Đối diện quán bún phở Ăn Là Ghiềng với cái biển hiệu bằng chữ in nghiêng nguệch ngoạc, sai lỗi chính tả của cô Tư Nhiên là dãy nhà trọ trên hai chục phòng. Nghe đâu ông chủ là người trên phố, biết trước thông tin dự án mở đường, mở khu công nghiệp, quy hoạch khu dân cư nên chớp thời cơ. Người thuê trọ chủ yếu là công nhân làm ở xưởng may và nhà máy cơ khí cách đó không xa. Từ ngày có khu trọ, quán cô Tư Nhiên nhộn nhịp hẳn. Tầm trưa và chiều, người qua kẻ lại đông đúc. Cái chợ tự phát theo đó cũng hình thành, lèo tèo vài sạp rau, bàn thịt, mẹt cá… Chiếc xe nước mía của chị Mai và mấy gánh hàng rong rảo chân khắp phố tấp về rộn ràng, huyên náo mà cũng nhiều phiền phức. Ấy là lời càm ràm của mấy ông già trong xóm mỗi chiều ngồi hóng gió.
Cô Nhiên không phải là người vùng này vì giọng cô nhẹ, lại dùng nhiều từ thoạt nghe không ai hiểu gì. Tính cô vui vẻ, hoạt ngôn. Cô lại có nụ cười duyên, thêm ánh mắt tình tứ. Thế nên nhiều người bảo chắc ngày xưa cô đẹp lắm. Đẹp mà sao vất vả quá! Chồng con không thấy đâu, cứ thui thủi một mình. Họ hỏi nhau và rồi cũng quên mất. Chỉ cô Tư Nhiên vẫn hằng ngày vui cười, mời mọc khách. Cô nấu ngon, bát đũa lại sạch sẽ nên ai cũng thích, nhất là mấy cô gái ở nhà trọ bên đường hay ghé ăn vào buổi tối. Bọn họ ăn nói dạn dĩ, không giống gái quê, nghe đâu ở tuốt miệt trong. Họ đi may hay họ là sinh viên cũng chẳng ai rõ, chỉ biết họ đi, về thất thường lắm. Có bữa khuya lắc khuya lơ họ còn đập cửa hỏi cô Tư còn gì ăn không.
|
Ảnh: internet |
- Đi làm gái chứ đi đâu nữa, cha nội! - thằng Phát nằm nghiêng người trên chiếc xe máy cũ mèm, tỏ ra hiểu biết.
- Cái gì? - thằng Hiền ngạc nhiên, chồm người lên trước mặt thằng Phát, trố mắt nhìn.
Cô Tư ngồi trong quán nghe hết, bâng quơ bảo có gì mà hai chú cự cãi, lát con Thắm ra rồi hỏi là biết thôi mà. Thiệt tình, chuyện này mà đi hỏi người trong cuộc nghe sao mắc cười. Thằng Hiền, như cái tên nó, hiền lành và chăm chỉ. Từ ngày mấy dự án đô thị hóa nông thôn tràn về, nó đổi từ công việc đặt trúm bắt lươn, thả lờ hứng cá sang nghề xe ôm. Ao hồ thu hẹp bởi ùn ùn từng xe đất đổ xuống, san lấp để xây dựng công trình. Nó đứng ở ngã ba gần quán cô Tư đón khách. Thằng Phát cũng thế, hết ruộng đất, vợ đi làm công nhân may, nó vào Nam kiếm việc làm nhưng gặp dịch bùng phát, thất nghiệp nằm ngáp dài ở phòng trọ rồi mới đây được tỉnh cho xe đưa về, sung vào đội xe ôm kiêm bốc vác cho các chủ hàng. Mỗi khi không có khách, tụi nó cứ bàn chuyện trên trời dưới đất như vậy. Đôi khi, tụi nó tụm lại chiếc bàn đá dưới tán cây dầu đánh cờ tướng giải khuây.
- Con Thắm ra kìa! - cô Tư nhắc.
Thằng Phát ngồi bật dậy như lò xo. Thằng Hiền cũng ngẩng lên. Thấy mấy gã trai nhìn mình sỗ sàng, con Thắm nhíu mày rồi cúi nhẹ đầu, bước vào quán.
***
Thắm tầm ngoài hai mươi, da trắng, dáng mảnh, gương mặt đẹp, cặp môi đỏ mọng, mái tóc đen dài ngang hông hay vấn cao sau ót. Thắm hay ra quán cô Tư phụ rửa chén, quét dọn mỗi khi rảnh rỗi. Cũng như nhiều cô gái trong các phòng trọ nằm cuối dãy, Thắm đi về thất thường. Đôi khi, nó ở lại qua đêm đâu đó, trời chưa kịp sáng đã có mặt ở quán cô Tư.
Thằng Hiền và thằng Phát đùn đẩy nhau mãi mà không mở lời bắt chuyện với Thắm được. Cô Tư Nhiên kín đáo nhìn Thắm rồi nhìn hai gã trai mà không nhịn được cười. Không đợi hai gã lên tiếng, Thắm cầm giẻ lau, đứng trước mặt:
- Hai anh ăn gì, cô Tư làm luôn?
Thằng Phát nhìn thằng Hiền rồi cả hai xua tay lia lịa.
- Ủa, vào quán mà không ăn thì vào làm gì ta? - Thắm đưa đẩy mấy lời bâng quơ khiến hai gã trai thộn mặt, ấp úng.
Cô Tư Nhiên đỡ lời:
- Thì vào uống nước hay ngắm gái xinh cũng được chớ sao đâu mà!
Hai thằng có được đồng minh nên dạn dĩ phụ lời:
- Đúng á cô Tư, chứ đâu vào quán là phải ăn, hì!
- Có tiền đâu mà ăn chứ - thằng Phát vừa dứt lời, thằng Hiền thiệt thà bộc bạch khiến cô Tư và Thắm bật cười.
***
Các dự án hoàn thành, nhiều công trình mọc lên. Vùng quê lâu nay yên bình với rặng dừa, hàng cau, ao hồ, ruộng vườn bỗng chốc trở thành khu đô thị mới, nhà cửa san sát. Toàn là dân ở đâu về mua đất, cất nhà còn hầu hết dân gốc lâu năm thì được quy hoạch dồn lại phía gần bờ sông. Những ngôi nhà giống nhau, trước mặt là con đường bê tông rộng nối liền, giao cắt với nhiều con đường khác. Đời sống dần đi vào ổn định nhưng nỗi nhớ về cuộc sống trước đây khiến nhiều người bất mãn, có người muốn đi xứ khác làm ăn.
Chứ biết làm sao bây giờ. Dự án, quy hoạch, nâng cấp và đổi mới - đó là chủ trương. Thế nhưng, người dân ở đây đã quen việc ruộng vườn, đàn heo, con gà, giờ bỗng chốc ngồi bó gối nhìn ra, không buồn chân buồn tay sao được. Ruộng vườn đưa cả vào dự án hết rồi, còn đâu mà cấy trồng, chăm bón. Ngồi mát ăn bát vàng đâu không thấy, chỉ thấy toàn sự chán nản, ủ ê. Hết đi dạo xóm, uống trà, họ lại bày cờ ra vỉa hè ngồi đánh, mỏi lưng thì nằm võng hát hò dăm câu quen thuộc.
***
Đoàn lô tô về bày nhiều trò ở miếng đất trống phía bờ sông, nhạc mở suốt ngày đêm. Buổi tối, trẻ con giở sách học bài qua quýt rồi trốn ra coi. Đám thanh niên tụm lại từng nhóm tán tỉnh, trêu ghẹo nhau. Sân khấu tạm bợ, đèn xanh đỏ nhấp nháy. Mấy diễn viên ban ngày là con trai, đàn ông áo quần sặc sỡ, da mặt bị mỹ phẩm rẻ tiền ăn mòn trông đen và thô. Ấy vậy mà ban đêm dưới ánh sáng chập chờn, lung linh cùng điệu nhảy bốc lửa, lại hóa trang kỹ, họ chẳng khác những cô gái đầy quyến rũ õng ẹo, hát hò. Đám trai làng hùa theo, có đứa còn sấn lại khi thấy một chàng trai yểu điệu, môi son má phấn, tay cầm xấp vé lô tô đến mời mọc.
Thường đến khuya, buổi diễn mới vãn. Mấy ông bà già đứng trước cổng phe phẩy quạt nan, chép miệng. Họ không thấy vui, chỉ cảm thấy có điều gì đó bất ổn. Thỉnh thoảng, vài chiếc xe máy lướt qua kéo theo tiếng hú hét của bọn trai choai choai tóc nhuộm vàng, đỏ. Có người lắc đầu, nhìn theo. Có người buồn bã, than phiền mấy câu nghe buồn nẫu. Bọn nó chạy lên thị xã, sà vào quán nhậu hay karaoke, gà gáy mới mò về. Đứa ngáp ngắn ngáp dài, đứa áo quần xộc xệch, ngủ tới chiều mới dậy. Ba mẹ chúng chỉ biết chửi phong long, chứ biết chửi ai. Có đứa khi xài hết số tiền đền bù giải tỏa thì e ngại, tìm kiếm công việc làm nhưng cũng có đứa mặc kệ, cứ phè phỡn chơi bời, hết tiền thì ngửa tay xin cha mẹ. Thành thử, cái xóm nhỏ yên bình nay đã thay đổi nhanh chóng. Nhạc nhẽo trong các quán cà phê xập xình, đèn xanh đỏ nhấp nháy mời gọi. Học chưa hết cấp II, nhiều đứa bỏ học, tụ tập bạn bè, chồm hổm đánh bài, hút thuốc. Mấy cô gái trẻ cũng không nhút nhát, hiền lành mà trở nên dạn dĩ, nhậu nhẹt, cợt nhả chẳng hề thua đàn ông con trai.
***
Thêm vài dự án mới bắt đầu rục rịch ở vùng đất bìa làng giáp với chân núi phía tây. Người ta đổ về đo đạc, cắm mốc, tụm năm tụm ba chỉ trỏ. Dân làng hiếu kỳ cũng chen vô ngắm nghía cái bản đồ quy hoạch trên tay một cậu kỹ sư mặt mày lúc nào cũng đăm chiêu.
Thằng Phát, thằng Hiền đều chuyển nghề, giờ là nhân viên một công ty bất động sản. Người dân ở đây thường gọi nôm na đó là bọn cò đất. Cò đất sinh sôi nhiều hơn nấm sau mưa. Chúng ngồi la liệt ở cà phê Tình Nồng gần quán cô Tư Nhiên. Trông quần áo đứa nào cũng tươm tất, lịch sự. Thằng Phát cứ thấy con Thắm lấp ló ở quán cô Tư thế nào cũng buông lời cợt nhả. Con Thắm chỉ cười rồi lảng tránh. Nghe đâu nó sắp về quê bởi cái nghề nó đang làm, tại cái đất nửa phố nửa quê cạnh tranh khốc liệt quá.
Mấy gã đàn ông có tiền đền bù, một bước lên tiên đến mua vui, miệng nôn toàn hơi tiền, hợm hĩnh mà kẽ chân tay phèn chua còn ố vàng. Có gã còn huênh hoang, bô bô thành tích khiến mấy bà vợ mới lên đời môi mọng mày xăm hùng hổ kéo đến khu trọ chửi bới, đánh ghen ỏm tỏi. Nhục không biết đường nào mà chui, dù thế vẫn có cô nanh nọc, tay chống nạnh đốp chát lại.
Người ta không gọi đây là làng nữa bởi phố đang hình thành theo đúng nghĩa. Những mảnh vườn, dù trong ngõ sâu, hẻm chật cũng được cò đất lùng sục trả giá. Người dân sẵn sàng phân lô bán nền khi cọc tiền dày cộm mà từ thời cha sinh mẹ đẻ đến giờ chưa từng thấy được bọn cò đất đẩy đưa trước mặt. Đầu làng, ông kia bán năm lô, chia cho con mỗi đứa nửa tỷ đồng thì giữa làng, bà nọ bán luôn đất và nhà đang ở để lấy tiền buôn bán. Hầu như những mảnh vườn khắp làng đều thu hẹp lại.
Làng thay đổi từ ngoài vào trong; mấy ông bà già hay than vãn, tiếc nuối. Cái không gian rộng rãi của những khu vườn, những hàng cây bây giờ rất hiếm gặp. Cả làng này đều bị bủa vây bởi những bức tường xám nín lặng. Đi dọc đường bê tông giữa ban trưa hầm hập nóng, người ta lại thèm lại nhớ chút sương chiều bảng lảng. Gặp đống đất cao sắp san phẳng làm nền nhà, người ta lại nhắc lòng nhức nhối một sắc hoa. Ngày trước, những nếp nhà nhỏ, mái rạ lẳng lặng rủ bóng bên hàng cau, ngọn khói lam vờn nơi chái bếp màu xanh mơ. Giờ thì tất cả đã lùi xa, làng quê không còn yên bình nữa mà luôn trong tình trạng bất an. Mấy ông bà già mỗi chiều ngồi tréo chân ở gốc trứng cá đầu ngõ cứ thở vắn than dài.
***
Quán phở Ăn Là Ghiềng đã mở cửa lại sau nửa năm cô Tư Nhiên không thiết tha với công việc của bà chủ quán ăn vui tính, hay cười, đon đả mời khách bởi dạo ấy, cứ tầm xế chiều là cô cầm cuốn sổ dạo quanh xóm ghi đề. Con Thắm can ngăn mấy bận cũng không được. Nó còn bảo, cô không bán thì sang quán cho con, chứ để mất khách trong khi làm ăn được thì uổng lắm nhưng cô Tư Nhiên không chịu.
Nạn đề đóm đỏ đen tràn đến đây như một cơn lốc khiến nhiều người rơi vào cảnh khốn đốn. Ban đầu, chỉ mấy bà mấy cô ghi vài ngàn đồng nhưng càng về sau thì mấy anh mấy chú nổi máu tham ghi hàng chục, hàng trăm ngàn đồng. Ngay mấy cô tóc nhuộm uốn xoăn, môi lúc nào cũng đỏ choét sống trong những căn phòng trọ xây vội cũng lao vào sát phạt, có cô phải chuồn ngay trong đêm vì nợ nần, vì bị đánh ghen, vì bọn bảo kê hạch sách.
Trước quán lúc này là một nhóm đàn ông, có cả thằng Hiền và thằng Phát. Đất quy hoạch hết sốt, hai đứa trở lại công việc cũ. Thằng Hiền vừa lấy giẻ lau cái xe máy bám đầy bụi vừa ca cải lương, công nhận giọng nó ngọt như mía lùi. Thằng Phát phụ họa theo, trông cặp mắt nó híp lại, hay đáo để. Nó không vui sao được bởi sau vài bữa say nắng con bé tiếp thị kia, nó bị vợ phát hiện, đòi ly hôn nhưng nay thì vợ chồng nó đã lại cơm lành canh ngọt, nghe đâu vợ nó có bầu hai tháng.
Ngồi ở chiếc ghế nhựa cũ, con Thắm, trong bộ sắc phục công an vui vẻ:
- Chẳng mấy chốc là tới tết rồi cô Tư nhỉ? Năm nay, con sẽ ăn tết cùng mọi người.
- Thiệt không đó cô Thắm? - thằng Hiền ngạc nhiên hỏi lại; bởi sau vụ nhiều người dính vào lùm xùm của lô đề và bể hụi nửa năm trước thì mọi người mới ngớ ra khi biết con Thắm là công an được phân công về đây theo dõi, nắm tình hình. Nhờ vậy, nó mới khui ra được bọn tội phạm núp sau chủ đầu tư các dự án, thổi phồng giá đất.
Thằng Phát xích chiếc ghế lại gần con Thắm, cười cười:
- Cô thấy địa bàn này ổn rồi phải không? Nghĩ lại, tui cũng không tin lại có sự thay đổi như vậy.
Thắm gật đầu xác nhận, nhiệm vụ của nó hoàn thành cũng nhờ một phần vào sự hợp tác của những người dân hiền lành, chân chất nơi đây.
***
Cái chợ tự phát ở ngã ba nhộn nhịp người mua kẻ bán. Những quầy thịt, sạp rau, mẹt cá đều tươi ngon. Cô Tư Nhiên lúc vắng khách ra đứng trước cửa, nhìn đăm đắm vào những cánh hoa dầu vừa rơi xuống. Trước khi chạm đất, những bông hoa xoay tròn trông thật đẹp. Thắm cũng vừa họp giao ban trên huyện về ghé lại hỏi thăm cô Tư mấy câu. Hai cô cháu đều ngạc nhiên, tròn mắt khi thấy những mầm non của cây dầu đội đất đứng dậy. Những tia nắng xanh ngời sưởi ấm cho những mầm cây. Chỉ nay mai, những cây dầu ấy sẽ lớn lên tươi tốt.
Sơn Trần