Truyện ngắn - Những con cừu gió

09/07/2020 - 06:52

PNO - Cừu gió rất mạnh, đó không hẳn là do bản năng, mà từ khao khát kiếm tìm những giá trị thật trong cuộc sống của chúng.

Đất nóng đón những dấu giày của tôi vào một buổi xế trưa. Nắng rợp trên đầu, da mặt tưởng đang phồng lên như mặt bánh nướng trên vỉ than. Tôi định múc một gàu nước tưới lên đầu cho trôi bớt cái nóng nhưng giọng ông già người Chăm lơ lớ vang lên:

- Đừng rửa, lột da đấy! Chờ mặt nguội bớt đã, cậu ơi!
- Vâng, thưa ông.

Tôi bước vào hiên. Những ngôi nhà người Chăm dựng trên đất nóng, rất hiếm khi tìm thấy một bóng cây, dù đất xung quanh rất rộng lớn. “Sống gì nổi mà trồng một cái cây!”. Ông già nheo mắt, cười gượng.

- Cậu thấy đó, cả vùng này nào có được mấy cây. Nước không có, người còn khô như con cá khô, cây nào sống nổi. 
- Thế những con cừu thì sao? Không có cây cỏ thì chúng sống làm sao?

Ông đưa tôi ly nước, chỉ là nước thôi, không đá. Ờ mà giữa cái nóng như rang này, đá chỉ cần để ra ngoài một chút là chúng tàng hình mất dạng. Hèn chi người ta không cần uống đá. Nước nguội, cà phê đen, cà phê sữa cũng không đá nốt. 

- À, cừu thì sống được đấy! Sống tốt. Chịu khó lùa chúng sang đồi cỏ bên kia sườn núi là chúng sống phè phỡn thôi.
- Ngày nào cũng phải lùa đi lùa về hả ông?
- Ừ! Tôi có người chăn cừu. Sáng mai cậu sẽ đi cùng chứ?

Tôi gật. Một lần đến đất nóng thử vai du mục, quanh quẩn bên bầy cừu, xem nết ăn nết ở của loài nuôi lấy lông, có vẻ cũng không có gì làm khó được tên thị dân rặt như tôi. Có lẽ nhờ sẵn cái ham muốn khám phá luôn ẩn trong mình. Tôi thích đi. Những chuyến đi dài ngắn ít nhiều cũng mang lại những bài học vỡ lòng về con người và mọi thứ xung quanh. Ai đó nói những người chúng ta gặp trên đường đi đều hữu duyên cả. Cho dù sau này mình có nhớ họ là ai hay không, thì cũng nên lấy đó làm vui.

Chỉ có vợ tôi không cùng một hướng với tôi trong khoản này. Dĩ nhiên nàng sẽ phản đối. 
- Đi cho lắm, tắm cũng…

À mà thôi, nàng nói lúc nàng đang giận. Nhiều năm bên nhau, tôi hiểu rõ tính vợ. Cô ấy không phải cái máy nói nhưng đã giận ai thì ngôn từ bỗng dưng méo mó một cách thô kệch. Cổ kim mách bảo đừng đổ dầu vào lửa, nhất là lửa đang cháy trên cái đầu hừng hực của phụ nữ. Tôi xoa dịu bằng những lời mơn trớn:
- Anh đi lần này nữa thôi, vợ yêu!

Vợ hứ một tiếng rõ to. Cái giọng hứ hé đó, nghĩa là vợ đã biết tỏng tôi không có một chuyến đi nào là cuối cùng. 
***

Tối hôm ấy, tôi được thu xếp nghỉ ngơi trong một phòng đặc biệt chỉ dành riêng cho khách quý. Căn phòng khá rộng, cạnh giường ngủ treo một bức tranh vẽ trảng cỏ xanh biếc trải khắp chân đồi. Ngắm tranh, cái oi nồng của thời tiết mùa hè nơi đất nóng phần nào dịu bớt, ít ra tôi cũng dễ chịu khi màu xanh của cỏ mềm đập vào mắt. 

Bữa tối được dọn ra quanh bếp than hồng. Chủ nhà đã hào phóng thịt hẳn một con cừu béo tốt đãi chúng tôi, dù khách chỉ có tôi và anh tài xế. 
- Một chút rượu nhé?

Ông già Chăm nheo mắt hỏi ướm. Mọi sự mệt mỏi vì đường xa đã tạm lắng xuống. Chúng tôi khoan khoái chuốc rượu, lật trở miếng sườn cừu, hít hà mùi thịt cháy trên bếp. Giữa cuộc rượu thì có thêm vài món rau củ làm đồ nhắm cho đỡ ngán. Các món rau nhiều màu sắc được cắt tỉa thô sơ, thảy lên vỉ than, nướng xèo xèo vui tai.

Người mang cho chúng tôi mớ rau củ ấy là một cô gái Chăm với làn da nâu giòn, dáng người nhanh nhẹn ẩn hiện trong bộ áo Chăm trắng muốt. Cô mỉm cười. Tôi chăm chú nhìn cô cười để xem có gì khác với nụ cười gái Kinh. Sự chăm chú đó cướp mất của tôi phép lịch sự tối thiểu, khiến tôi giật phắt khi cô ta hỏi:
- Anh có cần gì nữa không?

Cô nói tiếng Kinh rất sõi, tròn vành vạnh chứ không lơ lớ như cha mình. Nhan sắc của cô là “ánh mặt trời” của cả cái làng này - cha cô vỗ đùi bảo vậy, cùng cái cười rất đắc ý. Tôi không khỏi ngạc nhiên khi cô gái Chăm này khiêm tốn bảo mình đã tốt nghiệp đại học ở Sài Gòn.
- Cô tìm được việc chưa? 
- Em nghỉ rồi anh ạ.
- Ơ…

Vướng ông già, tôi đành khép miệng giấu những cắc cớ trong lòng. Tôi không có nhiều thời gian ở nơi này. Chiều tối mai, khi đã khảo sát xong địa hình dựng trang trại, tôi và tài xế lại về thành phố. Việc còn lại đã có ông già ở đây lo.

Tôi cũng không nghĩ rằng mình lại bị cô gái ấy làm cho phân tâm, sau những mẩu chuyện lặt vặt xung quanh tôi, cha cô ta và người chăn cừu.
- Đây là đàn cừu tôi mới tuyển về. Chúng còn khá lạ lẫm. Còn đây, đây cũng là người mới đến chăn cừu cho gia đình tôi.

Ông già huơ tay chỉ về phía bầy cừu đang quây quần phía xa xa đằng kia. Người thanh niên chăn cừu tướng cao lớn, chắc nịch như những thân gỗ thẳng đuột phía bìa rừng tôi từng đánh xe qua. Nghe gọi, anh ta ngoác miệng cười hết cỡ, dù trán chằng chéo những nếp nhăn dưới cái nắng nóng như thiêu đốt.
- Xin chào!

Anh giơ tay ra hiệu chào tôi. Tiếng anh ta ấm và vang vọng như tiếng gầm từ xa. Tôi thoắt nghĩ, tốt rồi, sau này khi tất cả bầy cừu được chuyển giao qua trang trại, tôi cũng sẽ thuê nốt anh chàng này để trở thành người chăn cừu của riêng mình. Gì chứ thanh niên khỏe mạnh, không ngại cực khổ, lao động chăm chỉ dưới thời tiết khắc nghiệt, tôi không nhanh tay sẽ có kẻ hớt mất.

Anh trả lời những câu hỏi xã giao của tôi một cách chừng mực. Ông già Chăm hất hàm hỏi:
- Ê, nay có uống không?
- Dạ không, con nào dám.

Tôi bảo, anh ta tốt tính nhỉ, cần mẫn và có trách nhiệm. Chứ nếu thèm quá uống vài ba ly giữa ngày, lựa lúc đàn cừu ngủ, mình cũng đánh một giấc, rồi sau đó dậy lùa chúng về, cũng đâu ai thắc mắc gì. Ông già cười hềnh hệch:
- Thanh niên sắp cưới vợ, thằng nào cũng ráng nhịn rượu để thực hiện trót lọt thách cưới 18 ngày chăn cừu của nhà gái, cậu ạ! Sau đó thì ai biết chừng…

Tôi sững người:
- Thách cưới sao?
- Phải. Tục lệ của chúng tôi là vậy. Anh muốn cưới con gái nhà nào phải sang nhà ấy chăn cừu đúng 18 ngày. 

