Truyện ngắn - Tiếng dương cầm

20/10/2020 - 18:06

PNO - Những ngón tay cô như nhảy múa trên những phím đàn. Giai điệu du dương này Quỳnh nghe quen lắm, như vọng về từ hồi ức xa xăm nào đó.

1.

Khi Quỳnh đến, ông Tư đang ngồi trên chiếc ghế bành ở trước nhà nhìn ra phía có giàn sử quân tử trĩu bông, vài chiếc lá vàng chao nghiêng theo từng cơn gió cuối mùa. Thường mỗi lần Quỳnh đến, có chị giúp việc ra mở cổng nhưng có một lần, Quỳnh phải đứng chờ vì chị đi chợ chưa về. 

Ở góc đứng chờ, Quỳnh ngửi thấy mùi thơm thoang thoảng của hoa. Dù khá sành về mùi hương các loại hoa nhưng Quỳnh không thể phân biệt được đó là mùi gì bởi nó là một thứ mùi thập cẩm, mùi thảo dược từ thiên nhiên. Quỳnh thích mùi hương không thể gọi tên ấy mỗi khi hòa mình giữa núi đồi bạt ngàn.

Ở nơi này, không chỉ có mùi hương mà còn có tiếng dương cầm. Hay do Quỳnh tưởng tượng ra khi nhìn cây dương cầm được dành nguyên một gian rộng trong căn nhà ông Tư? Lần đầu nhìn thấy nó, Quỳnh hình dung ra những ngón tay thuôn mềm lướt trên những phím đàn như nhảy múa. Người nghệ sĩ say sưa theo nốt nhạc quên cả ngày đêm, nắng mưa. 

Từ lúc ấy, mỗi khi đến nhà ông Tư, Quỳnh đều nghe tiếng đàn dương cầm, rất nhỏ nhưng nối dài bất tận, cho đến khi rời xa con hẻm, hòa mình vào phố xá nhộn nhịp. 

Quỳnh nói không sao, con đứng chờ một chút được, chị ấy cũng chỉ đi chợ rồi về liền nhưng ông Tư không chịu, nhất định đưa chìa khóa cổng cho Quỳnh để tiện ra vào. Ông Tư vẫn đi lại được nhưng chậm chạp và phải có thành bám hay người dìu. Bác sĩ khuyên tốt nhất ông nên hạn chế đi lại, kể cả bác sĩ không khuyên thì Thương - cô con gái thường xuyên vắng nhà - cũng không cho cha mình đi lại, nhất là sau đợt tai biến nhẹ vừa rồi. 

Nếu thật sự quan tâm đến cha thì đã ở bên cạnh để chăm sóc ông Tư rồi - Quỳnh thoáng nghĩ như vậy nhưng ngay lập tức, con người thứ hai trong Quỳnh lên tiếng, như một kiểu vạch mặt trắng trợn, về sự ra đi trong cô độc của bố, mẹ Quỳnh. Khi đó Quỳnh ở đâu? Làm gì? Trong ánh nhìn cuối cùng của bố mẹ ở trần thế, có dáo dác tìm từng đứa con thân yêu, để lưu giữ hình ảnh ấy cho đến kiếp sau, như người ta hay nói không? Khoảnh khắc ngắn ngủi ấy, bố mẹ có cô độc không khi trong ánh nhìn cuối cùng chỉ là khoảng trống mênh mông? Sao không hề có bất cứ sự kết nối nào nơi Sài thành nhộn nhịp mà Quỳnh đang sống, để con tim nhói lên trong khoảnh khắc ấy. Chẳng lẽ tất cả chỉ có trong văn chương, phim ảnh?

Quỳnh thèm được trở về nhà trong tiếng cót két mở cổng của bố, tiếng phàn nàn không đầu không cuối của mẹ. Thèm cả những lần được lấy những đồng tiền cuối cùng trong ví đưa hết cho mẹ, chỉ để nhận lại niềm vui từ bà. Người già, ngay cả khi không xài tiền vẫn rất vui khi nhận những đồng tiền từ tay con mình. Như để khẳng định rằng con Bống, thằng Gấu mới ngày nào nằm gọn trong vòng tay mình nay đã trưởng thành thật rồi. 

2.
Lần nào ông Tư cũng bắt đầu bằng câu hỏi, giọng rặt Nam Bộ: “Chà, hôm qua đến đâu rồi heng?”. Quỳnh nhớ rất rõ, bởi lần nào ông Tư cũng ngắt ở đoạn gay cấn nhất, kiểu như các phim hành động dài tập, để người ta háo hức đón xem tập tiếp theo. Thời trẻ ông làm đạo diễn mà! “Dạ, đến đoạn miếng đất gần ngã sáu có giá một chỉ vàng mà ông chê xa nên lưỡng lự”, Quỳnh đáp. Mắt ông Tư ánh lên niềm vui, không biết vì hồi ức xưa cũ sống lại hay vui vì Quỳnh “nhớ bài”. Người già vốn thích kể chuyện, nhất là khi có ai đó nhập tâm vào câu chuyện của họ. 

Quỳnh hẳn phải nhập tâm ghê lắm, nếu không cô sẽ chẳng thể nào hoàn thành cuốn hồi ký vài trăm trang sao cho vừa mạch lạc, vừa cảm xúc. Cô đón nghe từng lời của ông Tư. Ngoài ghi âm, ở những cột mốc quan trọng, cô còn chép tay lại. Chỗ nào khó hình dung về bối cảnh, tâm tư, Quỳnh làm dấu để hỏi lại, vì thế mà câu chuyện về cuộc đời ông Tư được kể rất chậm.

Quỳnh chia hẳn ra ba giai đoạn, giai đoạn đầu là tuổi thơ, giai đoạn hai là tạo dựng sự nghiệp và giai đoạn ba là gia đình. Trong đó, những thắc mắc của Quỳnh nằm ở đoạn kết - giai đoạn ba, về ngôi nhà đồ sộ chỉ có một mình ông sống giữa con hẻm cụt, những người con luôn vắng nhà và cả tiếng dương cầm như một hồi ức vừa gần vừa xa. Nhưng cứ phải tuần tự, cái thú vị đôi khi nằm ở hành trình chứ không phải điểm đến. 

“Rồi ông Tư có mua miếng đất đó không?”. “Xa lắm nên ông không mua. Hồi đó đi bộ hoặc sang lắm đi xe đạp, nên cách trung tâm tầm vài ba cây số là xa xôi hẻo lánh rồi, đâu ngờ nó sầm uất như bây giờ”. Chỗ miếng đất ông Tư nói, bây giờ trở thành đất vàng ngay trung tâm. Ông cũng kết luận: “Bởi, con người có số là thiệt nghen. Nhưng mình cứ thiệt tâm thì trời không phụ lòng người”. 

Bao giờ trước khi “chuyển cảnh” sang một câu chuyện khác, ông cũng đúc kết bằng câu đó. 

3.
Buổi sáng bắt đầu bằng tiếng nhạc. Quỳnh yêu những giai điệu. Đã có khoảng thời gian âm nhạc trở thành phương pháp trị liệu giúp cô hòa nhập trở lại cuộc sống, điều mà chẳng liều thuốc nào làm được. Những giai điệu ngân lên như một làn nước tinh khiết, mát lạnh len lỏi vào từng mạch máu, tế bào, gột rửa những cằn cỗi, buồn phiền trong lòng. 

Tiếng nhạc theo Quỳnh đến nhà ông Tư. Lần nào đến cổng, việc đầu tiên của Quỳnh là bỏ tai nghe ra, để xem có tiếng đàn dương cầm mà cô vẫn nghe không hay chỉ tưởng tượng. Rõ ràng là có. 

“Hôm nay đến đoạn cô diễn viên sau này trở thành ngôi sao đến xin vai”. Mắt ông lại ánh lên khi nghe Quỳnh nhắc nối đoạn nói chuyện hôm qua. Câu chuyện của ông, dù ở khá xa thời Quỳnh sống nhưng không có sự khác biệt, giữa đạo diễn, diễn viên…

Nhưng ông Tư sợ cô không hình dung ra thời đó, ông phải nhắc lại những tên tuổi mà bây giờ giới trẻ vẫn còn biết đến. Quỳnh thấy chạnh lòng, đường đường một đạo diễn có tên tuổi, từng mang về những giải thưởng điện ảnh danh giá như ông, giờ đây lại phải dùng những tên tuổi khác để gợi nhớ.

Quỳnh cảm thấy điều đó gần như là sự xúc phạm nhưng ông lại nhìn mọi thứ lạc quan hơn cả Quỳnh. “Có điều gì tồn tại mãi đâu. Hoa đẹp mấy rồi cũng tàn nhưng đâu vì sẽ tàn mà nó không khoe hương sắc ở độ đương thì” - ông nói vậy. “Vậy điều gì là quan trọng nhất đối với ông?” - Quỳnh hỏi một câu mang tính báo chí hơn là hồi ký. Ông Tư trầm ngâm một lúc rồi trả lời chậm rãi: “Đó là hiện tại”. 

Quỳnh nhìn lên tấm ảnh gia đình duy nhất trên khung hình treo cạnh cửa sổ. Cô bé có hai bím tóc, má phúng phính trong ấy có lẽ là Thương. Đó liệu có phải là hiện tại đẹp nhất của ông Tư? Người ta thường chụp hình để lưu lại khoảng thời gian hạnh phúc nhất. Một lần Quỳnh cũng hỏi mẹ câu đó, đâu là thời gian đẹp nhất? Dạo đó mẹ nằm viện nhiều hơn nằm nhà.

Có lẽ đó là câu hỏi khó trả lời. Trong đáy mắt mẹ, những ký ức xưa cũ hiện về, ở đó, ký ức mang tên niềm vui chỉ thoáng qua, nên Quỳnh thấy ngấn nước chực trào trên khóe mắt mẹ. Cô không chịu nổi hình ảnh ấy, nó cũng chẳng tốt gì cho mẹ ở thời điểm này. Quỳnh chuyển sang câu chuyện khác vui hơn. 

Quỳnh sống xa nhà, ở một thành phố khác. Cuộc sống tha hương chưa bao giờ dễ dàng. Quỳnh vừa đi học vừa đi làm, những ngày nghỉ chỉ muốn đóng cửa nằm ngủ cả ngày. Chỉ những lúc mẹ bệnh mới thấy Quỳnh trở về. Những lúc về nhà, Quỳnh cũng chỉ quanh quẩn nấu nướng, dọn dẹp chỗ nọ chỗ kia là hết ngày. Cả hai mẹ con ít khi có một cuộc trò chuyện đúng nghĩa. Dù trong lòng Quỳnh luôn có nhiều thắc mắc muốn hỏi mẹ, cả cái việc mẹ có buồn không khi Quỳnh đi biền biệt. Chưa bao giờ Quỳnh nghe mẹ than thở và những khát vọng luôn thúc giục Quỳnh đi thật nhanh sau những chuyến trở về. 

Ông Tư không bi lụy như mẹ. Nhưng Quỳnh tự hỏi, những buổi chiều không có Quỳnh, ông sẽ làm gì trong căn nhà rộng vắng bóng người? Từ ngày Quỳnh qua lại nhà ông Tư vẫn chưa một lần gặp Thương. Ông chỉ nói Thương đi làm xa, lâu lâu mới về nhà. 

Tại sao những đứa con lớn lên đều xa nhà? Nhà Quỳnh ở một tỉnh lẻ không thay đổi sau bao nhiêu năm. Nơi ấy, những đứa trẻ lớn lên đều lên thành phố rồi bị công việc và nhiều thứ khác giữ chân lại. Nhưng mảnh đất dưới chân Quỳnh đang là thành phố, những đứa con thành phố vẫn cứ phải xa nhà. Ông Tư có buồn không? 

Mà thôi, việc của Quỳnh chỉ là hoàn thành bản thảo đúng với hợp đồng, sau đó nhận tiền và tiếp tục bắt tay vào công việc mới. 

4.
- Chị có thể đến gặp ba tôi thêm buổi chiều không? À, tức là cả ngày. Chị sẽ dùng cơm với ba tôi, rồi nghỉ ngơi, sau đó nói chuyện tiếp? - giọng của Thương từ đầu dây bên kia có vẻ tha thiết. 

Quỳnh hỏi lại: 
- Có phải chị muốn hoàn thành bản thảo sớm hơn?

Có chút ngập ngừng, sau đó là giọng quả quyết: 
- Vâng, có khó cho chị không?

- À, không sao. Cho tôi ba ngày sắp xếp để đến gặp ông cả ngày. 
- Được vậy thật tốt, cảm ơn chị!

Thật ra Quỳnh cũng chẳng sắp xếp gì nhiều, thậm chí yêu cầu của Thương còn thuận lợi cho Quỳnh. Cô có thể hoàn thành nhanh hơn so với thời gian phải bỏ ra. Cuốn hồi ký này chẳng khác nào một dịp xả hơi của Quỳnh, bởi không thấy cả Thương và ông Tư có thêm yêu cầu gì ở lối viết, như những khách hàng khác. Vì thế Quỳnh viết rất thoải mái. 

Quỳnh đến nhà ông Tư từ sáng cho đến chiều nhưng câu chuyện hướng đến hồi kết vẫn còn rất xa. Tuy nhiên, Quỳnh nhận ra ông Tư càng kể chuyện, càng hào hứng. Trong ánh mắt ông như sống lại thời tuổi trẻ với nhiều cung bậc cảm xúc. Có những đoạn Quỳnh không đành lòng ngắt câu chuyện, dù biết sẽ không phù hợp để đưa vào hồi ký. Quỳnh không đành lòng còn vì cô có cảm giác khi ngưng lại, mọi thứ sẽ trở về một thực tế nhàm chán, nguội lạnh. 

Quỳnh hay viết vào giấc khuya, khi màn đêm buông dày và sương rơi ướt đẫm trên vòm lá. Chỉ cần những ngón tay Quỳnh thôi lướt trên phím máy tính sẽ chỉ còn lại thanh âm của màn đêm, của thinh không. 

Những trang viết của Quỳnh ngày càng trơn tru hơn. Câu chuyện về người đàn ông đam mê nghệ thuật nhưng qua thời, sống cô độc một cách an phận trong chính căn nhà của mình đã để lại nhiều cảm xúc trong Quỳnh. Hẳn đây sẽ là quyển hồi ký Quỳnh hài lòng nhất. 

5.
Buổi sớm tinh sương, Quỳnh thức giấc bởi tiếng chuông điện thoại. Hình như cũng không còn sớm lắm, Quỳnh mở mắt đã thấy nắng tràn qua ô cửa sổ. Có lẽ đêm qua Quỳnh thức khuya quá. Bên kia, giọng Thương là lạ, nhỏ hơn mọi lần:
- Ba tôi… qua đời hồi đêm, tôi nghĩ cần báo với chị. 

Giọng Thương nhỏ lại dần, có tiếng nấc nghẹn ở những chữ cuối nhưng chị vẫn cố nói rõ từng chữ một, như tính cách của chị mà qua vài lần trao đổi công việc, Quỳnh đã biết. 

- Cảm ơn chị đã thay tôi trò chuyện cùng ba tôi trong những ngày cuối đời. Ba tôi đã rất vui vì có người lắng nghe ông ấy trò chuyện. 

Quỳnh buông máy, không thể định hình được cảm xúc mình đang có. Nó gợi lại cho Quỳnh cuộc điện thoại của anh trai báo tin mẹ không còn được bao lâu. Lúc đó, Quỳnh cũng đang ngồi làm việc như thế này, ở một thành phố khác. Quỳnh không thể bật khóc, người đơ ra, cô đưa tay chạm lên ngực mình để cảm nhận từng nhịp thở vẫn đang phập phồng nhưng sao Quỳnh cảm giác xung quanh không còn không khí để thở, mọi thứ tắc nghẹn lại… 

Bên ngoài, nắng hắt thẳng vào mặt Quỳnh. Cái nắng khiến Quỳnh cay xè sống mũi. Sẽ chẳng còn tiếng dương cầm cùng những ngón tay nhảy múa trên những phím đàn như một điệu khiêu vũ cùng nắng. Quỳnh dỏng tai nghe, ở đâu đó vẫn vọng lại giai điệu của một bài hát nửa như quen thuộc nửa như xa lạ…

Lâu lắm sau đám tang, Quỳnh mới gọi được cho Thương để gửi lại số tiền mà Thương chuyển khoản dù cuốn hồi ký không thành. Trong quán cà phê ngập tràn tiếng dương cầm, nhìn Thương đã có thần sắc hơn so với lần đầu Quỳnh gặp ở đám tang, có vẻ cô quen với chủ quán nơi này. Thương hỏi Quỳnh có muốn nghe một bản do chính cô ấy đàn không, Quỳnh gật đầu đầy bất ngờ lẫn cảm động. Thương nhanh chóng ngồi vào vị trí, dáng Thương mảnh khảnh. Nhìn ở góc nghiêng, Thương như một nghệ sĩ thực thụ. Những ngón tay cô như nhảy múa trên những phím đàn. Giai điệu du dương này Quỳnh nghe quen lắm, như vọng về từ hồi ức xa xăm nào đó.

Mãi khi về đến nhà, Quỳnh mới sực nhớ mình đã không hỏi Thương, liệu Thương có thực sự muốn viết hồi ký cho cha mình hay chỉ là muốn có người trò chuyện cùng ông trong lúc cô không thể ở bên cạnh. Nhưng thôi, dù sao Quỳnh cũng đã kể với cô ấy, ông Tư luôn hài lòng với hiện tại, kể cả việc rất ít khi Thương trở về. Điều ấy Quỳnh tin ít nhiều cũng xoa dịu sự dằn vặt trong lòng những đứa con xa nhà. 

La Thị Ánh Hường

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI