Phương rất khó ngủ nên luôn để điện thoại ở chế độ máy bay trước khi lên giường để không ai làm phiền. Vậy nhưng tối qua, Phương mê xem phim rồi ngủ quên, nên “con dế” vẫn trong chế độ hoạt động bình thường. Phương bực bội nheo mắt nhìn màn hình để xem ai làm phiền mình vào một buổi sáng cuối tuần dành để ngủ nướng như thế, rồi rên thầm: “Trời ơi, lại là ổng!”.
“Ổng” ở đây là chú Sáu của Phương, em ruột cha cô. Chú Sáu năm nay hơn 60 tuổi, không vợ con, sống một mình trong căn phòng trọ. Trước kia, chú chuyên đi phụ đãi đám cưới nhưng khoảng 5 năm nay, chú tìm được việc bảo vệ tại xưởng sửa xe hơi nên đều đặn đi làm từ 6 giờ sáng tới 6 giờ chiều.
Chú Sáu lớn tuổi, ở một mình, bạn bè ít nên niềm vui quanh quẩn chỉ là chiếc điện thoại thông minh hàng bình dân. Thú tiêu khiển của chú mỗi ngày là chụp hình, quay video… rồi chia sẻ vào nhóm chat gia đình trên Facebook. Ôi thôi thì, sáng thức dậy, chú gửi tấm hình tự sướng rồi chúc mọi người ngày mới tốt lành. Trưa, chú gửi hình dĩa cơm rồi chúc mọi người ngon miệng. Tối, chú lại gửi hình đang ăn tối và chúc cả nhà buổi tối vui vẻ. Đó là ba tin nhắn định kỳ. Hôm nào chú về quê, đi đám cưới, đi lai rai với bạn bè… thì tần suất hình và video gửi vào nhóm chat càng dày đặc. Vừa rồi là một tin nhắn định kỳ như thế, phá bĩnh giấc ngủ ngày cuối tuần của Phương.
*** Ban đầu, Phương không quá để ý đến những tin nhắn của chú Sáu. Cô xem đó như một thú vui vô thưởng vô phạt của người già. Dần dần, cô bắt đầu cảm thấy phiền. Sáng vừa mở mắt chú đã nhắn. Trưa, cô đang lúi húi ở hầm xe vừa nóng vừa chật để dắt xe đi ăn trưa, chú lại nhắn. Tối, khi cô đang dồn hết não tập trung cho lớp học nghiệp vụ, chú lại nhắn. Những tin nhắn chẳng có gì quan trọng, cũng không ai quan tâm xem hôm nay chú ăn gì, làm gì; vậy mà chú cứ nhắn, không bỏ sót hay cho người khác “nghỉ ngơi” ngày nào. Chú nhắn mà chẳng cần quan tâm có ai xem hay không, có ai trả lời không.
“Sao chú Sáu nhắn gì mà nhiều vậy? Chú không thấy chú đang làm phiền người khác à?” - có lần Phương dấm dẳng hỏi cha mẹ. Cha cô cười xòa: “Thì tin nhắn miễn phí mà, có tốn gì đâu. Chú nhắn cho vui cửa vui nhà”. Mẹ cô thì tỏ ý phật lòng: “Chú ở một mình buồn nên nhắn tin cho mọi người, có gì đâu mà con phải khó chịu?”. Phương cau mày: “Con còn đi làm, đi học, có chuyện gì quan trọng mới xem tin nhắn, đâu rảnh mà cứ nghe “ting, ting” hoài”. Thằng Út đang ngồi “cày game”, nghe vậy liền chõ vô:
- Thì chị Hai tắt chuông đi. - Ơ, còn bao công việc của tao, muốn tắt là tắt sao? - Vậy chị để mute (chế độ im lặng) tin nhắn trong nhóm chat gia đình đi. - Rồi lỡ cha mẹ hay họ hàng có gì cần nhắn thì sao? - Ôi, nhắn không được thì gọi điện. Có gì gấp thì mọi người kiếm chị cho bằng được đó chứ, chị lo gì!
Phương ngẫm nghĩ, cũng phải, hay là cứ để chế độ im lặng tin nhắn nhóm chat cho xong.
Nghĩ vậy nhưng Phương cũng chưa làm liền. Cô tính hôm nào gặp chú thì góp ý, không được nữa thì mới cài chế độ im lặng. Cô tạm thời tắt chuông điện thoại cho đỡ bị tin nhắn của chú làm phiền. Chưa kịp gặp chú thì buổi chiều thứ Ba tuần trước, khi đang ngồi họp với sếp cho dự án sắp đến, Phương nghe điện thoại rung liên hồi. Sếp cũng nghe nên bảo Phương xem thử ai gọi. Phương xin lỗi sếp rồi chạy ra ngoài mở điện thoại xem. Không ai gọi cả mà là chú Sáu gửi tin nhắn. Chú gửi hàng loạt ảnh và video cảnh quay miền quê sông nước. Chú gửi liên tục và điện thoại rung liên tục. Phương điên tiết cài chế độ im lặng cho tin nhắn nhóm chat gia đình và thề không bao giờ mở lại nữa. *** Một sáng thứ Bảy, Phương nằm ngủ vùi sau một đêm tiệc tùng say bí tỉ với hội bạn đại học. Đột nhiên, chuông cửa reo vang và như mọi khi, hễ có tiếng động, Phương liền giật mình mở mắt, đầu căng ra như búa bổ. Phương ngước nhìn đồng hồ, kim ngắn chỉ con số 6. “Quái đản, ai đến nhà mình giờ này?” - Phương vừa bực bội lại vừa lo lắng. Khi Phương vẫn chưa hoàn hồn, chuông cửa lại reo lần nữa. Cô lật đật hất mền, nhảy xuống giường, chạy ra mở cửa. Cô thấy chú Sáu đứng đó trong bộ đồ bảo vệ màu xanh bạc thếch, mái tóc lơ phơ sợi đen sợi trắng, gương mặt đen nhẻm nhưng nụ cười ngoác rộng tới mang tai khoe hàm răng xỉn màu, cái còn cái mất: “Ủa, đang ngủ hả con? Chú xin lỗi nha. Chú đi miền Tây lên có mấy trái cóc, trái xoài, ghé gửi con ăn cho vui”.
Không đợi Phương trả lời, chú lách mình qua khe cửa vô nhà. Chú đặt bọc trái cây lên bàn rồi đi một vòng ngắm nghía khắp nơi, mở tủ lạnh lấy ra bình nước, rót vô ly rồi uống ừng ực. Dùng mu bàn tay quệt miệng, chú cười khà sảng khoái: “Công nhận con giỏi ghê Phương, còn nhỏ mà mua được nhà ở Sài Gòn rồi. Căn nhà coi được ghê, rộng rãi mà sạch sẽ hơn nhà trọ của chú nhiều”. Chưa hết, chú còn mở tủ chén lấy ra cái dĩa, đặt vô đó mấy trái cóc, trái xoài, nải chuối cau vừa mang tới. Chú bày ra ngắm nghía rồi để ngay ngắn trên bàn, giọng sang sảng: “Chú biết con mê chuối cau nên đem qua cho con nè. Trái cây vườn, không thuốc gì hết, ăn bổ lắm nha con”. Xong, chú tiếp tục đi quanh nhà ngắm nghía.
Suốt cả quá trình đó, Phương cứ đứng chôn chân ở cạnh cửa ra vào. Ngắm nghía đã đời, chú xoa xoa hai tay vẻ hài lòng rồi quay ra cửa đi về, trước khi đi còn vỗ vỗ lên vai Phương: “Chú về nha! Con nhớ ăn trái cây sớm không thôi nó hư. Mạnh giỏi nha con!”. Chú quay đi, Phương đóng sập cửa lại. Nghĩ tới giấc ngủ ngon lành vừa bị phá hoại, cô gầm lên rồi phi ngay vô giường, úp gối lên mặt với niềm hy vọng mỏng manh sẽ lôi kéo giấc ngủ quay trở lại trước khi đến giờ học ngoại ngữ lúc 9 giờ sáng. *** Hôm nay là đám giỗ bà nội. Từ sớm, họ hàng đã tụ tập đông đủ ở nhà cha mẹ Phương. Người dọn dẹp, người sắp trái cây, người mổ gà vịt… không khí chộn rộn y như ngày tết. Phương đã về nhà từ tối qua. Sáng nay, cô cũng dậy sớm, quây quần cùng mọi người. Có ai lên tiếng nhắc: “Thằng Sáu có về không? Giờ này còn chưa thấy nó”. Phương rên thầm trong bụng. Những tin nhắn làm phiền suốt ngày và buổi sáng bị phá giấc ngủ cách đây vài tuần vẫn còn khiến Phương ngán ngẩm. Như chẳng hiểu cho nỗi lòng Phương, cha cô hào hứng nói: “Về chứ, chắc nó đang trên đường về. Đám giỗ má sao thiếu nó được?”. Cả nhà vui vẻ cười xòa, chỉ riêng Phương mặt quạu đeo.
Từ đầu ngõ, giọng chú Sáu đã vọng vào, chào người này, thăm hỏi người kia. Chú xách lủng lẳng ký heo quay, vài ổ bánh mì. “Em đem về cúng má nè anh Ba” - chú vừa nói vừa đưa cho ba Phương. Chú nói đến đâu, cả nhà cười đến đó, chỉ riêng Phương cảm thấy nhức đầu. Cô viện cớ có cuộc họp trực tuyến gấp nên chui luôn vào phòng, tới khi mẹ vào gọi ra cúng nội rồi ăn trưa, mới uể oải bước ra.
Bữa giỗ cây nhà lá vườn rôm rả tiếng nói cười làm Phương cũng vui lây. Cô tạm quên đi nỗi khó chịu với chú Sáu mà vui vẻ ăn uống, cụng ly cùng mọi người. Đột nhiên, anh Tâm, con chú Tư, nhắc đến chuyện chú Sáu hay nhắn tin suốt ngày và cười ha hả: “Trời ơi, ổng nhắn gì mà muốn cháy máy, chưa kịp trả lời tin này đã nhắn tin khác. Điện thoại của tui bây giờ chỉ để nhận tin nhắn của ổng thôi đó”. Cả nhà bật cười theo, chú Sáu cũng cười đến rung cả người nhưng Phương không cười nổi. Trong một phút, cô không kìm được nỗi khó chịu bấy lâu trong lòng nên tuôn ra một tràng ấm ức: “Con thực sự thấy rất phiền luôn đó. Sáng nhắn, trưa nhắn, chiều nhắn mà chẳng có gì quan trọng, toàn hình chú với hình đồ ăn. Rồi đi chơi đâu là gửi tin nhắn với video một tràng luôn. Ai rảnh mà coi? Đang làm việc, đang học hành, đang nghỉ ngơi mà tin nhắn cứ réo suốt”.
Những tiếng cười đột nhiên im bặt. Cả bàn tiệc bỗng lặng như tờ. Chú Sáu mặt mày đỏ gay, sượng trân, nhìn Phương rồi cúi gằm mặt xuống. Anh Tâm cũng sững sờ, môi mấp máy tính nói gì nhưng lại thôi. Cha mẹ Phương cũng “đứng hình” vì quá bất ngờ, không biết phản ứng sao trước những lời thẳng như ruột ngựa của con gái. Phương biết mình lỡ lời nên cúi gằm mặt xuống lặng im.
Đột nhiên, một tiếng cười sang sảng vang lên. Chú Sáu đã lấy lại nụ cười ngoác tận mang tai quen thuộc, vừa khoe hàm răng xỉn màu cái còn cái mất vừa rổn rảng nói: “Chú biết rồi, phiền con quá phải không Phương? Thôi, mốt chú không gửi nữa nha! Chú xin lỗi nha! Mọi người vô cái nha, nay đám giỗ má mà!”. Mọi người nhanh chóng vui vẻ trở lại, chỉ riêng mẹ Phương nhìn cô một cái sắc lẻm và không nói chuyện với Phương câu nào cho đến khi cô rời nhà.
Đêm đó, Phương trằn trọc mãi. Thỉnh thoảng, cô lại mở nhóm chat gia đình lên coi có tin nhắn nào của chú Sáu nhưng tuyệt nhiên không. Tin nhắn cuối cùng trong nhóm là tin nhắn sáng đó của chú khi chuẩn bị qua nhà cha mẹ cô. Kéo lướt về các tin nhắn cũ, cô thấy suốt cả tuần trước, trong nhóm chat chỉ có tin nhắn của chú, mọi người chỉ thả tim hoặc để biểu tượng thích. Không ai trả lời cả nhưng chú vẫn miệt mài nhắn tin. Tự dưng, Phương nhớ đến lời mẹ nói dạo nọ: “Chú ở một mình buồn nên nhắn tin cho mọi người, có gì đâu mà con phải khó chịu?”.
Không biết bây giờ không nhắn tin nữa thì chú có buồn hơn. Phương bỗng cảm thấy hối hận vì những lời mình nói chiều nay. Cô ngập ngừng bấm máy muốn gọi cho chú Sáu để xin lỗi và nói chú cứ nhắn tin đi nhưng rồi lại thôi. Cuối cùng, Phương bỏ chế độ im lặng trong nhóm chat gia đình, hy vọng ngày mai chú hết giận và sẽ nhắn tin lại vào nhóm như bình thường. *** Đến tận hai ngày sau, nhóm chat gia đình vẫn im lìm. Không có chú Sáu nhắn tin, nhóm chat cũng không có tin nhắn nào mới. Ai cũng bận rộn và có thể là sau khi Phương than phiền, mọi người lại càng ngại nhắn tin hơn. Mẹ vẫn chưa chịu nói chuyện lại với Phương. Bà trách cô vô tâm, khó chịu; chỉ có cha và em trai an ủi cô ráng chờ vài ngày cho mẹ nguôi giận. Phương không trách mẹ. Chính cô cũng tự giận mình chẳng hiểu sao lại buột miệng nói ra những lời thiếu suy nghĩ giữa lúc cả nhà đang vui.
Phương uể oải đứng dậy, làm vài động tác vặn mình rồi mở tủ lạnh bứt vài trái nho. Một trái nho vuột khỏi tay cô, lăn tròn trên sàn nhà rồi lăn tuột vào gầm sofa. Phương cúi thấp người xuống thì thấy dưới gầm không chỉ có trái nho vừa rớt xuống mà còn có cả trái cóc chú Sáu mang lên dạo nọ, không biết rớt vào gầm từ khi nào và đã khô quắt queo.
Phương với tay cầm trái cóc, miết ngón tay mình lên lớp vỏ xù xì, nhớ bữa đó chú lặn lội lên đưa mình mớ trái cây mà cảm thấy có lỗi vô cùng. “Mình có nên gọi chú để xin lỗi không?” - cô nghĩ ngợi.
Đột nhiên, âm báo tin nhắn vang lên. Phương lướt nhanh qua màn hình và thấy nhóm chat gia đình sáng đèn. Cô vội mở ra xem và lập tức bủn rủn chân tay. Người gửi tin là chú Sáu nhưng nội dung tin nhắn lại là: “Chú Sáu mất ở nhà trọ rồi, gia đình qua lo hậu sự”. *** Vậy là chú Sáu mất, đột ngột như một trò đùa. Ngày đám tang chú, Phương dằn vặt đến mức không thở nổi. Mọi người kể đêm đám giỗ, chú trở về phòng trọ rồi đột quỵ khi đang ngủ, không ai biết, không ai hay. Tận ba ngày sau, người cùng xóm trọ mới phát hiện. Chỗ chú làm việc không thấy chú đi làm, gọi điện chú không bắt máy, muốn liên lạc người nhà nhưng không biết ai để hỏi. Gia đình không thấy chú nhắn vào nhóm chat, nghĩ rằng do chú giận Phương nên cũng không thắc mắc. Vậy là chú ra đi một mình, cô độc. Nếu không có những lời nói hôm đó của Phương, hẳn mọi người đã thấy lạ, đã đi tìm chú sớm hơn thì biết đâu đã cứu được chú.
Phương cứ thế gục khóc bên quan tài chú Sáu, vừa thương chú vừa ân hận. Mẹ ôm Phương vào lòng, nói không ai muốn vậy, rằng đó là số phận… nhưng Phương vẫn khóc tức tưởi, khóc đến khi mệt lả người. Cả tháng trời sau đám tang, Phương vẫn thường xuyên mở nhóm chat gia đình ra, thầm mong một phép màu nhưng tuyệt nhiên chỉ có im lìm. Mỗi lần như thế, cô lại khóc. *** Hôm nay là giáp năm chú Sáu. Từ sáng, cha cô đã nhắn vào nhóm chat, dặn mọi người về sớm cúng giỗ đầu của chú. Như mọi lần khi nhà có giỗ, Phương về từ tối qua nhưng sáng nay, cô nằm mãi trên giường không muốn dậy. Cô kéo màn hình xem lại những tin nhắn cũ của chú từ một năm trước, rồi bất giác gửi vào nhóm chat một tấm ảnh tự sướng của mình với lời nhắn: “Chúc cả nhà buổi sáng vui vẻ”. 5 giây sau, anh Tâm cũng gửi vào nhóm tấm hình của anh và nhắn: “Buổi sáng vui vẻ”. Tiếp sau là em Phương rồi cha, mẹ, bác Hai… Mỗi người gửi vào nhóm ảnh của mình kèm lời nhắn “Buổi sáng vui vẻ” như cách chú Sáu vẫn làm trước đây, mỗi ngày. Phương nằm đó, nước mắt lăn dài trên má.