Từng tiếng trầm đục lẻ loi rơi xuống không gian. Không hiểu sao dì nghe ra được tiếng khắc khoải, mòn mỏi và khản đặc của một con cuốc lẻ bạn. Cũng không hiểu sao dì lại tưởng như từng luồng hơi đang phả ra từ mũi, miệng mình cũng có hình khối. Nếu dùng một thiết bị gì đó khuếch đại lên, lẽ nào nó cũng như tiếng cuốc kia?
Tiếng cuốc im bặt. Dì mong rằng nó lủi vào một bụi tre, một bãi sậy hay một lùm cây dại chi chít tơ hồng nào đó để không vướng bẫy lưới giăng giăng. Sự sống là quý giá nhưng không phải lúc nào người ta cũng có thể hình dung một cách rõ ràng và rành mạch được. Dì biết, bây giờ mình phải thật tỉnh táo trong nhận thức về nghịch cảnh của bản thân. Cần phải xô đuổi những hình bóng nặng nề quẩn quanh bám lấy mình như một con vi khuẩn đã quen thuốc. Nếu không, dì sẽ ngã. Đôi lúc, nỗi sợ hãi như thể kẹp chặt dì giữa 2 bức tường không xoay trở được. Dì biết nỗi rầu lo hay tuyệt vọng là một thứ nhà lao đáng sợ nhất trên thế gian này nên luôn tự khuyên bản thân mỗi ngày nhất định không được chui vào đó.
Dì chống tay tự đỡ mình ngồi dậy. Vùng thắt lưng, vai cổ mỏi nhừ. Không nhìn thấy nhưng dì có thể tưởng tượng ra những dấu kim châm cứu chi chít trên đó. Cơn đau và tức ở vùng ngực lại kéo đến, lan ra 2 cánh tay, dì nghe như có con ong nào đó đi lạc trong tai mình. Dì thở dốc, ngửa cổ hớp từng miếng không khí. Ánh sáng nhờ nhờ đỏ từ bóng đèn trái ớt trên bàn thờ hắt xeo xéo vào bức tường ông mới sơn lại mấy ngày trước, soi rõ cái giỏ sờn cũ căng phồng trên đầu giường của dì. Không biết bao lâu rồi dì mới cần đến nó, cũng như dì không còn nhớ chuyến đi xa gần nhất của mình là khi nào. - Sao bà dậy sớm vậy? - À, ngủ no mắt thì dậy thôi. Ông ngủ thêm chút nữa hẵng dậy. Chắc chưa được 4 giờ đâu. Tui nấu miếng cháo, pha trà rồi tui kêu. - Thôi, tui cũng no giấc rồi. Để pha bình trà uống.
Ông bà ngồi bên nhau tịnh không một âm thanh nào khác ngoài tiếng thứ nước vàng đục đặc quánh từ cái bình trà chảy sang cái chung bé xíu. Xung quanh dường như cũng ngừng thở. Không ai nói với ai lời nào nhưng dì cảm nhận được nỗi âu lo mông lung sợ sệt như đang nuốt chửng cả 2 người. - Con Hai đi theo bà hén? - Tui khỏe, tui đi một mình được. Bệnh viện đông đúc. Với lại, 2 mẹ con cũng tốn kém, ông à. - Được không đó? - Ông lo đi mần rồi còn tính cái đám cưới của con Hai. Mấy bữa khỏe rồi tui về. Giờ, điện thoại dễ mà. Có gì thì tui gọi. - Ờ, bà tính vậy cũng được.
Dõi theo bóng lưng chồng khuất hẳn sau làn cửa kính cáu bẩn của chiếc xe đò, dì vẫn như thể nhìn thấy chiếc áo thun bạc màu mỏng lét rúm ró, cổ giãn ra, đậu trên đôi vai gầy gò của ông. Lúc nhúc người là người. Mùi thuốc lá, mùi cà phê, mùi dầu xanh, mùi hơi thở… phủ chụp lên người dì. Tiếng máy lạnh rè rè lẫn trong tiếng nhạc phát ra từ chiếc ti vi cạnh tài xế. Màn hình xanh đỏ chớp tắt nhập nhoạng. Dì cài kín nút cổ áo trong, kéo cái tay áo khoác bằng len đã cũ, che phủ mu bàn tay gân xanh chằng chịt. *** Dù không phải lần đầu tiên đến bệnh viện nhưng lần nào đứng giữa sân hay phòng thu ngân, dì cũng có cảm giác chới với như chân đặt trên mũi chiếc xuồng con băng qua sông cái. Dì nói với ông, với con Hai, với thằng Ba là bệnh viện có lạ gì, làm sao mà không tự đi được. Đó là dì lừa họ. Dì biết rằng sẽ không bao giờ mình quen được không khí nơi này, quen được cảnh cơ man nào là người này. Mặt mũi ai nấy dàu dàu, tay xách tay mang, ánh mắt bơ vơ, trĩu nặng. Nhất là những người đang mang căn bệnh như đi trên con đường xa hun hút tối tăm như dì.
Đảo mắt nhìn quanh, dì phát hiện có cái ghế trống ở cuối dãy. Nghe cơn choáng váng kéo đến như mưa rào, không trở tay kịp, dì cần ngồi một chút. Đôi chân này đã biết bao lần xấp xải từ nhà ra vườn đội thúng rau, mớ cá rảo nhanh ra chợ. Đôi chân này đã từng ngày 2 lượt đạp xe 20-30 cây số, thấu làng trên xóm dưới, chở từng lít dầu dừa, từng mớ lúa có hề hấn gì đâu. Vậy mà bây giờ, có một quãng không quá tầm mắt nhá nhem của tuổi già mà dì cảm thấy mịt mù khơi xa. Dì nhấc từng bước nặng nhọc, trong đầu cứ nghĩ đến câu chuyện cổ tích kể về một phú ông giàu có, tiền muôn bạc vạn, rồi cuối đời phải cân đong đo đếm nhặt nhạnh từng đồng xu lẻ. Sức của ai rồi cũng có lúc chỉ còm cõi vỏn vẹn như những đồng bạc lẻ sao? - Đưa đây, tui cầm cho cái túi!
Dì giật thót, chút nữa là hô hoán lên. Phản xạ tự nhiên, rất nhanh, dì ôm rịt cái túi du lịch màu đỏ vào ngực như người ta ôm con nít. Người đàn ông đó chắc tầm tuổi chồng dì hoặc cũng có thể hơn. Chiếc áo bảo vệ màu xanh da trời của ông khiến cơn sợ hãi của dì dịu xuống. - Hằng ngày ở đây, nhìn cái tướng đi là tui biết đang mệt. Đưa cái giỏ đây! Ngồi ghế đằng kia phải hôn? - Dạ, nhờ ông! - Số này đến hết buổi sáng cũng không tới phiên bà. Phải qua giờ chiều. Ngồi lâu à nghen! - Dạ, tui ở quê lên. Cũng thong thả, chiều khám, không gấp gáp gì.
Trời nóng đến nỗi dì có cảm giác mình đứng cách mặt trời có vài phân. Có cái gì đó như một con rắn bò lên thít lấy 2 bên thái dương. Tê buốt. Cơn nhức từ ngực phải lan đến đỉnh đầu chẳng khác nào người khách không mời vẫn cứ đến. Trời xanh và cao chót vót. Cụm mây trắng tựa bức tượng hình đầu người hóa thạch lẻ loi lơ lửng ở trên đầu. Dì nhìn áng mây mà nhớ ngày con Hai còn nhỏ. Chiều nào 2 mẹ con cũng nằm cọt kẹt trên cái võng cũ sờn của bà nội. Con nhỏ thích nghe kể chuyện cổ tích. Đôi khi, không còn biết kể chuyện gì, dì nhìn đám mây chờn vờn ngay tầm mắt con, chỉ cho nó đâu là hoàng tử, đâu là bạch mã, đâu là quái vật độc ác cần tiêu diệt để cứu công chúa. Con nhỏ đã tin biết nhường nào.
Bao lâu rồi dì không tưới tắm niềm tin cổ tích ở những người đã trưởng thành như mình cho nó xanh tươi lên vậy? Phòng khám đầy mùi hóa chất. Mỗi lần đi về là dì phải mau mải thay liền bộ đồ ra tắm giặt, mấy bữa sau vẫn như còn phảng phất ở ngay đầu mũi cái mùi ám ảnh đó. Có 2 người nữa ngồi trước dì. Một người có vẻ nhiều tuổi, khá đẹp lão, cổ tay trắng và đầy đặn, đeo 2 cái vòng cẩm thạch xanh, mỗi cử động cánh tay dù nhỏ cũng phát ra thứ âm thanh lanh canh. Dì nhìn bà nở nụ cười thân thiện thay lời chào và ngồi vào ghế sát bên. Gần cửa ra vào là một người đàn bà trẻ. Cô làm sáng bừng không khí lạnh lẽo bởi chiếc đầm hoa nhỏ li ti màu hồng trên nền vải rêu nhạt, ôm khít vòng eo thon gọn. Nhìn lướt qua mái tóc cùng đôi bàn tay, dì biết chắc cô vào độ trên dưới 30. Dì nghe như mình vừa nuốt xuống buồng phổi một tiếng thở dài. Bệnh tật có chừa một ai! - Tất cả các kết quả đã có. Cô bị ung thư vú. Với trường hợp của cô, bác sĩ chỉ định phẫu thuật cắt bỏ tuyến vú, sau đó tiến hành xạ trị. - Dạ. - Cô có thể về nghỉ ngơi vài ngày rồi chuẩn bị tiền bạc. Cũng hơi tốn kém và phải điều trị lâu dài. Có bảo hiểm y tế thì đỡ phần nào. Nếu ở quê thì sắp xếp ở lại, gọi người nhà lên. - Dạ. - An tâm, bệnh của cô có thể khống chế được. Đừng nghe nói ung thư mà sợ. Người ta điều trị và sống hai ba chục năm; thậm chí là già, rồi qua đời như một người khỏe mạnh bình thường. Có người trẻ còn tiếp tục sinh con. Vui tươi lên! Vui là sẽ hết bệnh. An tâm hén!
