- Hai, Hai ơi, mẹ tỉnh rồi, mẹ còn nhận ra em nữa. Mẹ gọi tên em kìa Hai. Huhu, lâu lắm rồi em mới nghe mẹ gọi tên…
- Im!
Tiếng quát hay tiếng rít giật ngược khiến cô em gái vội im bặt. Người cô cứng đơ như thể bị điểm huyệt, đến giọt nước mắt cũng lựng chựng ở viền mắt không dám lăn xuống. Người được gọi là anh Hai trừng mắt:
- Be bé cái mồm! Mẹ có làm sao đâu! May mà ông anh đây đã đưa mẹ vào viện kịp thời. Phúc nhà mình còn dày lắm đấy.
Rồi người anh quay sang “ân nhân”, vươn hai tay nắm lấy bàn tay đối phương:
- May mà người gây tai nạn cho mẹ tôi là anh. Không sao đâu, cứ cho là mẹ tôi xui đi, chỉ là gãy chân thôi mà, bó bột hơn tháng là lành.
Không đợi “ân nhân” nói gì, anh ta quay qua em gái:
- Thời buổi tình người nhạt hơn nước lã, thấy có chuyện là lo thoát thân, chạy tội trước chứ mấy ai dám dừng lại. Thế mà anh đây lo đưa mẹ mình vào viện, quả là người tốt!
Phớt lờ ánh mắt sắc lẻm cảnh cáo của anh Hai, cô gái ngước mặt nhìn người đàn ông đứng tựa lưng vào ban-công, áo quần chỗ ướt chỗ khô. Hai ống quần và giày còn dính bùn, áo vương mấy vết máu trên nền vải trắng nhìn như những bông hoa.
- Anh cho em xin cái áo của anh được không. Em sẽ mua lại cái áo khác gửi anh.
- Nói chẳng sợ anh cười chứ số tôi chả ra gì, lấy vợ ở riêng mấy năm nay lại gặp phải con vợ đanh đá hay xét nét, lại phát tiền từng ngày nên muốn phụ giúp mẹ và em gái cũng khó. Mọi chuyện cứ dồn lên hai vai con bé, cũng may con bé biết lo toan, co kéo cũng đủ ăn. Nghe mẹ bị tai nạn, nó lao từ nhà máy về đây, vừa đi vừa khóc suýt bị xe tông. Khi nãy anh cũng nghe bác sĩ nói rồi đấy, mẹ tôi cần phải nằm viện kiểm tra vài lần nữa và theo dõi thêm. Thôi thì tôi cứ nói thẳng, trước mắt cứ phải lo cho người bệnh đã, phải trái đúng sai gì tính sau. Chúng tôi cũng là người biết điều nên không làm khó dễ gì anh đâu. Tôi hứa đấy! Nếu anh em tôi khá giả thì đã chẳng phiền đến anh nhưng mà, mong anh thông cảm… Phòng tài vụ ở đầu hành lang, tôi đưa anh đi.
***
- Anh, làm thế có được không? Mà sao anh ta cũng đóng tiền cho mẹ mình vậy?
- Được chứ sao không. Tao không cần biết, cứ phải lo cho bà già trước đã. Mày dẹp cái bản mặt của mày đi. Mà vừa nãy mẹ gọi tên mày thật à? Mẹ nhìn ra mày thật hay mẹ nói mơ?
- Em nghe rõ ràng mà. Mẹ tỉnh táo lắm, mẹ nhìn em cười, còn đưa tay chùi vết bùn trên má em nữa. Cầu ơn trên cho mẹ tỉnh lại để nhìn con nhìn cháu. Mà mình làm vậy có ác không anh? Anh ấy đâu biết mẹ mình không được tỉnh táo. Tội cho anh ấy họa rơi trúng đầu. Em thấy mình thật quá đáng.
- Tao đã bảo mày dẹp đi mà. Người ta giàu thế, đi xe sang thế, là xe cơ quan đấy. Người ta không có thì cơ quan cũng không thể để yên. Mấy triệu bạc với mình to chứ với người ta bõ bèn gì. Giờ kiếm đâu ra tiền chữa cho mẹ? Chẳng lẽ nhìn mẹ chết à? Tao còn hơn trăm ngàn trong túi thôi. Giờ phải bỏ ra mấy chục triệu, chắc vợ tao chửi cho ù tai…
- Nhưng như vậy vô hậu quá.
Cô gái không ngừng cảm thấy bứt rứt, ánh mắt nhìn anh khổ sở, nhưng cô cũng phải công nhận anh cô nói đúng. Anh em cô đâu thể nhìn mẹ chết.
- Nhân tiện mẹ vào viện, lại chưa tỉnh hẳn, cứ chụp chiếu khám hết từ đầu đến chân. Tội vạ đâu tao chịu!
- Nhỡ người ta từ chối thì sao?
- Lúc nãy đi đóng tiền, tao có nói với anh ta, tao chụp ảnh biển số xe và chủ xe rồi. Tao không ăn vạ là may. Mày thấy đấy, tao rất thông cảm nhé. Tao không hề to tiếng hay dọa nạt. Thời này, tao “phốt” cho mấy dòng lên các hội nhóm thì có mà tàn đời. Nghèo hèn như tao với mày giờ cùi còn sợ gì lở loét. Chỉ đám nhà giàu áo quần xịn, xe sang mới sợ mang tiếng.
- Sao anh biết người ta giàu?
- Mày quên là chị dâu mày có cửa hàng quần áo à? Cái áo sơ mi anh ta đang mặc cũng cả triệu bạc, giày da bóng lộn thế, cái đồng hồ hai ba kim thế rẻ sao được, điện thoại đời mới nhé. Chỉ thế cũng đủ biết không giàu cũng khá, chắc chắn là hơn tao với mày. Lúc này không bám vào anh ta thì bám vào ai? Mày nhát thế thì cứ ngồi im để đấy tao. Mày ngó mẹ, tao tạt qua cửa hàng một tẹo kẻo con vợ tao nó lại ầm lên. Có gì thì điện báo tao biết ngay. Cứ ở đây, trưa tao mang cơm vào.
***
Ngày 12 của tháng.
Cái phong thư màu trắng được đẩy về phía anh. Hẳn trước kia nó được ghi chữ gì đó nhưng nay đã bôi đi khá khéo léo. Không cần đếm anh cũng biết trong đó có bao nhiêu tiền. Tháng nào cô gái cũng đến vào ngày 11, đều tăm tắp, vì các công ty trong khu công nghiệp phát lương vào ngày mười.
Cô gái cúi mặt:
- Anh cho em gửi. Đáng lẽ hôm qua em đến nhưng đúng ngày đi lấy thuốc của mẹ em, anh thông cảm.
- Cô đi làm suốt sao không nhờ anh trai cô đi?
Cô gái cười yếu ớt.
- Anh em dạo này bận bịu lắm. Những lần trước về thăm mẹ anh thường đưa hai đứa nhỏ về rồi ở chơi cả buổi chiều Chủ nhật. Anh còn phụ em tắm rửa cho mẹ, thi thoảng còn cõng mẹ đi chơi quanh làng. Giờ anh chỉ ghé qua chừng mười phút, để lại gói bánh rồi đi ngay. Cửa hàng của chị dâu dạo này đông khách, anh phải ra phụ chị. Vậy là may rồi, anh chị đỡ gấu ó nhau. Em vẫn lo cho mẹ được.
- Bà có đỡ hơn không? Cô tăng ca suốt ngày thế thì ai chăm bà?
- Có ạ, mẹ em tỉnh táo hơn, có lúc còn gọi tên anh Hai với tên em, mấy lần còn bảo thèm ăn rau muống luộc dầm sấu. Bác sĩ cũng nói khả quan, có khi lành cái chân thì mẹ em cũng tỉnh. Buổi sáng em dậy nấu nướng sẵn rồi nhờ thím hàng xóm trông hộ, trưa em về cho mẹ ăn, lau người thay quần áo cho bà rồi mới đi làm. Chiều nào trên đường đi đón con, anh Hai em cũng ghé qua mấy phút. Chúng em thật không biết phải cảm ơn anh thế nào. Thế mà anh Hai em lại cư xử bậy quá. Nhưng thật sự nếu không làm thế, nhà em cũng không biết làm cách nào. Biết là sai nhưng vẫn phải làm anh ạ. Mong anh rộng lòng đừng chấp.
***
Ngày hai mươi của tháng.
Cái bao thư màu ngà viền xanh trắng hơi nhàu từ từ trôi về phía anh một cách kính cẩn. Anh Hai thu hai tay về, giấu giữa hai đầu gối. Vẻ câng câng bề trên ngày nọ đã không còn. Lúc này nhìn anh Hai hiền lành, sợ sệt, có chút nhu nhược.
- Tôi gửi anh tháng này, anh thông cảm, còn thiếu một trăm, tháng sau tôi bù, tôi hứa đấy. Cái cửa hàng quần áo của vợ tôi tháng này đông nhưng người mua có, người gian cũng có. Nửa tháng nay mà trong khu chợ đã bị mất trộm hai cái xe máy. Từ sáng sớm đến tối mịt tôi phải canh trực ở đấy, không đi đâu được nên không kiếm đủ số. Anh thông cảm cho.
- Sao anh không hỏi em gái anh?
- Nó chẳng có đâu, lương công nhân cả tăng ca tháng được sáu triệu đồng là nhiều. Mẹ tôi về rồi nhưng vẫn phải thuốc thang, còn nhờ người chăm sóc. Tôi làm anh sức dài vai rộng, mang tiếng lấy vợ giàu ở nhà to nhưng chẳng giúp được gì, mặt mũi nào ngửa tay xin tiền nó. Nếu vợ tôi đừng chi li quá thì mẹ tôi, em tôi đâu phải khổ. Nhưng thôi, cứ cho là cái số tôi nó vậy, vợ tôi đanh đá, xét nét nhưng nó không hỗn hào với mẹ và em tôi, nó chỉ bắt nạt tôi thôi. Nó chăm bẵm hai đứa con chu đáo lắm, thi thoảng mua hoa quả thuốc thang mang về cho mẹ tôi, thế cũng được rồi. Số còn thiếu tháng sau tôi nhất định bù, anh đừng nói gì em gái tôi. Hứa với anh đấy!
***
Trên mặt bàn là một mớ bao thư, một nửa là bao thư giấy ngà viền xanh trắng, một nửa là bao thư trắng. Tiền trong bao thư trắng luôn được vuốt thẳng thớm, sắp xếp theo mệnh giá từ to đến nhỏ, có thêm tờ giấy nhỏ ghi lời cảm ơn và một cọng thun cột ngang những tờ tiền. Rất hợp với tính nết cô em gái - chỉn chu, cẩn thận.
Trong phong bì viền xanh trắng nhàu nhò là những tờ tiền nhiều mệnh giá, tờ thẳng tờ nhàu để lung tung. Hẳn anh Hai kiếm thêm việc làm hay nhịn tiền tiêu vặt.
Anh nhớ điệu bộ bối rối của cô em, cô hiền lành, thuần hậu và yêu quý anh trai. Khi ấy, ánh mắt cô nhìn anh đầy áy náy và hối lỗi. Hẳn lúc đó anh được đưa lên bàn cân. Chắc chắn anh nhẹ hơn khi đầu cân bên kia là mẹ và anh trai cô gộp lại. Và cô chọn thỏa hiệp.
Khi ấy, anh hoàn toàn có thể nói anh vô can trong tai nạn của mẹ họ. Camera hành trình trên xe anh có, anh có thể rời đi mà không chút áy náy nhưng anh quyết định ở lại. Để rồi vướng vào mớ rắc rối đủ làm mình xúc động.
Càng nghĩ, anh càng thấy cay cay nơi chóp mũi. Mong người mẹ sớm tỉnh táo mà sống tiếp với con cháu. May bà không bị nặng, nếu không anh em nhà họ sẽ ân hận và đau đớn lắm. Dù chưng ra với đời những gương mặt “cố đấm ăn xôi” nhưng với người mẹ lâu lắm không nhận ra mình, hai anh em họ vẫn một lòng một dạ hiếu thảo ngoan ngoãn.
Anh tưởng tượng cảnh chiều Chủ nhật mát, anh con trai áo quần còn lốm đốm ướt vì vừa tắm cho mẹ, cõng mẹ trên lưng đi quanh làng. Hẳn đến bờ ao, người con trai ấy sẽ nhắc cho bà mẹ nghe chỗ này khi bé anh ngã mấy lần. Đến đầu làng, anh nhắc nơi này hai anh em đứng đợi mẹ mỗi lần mẹ đi chợ… Lúc này, gương mặt gã trai gần bốn mươi tuổi không còn những nếp hằn tính toán, mà chỉ còn những nụ cười bao dung trước người mẹ giờ cứ ngơ ngác như đứa trẻ.
- Cậu cứ để anh em nhà họ trả vậy à?
Anh giật mình nhìn người mới đến. Liếc nhìn đồng hồ, anh sực nhớ đã hết giờ làm từ lâu. Hẳn sếp về, đi ngang thấy anh còn trong phòng nên ghé qua.
- Em không biết nói sao với anh em họ. Em thấy giống như mình đang cho vay tình cảm với giá cắt cổ.
Sếp cười ha hả:
- Cảm giác thú vị nhỉ, tiền ứng viện phí cho mẹ họ, cậu còn nợ kia kìa. Cùng một lúc cảm nhận vị trí của chủ nợ và con nợ xem cái nào thú vị hơn? Thế người gây tai nạn kia thì sao?
- Cũng hoàn cảnh lắm, vợ anh ấy đang có thai sắp sinh. Hôm ấy mưa, vợ anh ấy vội cất quần áo nên ngã, anh sốt ruột chạy về. Là bà mẹ từ trong lề lao ra... Hôm đầy tháng con gái, vợ chồng anh ấy gom được bốn triệu mấy đưa em nhưng em không cầm.
Anh dồn những cái phong bì trên bàn, bỏ vào bịch ni-lông và cột dây thun. Cầm những đồng tiền của hai anh em họ, anh thấy lòng nặng trĩu. Sẽ có một ngày anh cho họ biết sự thật. Khi ấy chắc người mẹ đã lành lặn, có thể bà đã tỉnh táo. Có thể ngày ấy người anh Hai đang đưa vợ con về thăm nhà, ba bố con vừa tắm cho bà vừa nghịch nước trong lúc người con dâu gọt trái cây với cặp lông mày cau cau. Cô con gái hẳn ở trong bếp nấu nướng gì đó. Ngày ấy chắc chắn anh sẽ đưa anh tài xế kia đến.
Bởi vì cả bốn người đều nợ nhau một lời xin lỗi.
Nguyễn Thị Thanh Bình