PNO - Tám Đò chắc chắn thằng Tình sẽ về. Nó tin vậy nên sớm nào cũng chạy ra bến Lòng Tàu đứng ngóng. Ngóng mệt thì tấp vào quán cà phê của chị Đẹp ngồi hóng hớt dăm ba câu chuyện sắm tết của dân đảo mình.
Chừng chuyến phà buổi sáng cập bến, nó đứng lên lóng ngóng tìm. Tìm chán chê không thấy bóng dáng thằng bạn, nó lủi thủi đạp chiếc xe quay về. Nắng đổ bóng Tám Đò lên bờ bao của ruộng muối buồn như câu vọng cổ.
Bây giờ đã là những ngày cuối Chạp. Gió non thổi lên đảo những cơn se se. Mấy tàu lá chuối xanh rì phất phơ thể như đang vẫy chào. Đảo làm gì có lá dong, trăm thứ bánh đều gói bằng lá chuối. Những ngày này, thiên hạ đổ lên núi Giồng Chùa để tìm những tàu lá xanh già đặng về lau sạch rồi rọc ra theo khổ, gói bánh. Có hôm nhìn đám bạn tíu tít rủ nhau đi, chân Tám Đò nhấp nhổm, nhưng nhất định chờ thằng Tình. Dẫu gì nó cũng hứa sẽ về, dù hôm rồi, chị Đẹp thầm thì nghe nói thằng Tình về hổng được. Có đoàn nào đó trên thành phố, nó cần tiếp. Thằng Tình giờ như ngôi sao sáng của đảo, trăm công ngàn việc, đâu còn là thằng Tình lưng trần trùng trục dầm ruộng muối. Cũng không còn là thằng Tình nhảy sóng biển mỗi chiều thỏa thuê đến khi trăng treo mặt nước mới chịu về. Bận chị Đẹp nói vậy, Tám Đò lờ lững quay về nhà. Đêm nhập nhoạng, bóng người đổ dài trên con đường đảo. Đảo trong đảo, cũng mang tiếng là dân thành phố mà Thiềng Liềng như một xứ gì đó mút chỉ cà tha. Cái tên đọc lên nghe quê trớt, chẳng miếng gì dính dáng đến sự phát triển của một đại đô thị lớn nhất nước.
Ảnh: Tam Nguyên
Hồi đó, qua đò sang Thạnh An học năm cấp II, đám bạn mới ngó mấy đứa Thiềng Liềng, tỉnh queo hỏi trong đó giờ còn khỉ hông tụi mày, mà nghe đồn người Thiềng Liềng ăn chuối chấm muối sống phải không, rồi cười hô hố. Tám Đò sửng cồ vung tay lên, tiếng “chát” rơi thẳng xuống. Cả lớp nhốn nháo. Thầy phạt đứng nắng ngay sân trường. Dân đảo Thiềng Liềng mà sao dữ quá trời. Tám Đò quay qua hỏi thầy, vậy người ta chửi quê thầy thì thầy có đánh không? Ông thầy nhìn mấy thằng đảo Thiềng Liềng rồi lặng lẽ bắt cả lớp ra đứng nắng. Thầy cũng đứng chung. Đám bạn mới nhìn nhau lấm lét. Gần chục phút sau, thằng bạn mới cái mặt còn sưng đỏ lí nhí đi tới trước mặt Tám Đò nói lời xin lỗi.
Là nhớ chuyện cũ vậy, chớ chuyện thằng Tình học giỏi nhất đảo, rồi sau ra trường được giữ lại làm nghiên cứu gì đó trên thành phố, Tám Đò mừng. Mừng, mà lo. Càng ngày bước chân thằng bạn càng xa đảo muối. Có về thì chưa kịp ấm hơi muối đã phải quảy cái ba lô qua đò, sang phà. Đi. Lần nào Tám Đò cũng dành cái đò nhỏ của mình để chở duy nhất thằng bạn qua sông Lòng Tàu. Nhìn thằng bạn vẫy tay rồi hối hả lên chiếc phà lớn, Tám Đò lại đếm mây coi gió. Chỉ có mùa tết thằng bạn mới về ở lâu với đảo muối mà thôi!
