bữa đó rồi. Đó là cái duyên để cho con được sống với ba má, nên ba má đặt tên bây là Duyên. Giờ cha mẹ con đã đến nhận, con có thêm cha mẹ, anh em chứ có mất gì mà trách cứ!

Sáu Rô nói giọng nghèn nghẹn:
- Thiệt vợ chồng tui đội ơn anh Năm hết sức. Không có anh thì thằng con tui đâu có sức dài vai rộng, hiếu đễ như bây giờ. Tui không biết làm sao để tạ ơn anh chị…

Vợ Năm Lư lau nước mắt nói:
- Ơn nghĩa gì anh chị ơi! Nếu kể ơn thì phải kể chú nhà báo nè, không có chú thì làm gì có cuộc trùng phùng này.
Tôi đứng lên thưa:
- Thưa các anh chị, ở đây, chính tôi mới cần cảm ơn các anh chị đã cho tôi bài học nhân nghĩa, đạo đức ở đời. Tôi viết báo 30 năm nay, chắc cả ngàn bài, mà tôi thấy không bài nào ý nghĩa bằng cái bài viết về anh Năm đây. Vì bài báo đó mà cha con gặp nhau, làm nhân thêm cái nghĩa, cái đức của anh chị Năm, cũng như lòng thương con của anh chị Sáu…
Năm Lư khoát tay:
- Thôi chú ơi, chú văn chương làm gì! Bữa nay phải ăn mừng. Vợ chồng anh Sáu cứ ở đây chơi, chừng nào thu xếp được thì đưa vợ chồng con cái thằng Duyên về dưới để nó nhìn anh em, bà con họ hàng. Nhưng nói trước, nó vẫn là con của tui, mang họ tui và lấy tên do tui đặt nha!

Mọi người cùng cười. Tôi nhìn thấy vợ con thằng Duyên giờ đã đứng sát vợ chồng Sáu Rô. Chị Sáu đang bồng đứa con nuôi của Duyên, nựng nịu.
Tôi mỉm cười, mà sống mũi thiệt cay!
***
Tôi ngồi cùng bạn nghe kể lại câu chuyện của bạn và 2 cặp vợ chồng với nhiều tình tiết gay cấn mà nhiều lúc rưng rưng nước mắt. Tôi mừng cho nhà báo Ngô Đồng Vũ bạn tôi đã tìm được một câu chuyện hay, viết được một bài báo ý nghĩa. Tôi mừng cho vợ chồng Sáu Rô tìm lại được đứa con thất lạc gần 30 năm với nhiều điều tưởng đã trở thành nỗi ân hận. Tôi mừng cho vợ chồng Năm Lư vì lòng nhân ái mà có được một đàn con hiếu đễ. Tôi mừng cho những bạn đọc đã có dịp đọc bài báo của bạn tôi để lòng thêm yêu thương, chia sẻ và có thể tự tin nói rằng “Cuộc đời này vẫn còn rất nhiều điều tốt đẹp”.

Còn tôi, công việc bé mọn chỉ là ghi chép lại câu chuyện để tự nhắc nhở mình rằng được sống là điều quý báu lắm, cuộc đời này đáng sống lắm nên đừng hờ hững bất kỳ chi tiết nhỏ nhặt nào, đừng bỏ qua bất kỳ câu chuyện giản dị nào bởi có khi những điều đó có thể lan tỏa và lay động đến nhiều người.

Nguyễn Minh Hải

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI