Truyện ngắn - Phơi phóng niềm vui

31/12/2020 - 18:30

PNO - Cuối cùng thì bộ ga, mền, bao gối hai triệu tám sau khi giảm 45% ấy đã đến tay cô. Cô nhận về, kéo nhè nhẹ cái dây kéo túi nhựa trong suốt rồi mở ra cẩn thận, làm như mình mạnh tay sẽ làm dập những trái hồng in trên ấy.

Theo lẽ thường của văn vẻ điệu nghệ và hợp thời, người ta dùng "chăn drap" nhưng cô rất ghét từ đó. Ai dùng nó cũng được nhưng hai từ đó không được phát ra từ cô. Cô cảm nhận cụm từ đó cho thấy sự làm dáng một cách vô dụng.

Từ "chăn" thường xuất hiện trong sách giáo khoa, truyện và trong miệng của người miền ngoài. Ông bà cô chẳng bao giờ dùng nó, cha mẹ cô xa lạ với nó, cô chú cậu dì cũng sẽ ngượng ngùng nếu phải thốt lên cụm từ hết sức giáo khoa đó. Và thế là cô chọn cách nói của truyền thống gia đình, dòng họ mình như một cách bảo tồn dấu ấn xứ sở. Luôn luôn là vậy, cô tin xứ nào cũng có điều đặc biệt và mình sẽ trở nên đặc biệt khi tự nhiên sống, thở và cười giỡn với nó.

Mà tại sao tôi lại dài dòng về “ga” và “mền”, về ngôn ngữ vùng miền của cô. Thật ra, tôi đang kể câu chuyện của tôi. Cô chính là tôi nhưng tôi lại cứ thích vòng vo như thế với hy vọng mình sẽ là người quan sát và thuật lại câu chuyện của cô xem có góc nào thú vị hơn chăng. Nhưng, cũng không loại trừ khả năng cách kể này sẽ làm cho câu chuyện rối rắm, tù mù. Nhưng, lại nhưng, cũng chả sao, chả phải thời nay các đối tượng rởm đời (theo một thống kê tùy tiện hay nói cách khác là thống kê không thống kê gì cả của tôi, số đó chiếm tới 78% dân số của bọn trẻ) thích thú đọc những thứ tù mù, ngang phè, ngơ ngác. Thế, tóm lại tôi muốn thực hiện một cuộc khám phá thú vị nhưng nếu ý định này không thành thì hy vọng tôi góp phần giúp cho tụi trẻ lẫn những tụi chưa trưởng thành có thể gật gù gán cho câu chuyện bao nhiêu là ý nghĩ sâu xa, thầm kín, sâu sắc và bạo liệt. Cứ biết vậy!
***

Thôi, cũng nên quay trở lại chuyện cái mền và tấm ga giường. Ngày nhỏ, nhà cô có một cái giường mà ba mẹ mua lại của một người nào đó trong xã. Mẹ cô nói người ta kiêng mua lại giường cũ vì sợ nếu mua trúng giường bà đẻ là xui lắm. Dân gian quan niệm cái gì dính tới bà đẻ là "dơ dáy". Thế nhưng, không biết sao ba mẹ cô lại mua, chắc vì nó là một cái giường tốt và rẻ. Cái giường đó để trong buồng của ba mẹ. Ba chị em cô nằm chung trên một chiếc phản gỗ. Lúc nhỏ, người cô ốm nhom ốm nhách, đêm ngủ bốn phương tám hướng đều bị xương cấn đau ê ẩm. Nằm xoay trái thì đau xương vai, xương hông, đầu gối và mắt cá chân. Nằm ngửa thì cấn xương cụt, chưa kể cái lưng gãy mà ngày nay người ta trầm trồ đường cong chết người nhưng ngày bé cô chỉ thấy đau muốn chết mà thôi.

Lâu lâu, có dịp gì đặc biệt, được phi vào giường ngủ một đêm, với cô, nó thật êm ái và ấm áp. Cô chỉ ước đêm nào cũng được ngủ trên chiếc giường có vạt tre mỏng nhỏ phía dưới rồi trải lên chiếc chiếu có vẽ chữ "hỷ", hai bên có đôi chim câu đối xứng. Mỗi năm gần tết, mẹ sẽ mua chiếu mới về thay một lần. 

Cô không nhớ ước ao như vậy đã bao nhiêu lần, thì cô thành thiếu nữ - một thiếu nữ mảnh dẻ, xinh xắn và xa nhà đi học, đi làm; vài tháng, vài năm lại chuyển chỗ trọ một lần. Mỗi lần cô chuyển chỗ ở, chiếc chiếu đơn được cuộn lại bỏ lên xích lô, chở đi cùng mùng mền, quần áo và nồi niêu chảo chén. Đi đến đâu, chiếc chiếu vẫn trải xuống nền gạch và cô gái mảnh dẻ vẫn cảm thấy ê ẩm mỗi khi ngủ dậy. Cô ước gì mình có một chỗ ngủ êm ái hơn, để không còn cảm thấy khổ sở mỗi đêm xoay qua trở lại mà xoay hướng nào cũng đau ê mình.
***

Chắc hằng đêm cô vẫn đều đặn gởi thông điệp "cho con một cái nệm" vào vũ trụ, nên một ngày kia, vũ trụ gởi đến cho cô một người bạn chung phòng. Cô này tên Thơ, nhà ở quê, ba làm chủ tịch xã, gia đình khá giả nhưng học hết lớp 12 thì ở nhà chơi. Chơi vài năm cũng chán, Thơ bèn lấy chồng ở thành phố, nhờ người bà con giới thiệu. Chồng cô làm vệ sĩ trong một công ty gì đó cũng danh tiếng. Thế là Thơ lên thành phố học trang điểm để có cái nghề trước khi về nhà chồng. May sao đợt đó phòng cô có người dọn đi, thế là Thơ đến thế vào.

Thơ mang theo bao nhiêu là đồ đạc, cả chiếc nệm đơn loại mỏng màu sắc sặc sỡ có thể cuộn gọn lại. Với cô, Thơ thật quái lạ. Sao cô ta không ngủ trên nệm êm mà lại nằm đánh thệch ra sàn. Thơ nói: "Nằm trên nền gạch mát mới sướng, bà thích thì trải nệm ra nằm đi, tui xách theo cái nệm cho mẹ tui yên tâm á mà". Vậy là từ bữa đó, coi như cô được sở hữu cái nệm. Cuộc đời cũng đến lúc được ngủ ngon, ngủ thẳng cẳng mà không phải trở mình đau nhức.

Năm sau, cô ra trường đi làm và năm sau nữa thì lấy chồng. Người ta lo chuẩn bị giường cưới xong xuôi rồi mới rước dâu, còn vợ chồng cô nhà cửa không có, hai người ở hai phòng trọ. Mười mấy năm sau, đứa em hỏi ngày xưa anh chị rước dâu đi đâu, cô ngồi cả buổi chiều cũng không nhớ nổi xe hoa lăn bánh từ nhà ba mẹ cô ở quê rồi đưa cô đi đâu. Một đám cưới mà nhà gái không biết đưa dâu đi đâu và nhà trai không biết rước về đâu. Thật là phi lý hết sức. Nhưng nhà trai và nhà gái vẫn đưa rước xông xênh, vì không như thế thì sợ hàng xóm xì xầm chắc đồ con gái hư thúi. Để bảo toàn thể diện cho cô dâu và đàng gái, mình rước nhau đến nhà hàng tiệc cưới. Chả ai nghĩ gì cả, chỉ có cô dâu thoáng lợn cợn: “Ủa cái lễ rước dâu lên nhà hàng thì có nghĩa lý gì?”.

Sau đám cưới, hai vợ chồng được ba mẹ, bà con hai họ tặng cho cả mớ tiền, vàng. Rủng rỉnh rồi nhưng chồng cô lại kiếm một căn phòng nhỏ xíu chừng 20 mét vuông trong khu trung tâm thành phố. Thế là hai vợ chồng chẳng thể để được cái giường cho tử tế. Họ đến cửa hàng bán nệm mua một chiếc nệm và một cái ga, rồi lại đến siêu thị mua hai cái gối và một chiếc mền. Ga và gối cũ thì cô mua cái mới về thay. Riêng cái mền, vợ chồng cô đắp chung đã 14 năm. Đó là một cái mền “thần kỳ”, trời nóng chạm vào rất mát mẻ, lúc lạnh đắp vào rất ấm áp. Cái mền màu xanh nước biển, có trang trí những chiếc bông tròn xinh xắn và thanh nhã, mỏng nhẹ. Cô không biết nó được may bằng loại vải gì, có lúc cô ngờ nó là vải dù nhưng vải dù làm sao mà mát thế? Liệu có phải nó được may bằng lụa?

Cái mền đi theo vợ chồng cô từ căn phòng thuê đến căn hộ họ mua. Ở căn hộ, họ mua một chiếc giường nhưng ga mền thì vẫn kiểu râu ông nọ cằm bà kia. Việc mua một bộ ga, mền, gối đồng bộ là điều hết sức xa xỉ vì họ vẫn còn nghèo, phải trả nợ ngân hàng mỗi tháng. Nhưng cô vẫn mơ ước một chỗ ngủ êm ấm và xinh đẹp, điệu đà hơn. 
***

Sau khi cưới 15 năm, vợ chồng cô thôi nhau cũng không mấy gì êm thấm. Hai bên phải đấu trí vật vã mới xong. Cô vẫn ở trong căn hộ chung cư cùng con. Mọi thói quen sinh hoạt không có gì thay đổi. Mẹ và con gái vẫn ngủ cùng nhau, đêm nào cũng tắt đèn nằm kể chuyện ngày xưa, chuyện bạn bè trường lớp, chuyện rung động tuổi học trò, chuyện ca sĩ A. mới ra MV hay dở ra sao, đã đạt top 1 trending trên YouTube chưa… Cô thấy mẹ con tâm tình, đùa giỡn rồi cười sảng khoái như vậy yên ấm, hạnh phúc quá. Cô không còn đòi hỏi gì hơn. 

Đêm nọ, con gái đề nghị hai mẹ con đổi mền cho nhau. Con gái muốn được chạm vào chiếc mền lụa mát mẻ của mẹ. Với cô bé, nó mềm như một đám mây mùa xuân nở những bông hoa xanh hiếm có. Cô bé nhiều lần xin nhưng mẹ không đồng ý, chỉ thỉnh thoảng cho mượn đắp một đêm. Trong lúc quẫy đạp cựa quậy, cô bé phát hiện ra chiếc mền bị lủng một lỗ nhỏ, lập tức thông báo với một biểu cảm sửng sốt. Nhưng mẹ cô đáp rất điềm tĩnh: "Mẹ thấy lâu rồi". 

Thật tình, cô đã thấy lỗ lủng đó và cũng nhận ra chiếc mền của mình đã sứt chỉ ở những đường chần ô vuông để giữ cho lớp bông mỏng bên trong dàn đều ổn định. Lượng bông ít ỏi nằm giữa hai lớp vải màu xanh qua bao nhiêu năm giặt giũ đã bị teo tóp co cụm lại như những bà già còng lưng, nhăn nheo. Hôm nay cô nghĩ đã đến lúc nên sắm một bộ ga mền, bao gối mới, xịn, đồng bộ, xinh xắn, điệu nghệ rồi.

Mình chẳng thể nào cứ mãi sống với một ám ảnh nghèo khổ, quê mùa và tạm bợ. Mình có phải nghèo khổ thiếu thốn gì đâu mà không đầu tư một chỗ ngủ cho ra hồn. Thế là cô tuyên bố: "Vài bữa nữa mẹ sẽ mua bộ ga mền mới". Đứa con gái ngay lập tức chớp lấy cơ hội: "Mẹ cho con mền cũ nha, con thích cái này hơn mền con đang có". Đó cũng là một ý hay. Nó khiến cô thở phào nhẹ nhõm. Trước đây, vài ba bận cô thoáng nghĩ thay mền mới nhưng lại không nỡ bỏ một món đồ đã đi theo cô 15 năm buồn vui nước mắt trong hôn nhân. Cô không phải là người khư khư giữ của, món nào không xài thì cô tìm cách cho hoặc bỏ đi, duy với cái mền là cô tự thấy mình yếu đuối không ngờ. 

Lần này, cô không cần phải suy nghĩ. Hôm sau, cô lân la trên Facebook của những người bạn may và bán ga mền để tìm một bộ thật đỉnh cao. Dạo tìm chán chê, cô thấy có một chị bạn chuyên order hàng Mỹ đăng hình nhiều bộ đẹp như mơ của thương hiệu Z đang giảm giá 45%. Cô “click” chuột nhanh như chớp trong album ga mền và dừng lại ở một bộ màu hồng pastel phối với chiếc mền nền trắng điểm những chùm quả hồng mọng chín - loại trái ngày nhỏ mẹ đi Sài Gòn mua về cho cô nếm một lần duy nhất mà cô đem lòng tơ tưởng miết thôi. Cô thấy mình dường như ngửi được mùi vị ngọt thanh, tươi mát của chúng.

