Không biết những người khác khi nghỉ hưu có nuối tiếc điều gì không nhưng ông cảm thấy lòng nhẹ tênh. Ông đợi ngày này như thể đợi một chuyến xe muộn.
Tính ông vốn hiền, như vợ ông những ngày còn sống nói thế. Ông chẳng thể cãi nhau với bất kỳ ai. Ông lại càng không thể đối phó với bao nhiêu gương mặt ở cơ quan, bề ngoài nói cười vồn vã nhưng quay lưng liền đơm đặt đủ điều. Bây giờ, tất cả đã trở thành ngày hôm qua, ông có thể thong dong đi bộ buổi sáng hoặc ra công viên tập dưỡng sinh như bao nhiêu người có dư quỹ thời gian.
Bao nhiêu năm làm việc, ông mới lên được chức trưởng phòng. Tính ông không thích đám đông, không ăn nói a dua, không ưa nhậu nhẹt. Có thể vì thế mà ông không được lòng nhiều người. Chức trưởng phòng của ông nhỏ, phòng làm việc của ông nhỏ nhưng đó là nơi ông gắn bó suốt mấy chục năm. Ông yêu quý căn phòng làm việc của mình. Mấy lần được đề bạt lên chức phó giám đốc, ông đều tìm cách né tránh. Ngẫm lại danh vị chẳng để làm gì, tiền bạc cũng chẳng để làm gì. Tất cả chỉ là giấc mộng. *** Ông sống trong căn nhà riêng ở khu đô thị mới, sát bên là nhà của con gái, lý do là ông thích ở một mình còn con thì thích ở gần ông. Con ông lanh lẹ. Nó không làm trong khu vực nhà nước mà mở công ty riêng chuyên tổ chức sự kiện. Bên cạnh đó, nó còn mở tiệm spa. Ông không có ô tô, chỉ khi đi công tác mới dùng xe cơ quan, còn lại, ông vẫn đạp xe đi làm. Người ta nói ông lập dị. Ông giải thích: sẵn tập thể dục luôn cho khỏe.
Giờ thì ông đi du lịch. Con gái nói ông cứ chọn bất cứ nơi nào ông thích, rồi “con sẽ lo cho ba đi”. Ông chưa đi nước ngoài dẫu người ta nói bây giờ ra nước ngoài còn rẻ hơn đi trong nước. Ông nói lại, rằng đất nước mình đẹp lắm, đi cho hết còn chưa đủ, đi nước ngoài chủ yếu chụp mấy tấm hình khoe lên mạng thì đi làm chi. Vả lại, người ta có đôi có cặp, đi đâu còn nương dựa vào nhau, còn ông đi một mình thì biết nương tựa vào ai. Từ thời thanh xuân cho đến bây giờ, ông vẫn thích những chuyến đi khám phá đất nước mình. Những chuyến đi đó quả thật thú vị vì ngoài cảnh đẹp, ông còn nghe được tiếng nước mình, được ăn những món của đất nước mình.
Anh bạn quen bên công ty du lịch gợi ý: “Bên mình có tour qua Đài Loan (Trung Quốc), ông đi nhé, 2 đứa mình thành 1 cặp?”. Vậy là đi. Ông chọn Đài Loan cũng vì một lý do sâu thẳm trong lòng mà ông khó có thể tâm sự với bất kỳ ai, nhất là những người thân. Đó là một bóng hình xưa cũ đã lạc trong muôn trùng. Thời gian cứ thong thả đi qua những hàng cây. Thời gian cứ đi qua những dòng sông, ký ức của mỗi người cứ thế đành phải để lại trong những giấc mơ. Có thể khi tuổi còn trẻ, có quá nhiều công việc phải làm, người ta quên mất những ký ức đó. Cho đến khi buông bỏ mọi điều trong cuộc sống xô bồ, một ngày, người ta chợt nhớ ra, giống như mở lại cuộn băng cũ nằm khuất đâu đó trong cuộc đời. Ông lên mạng tìm kiếm mọi thông tin về Đài Loan. Đài Loan là một hòn đảo nhỏ với dân số gần 25 triệu dân. Nơi ấy dáng hình như củ khoai, có hồ Nhật Nguyệt, có miếu Văn Võ…
Sau hơn 4 giờ, máy bay hạ cánh xuống sân bay Đào Viên. Đó là một cảm giác thật lạ. Thời gian để qua cửa hải quan rất lâu. Sau những giờ phút dài dằng dặc vì chờ đợi, xe đưa cả đoàn đến Đài Trung. Phút cuối, bạn ông có việc, không thể đi, ông được xếp chung phòng với một thanh niên chừng 22 tuổi. Đây cũng là chuyến đi xa đầu tiên của Hoàng - bạn cùng phòng của ông. *** Ở Đài Loan có Kim Anh. Tất nhiên Kim Anh ở nơi nào giữa mấy chục triệu con người thì ông không thể nào biết được, bởi ngay trên đất nước mình, đôi khi tìm kiếm một người cũng không hề là việc dễ dàng. Rất nhiều lần, ông lên Facebook tìm kiếm nhưng mãi vẫn không ra dẫu mọi người bảo rằng chính nhờ Facebook mà đã diễn ra bao cuộc trùng phùng.