Mười tám ngày, là 36 lượt lùa đi lùa về bầy cừu cả trăm con, sao cho nguyên vẹn, không con nào mất một… túm lông. Nghĩ tới đó thôi, tôi đã thấy một vùng trời như lửa đỏ trước mặt. 

Ông già thủng thỉnh rít điếu cày, bảo:
- Trong bầy cừu, thể nào cũng sẽ có 1, 2 con rất cứng đầu, bướng bỉnh. Dân trong nghề xem chúng là “cừu gió”. Thuần phục được những con cừu đó, mới thực sự vượt qua thách cưới đấy. 
- Thế… anh ta…
- Anh ta đang thực hiện thách cưới nhà tôi đấy!

Tôi vỡ ra, chưng hửng. Cái ý nghĩ muốn sở hữu anh chàng này làm người chăn cừu cho trang trại của mình phút chốc tan như mây khói.

Cô dâu của anh ta, con gái như ánh mặt trời của ông già đó, mười tám ngày sau sẽ gật đầu đi bên anh ta ư? Không dưng tôi thấy mình lẩn thẩn. Này thì ánh mặt trời, này thì người chăn cừu…
***
- Xin lỗi, tôi nghe cha cô nói cô sắp cưới ư?

Đáp lại lời tôi, chỉ nghe tiếng gió cào qua mái tôn ràn rạt. 

Tối đó, cô mặc một bộ váy Chăm thêu nhiều hoa văn lạ mắt. Bên bếp lửa, cô nướng thêm ít ngô. Tôi tránh lặp lại sai lầm cũ, không nhìn cô để cô khỏi hiểu lầm. Cô nói ít, chỉ những gì cần thiết như cung cấp thêm một số chi tiết về khu vực trang trại của tôi, về nguồn nước, thức ăn… và tuyệt nhiên không hé môi bất cứ chuyện gì về mình. Chỉ khi tôi rời đi, cô mới bảo mình nhớ phố. Lúc ấy, tôi giật mình nhìn vào mắt cô. Đôi mắt rất sáng, đầy năng lượng. Đôi mắt hướng khỏi vùng đất nóng, vượt thoát khỏi bầy cừu, hướng về phía gió.

Để rồi chiều nay, khi gặp lại đôi mắt ấy trên thành phố, ngay nơi mình ở, tôi thảng thốt, không hẳn vui mừng, cũng không hẳn ngạc nhiên. Chỉ là, tôi tự hỏi tại sao mọi thứ diễn ra quá nhanh và bỗng gợn nhiều lo âu trong lòng.
***

Anh biết không, từ khi gặp anh, tôi biết sợ. Vì khi nhìn anh, tôi lại nghĩ đến viễn cảnh đời mình. Tôi sẽ chôn vùi một quãng thanh xuân đẹp đẽ bên anh ta sao? Loại người mà lý tưởng cuộc đời chỉ vỏn vẹn quanh bàn nhậu. Rồi những niềm vui bé mọn của tôi cũng sẽ bị người đàn ông đó chuốc say. Mặt trời còn trồi lên sụt xuống, tôi thì không. Lấy anh ta, tôi sẽ đứng yên ở đó, trong ngôi nhà, cùng những đứa trẻ và bầy cừu. 

- Và thế là cô chạy trốn lên đây, đi tìm tôi…
- Không, không. Có lẽ anh đã hiểu lầm. Tôi không trông chờ gì vào anh, càng không muốn dính líu tới…
- Nhưng cô vẫn đi tìm tôi đấy thôi.

Cô ngắt giọng tôi, vẻ quyết liệt:
- Thôi nào, tôi tìm anh để nói rõ điều này, rằng tôi không nghĩ gì về anh cả. 

Tôi chậc lưỡi:
- Cô phức tạp nhỉ. Tôi cũng đã nghĩ gì đâu nào.
- Có đấy?
- Sao?

Nếu anh không quan tâm, sao lại hỏi về tôi nhiều đến thế? Đến mức cha tôi đã nghi ngờ tôi chạy trốn khỏi cuộc hôn nhân đó để theo anh đấy.

Tôi suýt sặc khi nhìn vẻ mặt thật sự nghiêm trọng của cô ấy. Những cô gái thật sự rất lạ lùng. Tại sao cô ta lại phức tạp hóa mọi vấn đề lên? Tôi hỏi về cô, như một cái cớ để khuấy tan bầu không khí nhạt nhẽo khi chỉ có hai người đàn ông, một già một… chưa già (chứ không hẳn trẻ). Cô không biết rằng những người đàn ông ngồi với nhau, một hai câu đầu còn rôm rả chuyện đông chuyện tây, sau đó cũng gom gọn về những người không cùng giới với mình. Rất bình thường!
- Nếu cô không bỏ đi, thì đâu ai nghĩ quấy.
- Tôi không thể ở lại đó. Và càng không thể ở đây. Nên tôi chỉ mong anh hãy giúp tôi một việc.

Tôi gật, chắc như đinh đóng cột rằng tôi sẽ không hó hé với cha cô về tung tích của cô. 
- Tôi sẽ bay. Trời ơi, tôi thèm đón gió biết chừng nào!

Rồi cô bay thật. Không một lời từ biệt. 
- Nhưng tôi sẽ quay lại đấy. Chỉ là chưa biết lâu hay mau…

Cô để lại lời nhắn trong messenger cho tôi, kèm cái nháy mắt bí ẩn. Tôi lập tức xóa tin nhắn ấy. Tôi cũng chẳng quan tâm cô sẽ theo gió bay đi đâu, miễn là bay khỏi tôi, bằng không, cái tổ ấm bé nhỏ của tôi không chừng sẽ ngả nghiêng cùng cô ta. 

Nhưng tôi nhớ rõ mồn một tia mắt hấp háy đầy vui sướng của cô ấy, khi cô nói về những chuyến bay. Chắc cô hạnh phúc. Thứ hạnh phúc không ẩn giấu trong lớp lông cừu dày cộm kia, cũng không bị ánh nắng hừng hực trên vùng đất nóng thiêu cho tan chảy. Thứ hạnh phúc đó, cô cần phải bảo toàn, bằng cách bay đi, đón đầu ngọn gió.
***

Ông già Chăm đón đối tác một cách hờ hững. Những nghi ngại chừng như vẫn còn nương náu trong đầu ông. Thỉnh thoảng khi đi vòng quanh trang trại mà ông gầy dựng cho tôi, ông ho khan. Tôi tránh những nghi ngờ bằng cách liên tục đặt câu hỏi, về cừu và mọi thứ.

Ông giúp tôi thuê được vài người chăn cừu tốt nhất. Một tuần nữa, cừu sẽ được thu hoạch lông đợt đầu tiên. Những con “cừu gió” được dòm ngó kỹ lưỡng hơn, vì chúng sẽ chẳng bao giờ chịu đứng yên cho người khác xén lông. Ông cẩn thận dặn những người chăn cừu như thế.
- Cậu biết không, những con cừu gió ấy, chúng rất mạnh, mạnh nhất trong đàn, nên thuần phục được chúng cần một quá trình.

Cừu gió rất mạnh, đó không hẳn là do bản năng, mà từ khao khát kiếm tìm những giá trị thật trong cuộc sống của chúng. Đương đầu hay ngoan ngoãn bị thống trị là điều mà cừu gió tạo nên sự khác biệt với bầy đàn.

Rồi những con cừu gió có hạnh phúc không?

Tôi không vội trả lời câu hỏi lè nhè của anh chàng từng chăn cừu để thách cưới cô gái ấy. Một lần, tôi trở lại thăm trang trại của mình và bàn giao một số việc cho cha cô ấy, tôi đã chạm mặt anh ta trong quán rượu. Nhìn khuôn mặt đỏ gay, râu tóc đã tố giác sự cẩu thả, tôi mỉm cười.

Thật may khi những niềm vui bé mọn của cô gái ấy đã không bị anh ta chuốc say… 

Trần Huyền Trang

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI