Bà chủ nhà khó tính, khách trọ của bà toàn là dân văn phòng và sinh viên ngoan hiền, phải về phòng trước 10 giờ tối. Đã từng có đứa kì kèo xin về trễ 10 phút với lý do rất chính đáng rằng lớp ngoại ngữ tan ca lúc 9 giờ rưỡi cộng thêm 5 phút từ lớp học ra tới bãi giữ xe và mất thêm 35 phút chạy xe trên đường nếu không xui xẻo bị lủng bánh. Bà chủ “ờ” một tiếng nhẹ như không khiến cái đứa kì kèo đó hí hửng tưởng mình là kẻ đầu tiên phá vỡ được quy tắc, nào ngờ bà hạ một câu: “Bác già rồi nên ngủ sớm, đang ngủ mà cái cổng lách cách bác giật mình hết ngủ luôn. Vậy nên cháu thông cảm tìm chỗ trọ khác đi nghe”.
Đâu dễ có được chỗ trọ rộng rãi, sạch sẽ ở ngay quận trung tâm, giá cả phải chăng, giặt áo quần xong cứ treo ra dây phơi rồi yên tâm đi học đi làm cả ngày, lỡ trời mưa thì có bà chủ thu dọn vô nhà giùm. Mùng Một và rằm hằng tháng, bà chủ nấu xôi chè mà khi thắp nhang cúng kiếng xong thì cả khu trọ 20 nhân mạng đều được ngon miệng. Có đứa lẻo mép thay vì khen ngon và nói câu cảm ơn dễ hiểu thì hoa lá cành rằng: “Tối mùng Một và rằm là thời điểm hạnh phúc nhất của tụi cháu”. Bà chủ chớp mắt: “Những tối khác bất hạnh quá hả?”. Tất cả cười ha ha còn kẻ lẻo mép chỉ còn biết che mặt, từ chén chè thơm ngọt mà đụng tới việc khóa cổng lúc 10 giờ là một liên tưởng quá thô thiển mà rất có lý.
Trừ cái quy định ngặt nghèo kia, cư dân khu trọ rất quý mến bà chủ nên tất cả đều chấp nhận chạy thi với gió để về kịp vài giây trước 10 giờ. Ban ngày, khu trọ tự quản, đến 10 giờ tối thì đích thân bà chủ khóa cổng bằng cái ổ khóa mà cư dân đặt cho nó biệt danh Hủy Diệt và dĩ nhiên chỉ một mình bà giữ cái chìa Hủy Diệt. *** Cuối tháng có hai phòng chuyển đi vì công ty mở chi nhánh ở quận khác quá xa, họ phải tìm chỗ ở gần văn phòng. Bà chủ không cần treo bảng “Cho thuê trọ” vì người đi đã giới thiệu phòng cho bạn mình. Kiên hay tới chơi nên ai cũng biết Kiên làm nghề chụp hình, tính tình vui vẻ xởi lởi. Mỗi lần nghe càu nhàu về quy định giờ giấc, Kiên cười hì hì mà nói chính điều đó khiến Kiên muốn làm rể khu trọ này. Mấy cô chưa có người yêu đồng loạt lắc đầu. Bà chủ già rồi đã đành, với đàn ông con trai mà đếm thời gian từng giây như vậy thì ai chịu cho nổi. Hay tin chủ nhân kế tiếp của một trong hai căn phòng trống là Kiên, mấy cô cười ha ha, từ nay nếm mùi cho biết. Nhưng không ngờ… chẳng những Kiên được phép về trễ mà còn có quyền ra khỏi cổng lúc giữa khuya, nghĩa là Kiên được cầm riêng một cái chìa khóa Hủy Diệt.
Cả khu trọ sôi sùng sục bất kể Kiên ra sức phân trần vì đặc thù nghề nghiệp nên mới được bà chủ thông cảm vậy. Chụp hình đám cưới, rước dâu lúc 7 giờ sáng thì 4 giờ rưỡi cô dâu phải có mặt ở tiệm để làm tóc và trang điểm. Nói vậy không có nghĩa là cô dâu ngủ một mạch tới 4 giờ rưỡi mở choàng mắt ra mà trước đó cô đã thức giấc bâng khuâng nhìn ngó nơi chốn thân quen mình sắp từ giã hoặc có khi bên cạnh cô dâu là đứa bạn thân tâm sự cùng nhau lần cuối của thời con gái… Thợ chụp hình giỏi là người ghi lại được những khoảnh khắc riêng tư tràn đầy cảm xúc đó, mà muốn vậy thì phải có mặt tại nhà cô dâu từ lúc 3 giờ sáng cho chắc ăn. Cũng như vậy với bữa tiệc chiều.