Hồi đó, Kim Anh ở trong một căn nhà nhỏ trên một con đường có rất nhiều bông giấy. Cha mẹ bỏ đi, cô gái ấy tự mưu sinh bằng cách làm MC đám cưới và MC cho các quán nhỏ để nuôi em trai ăn học. Căn nhà nằm trong khu vực phải giải tỏa, vậy là chị em cô phải đi thuê nhà để sống. Một đêm đông, ông gặp Kim Anh trong một quán nhỏ khi cô đang dẫn chương trình “Hát cho nhau nghe”. Vậy là quen nhau, vậy là khởi đầu cho những luyến lưu dài suốt cả đời người.
Đôi khi cuộc sống chỉ là những cơn mưa hững hờ. Trong vô tình ta cứ hẹn ngày mốt, ngày kia sẽ gặp mà không biết rằng đến một lúc nào đó sẽ vĩnh viễn không còn cơ hội thấy nhau. Là lạc nhau mãi mãi. Trường hợp của Kim Anh và ông cũng vậy, chỉ là những lời hẹn đi ăn, hẹn cà phê… trong chênh vênh ngày tháng.
Rồi đến một chiều mưa tầm tã. Kim Anh hẹn gặp ông ở quán cà phê quen. Nơi đó, họ đã từng hò hẹn rất nhiều lần. Tất nhiên ông không biết đó là lần hẹn cuối. Hôm đó, ông đợi hơn 1 giờ, Kim Anh vẫn chưa tới, gọi điện không được, thế là ông về. Kim Anh gọi điện lại, ngập ngừng như định giải thích thì ông giận dỗi nói đã trễ rồi. Bên kia đầu dây là tiếng thở dài: “Dạ, vậy thôi”. Vài ngày sau, ông nghe tin Kim Anh đã bay vào TPHCM, rồi bay qua Đài Loan. Mãi sau này ông mới biết Kim Anh đi theo diện bảo lãnh, sau đó hình như đã lấy chồng và định cư bên đó. Cuộc sống vốn là thế. Đôi khi chỉ lỡ một cuộc hẹn đã trở thành biệt xa mãi mãi. *** Khách sạn ông ở tại Đài Trung nhìn ra một bến xe buýt, có một công viên nhỏ với rất nhiều cây xanh. Hào - anh hướng dẫn viên - nói với ông rằng khu vực này có rất nhiều quán xá tập trung người Việt sinh sống, đôi khi tình cờ có thể gặp được người quen. Buổi chiều, thay vì theo đoàn đi ăn tối, ông quyết định dạo quanh những con đường. Biết đâu trong ngẫu nhiên của cuộc sống, ông sẽ gặp Kim Anh…
Con phố đúng là toàn người Việt. Nơi đây có rất nhiều bảng hiệu Việt, món ăn Việt, tiếng Việt lao xao. Ông vào một quán ăn ngẫu nhiên. Bà chủ quán rất vui khi gặp đồng hương từ Việt Nam qua, vừa buôn bán bà vừa nói chuyện. Nhưng dẫu ông có nói tên Kim Anh ra thì bà cũng không thể nào biết được. Vả lại thời gian có thể đã thay đổi. Cô gái chỉ hơn 20 tuổi ngày đó nay đã ở ngưỡng 50 thì ngoại hình chắc chắn không còn như ngày xưa. Thỉnh thoảng, tình cờ gặp một ai đó, ông còn ngớ người ra khi họ gọi ông, dẫu lục lọi trong ký ức vẫn không thể gợi nơi ông về một điều gì. Chưa kể, qua Đài Loan, biết đâu Kim Anh đã có tên khác.
Ông lang thang qua một dãy phố toàn các tiệm làm tóc. Thật lạ, các tiệm làm tóc chẳng khác gì ở Việt Nam, bởi trang trí bên ngoài toàn tiếng Việt, chỉ khác là giá cả được ghi bằng Đài tệ. Những cô gái làm tóc cũng là người Việt, nói chuyện rất vui vẻ. Rồi ông dừng lại ở một tiệm tóc bởi tên tiệm là Kim Anh và có ảnh của người chủ nhìn hao hao Kim Anh. Thật lòng thì ông nhận ra đôi mắt và khóe môi. Ông bước vào quán, gội đầu chỉ là cái cớ… - Dạ, ngày xưa tiệm là của bà Kim Anh, sau này bà đã sang cho cháu. - Bà ấy hiện giờ ở đâu, cháu biết không? - Dạ, cháu nghe nói bà đã đến làng cổ Thập Phần kinh doanh gì đó.
