Ví dụ như sai hắn đi mua đồ, lỡ có tiền thối thì hắn thường đánh mất; sai mua hai cái trứng thì khi về, mở bọc ra chỉ còn một đống bầy nhầy, còn hắn thì tròn mắt: “Lạ thật, mới nãy còn nguyên mà”. Hắn bưng tô cơm ăn thì thế nào cũng bể cả tô đến nỗi mẹ phải cho ăn bằng tô nhựa.
***
Hết hè này, Tồ vào lớp Một. Cả nhà đang chạy cho hắn vào trường điểm. Tồ có vẻ hơi lo lo, bởi lẽ Tồ học không được giỏi lắm. Đến giờ này Tồ vẫn chưa đánh vần suôn sẻ. Thành tích học mầm non của Tồ cũng rất bết: Mẹ đưa hai anh em vào học hồi Tồ lên… bốn nhưng vào trường nửa tháng là nửa tháng hắn khóc từ sáng đến chiều, đến nỗi em gái hắn đang học lớp cơm phải lén sang lớp hắn dẫn anh trai ra về, các cô giáo sợ quá xin ba mẹ cho hai anh em nghỉ học một thời gian, vậy mà thành ra… hết một năm.
Năm sau, khả quan hơn, hắn không khóc nữa nhưng cũng không thể làm dòng họ mở mày mở mặt được. Trong khi con người ta thi này thi nọ, hắn chỉ thi múa lân, ngoài ra thì… ăn khỏe, vô tư. Tồ cũng không ngại chuyện hắn học dở mà cứ vô tư khoe: “Lâu lâu cô kêu con đứng một mình vì con nói chuyện hoài” hay: “Con đọc thơ hổng thuộc, cô đét vô đít con một cái là con thuộc luôn”…
Tội nghiệp cô! Cái sự học của Tồ làm cả nhà cũng vất vả theo. Trào lưu hiện đại, trẻ em trước khi vào lớp Một phải biết chữ nên buổi tối ở nhà, Tồ cũng phải học. Nhiệm vụ kèm cặp do ba, mẹ hay các cô đảm nhiệm. Một lần, Tồ học ráp vần C và vần A, cô Năm giảng: “Cờ a ca, ca là cái ca uống nước đó”. Hắn gật gù. Lát sau, ôn bài lại, tới chữ CA, hắn cà ngắc cà ngứ: “Cờ… a, cờ… a… gì ta…”. Sốt ruột, cô Năm nhắc: “Cái gì để uống nước đó!”. Hắn hét lên: “Con nhớ rồi, cờ a ly, cờ a ly cô Năm ơi!”. Lần khác nữa, hắn ráp vần chữ NƠ. Trong sách có hình cái nơ và một em bé gái cài nơ trên đầu.
Có hình ảnh trực quan nên dễ giải thích, thậm chí sau khi nghe cô Năm giảng, Tồ còn nói thêm: “Bữa trước đi đám cưới, con cũng thắt nơ trên cổ nữa. Đúng quá rồi còn gì! Vậy mà ôn lại, hắn ngắm cái nơ đến rách mắt, lầm bầm chữ nờ ơ một lúc lâu. Sau đó: Nờ… ơ… nờ… ơ… là… cái thòng lọng. Lần này mặt cô Năm nghệch ra (sao lại có thòng lọng ở đây vậy trời?). Nhìn cô Năm chắc hắn thấy tội nên giải thích thêm: “Cái thòng lọng để treo cổ đó Năm” làm cô Năm muốn ngất xỉu. Coi vậy mà lần hồi Tồ cũng đánh vần được, tàm tạm thôi. Đó là vì ở nhà các cô không ép hắn học quá.
***
Tồ cũng rất biết quan sát, nghe ngóng. Nhớ dạo Noël, một ngày đi học về, Tồ thỏ thẻ với các cô:
- Hình như sắp tới Noël rồi đó Năm, Út.
- Ừ.
- Mà Noël là sao Út?
- Noël có ông già tuyết hay phát quà cho trẻ em ngoan.
- Vậy con có được ông Noël phát quà không?
- Được chứ, nếu như con ngoan.
Từ hôm đó, Tồ ra sức giúp đỡ mọi người. Ai sai gì Tồ làm nấy, không than thở. Thậm chí Tồ còn năn nỉ: “Nội, ba, mẹ, Năm, Út sai con làm gì đi!”.
Một bữa, Tồ lại thắc mắc: “Làm sao ông già Noël biết con thích quà gì?”. Út giải thích: “Thì con phải viết thư cho ông, kể lại những chuyện con ngoan, rồi xin ông già Noël món quà con thích”.
Tồ vội chạy đi lấy giấy, viết rồi ngẩn tò te, gãi đầu: “Con đâu có biết chữ”. Hắn vừa năn nỉ Út viết giùm, hứa hẹn đủ chuyện. Hắn đọc cho Út viết: “Kính gửi ông già Noël. Con tên An. Con chúc ông nhiều sức khỏe. Ông ơi, con rất ngoan, biết giúp mẹ đem đồ vào nhà, đi mua đồ giùm bà nội, không giành bánh với em gái. Có bữa Năm ăn cơm xong con bưng tô xuống (chuyện này xảy ra từ đời nảo đời nao hắn vẫn nhớ)… Ông cho con bộ đồ siêu nhân, truyện cổ tích, xe, súng… nhé!”. Hắn lần lượt liệt kê từng món. Kể tới đâu, cả nhà phát hoảng tới đó. Đợi hắn kể xong, mọi người mới khuyên: “Ông già Noël phải tặng quà cho rất nhiều trẻ con, con xin nhiều quá thì quà đâu ông cho bạn khác”. Hắn gật gù: “Đúng rồi, thôi con xin một bộ đồ siêu nhân thôi”.
Xong phần mình, hắn chợt nhớ tới em gái: “Út nhớ xin ông cho bé Tâm bộ đồ nữa, chớ em chưa biết xin đâu!”. Lá thư hoàn tất. Tồ cẩn thận gói vào bao thư, gửi cho Năm rồi dặn dò hàng chục lần: “Năm nhớ bỏ thùng thơ giùm con”. Hắn còn thắc mắc:
- Chừng nào ông già Noël ghé vậy Năm?
- Tới đêm 24, khi nào con ngủ, ông già sẽ vào bằng cửa sổ.
- Tại sao phải nửa đêm, tại sao phải vào bằng cửa sổ?
- Ban đêm đường vắng dễ đi, vào bằng cửa sổ để khỏi làm phiền chủ nhà mở cửa.
Ngày 23, Tồ đã rất sốt ruột. Hắn còn kể là đã phổ biến kinh nghiệm viết thư gửi ông già Noël cho các bạn cùng lớp. Chiều 23, vừa về đến nhà, hắn đã hét lên: “Ông già Noël không đến nhà lúc nửa đêm đâu. Ổng tới trường con hồi trưa. Có hai ông già Noël lận. Mấy ổng đi bằng xe Honda tới trường tặng quà cho bạn TK lớp con. Sao ông già Noël tặng quà cho TK buổi chiều, tặng quà cho con buổi tối?”.
Qua ngày 24, Tồ cẩn thận chà tới chà lui đôi giày (vì người lớn nói là ông già Noël sẽ bỏ quà vào giày của nó). Bữa đó, Tồ nhất quyết đi học bằng dép. Tối, Tồ tính thức đợi ông già Noël nhưng sáng hôm sau, chính em gái hắn lại dậy trước. Chạy vào giường anh trai, cô bé thấy hai món quà rõ ràng. Bé hét lên: “Trời, có quà thiệt rồi! Anh Hai dậy đi, ông già Noël tặng quà kìa”. Tồ bật dậy, ngạc nhiên: “Ông già tới hồi nào vậy ta? Sao lại tặng đúng bộ đồ siêu nhân vậy ta?”. Hai anh em ngẩn ngơ.
***
Tồ rất thương em gái (đương nhiên rồi) nhưng nhiều khi em gái rất quá quắt. Có chuyện gì không vừa ý là em trút lên người anh trai nhưng anh trai cũng phải chịu đựng. Mà chỉ em gái có quyền đó thôi, còn người khác ăn hiếp anh trai thì coi chừng em gái nha. Nhìn chung cái gì Tồ cũng nhường em gái. Vậy nhưng vẫn có nhiều chuyện không thể nhường. Ví dụ, mẹ cho cái bánh, em gái giành ăn hết, chỉ chừa Tồ một miếng nhỏ xíu. Em gái bày đồ chơi ra đầy nhà, đến khi dọn thì lại bảo anh Hai. Khổ nỗi, người lớn cứ ra rả: “Anh Hai phải nhường em gái, con đã học bài thơ Làm anh rồi còn gì”.
Không phải chỉ có một em gái mà Tồ còn nhiều em con chú con bác con cô con cậu. Tồ có đúng một ông anh con bác thì anh mới… lên ba, cũng phải nhường vì “vai anh nhưng nhỏ tuổi hơn”. Một ngày, Tồ tức quá, than: “Sao nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn không làm bài thơ “Làm em” mà chỉ có Làm anh? Không công bằng chút nào”. Nhiều lúc nghĩ thật tội cho Tồ.
Tồ rất tồ, học hành đã không giỏi giang lại thêm phần xí trai nhưng mắc bệnh thành tích. Hằng tháng, cô giáo phát sổ bé ngoan về để phụ huynh nhận xét vào sổ, tối Tồ đưa sổ cho người lớn, rồi dặn dò: “Nhớ kể chuyện con ngoan nhiều nhiều nghen”. Dĩ nhiên là hôm đó hắn rất ngoan. Thật ra hắn cũng nhận thấy hắn không được giỏi. Vậy nên, đôi lúc hắn buồn: “Chắc mai mốt con học dở hơn bé Tâm quá”.
Mọi người lớn trong nhà ai cũng cười, ôm hắn vào lòng: “Dù con đọc chữ chậm thật nhưng con biết giúp bà nội, giúp ba, giúp mẹ, biết nhường nhịn em, không đánh nhau với bạn… vậy là con ngoan lắm rồi”. Hắn gật gù có vẻ yên lòng, cười toét miệng, mắt nhắm tít, hai lúm đồng tiền lún sâu, thấy thương quá chừng. Đúng vậy, dù con có tồ nhưng chỉ cần mai này con là một người lương thiện, hiền lành, biết yêu thương mọi người là đủ rồi, Tồ ạ!
Thanh Nam