Cô hất thau nước giặt đồ xuống mặt sông. Một thanh âm ướt rượt vang lên, kéo dài như những con sóng đang đuổi nhau trước mắt. Tiếng vang này cô nghe mỗi ngày khi chống cây sào xuống nước đẩy chiếc ghe rời khỏi bến, khi nấu ăn, giặt giũ mà sao vẫn không quen.
Cô đưa mắt nhìn vào bờ, nơi có hàng dừa nước nhấp nhô tựa bức tường thành ngăn cái thế giới trên bờ vững chãi và cái thế giới chòng chành, chao đảo theo từng con sóng trên chiếc ghe thương hồ. Cô nghe cơn thèm muốn trào ra như con cá cố chuồi khỏi bàn tay người nắm bắt. Cô thèm được đặt chân lên bờ, được ngủ trên chiếc giường trong căn nhà yên ắng, nghe tiếng thằn lằn tặc lưỡi bắt muỗi trên vách lá mỗi đêm. Một cách vô thức, cô duỗi thẳng chân, hệt như người ta thả lưới rồi háo hức kéo lên. Chỉ là một sự rỗng không. Cái lạnh của nước nhắc cô nhớ mình đang ở đâu. Cô thu chân lên. Đất liền ngay kia, gần vậy thôi nhưng với cô thì xa lắm. Giờ chắc Bi đã ngủ với bà.
Ảnh: KHẮC HIẾU
Chăm chú vào khoảng lưng to bè bè của chồng từ cái mui thuyền bạc phếch màu nắng gió, cô không mấy khi nhìn rõ mặt anh. Đã bao lâu rồi vợ chồng cô không còn thong thả để kịp nhìn nhau? Những vất vả áo cơm dập dềnh theo con nước và khoảng không gian nghẹn bứ này, ngày ngày tháng tháng năm năm đã lấy đi của họ gần như tất cả mọi cảm xúc đã từng. Một ý nghĩ bỗng nhiên vụt qua, như chạm phải luồng điện đủ để tê rần cánh tay. Người ngồi trên kia sao như chẳng liên quan gì đến mình. Cơn ớn lạnh mơ hồ ở đâu kéo đến. Cô nghe tay chân mình như một tờ giấy bị quăng vào thau nước. Từng phần cứ thế rã ra, mỏi nhừ.
Cô không biết mình đã ngủ bao lâu. Những giấc ngủ mơ hồ trong nồng nặc mùi, trên chiếc ghe cũ kỹ này dẫu đã ngót mấy năm vẫn không thể khiến cô quen được. Cho đến lúc nghe có một sức nặng phủ lên người. Vẫn cảm giác rộn rạo, sôi trong bụng như bao lần. Mùi dầu nhớt phảng phất giữa mùi mồ hôi, mùi khê nồng của thuốc lá, của hàng hóa quấn lấy cô… Đau rát. Bức bối. Không hiểu sao cô cứ cảm giác như có con rắn nhiều đầu đang chẹn lên cổ mình. Nhắm mắt, cô cố lấy hơi để thở, tai vẫn nghe tiếng sóng vỗ đều đặn. Ngoài kia là đêm tối.
***
Bà chớp mắt lần thứ ba để nhìn rõ hơn những tàn nhang co quắp trên lư hương. Có những tàn cong cong bị đẩy ra ngoài, hình hài vẫn nguyên vẹn một màu xam xám đùng đục. Không dưng bà nghe hồi hộp, khi nghĩ chỉ cần một làn gió thoảng qua, chút tàn tro kia sẽ gãy vụn.
Từ lúc nào không biết, bà trở nên dễ hồi hộp và âu lo. Kiểu như tuổi già cứ rón rén đến với con người ta lúc nào chẳng biết. Khi chợt nhận ra sao giấc ngủ trầy trật mãi không đến, nhận ra miếng cơm trong miệng cứ nhạt nhẽo, nhận ra các khớp chân tay có làm gì nhiều đâu mà như ai đó đè ra đánh… nghĩa là đã bỏ một quãng thanh xuân xa ngái.