Cuối cùng, ông đã đến làng cổ Thập Phần. Ngôi làng rất yên bình, như thể những người dân ở đây không quan tâm đến những chuyện đang xảy ra trên thế gian. Đây là một làng nhỏ, có đường ray cho những chuyến xe lửa chạy chậm đưa khách đi một đoạn ngắn, chủ yếu tham quan. Nơi này mỗi ngày có hàng trăm du khách tới mua những chiếc đèn trời, viết lời ước nguyện rồi thả cho bay lên cao. Đoàn dùng cơm ở một quán nhỏ bên dưới. Ông ăn xong vội ra ngoài, ghé cửa hàng quà lưu niệm hỏi han. Ai cũng bảo họ chỉ mới qua đây chừng 10-15 năm. Cô gái bán hàng nói với ông: “Hơn 20 năm mà ông còn đi tìm, ông quả thật là chung thủy. Chỉ mong cháu tìm được một người yêu mình chân thành như thế…”. Khi ông rời cửa hàng thì cả đoàn đã lên đường ray.
Hoàng - cậu trai trẻ chung phòng - chợt nói: “Bác ơi, có thể bác sẽ gặp cô Kim Anh ở đây, biết đâu là duyên kỳ ngộ. Cháu chúc bác may mắn”. Hoàng nói xong liền hòa vào đám đông với mấy cô gái trẻ trong đoàn, cùng viết những lời ước nguyện lên chiếc đèn.
Chỉ là một khu vực nhỏ mà không biết bao nhiêu người, phần lớn là người Việt buôn bán tại đây. Ngay trước mặt ông là một cửa hàng chuyên bán đèn lồng có tên “Nhà hàng Việt Nam”.
Đông lắm, có biết bao người chờ đợi để có chỗ trong một khoảnh khắc trên đường ray, rồi cô gái ở tiệm bán đèn sẽ hô bằng giọng lơ lớ “Một, hai, ba” để khách buông tay và chiếc đèn bay trong lấp lóa nắng.
Ông không thả đèn lồng bởi ông có một lời ước nguyện là kiếm tìm, dẫu cuộc kiếm tìm ấy đôi khi chỉ để gặp một người mà thời gian đã hằn lên đó biết bao nhiêu dấu vết. Ông tìm kiếm chỉ để vơi đi những ký ức tưởng nhạt nhòa. Thế nhưng, thời gian đã trôi qua lâu rồi, những con sông đã đưa biết bao nhiêu nước về biển cả, rừng đã bao mùa thay lá, đời người đã tiến dần đến buổi hoàng hôn, liệu trong lòng Kim Anh có còn chỗ nào cho ông? Và cả nơi này, có biết bao nhiêu lời ước đã viết lên những chiếc đèn lồng. Những lời ước nguyện ấy cứ bay về phía mặt trời.
Hàng bán đèn lồng vô cùng chộn rộn, đủ ngôn ngữ pha trộn, ai cũng vội vã và tất nhiên là chẳng ai nhìn ông. Những chiếc đèn lồng ấy khởi nguồn từ truyền thuyết để người dân nơi này làm tín hiệu an lành khi chiến tranh xảy ra. Còn bây giờ, chúng lại trở thành một điểm nhấn trong các cuộc hành trình du lịch. Giờ đây, ông chỉ có hơn 30 phút cho một cuộc kiếm tìm, dẫu cuộc kiếm tìm ấy giống như đang tha thiết mong một cơn mưa trong một ngày nắng. Sau khi ở làng cổ Thập Phần, đoàn sẽ ra sân bay Đào Viên để trở về Việt Nam. Ông chỉ còn một ít thời gian.
Bỗng dưng ông nhớ đến một cảnh trong bộ phim tình cảm đã xem. Hãy gọi tên người thương, hãy gọi cái tên ấy trong muôn trùng, biết đâu người ta sẽ nghe được. Biết khi nào ông có dịp trở lại chốn này. Thế là chen giữa những chộn rộn, ông gọi vang: “Kim Anh”. Nhiều người nhìn ông, tưởng ông đang tìm người trong đoàn. Tiếng gọi của ông như đang bay lên bầu trời trong xanh. Nó đang bay lên trời. Liệu tiếng gọi của ông đã đến tai người ấy? Hay là sau chừng đó thời gian cách biệt, cả hai đã thay đổi quá nhiều, đến độ dẫu đứng trước mặt nhau vẫn không thể nhận ra nhau. Không, ông vẫn tin rằng ông sẽ nhận ra Kim Anh bởi đôi mắt ấy, nụ cười ấy đã hằn trong nỗi nhớ của ông.
Tiếng người hướng dẫn viên vang lên: “Đã hết giờ, xin mời các anh chị ra xe”. Đã hết giờ của mọi người. Đã hết giờ. Thực sự đã hết giờ.
Ông bước qua đường ray, theo đoàn đi một đoạn ngắn để lên chiếc xe chờ sẵn. Ông đi rất chậm như không thể nào chậm hơn và là người cuối cùng bước lên xe. Nhìn qua ô cửa kính xe bởi đôi mắt nhòe nước, ông thấy một người đàn bà đang tất tả chạy về phía xe. Nhưng không kịp nữa rồi, xe đã lăn bánh. Trên bầu trời, những chiếc đèn lồng đủ màu sắc mang những điều ước đang bay lên…