Giọng nói trầm ấm của một bác sĩ nam còn trẻ dội vào dì như tiếng ở cõi nào vọng lại. Dì đã cố giữ điềm tĩnh với tất cả người thân nhưng có lẽ ở nơi này, trước mặt vị bác sĩ cầm trong tay một xấp dày cộp nào phiếu siêu âm, nào hình ảnh, chẩn đoán… dì không thể giữ rịt được sự u ám hoảng loạn như một con quái vật đang cựa quậy đòi thoát ra. *** Bệnh tật, rồi mai này là cái chết, có khi nào cũng là một sự xếp đặt? Dì muốn nghĩ vậy cho nhẹ nhàng. Có lẽ nhiều bệnh nhân mang những căn bệnh khó chữa như dì cũng từng nghĩ vậy. Nó giống khi mệt, không thể dọn dẹp được, người ta chọn cách đóng cửa căn phòng bừa bộn, để không thấy, không nghĩ gì nữa. Gạt mình cũng là uống liều thuốc giảm đau.
Có thể nó không tốt nhưng khi cơn đau đang vượt ngoài ngưỡng chịu đựng, còn có cách nào khác? Chỉ cần qua được những lần cơn buồn thảm trỗi dậy, người ta từ từ động viên mình đứng lên bằng cách này hay cách khác. Dì ôm chặt chiếc túi du lịch dõi mắt theo ráng chiều đỏ thẫm thế chỗ cho áng mây hình đầu người hóa thạch.
Cơn đau lại kéo đến. Dãy ghế chờ chỉ còn lác đác vài người. Thu chân lên ghế, chiếc túi đồ kê dưới chân, dì đưa cánh tay này choàng lấy tay kia, ôm lấy thân mình, đổ gập xuống. - Đợi người nhà hay sao vậy bà?
Dì ngẩng mặt lên nhìn người đàn ông khuôn mặt chằng chịt những nếp gấp dọc ngang. Khuôn mặt một người ở tuổi này là bức tranh phơi bày cuộc đời, nội tâm của họ. Bức tranh đó, họ đã vẽ từng nét trong chừng đó năm, ít ai có thể che giấu được. Ánh mắt hiền lành của người bảo vệ khiến dì cảm thấy như đang có một người thân bên cạnh. - Bác sĩ nói nghỉ ngơi vài ngày rồi phẫu thuật, xạ trị. Chắc tui dìa quê. - Ở đâu? - Bến Tre. - À, gần nhà tui. Mà bà yếu như vầy, mới lên giờ dìa, rồi mấy bữa lại lên. Bà đi được không? - Chớ còn cách nào nữa đâu? Ở lại đây, ăn ở nhiều ngày, tui sợ không kham nổi. Bác sĩ nói mà tui cũng biết, bệnh tui chữa lâu dài. Tiền bạc đâu có… - Ừa, tui nghĩ đến bệnh là sợ. Một ngày tui thấy biết bao nhiêu người như bà. Nhiều khi nghĩ, hổng biết chừng nào tới mình… Bà đợi tui một chút. - … - Tui sẽ gọi cho bà chiếc xe Grab. Từ đây tới đó cũng gần. Chỗ trọ miễn phí người ta dành cho bệnh nhân ở xa, khó khăn. Tới nơi sẽ có chỗ cho bà nghỉ vài bữa đợi người nhà lên, đỡ mệt bà. Cơm nước, có khi người ta tới phát từ thiện luôn. Bữa nào không có, bà ra ngoài, chếch về phía tay mặt có 2 quán cơm nấu theo kiểu miền Tây mình. Ráng ăn cho có sức.
Dì đón tờ giấy học trò nhàu nhĩ từ tay ông. Hình như có tiếng gì đó lạo xạo trong dạ rồi lan ra khắp tấm thân nhiều mệt mỏi của dì, nghe tựa như tiếng đám ve gọi nhau trên tán cây cổ thụ đằng xa kia. Từng tiếng, từng tiếng tiếp nối rồi thành một bản đồng ca mạnh mẽ, gần như lấn át cả tiếng động cơ xe máy trên đường. Chúng không lẻ loi, thê thiết như tiếng cuốc vọng sương hồi khuya. - Đâu phải lúc nào mình cũng có thể lựa chọn. Phải chiến đấu tới cùng thôi bà.
Dì lập cập buông tiếng cảm ơn, lập cập leo lên xe, ngồi sau lưng cậu trai trẻ mặc chiếc áo xanh lá cây đồng phục hãng xe công nghệ. Xe chạy thong thả, gió mát rượi. Dì ngước lên nhìn bầu trời xanh trong veo. Những đám mây hình bạch mã, hoàng tử, lâu đài, công chúa nhảy múa trước mắt - những đám mây cổ tích.
NSND Trần Ngọc Giàu cho biết, Liên hoan Cải lương toàn quốc 2024 có thêm giải thưởng cho tác giả chuyển thể là bước tiến lớn, động viên lực lượng sáng tác.