Truyện ngắn: Tiếng dương cầm ban mai

04/07/2024 - 13:00

PNO - Nó không biết mấy giờ. Đúng ra là nó không đọc được những nét uốn éo trên mặt cái đồng hồ ánh lên một màu vàng chói, treo chỗ gần chân cầu thang

Rất khác với những con số đã học và tập viết biết bao lần, tất cả những gì xung quanh mẹ luôn là một khối thanh âm lùng bùng dội vào vùng trí não phẳng lì của nó rồi chậm rãi như vệt nước đổ trên bàn, từ từ loang ra thành những hình thù kỳ dị, những ý nghĩ mơ hồ lộn xộn dần rõ rệt: mẹ lạ và rất khác với ba.

Đêm vắng. Tiếng tích tắc của đồng hồ nghe như búa gõ. Nó chẳng khác gì một con mèo, rón rén dợm đặt từng bàn chân trần xuống sàn gạch sao cho nhẹ nhất có thể. Nó ước gì đôi chân mình có thể rời mặt đất, toàn thân lơ lửng trên không hay có ai cho 1 chiếc áo tàng hình để ngay lập tức nó sẽ đến bên cây đàn đặt cạnh cửa sổ. Một đoạn đường không dài nhưng bây giờ từ đây đến đó, với nó, chưa bao giờ có thể xa như thế. Xa như hồi nào những bước chân từ cổng trường vào lớp học, từ nhà qua nhà thờ, ra quán cơm bà Tám một mình mà không có ba. Nó sợ.

Đôi chân đột nhiên như dán chặt xuống sàn nhà bóng loáng. Hơi lạnh từ dưới chân phút chốc đã len lỏi tận ngực trái. Nó ngồi thụp xuống bậc tam cấp, tay níu vào cầu thang. Chưa bao giờ nó nhớ ba đến thế. Nó thèm được níu lấy bàn tay rắn rỏi to bè có mấy vết chai của ba, giống bao lần trong suốt những năm qua đã từng níu. Nó muốn kêu lên nhưng như thường lệ, tiếng kêu khó khăn chỉ bò đến cổ họng rồi lại rơi xuống lọt thỏm vào khoang bụng tối om. Tiếng “ba ơi” đang bị vùi lấp nơi nào?


Ba đã mất nhiều năm để dạy nó: khi không diễn tả được ý muốn của mình bằng lời nói, hãy từ từ thể hiện bằng hành động. Nó đặt 1 tay lên bụng, như thể muốn mang tiếng nói ấy ra mong ba nghe được. Nhưng đáp lại nó là một vùng không gian im ắng, ở đây không có ba. 2 má nó có cái gì nhồn nhột ươn ướt bò nhè nhẹ. Ba nói đó là nước mắt. Ba còn nói bất cứ khi nào nó muốn, hãy để nước mắt chảy ra. Sau khi nước mắt chảy ra, nó sẽ có đủ bình tĩnh và sức lực làm thứ mình muốn. Nó muốn đến ngồi lên chiếc ghế bọc nhung màu đen sang trọng mịn màng kia. Nó muốn được đặt tay lên phím đàn để phát ra âm thanh như em Nhím vẫn làm mỗi ngày nhưng chiếc đàn đó là của em Nhím, không phải của nó. Nó sợ.

Thời gian hình như đang dừng lại. Nó nghe tiếng thì thụp đều đều vang lên mỗi lúc một rõ bên ngực trái.
***
Anh không biết mình đứng ở đây bao lâu. Anh đứng như một cái cây ai đó mang về trồng mà rễ đã xuyên qua lớp cát dày cắm sâu vào mớ đất cứng như đá ở dưới, từ lúc 2 bàn chân nghe được cái nóng cho đến lúc xung quanh chờn vờn tranh tối tranh sáng. Gió ngoài biển thổi vào mang theo hơi nước mát rượi. Cát đã nuốt trọn đôi chân anh. Sức mạnh mang tính chất hủy diệt có bao giờ từ những thứ to lớn gớm ghiếc? Nó luôn mang hình hài của sự nhẹ nhàng nhỏ bé, thứ mà ta không lường được.

Những đụn cát có gì là nguy hiểm? Đó là khi ta chưa đánh rơi một món đồ, chưa thấy một cơn gió thốc, chưa di chuyển một quãng xa ngái trên bãi cát lúc cái nóng đang đổ ập trên đầu hay mưa quất ràn rạt sau lưng trước mặt, cùng với tiếng sôi réo rắt của cái dạ dày rỗng vắt kiệt lòng kiên nhẫn của ta.

Anh đốt thêm lần nhang thứ hai. Gió thổi mạnh, nắm nhang trầy trật mới bén lửa, cháy rần rật như ngọn đuốc. Anh cẩn thận cắm từng cây lên chiếc lư đồng chi chít chân nhang đặt cố định nơi đầu mộ. 2 cái tên quen thuộc, 2 khuôn mặt quen thuộc như đang nhìn anh. Ánh nhìn đau đáu như hồi nào, nép sau bậu cửa, mỗi bận lễ tết cha con anh về dăm hôm rồi đùm túm ra đi, mang theo hành lý trìu trĩu nào cá khô, ruốc, mắm, nấm hương, bánh tráng, mè, đường… bà nội gom góp gói ghém bao nhiêu ngày tháng.

- Mẹ, ba! Chắc lâu lắm con mới về nữa! Cũng có khi… Có thể rồi con cũng không còn nhiều lần về đây thắp nhang cho ba mẹ. Ba mẹ biết đó. Bé Na có mình con trên đời này. Con sẽ ở cạnh con của con. Chú Tâm và cô Hằng sẽ thắp giùm con nén nhang cho ba mẹ khi có dịp. Cũng đừng lo cho con quá. Con không sao. Chào ba mẹ con đi!

Câu chào loang ra trong hơi gió phần phật thổi. Anh nghe như hơi mặn chui qua mũi, qua tai, thẩm thấu từ da đọng lại nơi đầu lưỡi. Anh le lưỡi liếm bờ môi khô khốc, hình như có vài hạt cát đi lạc. Cồm cộm. Anh phun chúng xuống chân mình. Những hạt cát phải được nằm cạnh nhau trong mênh mông trời, nước, nắng và gió.

Từng bước chân trần đặt xuống chậm rãi. Anh chăm chú nhìn ra ngoài khơi xa. Sóng dữ dội. Những ngọn sóng cuồng bạo ập vào bờ rồi vỡ tan pha lẫn với cát ngầu đục. Anh vùi chân mình sâu xuống lớp cát, đầy đặn và ấm áp. Một lần nữa ý nghĩ về những hạt cát đi lạc đâu đó từng nhìn thấy khiến cảm giác ngậm ngùi trỗi dậy trong anh. Những hạt cát vướng trên mớ rong biển tươi nơi góc chợ sớm mai. Những hạt cát nằm lặng lẽ trong ruột một con mực, một con cá. Những hạt cát bị cột túm trong túi nhựa nằm trên vỉa hè Sài Gòn để người ta mua về thay lư hương ngày tết… Chúng thật đơn độc. Sự đơn độc phải chăng là nỗi khổ ải lớn nhất trên thế gian này?

Anh nghĩ đến bé Na. Nếu không có anh, con sẽ biết nương tựa vào ai? Hồi mới sinh, con bé xinh xắn, hiền lành như một con búp bê, đặt đâu nằm đó, ít khi quấy khóc đòi hỏi. 1 tuổi vẫn không bập bẹ. 2 tuổi vẫn chưa gọi tiếng ba tiếng mẹ. 3 tuổi vẫn chỉ toàn những thanh âm vô nghĩa. Con lủi thủi chơi một mình, tay chân lóng ngóng, lặp đi lặp lại một hành động…

Hân không tin con bé có vấn đề. Cho đến khi biết con bị khiếm khuyết trí não, cô ấy đau đớn vật vã rồi khóc. Anh không khờ khạo tin ngọn lửa tình yêu sẽ cháy mãi trong một cuộc hôn nhân nhưng không ngờ tình yêu, tình vợ chồng của anh và Hân lại chóng vánh đến thế. Anh chưa bao giờ nghĩ một ngày nào đó vợ anh có thể trở nên khác lạ như vậy. Hết khóc, cô dằn hắt chì chiết và ghê tởm 2 cha con. Anh có cảm giác những lần buộc phải chạm vào anh và con là Hân như chạm vào một điều gì đáng sợ nhất đời cô. Người ta có thể sống cùng nhau khi mọi thứ từ người kia chỉ dấy lên một nỗi ghê sợ không? Rồi mọi thứ đứt gãy…

Lâu rồi anh tưởng vết nứt trong trái tim mình đã lành. Không ngờ trong tình cảnh của anh hiện giờ, nó chợt như một sinh vật ngọ ngoạy tìm đường sống lại. Tình yêu đối với bất kỳ ai đến hay đi đều không khó. Nó mong manh như sương khói, dễ vỡ như thủy tinh. Khó là làm sao để quên đi những kỷ niệm đặc biệt, là khâu vá những vết thương sâu hoắm mà đôi khi không phải do ai trong 2 người cố tình gây ra. Có ai bước vào một cuộc hôn nhân lại lăm lăm muốn rời đi hay sát thương nhau?

10 năm Hân rời đi, có một gia đình mới đủ để tình yêu và cả nỗi giận hờn từng có trong trái tim anh chìm như hòn đất quăng ra đại dương kia. Những lần hiếm hoi đối mặt với nhau, anh ngạc nhiên khi cố tìm cũng chỉ nghe cõi lòng hoang lạnh không một chút cảm xúc, dửng dưng như với một người xa lạ. Thực tế, không có nhiều người cố chấp yêu thương một người khi người ta đã cạn tình hay thay lòng đổi dạ với mình. Đời thật hoàn toàn không giống như trên phim ảnh. Ai cũng cần học bài học tự biết yêu thương, trân trọng bản thân để đôi chân đủ mạnh, để hoàn tất hành trình của mình. Mọi thứ cần dưỡng nuôi, tình cảm con người cũng vậy. Kể cả tình mẫu tử.

Anh nhận ra điều đó và thường đưa Na đến nhà cô nhiều hơn trước, nhất là khi con bé bắt đầu thành thiếu nữ. Anh có thể không cần Hân nhưng Na thì khác. Con cần mẹ. Ai cũng cần một người mẹ cho đến hết đời mình và mẹ thì luôn thương con.

Ở tuổi ngoài 40, anh đứng đây nhìn vào di ảnh mẹ, cũng như mọi lần, trái tim tựa hồ có bàn tay thô bạo rứt ra khỏi cơ thể đem nung chảy, tan nát không còn chút hình thù gì. Nếu không có ký ức về mẹ, con gái anh sẽ thật đáng thương. Ngộ nhỡ, nếu một ngày nào đó anh không còn có thể bên cạnh con, tình mẹ con không được kết nối dưỡng nuôi, bé Na sẽ đi giữa đời như một hạt cát trơ trọi hay sao?

Gió vẫn thổi mạnh. Sóng biển rì rầm bản nhạc trường cửu. Anh hít một hơi thật căng, lèn chật cứng mọi thứ thuộc về quê hương cho đầy ắp trái tim, buồng phổi. Không một khoảng trống nào, như cái cách mẹ gói ghém hành lý, quà bánh cho 2 cha con. Tất cả tiếng sóng, tiếng rượt đuổi của gió trên cành phi lao xào xạc, nắng, cát, đường chân trời tít tắp… đầy ứ trong anh. Biết đâu đây là lần cuối cùng?

Anh quay lưng cho kịp chuyến xe đêm.
***
Không biết có bàn tay thần kỳ nào sắp xếp hay không, Hân cũng như bị dán chặt đôi chân xuống phiến đá trơn lạnh đúng ngay chỗ lúc nãy bé Na đứng. Tự nhiên chị nghĩ đến một vật được ném đi từ bàn tay mình. Chị có thể cố tình quay lưng rời đi, bịt mắt để không còn thấy nữa nhưng nó làm sao có thể tan biến vào hư vô như chưa từng tồn tại? Cô con gái ngồi kia đã từng nằm trong bụng, là một phần gắn liền với thân thể chị. Là do chị tạo ra. Cảm giác chờ mong một em bé xinh đẹp thông minh, cảm giác bế con trên tay, chăm từng muỗng sữa thay từng cái tã có người mẹ nào trên đời này quên được? Cả nỗi trầm cảm, sự hoảng loạn sợ hãi khi biết con là một đứa trẻ khiếm khuyết, chị cũng còn nhớ rất rõ. Những lúc chỉ có 2 mẹ con, loanh quanh hết nhìn con rồi suy nghĩ đến ngày mai, chị nghe như ai đó lôi tuột mình vào cái hố đen ngòm bí bách không mảy may có chút ánh sáng nào.

Chị đã từng bế con đứng trên sân thượng, ngay cạnh chậu mai già, nghĩ đến cảnh 2 mẹ con cùng rơi xuống dưới kia. Không phải ai trên đời này cũng có thể đi qua những ngày đen tối, những nỗi đau. Chị đã không qua được. Rồi mọi thứ cứ như một chuỗi ngọc trai đã đứt, từng hạt rơi tung tóe khắp nơi, trầy xước, mất kết nối, chia lìa.

Tiếng đàn vẫn vang lên trong góc phòng cạnh cửa sổ, không nghe ra bản nhạc quen thuộc như khi Nhím tập đi tập lại nhưng lúc này đây, chị lại nghe rất rõ chuỗi âm thanh du dương thiết tha như tiếng khóc. Chị chưa từng nghe ba Na nói rằng con có học đàn. Đôi lần con ngồi nhìn em Nhím đàn nhưng không có vẻ muốn hay do chị chưa thực sự thấu hiểu con? Con chưa từng gọi một tiếng mẹ một tiếng ba suốt từ khi chào đời, chỉ lặng lẽ nhìn. Mọi lời nói như rời bỏ con và giờ đây bật thành giai điệu?

Đôi tay bé Na vẫn mải miết đặt lên những phím đàn màu trắng. Âm thanh tuôn ra thánh thót. Con bé không biết chị đã đứng sau lưng từ lúc nào, vòng tay ra ôm lấy con vào lòng. Nước mắt chị chảy ướt má.

- Mẹ xin lỗi Na. Con có tha thứ cho mẹ không? Mẹ xin lỗi…

Âm thanh tắt hẳn. Những ngón tay vẫn còn nét mũm mĩm trẻ thơ đưa lên lau nước mắt trên má người đàn bà. 2 cái bóng một nhỏ một lớn hòa lẫn vào nhau.

Hừng đông đã ló dạng ngoài kia. Chị không kịp nhìn thấy bóng một người đàn ông cao gầy, vai mang ba lô, quần áo nhàu nhĩ rời đi, mặt giãn ra như hình của một nét cười. Cho đến khi cầm trên tay lá thư cùng hồ sơ bệnh án dày cộp, phía dưới chỗ có logo hình chữ thập màu xanh lá cây đè lên 2 chữ cái UB màu xanh biển là dòng chữ: Bệnh viện Ung Bướu, chị biết rằng ban mai ấy, ba bé Na đã đến và nghe tiếng dương cầm của con.

“Đã đến lúc ba đi rồi. Thương yêu mẹ nhé Na! Con biết đàn. Hân hãy yêu thương con giùm anh! Cảm ơn em”.

Loan Duyên

 

news_is_not_ads=

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEnhanvattacphamvi /strCate=nhanvattacpham

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEvandevi /strCate=vande

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATErubikvanhoavi /strCate=rubikvanhoa
TIN MỚI

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEvanhoavi /strCate=vanhoa