Thường thì tiệc cưới chừng 9 giờ tối là tan nhưng cái tiệc phụ tiếp sau đó mới đáng nói. Đã xong phần trịnh trọng dành cho khách khứa, giờ đây là bạn bè thân thiết quây quần tràn đầy lưu luyến nên tiệc phụ kéo dài bất tận. Thợ chụp hình giỏi là người ghi lại được mấy khoảnh khắc đáng nhớ đó.
Hừ, đồ dẻo miệng. Từng có những kẻ đến đây xin thuê phòng mà cũng vì giờ giấc làm việc khác biệt nên bà chủ nhất định lắc đầu. Đặc thù của Kiên là cái quái gì? Ừ thì vì trước đây Kiên hay tới chơi, bà chủ đã biết rõ tính tình hiền lành tử tế nên bà không phải lo ngại, e dè như những người mới gặp lần đầu. Nói gì thì nói, thâm niên trọ gần chục năm chưa có cơ hội chạm tay vào cái chìa Hủy Diệt kia mà khách trọ mới toanh thì được sở hữu. Giận quá đi!
Những kẻ có việc phải thức khuya nhìn thấy Kiên rón rén đẩy xe qua cổng không hẹn mà đồng loạt đóng cửa lại không thèm đáp trả nụ cười chào. *** Chuyện về Kiên chưa yên thì sự xuất hiện của chủ nhân căn phòng kia gây chấn động như một cơn sóng thần.
Thường thì vào ngày khách trọ mới dọn đồ đạc tới, bà chủ sẽ hò hét: “Mấy đứa phụ giúp bạn một tay” nhưng khi Thu dọn tới thì chẳng nghe gì. Suy luận là từ khi có Kiên không khí mất vui nên bà chủ chẳng thiết nói năng.
À, thường thì bà chủ nấu nồi chè bày ra cho khách trọ cũ và mới làm quen với nhau (một cách ngọt lịm), nay bà im lìm thì tụi mình tự nấu. A ha, có lý. Ai nấy vui vẻ chia tay đi học đi làm với lời dặn dò chiều nay kẻ nào về sớm thì nấu chè rồi đợi đến 10 giờ tất cả có mặt thì sẽ dọn ra.
Khoảng 6 giờ chiều, những kẻ đi học, đi làm về sớm nhìn thấy Thu đang dắt xe ngược ra cổng. Ai nấy ngạc nhiên vì Thu khác hẳn - khuôn mặt trang điểm đậm, mùi nước hoa cũng đậm và cái váy ngắn… Sự khác biệt trở thành đề tài quanh nồi chè sôi liu riu trên bếp. Mấy gã trai chưa có người yêu tỏ ra bối rối. Có gì đó sai sai ở đây, như thể Thu sáng nay và Thu vừa chạy xe ra khỏi cổng là hai cô gái hoàn toàn khác. Các cô gái thì cười, son phấn giúp người ta biến hóa vô cùng là chuyện dễ hiểu mà!
10 giờ thiếu vài phút, mấy chiếc xe máy lần lượt thắng kít trước cổng hồ hởi hỏi nhau nồi chè sao rồi, thúc hối múc chè ra ly để Thu về tới thì gắp đá bỏ vô là vừa lạnh, ngon lành. Vậy nhưng bà chủ đã xoay chìa khóa cái ổ Hủy Diệt mà chẳng thấy Thu đâu. *** Tôi là một trong những người thức khuya đêm đó. 1 giờ khuya, tiếng xe máy ngừng trước cổng. Nhìn ra thấy Kiên, tôi nhanh tay khép cửa để khỏi phải đáp lại lời chào hỏi. Một lát sau lại vang tiếng xe ngoài cổng, tôi hé cửa nhìn ra. Là Thu.
Bỗng cánh cửa bên hông nhà bà chủ bật mở và bà xuất hiện.
Nhà bà chủ và khu trọ song song với nhau, cách một khoảng sân khá rộng là đường đi ra cổng khu trọ đồng thời là chỗ dựng xe máy vào ban ngày và cũng là chỗ phơi đồ. Lúc này, áo quần và xe máy đã ở trong phòng. Trăng lưỡi liềm trên trời cao hắt sáng mờ mờ xuống lối đi chừng như rộng thêm ra vì chỉ có một mình bà chủ. Vừa bước vừa dụi mắt, búi tóc búi vội lỏng lẻo sau gáy bà chủ rung rung theo cái lắc đầu.
Các cánh cửa còn thức gần phòng tôi cũng hé ra, tôi biết vậy vì ánh sáng từ bên trong lọt qua khe hắt ra sân từng vệt, tưởng chừng như nghe được cả tiếng nín thở của mọi người. Khách trọ mới toanh mà đã dám phạm quy, không chỉ trễ vài ba phút mà hơn ba tiếng đồng hồ! Một trận sấm sét là cái chắc.
Nhưng không, bà chủ mở cái ổ Hủy Diệt. Thu dắt xe qua cổng… Đêm khuya thanh vắng, giọng bà chủ nhỏ nhẹ mà ai cũng nghe: “Đi làm giờ này mệt quá hả cháu?”. Giọng Thu trả lời: “Dạ, không sao”. *** Khu trọ như một chảo lửa. Bất công đến mức này thì quá đáng. Thợ chụp hình thì còn hiểu được, chứ đàn bà con gái làm cái gì mà về giờ đó? Cư dân khu trọ nhanh chóng điều tra ra Thu là tiếp viên ở một quán bar, nhao nhao hỏi nhau kẻ nào giới thiệu Thu đến đây. Những cú điện thoại gay gắt gọi tới chị Phượng - chủ nhân trước đây của căn phòng. Tại sao? Tại sao? Tại sao?… ***
Tôi gọi cho chị Phượng vì một lý do khác. Tôi cũng rất bất mãn vì sự có mặt của Thu. Tuy nhiên, suốt sáu năm ở đây, cuộc sống của tôi rất dễ chịu. Giá thuê rẻ hơn nơi khác mà điều kiện phòng ốc tốt hơn, bà chủ hay la mắng mà thật ra là khuyên răn, những lần đau đầu nhức răng đều được bà nấu cháo cho. Lạ lùng khi là người đi ngủ sớm mà bà biết rõ phòng nào hay thức khuya. Bà thường cho mỗi đứa thức khuya một chén chè hoặc ly sinh tố và thì thầm dặn dò: “Hôm nay chỉ có chừng này, không đủ mời tất cả nên tụi bây ăn xong đừng có nói mấy đứa kia biết mà cà nanh”. Bọn thức khuya chúng tôi cười hỉ hả thích thú vì mình được bà chủ thương mến nhiều hơn.
Tôi thực sự tiếc vì sự thay đổi của bà chủ. Khu trọ đâu có ế ẩm để mà khách cỡ nào cũng đành phải nhận. Kiên thì tôi hiểu được nhưng Thu thì không. Chiều tối làm tiếp viên quán bar thì rõ ràng rồi nhưng ban ngày mới là lạ. Buổi sáng, khi chúng tôi đi học đi làm, Thu cũng dắt xe ra cổng, giày bệt quần tây sơ mi kín đáo. Gương mặt có tấm khẩu trang che khuất nhưng hàng lông mày nhợt nhạt cho thấy là Thu không hề trang điểm và dĩ nhiên cũng không có mùi thơm nước hoa. Vào ban ngày Thu khác hẳn, như loài tắc kè hoa biến hóa tài tình. Nơi cô ta làm việc vào ban ngày hẳn không ai biết bên cạnh mình là tắc kè hoa. Giả dối.
Cả bà chủ nữa, từ nay bà cũng giống một con tắc kè. Ban ngày, bà đáp lại sự bất mãn của chúng tôi bằng sự bình thản để rồi lúc khuya khoắt thì bà dịu dàng ân cần với kẻ giả dối.
Nhưng đó là chuyện của bà, còn tôi thì dù sao cũng muốn có dịp đáp lễ, nên gọi chị Phượng để hỏi bằng cách nào mà chị thuyết phục được bà chủ chịu cho Thu trọ. Tôi cũng muốn thuyết phục bà cho tôi cầm chìa khóa Hủy Diệt. Đằng nào thì cái chìa đó cũng không còn là duy nhất, tôi hay thức khuya thì tiện thể mở cổng cho Thu để bà được ngủ ngon giấc.
Tiếng thở dài của chị Phượng vọng trong điện thoại như cơn gió: - Chị có thuyết phục gì đâu, chỉ là kể hoàn cảnh Thu cho bà chủ nghe. Gia đình Thu ở huyện, nghèo lắm. Ba má Thu ngày ngày đi làm thuê nuôi bầy con nheo nhóc. Thu lấy chồng con nhà khá giả tưởng đời đỡ khổ nào ngờ thằng chồng bạo lực. Ly hôn. Nhà chồng đòi nuôi cháu nội với lý do kinh tế họ vững vàng đủ sức lo nhưng cũng may là em bé đang bú mẹ nên Thu giành được quyền nuôi con. Nhưng, giành xong thì lấy gì mà nuôi?
Em bé mới đầy năm mà mẹ tay trắng, gửi con nhà trẻ đi làm thuê mà mỗi tháng phải nghỉ hơn chục ngày vì con nhỏ nay ốm mai đau, bị trừ lương phải vay mượn khắp… Tính đi tính lại, làm quán bar mới mau có tiền. Thu nói ráng chịu đựng đến khi dành dụm đủ thì sẽ sang cái sạp ra chợ buôn bán. Hơn nữa, làm quán bar còn có thời gian chăm con nhỏ. - Có thời gian? - Tôi ngạc nhiên hỏi lại. - Ờ - chị Phượng lại thở dài - thì làm ban đêm mà.
Chiều tối gửi em bé cho ông bà ngoại để mẹ đi làm, sáng hôm sau mẹ chạy về nhà giữ con để ông bà đi làm ăn, cứ vòng quay như vậy. Sợ người quen biết dị nghị nên phải chọn quán bar thật xa, tuốt trung tâm. Chị chỉ nói với bà chủ là nếu ở chỗ trọ dễ dãi thì sợ là Thu sa ngã luôn, còn trẻ quá mà. *** Bà chủ từ chối, không cho tôi cầm chìa khóa. Bà nói, với Kiên thì có lý bởi nghề nghiệp của Kiên như mọi người đều biết, còn tôi mà cầm chìa khóa là phá vỡ quy tắc của khu trọ.
Tôi hỏi sao bà không cho Thu giữ một cái chìa như Kiên. Bà trả lời vì nơi làm việc của Thu không cho bà sự yên tâm. Lỡ có kẻ nào đó lục túi xách của Thu rồi làm thêm một cái chìa nữa thì phiền. Tôi làm ra vẻ bâng quơ mà hỏi tiếp: - Đêm nào cũng mất ngủ, lỡ bác đổ bệnh thì sao? Bà nhìn tôi với nụ cười như thể tôi vừa nói gì đó rất kỳ cục, rồi bà hạ giọng: - Thằng Kiên cũng nói với bác y như cháu vừa nói. Ô… Ra là vậy. *** Tôi chưa kể cho ai nghe cuộc nói chuyện với chị Phượng và bà chủ mà không hiểu sao cả khu trọ đều biết. Cứ như là có cơn gió mát lành thổi tung bí mật rồi mang lời lẽ đến tai mọi người, giúp xóa đi những gút mắc và lan tỏa niềm thông cảm. Còn nghe thêm là Kiên đang rủ rê Thu học nghề chụp hình, nghe đâu Thu định nghỉ quán bar nhưng chủ quán bắt chẹt rằng nghỉ ngang sẽ bị cúp lương nên Thu phải làm nán tới cuối tháng. Và hình như…
Đến nỗi mà những kẻ thường đi ngủ sớm cũng cố thức vài đêm để tận mắt nhìn thấy Kiên mở cổng và dắt xe giùm Thu. Tất cả cười ha ha. Từ nay, ai mơ tưởng tình duyên thì đừng e ngại giấu kín trong lòng mà hãy thốt thành lời, như Kiên từng nói thích làm rể khu trọ này…