Gió mang hơi lạnh từ ngoài sông thổi vào làm lay động đuôi tàu dừa xeo xéo sau cái am thờ nhỏ. Ngọn gió này, mỗi ngày không được hít vào thở ra là bà tưởng mình như con cá rời khỏi nước. Tháng trước, tự nhiên đang khỏe trân, mới còn nhìn thằng Bi nhảy chồm chồm ngoài sân vậy mà thoắt cái, bỗng dưng tối hù tựa như có ai lấy cái chảo khổng lồ mà úp lên đầu bà vậy. Lúc nặng nhọc mở được mi mắt ra thì mùi thuốc, mùi đồ ăn, mùi hơi người trong căn phòng bệnh viện khiến bà ngạt thở. Nhìn những bóng áo trắng kiệm lời, khuôn mặt bịt kín, chỉ có ánh mắt không biểu hiện tí cảm xúc nào, chưa bao giờ bà thèm những cơn gió sau vườn nhà mình đến vậy.
Ở xứ cù lao tứ bề là nước này, từng cây dừa, cây chanh, trái khế đến viên đất, cái am, mái đình, bà thân thuộc như chính sợi tóc, ngón tay của mình. Từ hồi còn ngồi nắn đất sét thành ông táo, cái nồi, chắc tầm tuổi thằng Bi bây giờ, bà đã quen ngồi đây, lẩm nhẩm nói với bức tượng người phụ nữ trên cao rằng bà có thấy con nắn đất sét đẹp không. Mỗi lần bị nhà quở mắng, bà chạy ra đây nằm co ro như con mèo mắc mưa dưới khoảnh đất nhẵn thính trước am mà rấm rứt. Đôi lần ngủ quên lúc nào không hay, khi thức dậy bà đã thấy mình nằm trên chiếc giường gỗ cọt kẹt quen thuộc trong góc nhà.
Từng ấy tháng năm, mỗi ngày bà vẫn lau tượng Phật bà bằng chiếc khăn riêng rồi thắp nhang đều đặn, từ hồi xung quanh là vườn sơ ri um tùm lẫn vào một vài cây sa-pô-chê cho đến lúc thành con đường nhựa phẳng phiu, khách khứa vào ra tấp nập như bây giờ; từ hồi bà biết mình có thai thằng Long. Nhắc đến thằng con, bà nghe lòng cuộn lên một nỗi niềm thầm kín. Như một phản xạ tự nhiên, bà ngước lên nhìn Phật bà, câu cầu nguyện rơi trong thinh lặng. Gần 30 năm qua, bà luôn cầu nguyện và tin đấng siêu nhiên thấu tỏ: “Xin hãy chở che cho nó”.
Chợt bà nghe một luồng hơi lạnh chạy dọc sống lưng. Có bí mật nào trên đời này giấu được tất thảy mọi người? Bà không biết. Chỉ biết rõ, những thắc thỏm, cuộn xoáy khi ôm giữ trong lòng một điều không thể nói chẳng khác gì mang một mảnh dằm ghim ở bàn tay. Nó khiến chính mình suy kiệt.
- Ông à…
- Hử…
- Tui cảm ơn ông vì… bao năm qua… Tui muốn cảm ơn ông về thằng Long…
- Nó là con mình, hơi cứng đầu một chút. Không có tui bà ráng…
- Nó…
- Nó là con mình, bà à!
***
Trời nhờ nhờ sáng. hơi thở ẩm ướt của dòng sông như luồng hơi từ miệng của gã khổng lồ hắt vào mặt cô. Với tay bật chiếc đèn pin, cô kề sát mặt vào cái gương soi loại rẻ tiền đã trầy trụa, nhìn như thôi miên vào khuôn mặt của chính mình. Đôi môi nứt nẻ này là của cô sao?
Mái tóc rối nùi này là của cô sao? Đưa tay di di nhẹ lên lớp da môi khô ráp, cô dừng lại thật lâu nơi những vết nứt sâu, nghe như tháng năm chảy dài trên khuôn mặt mình. Tẩn mẩn lần từng sợi tóc rủ xuống trước trán, cô tự hỏi mình đã làm gì đời mình. Cô cho người ta xông vào, xé toang vết thương mà cô không hề có lỗi. Là cô cho phép người đàn ông mình gọi là chồng được quyền đứng trên cao thẳng chân mà đạp mạnh không nương sức? Tự nhiên nghe lòng mềm rũ, cô bặm môi. Một lần, hai lần rồi ba lần, đôi mắt khắc khoải chăm chăm tìm chút sắc hồng tươi một thời con gái.
- Làm gì mà chậm như rùa vậy?
Cô giật mình, như chạm phải hòn đá phẳng lì, không có cái mấu nào để bám víu. Cái kiếng nhỏ tuột khỏi tay, rơi xuống.
- Đi chợ rồi mau về. Tui cho ghe về nhà trước.
- …
- Xách cái phích mua đá.
- …
Cô đi như chạy, lướt trên tấm ván. Tấm ván oằn mình run bần bật. Đôi dép cầm trên tay chưa kịp xỏ. Có điều gì trào dậy hệt cơn buồn nôn của kỳ thai nghén. Cô đi thật nhanh. Khuôn mặt gây hấn của chồng cứ như rượt đuổi sát sạt sau lưng.
***
- Nghe đâu bà già thằng Long cưng thằng nhỏ lắm…
- Cho con phích đá bà Năm!
- Ơi, con vợ thằng Long! Bây sao tò tò ở đây. Thằng nhỏ con bây nó té sông, nghe đâu nguy lắm!
Ai? Con cô? Cô quay lưng chạy thật nhanh, vừa chạy cô vừa gọi điện cho chồng. Không ai trả lời. Ít khi nào chồng không trả lời những cuộc gọi hiếm hoi của cô. Anh đang làm gì? Đi tìm thằng Bi phải không? Ừ, phải đi tìm nó chứ. Thằng Bi là con cô mà! Cổ họng khô như rang. Nó không sao, ừ nó sẽ không sao! Một đám đông xúm xít trước cổng nhà.
Cô nghe hơi thở như rời bỏ mình đi. Hy vọng bắt đầu lan ra trong tấm thân gần kiệt quệ của cô.
- Bi! Bi! Bi…
Ngồi phịch xuống góc đi-văng, cô như chiếc xe bị đâm thủng lốp, nước mắt cứ tuôn trào. Thằng Bi nằm thiêm thiếp. Không dám chạm vào tay con, không dưng cô nhớ con đến run rẩy. Không dưng những ngày cô luôn đặt chiếc nôi con thật gần mình hiện lên rõ ràng hơn bao giờ hết. Cô nhớ mình lắng nghe hơi thở của con hằng đêm. Chưa có thứ gì khẽ khàng và thơm tho đến như thế trên đời này. Cô thật sự không nhớ mình có ngủ không trong những ngày tháng đó, những ngày chỉ có cô và con.
Sẽ có một sợi dây nối mình mãi vào đứa trẻ này - cô biết. Nếu cuộc đời đưa đến cho cô bất cứ chọn lựa nào, cô cũng sẽ vì con mà lựa chọn. Khi gặp anh, cô có cảm giác như được neo vào một nơi an toàn và vững chắc. Giờ thì nhiều lúc cô tự hỏi đó là thật không hay chỉ là phản xạ của một sự đợi chờ đã lâu. Anh ân cần với con trai cô. Mẹ anh cũng thương thằng bé. Cô biết anh vẫn âm thầm đợi chờ một khúc ruột của mình.
Một năm, hai năm, rồi ba năm trôi qua, chồng cô dường như đã không còn kiên nhẫn. Anh ngày càng hậm hực với cô. Cô vì lòng biết ơn, vì chỗ nương thân của hai mẹ con mà cúi mặt nín nhịn, mà mơ hồ thấy rằng anh không còn thương Bi như ngày trước. Thậm chí có lần, trong hầm máy âm u đầy mùi dầu nhớt, chồng hỏi thẳng là có phải cô sợ anh sẽ thương em bé khác hơn Bi nên không đẻ. Cô nhớ mình im lặng, không khóc. Một đứa con, với đàn bà, là tất cả cuộc đời, cho dù nó được sinh ra từ người đàn ông mà một chút cảm xúc hay tình yêu cũng không còn nữa. Có đàn bà nào trên đời này không khao khát những đứa con?
- Nó không sao rồi con. Để nó ngủ!
Bàn tay nhăn nheo rặt xương của mẹ chồng chạm lên vai cô, ấm áp. Cô thật sự muốn đứng lên ôm lấy bà, nói với bà rằng bao năm qua cô biết ơn bà, rằng cô đã nắm níu không nỡ rời đi cũng có phần vì yêu quý bà…
Gió dưới sông thổi lên mát rượi mà sao cô nghe lạnh quá. Chùm tia sáng xuyên qua tàn cây dội vào mắt chói lòa. Cô xây xẩm. Mọi thứ bỗng lộn xộn, lao xao tiếng được tiếng mất của nhiều người, dường như có cả tiếng chồng cô - những âm thanh nặng trịch quen thuộc. Cô thấy mình chìm vào bóng tối…
- Con ngồi đi. Hai mẹ con nó ngủ rồi phải không?
- Ngủ rồi mẹ, Nhàn nó choáng. Thằng Bi thì ổn rồi.
- Ừ, cho mẹ miếng lửa.
Bà đưa tay rút mấy cây nhang trong cái lọ sành mẻ miệng nơi góc bàn thờ. Cử chỉ từ tốn, chậm rãi, như sợ từng khớp xương sẽ khẽ rên lên trong mỗi cử động của mình. Lửa bắt nhanh trên đầu mấy cây nhang, như một chùm sáng lung linh nhảy múa. Mùi nhang tỏa ra ấm áp lạ kỳ.
- Đốt cho ba cây nhang đi, rồi ngồi xuống đây!
- Bao năm nay mẹ có một chuyện...
Có cái gì đó như chặn ngang cuống họng, bà nói nhỏ đến nỗi ngỡ như không nghe tiếng của chính mình.
- … mà ba bây… đến lúc cuối cùng, trước khi đi cũng không cho mẹ nói. Mẹ biết ý ổng. Mẹ cũng định sống để dạ chết mang theo nhưng mẹ cảm thấy giờ mẹ phải nói.
- Gì vậy mẹ? Có chuyện gì lớn lắm hả mẹ? Mẹ bình tĩnh lại rồi hẵng nói!
- Là con… là mày! Con ơi, mày như thằng Bi vậy. Mẹ mang bầu mày khi người ta cũng bỏ mẹ đi như cái cách thằng nào đó nó bỏ đi khỏi đời con Nhàn… Con thương người ta thì phải thương cho trót. Sao lại dằn hắt nó? Có bao giờ mày thấy ba mày dằn hắt mẹ hay có bao giờ mày cảm thấy mày không phải là con của ổng chưa?
- Mẹ…
- Nếu hôm nay thằng Bi có mệnh hệ nào, con Nhàn nó sống ra làm sao con? Mày bỏ thằng nhỏ khi nó xuống ghe chơi, đi về mà không thèm ngó. Mày có thể có những cô vợ khác, đẻ đứa con khác. Thời buổi bây giờ, có khó gì mà tìm một người đàn bà đâu con. Nhưng sau này, mày ngồi nhớ lại những dằn hắt nhỏ nhen, những hẹp hòi đã trút xuống hai đứa yếu đuối không có sức chống đỡ như mẹ con nó, mày yên ổn được sao con? Đàn ông đàn ang…
- Mẹ…
- Người ta sống cho đến chết cũng chỉ học mỗi một chữ bao dung và thương yêu trên đời này thôi con. Chỉ có vậy mới mong được bình an, chứ không phải tiền bạc hay cuộc sống đầy đủ đâu. Mẹ biết con thương con Nhàn. Thương là phải ráng mà thương cho trót con à!
Bà đưa bàn tay cứng còng như nhánh cây khô héo ngày cuối đông, kéo vạt áo lau dòng nước bò xuống từ kẽ mắt. Xung quanh yên ắng, bà nghe được tiếng muỗi vo ve đâu đó và hình như cả tiếng nhịp đập từ trong lồng ngực của con trai, trong kia là con dâu và thằng Bi - cháu nội của bà.
NSND Trần Ngọc Giàu cho biết, Liên hoan Cải lương toàn quốc 2024 có thêm giải thưởng cho tác giả chuyển thể là bước tiến lớn, động viên lực lượng sáng tác.