29 tết, trưa trời lừng lững nắng, Tám Đò đang cắt dán trang trí lại mấy cái phòng nhỏ thì điện thoại reo hối hả. Phía bên kia giọng chị Đẹp thở gấp tiếng được tiếng mất. Trời trời thằng Tám bỏ đò ơi mày mau chạy ra bến, đón khách gấp, khách quá chừng, xí xô xí xào rân trời tao không hiểu gì hết trơn. Tám Đò không biết chuyện gì, nhưng đoán chắc có đoàn khách đột xuất ghé đảo. Kiểu này phải là đông và không báo trước nên chị Đẹp mới quýnh quáng đến thế. Từ ngày xã làm du lịch, ấp đảo Thiềng Liềng cũng rổn rảng theo từng bước chân lạ tìm đến. Ta có mà Tây cũng có. Kiểu như ai cũng ngơ ngác khi biết cái đảo nằm trong đảo, phía giáp biển này cũng là một phần của đại đô thị. Người lên đảo ngó qua ngó lại, tưởng đang ở xứ khỉ ho cò gáy nào đó, nhưng mà thanh bình yên ả quá đỗi.
Người đi trước về nói người đi sau, Thiềng Liềng những tháng ráo trời không giông gió mưa bão tấp nập người tìm đến. Họ đạp xe một vòng đảo nhỏ, trầm trồ, chụp choẹt rồi đăng lên mạng. Thiên hạ cõi mạng rân trời đổ xô đến. Cái thuyền cũ kỹ nằm nhìn con nước trên bờ cát cũng thành bối cảnh đẹp mê ly. Cái ruộng muối nắng thấu phổi diêm dân thành nơi tạo dáng thu hút cả triệu người thả tim, nhấn chia sẻ. Thiềng Liềng nổi tiếng. Dân đảo thơm lây. Thơm từ bến Lòng Tàu, thơm lên Giồng Chùa. Thơm từ ruộng muối thơm sang mấy nhà dân làm homestay du lịch. Dân đảo khấm khá hẳn.
Hồi trước Thiềng Liềng 6 tháng nắng thì 6 tháng mưa. Tháng nắng làm muối, tháng mưa bám đảo ngồi không. Cái nghèo cái đói xoay vòng theo thời vụ. 1 giạ muối là 800 đồng. Mùa nào có giá thì tầm ngàn hai, mùa nào sà lan ghé ngang nói dội muối, năm nay chỉ còn 600 đồng là dân đảo khóc ròng. Cố cự cầm chừng đâu đó đến vụ cũng phải xả kho muối bán tống bán tháo cho dân lái. Không bán thì kho đâu chứa muối mới. Không bán thì tiền đâu mùa mưa sống. Không bán thì để muối ủ đời dân đảo à! Chừng đó khoảng đời đã dầm dề trong muối chưa đã hay sao? Mấy ông bà già nói vậy rồi mở kho. Đám con nít vác muối qua sà lan mà nghe vai mình trĩu nặng.
Đó là một đêm giao thừa trên bến Lòng Tàu, 2 thằng ngồi nhìn về phía trung tâm thành phố, nghe tiếng đì đùng xa xa mà tưởng tượng cảnh lấp lánh pháo hoa rơi. Tình bảo đó là nơi Tình đến, mang Thiềng Liềng ra ngoài đó, chỉ có vậy Thiềng Liềng mới rực rỡ như pháo hoa. Nhưng, Tình không trả lời câu hỏi của Tám Đò, pháo hoa tàn pháo hoa về đâu. Giữa thinh không của đêm trừ tịch, sóng vẫn vỗ lên ruộng đời của diêm dân xứ này, sóng có tan rồi thì cũng là nước mà thôi!
Tám Đò chọn ở lại với nghề đưa đò cho mấy đứa trẻ từ Thiềng Liềng qua Thạnh An, rồi canh nắng dầm ruộng, canh mưa chạy muối. Đời quanh quẩn từ bờ bao ra bãi gió, ngó xuống ghềnh trăng, hay lên Giồng Chùa đứng nhìn toàn đảo. Từ đảo nhìn về mặt nước phía thành phố. Từ đảo nhìn xuống ruộng muối. Vàng trắng lấp lánh phận đời người Thiềng Liềng.
Tình lên thành phố, ở lại. Hôm nhận công việc nơi đó, Tình háo hức điện thoại cho Tám Đò, bảo đó là cơ hội. Không phải bất cứ ước mơ nào cũng được thắp sáng ở thành phố này, nhưng chí ít nó cho người ta cơ hội. Thành phố vẫn cứ luôn là nơi bốn phương tám hướng tụ về để tìm cho mình một con đường. Tụ đến đây rồi lại ra đi, cũng có khi ở lại. Nhưng, Tình tin, mọi con đường thành phố này đều đan chéo, mắc cài vào nhau như mạch máu nuôi sống thị thành, nhưng với Tình, sẽ luôn có một con đường dẫn thị thành về lại Thiềng Liềng. Cái đảo trong đảo này sẽ là nơi hội tụ trăm miền, ngàn bước chân và triệu tấm lòng. Một ngày nào đó, thị thành sẽ nhắc nhau về một Thiềng Liềng như khúc ruột dát đầy vàng trắng.
Thiềng Liềng phải trở mình. Thằng Tình phác thảo, dành cả tuần lễ vận động ấp đảo làm du lịch xanh, bằng cây nhà lá vườn, bằng cái tình dân đảo, bằng cái ngon xứ muối. Tỉ như chị Đẹp nè, mở rộng nhà ra làm homestay có 5 phòng, mở cái quán nước bắt mắt trồng bông hoa như cái tên. Từ cái giàn bông trắng trái đỏ chế ra món nước trứ danh trên đảo. Tỉ như Tám Đò nè, mở rộng khu đất cạnh kho muối ra làm cái nhà sân vườn cho khách lưu trú và trải nghiệm làm muối. Tỉ như cái xóm cuối ghềnh, làm thành cái làng chuyên hải sản tươi sống. Còn nhà Tình trở thành điểm giao lưu đờn ca tài tử, tối tối tụ hết thảy dân đảo tới hát vọng cổ, sắm đào kép vào tuồng tích cho khách coi. Ba Tình đờn, má Tình hát. Tình đứng nói dõng dạc trong buổi họp. Trăng ấp đảo tròn vạnh.
Tám Đò hắng giọng, đứng lên nói nó ủng hộ thằng Tình. Là mình kiếm tiền thêm và quan trọng nhất là để ngoài kia người ta biết có một cái đảo thuộc về thành phố mà không khí trong lành, bình yên và dân dã như vậy. Mình có sẵn đất, sẵn muối, mọi thứ đâu có gì là khó.
Đâu có đợi Tám Đò dứt lời, chị Đẹp cánh tay giơ cao, đứng dậy. Kêu tui làm cái gì cho đảo này tui cũng làm, nhưng cái căn bản nhất là tiền. Muốn sửa lại cái nhà thì cũng tốn tiền, muốn tui chế cái nước từ trái si rô cũng tốn tiền. Thằng Tình kêu dân đảo làm, nhưng tiền đâu làm thằng Tình không có chỉ. Nói thiệt, mày học cao nhất đảo, tính toán giỏi nhất đảo. Mày tính đi, có tiền thì dân đảo làm theo. Mấy tiếng à ờ nhao nhao lên theo.
Tình hiểu rõ, tính kỹ lắm rồi, nên cái câu hỏi này Tình đã lường trước. Vậy giờ tui lo vụ đi mượn tiền xong là bà con mình làm phải không? Chữ “không” vừa buông ra liền có những câu đáp lời rốp rẻng, làm liền làm ngay. Chớ để đất này trống không cũng đâu có đẻ ra đồng nào.
Tan buổi họp, Tám Đò chở Tình về. Trăng đêm treo lên ngọn tra một bóng tròn trắng muốt. Tám Đò buột miệng, chớ tính cách chi mà tự tin thấy ớn. Lỡ không lo được vụ mượn tiền là trốn khỏi đảo chớ đừng hòng vác mặt về. Tình chưng hửng quay qua ngó thằng bạn. Thì giờ tao tính nè, tao bán nhà mày, tao lấy tiền cho dân đảo mượn. Mày chịu không? Tình nhìn thằng bạn rồi cười hềnh hệch. Tám Đò nhảy đông đổng, cái thằng khùng, mắc chi bán nhà tao?
Suốt trên đường về, Tám Đò vẫn thắc mắc chuyện tiền nong tính cách nào. Tình chẳng nói gì, mãi đến lúc bước vào sân nhà mới quay lại dặn Tám Đò mai mặc bộ đồ đẹp nhất, quần tây áo sơ mi đóng thùng đàng hoàng, đi với nó lên huyện. Đi đâu. Đi mượn tiền. Mượn ai? Thì mượn Hội Phụ nữ huyện.
Tám Đò đạp xe dọc bờ bao ruộng mà rì rầm khấn vái. Nếu trời thương dân đảo thì mai độ cho con với thằng Tình đi mượn tiền thành công nhen. Ủa mà 2 thằng con trai đi ra Hội Phụ nữ huyện mượn tiền người ta cho không trời?
Tám Đò vừa chạy đến bến Lòng Tàu thì đã thấy lố nhố người đứng đợi. Tóc vàng, tóc đỏ, tóc xoăn, tóc thẳng. Người cao, người thấp, da vàng, da trắng. Chị Đẹp thì đứng ghi chép, chạy tới chạy lui mời nước. Nhóm khách du lịch cầm ly nước si rô đá lên uống ừng ực. Ai đó reo lên, thơm quá chừng. Chị Đẹp quay qua, chỉ hàng rào đang mùa bông trắng muốt. Đó đó, cây này nè, cây si rô đó. Mùa xuân ra hoa mùa hè kết trái. Đám người gật gù rồi quay qua nói với nhau, khi thì tiếng Việt lúc lại tiếng nước ngoài. Chị Đẹp đưa tay ngoắc Tám Đò, phân cho mày 8 người, bên chị 10 người, bên thằng Tình cũng chục người. Khách ở đâu ra hả, hỏi thằng Tình đó chứ tao biết gì đâu, còn chưa kịp dọn nhà ăn tết đây nè.
Chiều 30, lửa đỏ vờn tí tách bên khoảng sân trống. Mấy nồi bánh tét bắt đầu dậy mùi thơm lừng. Chiếu trải ra cho đoàn gần 30 người là con em Việt kiều về quê hương đón tết theo chương trình của ủy ban người Việt Nam ở nước ngoài thành phố. Tình lên kế hoạch chia về đảo để có một cái tết thật truyền thống và ấm áp nghĩa tình. Là chương trình “Tết hội tụ” mà, nên đám trẻ gốc Việt đến từ khắp nơi. Đứa ở Anh, có đứa ở Úc, đứa Ý, đứa Pháp, thậm chí có đứa tóc xoăn tít đâu tận châu Phi. Đây là cái tết truyền thống mà chúng lần đầu tiên được biết.
Bản cải lương vọng cổ Nấu bánh đêm xuân vừa xướng, má thằng Tình xuống xề là tiếng vỗ tay lộp bộp vang lên. Nồi bánh vừa vớt đã có đứa nhảy cẫng lên vì lần đầu tiên ăn bánh tét quê nhà. Rồi lần đầu tiên nghe hô lô tô, biết đặt con cờ. Nhìn đám trẻ xúng xính chiếc áo dài và được tập câu chúc tết thuần tiếng Việt mà Tám Đò khoái chí.
Thời khắc thiêng liêng, Tám Đò kéo cả đám trẻ chạy theo bờ bao muối ra bến Lòng Tàu ngó về thành phố. Có lẽ lúc này pháo hoa vừa bung lên, thấp thoáng ánh đèn từ chiếc phà cập bến. Hình như là Tình. Tám Đò nhảy lên reo. Đám trẻ gốc Việt cũng kịp nhận ra người tổ chức cho chúng chuyến về ăn tết trên quê hương này. Cả đám nhảy vòng tròn như đang theo từng vòng pháo hoa rơi. Pháo hoa rơi pháo hoa về đâu? Tình quay qua hỏi đám trẻ. Đám trẻ ngơ ngác. Mỗi Tám Đò biết. Pháo hoa rơi về Thiềng Liềng chứ đâu!