Vậy là cô quyết một cái rụp, liên hệ với người mua hộ, chuyển hai triệu tám trong ba mươi giây và chờ hơn cả tháng, bộ ga mền mới chuyển về Việt Nam. Lòng cô hân hoan rộn rã. Tưởng tượng sắp được nằm trên một thứ đẹp đẽ êm ái, cô bất giác ngồi cười một mình như nhớ lại lời tán tỉnh của những gã dẻo miệng.

Cuối cùng thì bộ ga, mền, bao gối hai triệu tám sau khi giảm 45% ấy đã đến tay cô. Cô nhận về, kéo nhè nhẹ cái dây kéo túi nhựa trong suốt rồi mở ra cẩn thận, làm như mình mạnh tay sẽ làm dập những trái hồng in trên ấy. Cô lấy ga mền ra sờ soạng ngắm nghía cả buổi chưa đã, lúc rảnh rỗi lại lôi ra ngắm tiếp. Ba ngày sau, cô mới lấy từng món ra giặt cẩn thận. Cô nghĩ nó đẹp thế này, cần phải được phơi căng ra ở một không gian rộng rãi như bức tranh, cần phải có một chiếc giường tương xứng và ánh sáng phù hợp để tôn vẻ đẹp của nó lên. Cô quyết định mang nó ra sân phơi chung của cả tầng. Đó là một khu rộng rãi thoáng gió kế bên cầu thang nội bộ nối giữa khu A và khu B. Cuối tuần, người ta giặt mền và mang ra phơi trông rất ngăn nắp và vui mắt. Cô cẩn thận kẹp hai đầu của từng món để gió không thể cuốn báu vật của cô bay đi mất. Xong, cô lùi ra xa ngắm nghía báu vật của riêng mình, rồi hài lòng quay vào nhà. 
***

Tối hôm đó, cô nói con gái ra sân phơi lấy chiếc ga và mền mới vô. Cô bé chạy ra rồi lập tức quay vào hớt hải: “Ga mền nào mẹ? Con thấy có phơi gì ngoài đó đâu?”. Cô cứ nghĩ con gái chọc mẹ, vì thường ngày cô bé vẫn hay ghẹo mẹ suốt. Cô nửa tin nửa ngờ bước nhanh ra sân phơi. Bao tử cô nhói đau khi ánh mắt chạm vào chiếc sào sắt trống hoác. Cô sững người vài giây, rồi lập tức chạy đến đẩy cửa ghé nhìn vào thang bộ lối thoát hiểm, với hy vọng có ai đó đùa dai. Nhưng hỡi ôi, ở đó cũng trống huơ.

Cô quay trở lại thang nội bộ của tòa nhà, chạy xuống các tầng lầu, nhìn quanh quất với hy vọng bộ mền bị gió thổi bay xuống. Chạy đến khi thở không ra hơi, bất giác cô tỉnh ra tự nhủ: “Mình kẹp kỹ vậy, không thể nào rơi được”. Thế là cô lại thất thểu trèo lên. Cô nhìn vào chiếc sào sắt bề thế trống trải một lần nữa, rồi cười chua chát với đứa con gái: “Thời buổi này mà còn người đi ăn cắp mền ga hả ta?”. Cô quay bước vào nhà, ngồi xuống sofa. Rồi cô cảm giác như mình vừa trải qua một chuyện gì đó thật buồn cười. Cuộc sống sao cứ thích trêu ngươi cô vậy? Gần 40 năm sống trên đời, cô mới dám sắm một thứ đẹp đẽ dường ấy, mới được cầm nắm vuốt ve nó và đang chuẩn bị nếm trải cảm giác lăn lộn trên đó vào tối nay. Nhưng giờ thì, nó đã biến mất tăm như một trò đùa. 

Nguyệt Phạm

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
  • Thủy Hương Hoa 02-01-2021 16:01:39

    Đọc một hơi truyện ngắn, rồi tự thưởng cho mình một ly nước lọc thật đầy. Uống để thấy sao cái kết thúc của truyện cũng trống vắng, nó mang lại một nỗi buồn mênh mang...

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI