Bà Ba không biết nói gì, chỉ dám từ dưới bếp len lén nhìn ra. Mấy lần bà tính bước tới đỡ con gái dậy nhưng đụng ánh mắt đe nẹt của chồng lại phải lui. Ông Ba ngồi bên bàn trà, chậm rãi hút thuốc. Mùi khói thuốc hăng hắc như bóp nghẹn cổ bà, hôi nồng phủ khắp căn nhà, lan ra cả chỗ Huệ đang quỳ, quấn quanh cô như một sợi xích.
Không chịu được nữa, Huệ định dập đầu xuống đất xin ba má thương tình. Tình cảnh này khiến đá cũng phải mềm, vậy mà ông Ba cứ chậm rãi như cách khói thuốc trôi lơ lửng, bước ra nhìn xuống Huệ phán xét.
- Mày phải làm gì sai thì nó mới đánh! - giọng ông nghe như sấm.
- Ba không tin con sao ba? - Huệ ngước lên, chới với nhìn ông. Ánh mắt cô ngầu đỏ như mắt con bìm bịp sắp bị nhổ lông làm thịt.
Ánh mắt đó làm ông Ba chột dạ, bèn đổi sang giọng khác nhẹ nhàng hơn. Lạt mềm thì buộc chặt, cách này nhiều lần ông đã thành công.
- Con cái rứt ruột đẻ ra, ba má nào không thương hả con? Nhưng con có thương ba má không? Đầu hai thứ tóc mà để hàng xóm xì xầm con gái hư thân mất nết nên mới bị chồng bỏ, ba má chịu sao nổi?
|
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock |
Huệ chết điếng. Lời ông Ba như cái thòng lọng thít vô cổ cô, càng giãy giụa càng ngạt thở. Cô quơ quào trong không khí tìm chỗ vịn nhưng tất cả rỗng không, chỉ có những sợi khói thuốc nhẹ và đắng. Tay cô buông thõng, cam chịu.
- Con có thương con Mi không? Hai đứa bây ly dị thì cũng được, nhưng đứa nhỏ có tội tình gì? Để nó đi học bị bạn bè nói là thứ không cha, nó buồn lắm con à! - biết con gái đã lung lay, ông Ba đánh một đòn hiểm. Hổ dữ còn không ăn thịt con…
Huệ ước mình cũng hóa thành khói thuốc. Dẫu cô không ưa thứ mùi hăng hắc đó nhưng nó rồi sẽ tan biến đi, còn cô phải ở lại trần gian này, cam chịu những đau đớn sắp tới. Cô rùng mình trước cơn say của chồng và những vết bầm chưa kịp tan sau lưng. Huệ ngước lên lần nữa, cố tìm trong mắt ba một tia thương xót. Nhưng không, đôi mắt ấy cương quyết và có phần lạnh lùng. Cô gật đầu, tự nâng mình gượng dậy, buông giọng hẫng hụt như con diều bị gió giật đứt dây:
- Thưa ba má con về…
***
Ông Ba ngồi tỉ mẩn lau lại mấy tấm bằng khen. Có cả bằng gia đình văn hóa. Với ông, chỉ những thứ này là quý. Danh dự. Nó làm ông mở mày mở mặt, lưng thẳng ngực ưỡn ra đường tự tin mà nói chuyện với người ta.
Tốt khoe xấu che, ông bà mình trước giờ dạy đâu có sai. Cái gì không tốt mình nên cất đi, để người ngoài không vin cớ xầm xì. Vậy mà vợ chồng con Huệ, nhắc tới ông lại thấy ngộp thở, tức nghẹn lồng ngực. Tụi nó toàn làm chuyện khiến người ta để ý. Thằng chồng thì nóng tính mà còn ham nhậu nhẹt, mỗi lần rượu vô đánh vợ đánh con hàng xóm chê cười. Hên nó còn cái mác kỹ sư, lương cao chức lớn, người ta cũng nhắm còn nhờ vả được, chưa dám cạnh khóe nhiều. Còn con gái ông… Thiệt tình. Phải chi nó khéo léo hơn chút thì đâu đến nỗi. Nhìn nó ra đường kìa. Áo quần hớ hênh, chỗ bầm chỗ sưng người ta thấy mồn một. Bị chồng đánh có gì hãnh diện mà khoe? Phải giấu kín kín vô chớ!
- Ông ơi, vô ăn cơm! - bà Ba dọn xong mâm cơm, khe khẽ kêu chồng.
Ông Ba ngừng tay, cẩn thận đặt từng cái bằng khen trở lại chỗ cũ, thong thả xỏ dép bước ra sau.
- Nồi cá kho còn ăn được, bà mua thịt thêm chi vậy? - ngó dĩa thịt chiên vàng rộm, ông Ba cằn nhằn.
Bà Ba không nói gì, lẳng lặng bới cơm, gắp thịt cho ông. Bà biết ông khó tính cũng có cái lý. Ông đang để dành tiền đặng đóng chân hụi nữa, lo cho cháu ngoại đi học. Nhưng cũng phải ăn cho có sức chớ, nồi cá kho mấy ngày khô đét, dính hết vô nồi, còn gì đâu mà ăn. Nghĩ vậy nhưng bà Ba chỉ bật được tiếng thở dài thườn thượt.
- Bà trù tui chết hay gì mà mặt mày như đưa đám vậy? Nhai cơm như nhai tro trấu. Cũng hên ăn cơm trong bếp chớ ăn ngoài nhà trước ai đi qua thấy vẻ mặt bà không đơm đặt thêm chuyện này kia mới lạ.
- Hay là… - bà Ba cố gắng lựa giọng thật mềm mại, ngả sang chiều van nài - … mình cho con Huệ ly dị đi ông.
Ông Ba dằn đũa mạnh xuống mâm làm bà Ba giật mình. Nghe tiếng nghiến răng của chồng, bà vội bước lại nồi canh, giả bộ múc thêm cho đầy tô. Theo bước chân, nước mắt bà chầm chậm rỉ xuống. Bà nghĩ mà thương con, không biết bữa nay thằng chồng nó có xỉn không, chỗ đau nơi vai nó đã hết chưa…
Bà Ba đếm tới một trăm, đoán chồng đã bớt giận rồi, mới dám bưng tô canh quay lại. Bà định hỏi một câu nhưng thấy gương mặt còn bừng bừng đỏ của ông Ba, bà nuốt ngược câu hỏi vô lòng - câu hỏi mà bà đã định hỏi từ rất lâu rồi.
Từ cái hồi bà Ba mới về làm dâu, cưới chạy bầu, ngày đẻ con xong phải ráng đi làm với cái bụng độn giả bộ như chưa đẻ để người ta khỏi rù rì. Những cơn đau đó, mỗi ngày bà phải gồng mình chịu đựng. Bà cũng đã định nhắc chuyện lúc con Huệ tám tuổi sốt nặng phải nhập viện ngay ngày đám cưới con trai bạn ông Ba. Bữa đó, nhà còn bao nhiêu tiền, ông vét đi sắm vàng mừng đám để bạn không chê cười. Không có tiền đi bệnh viện, con nhỏ vật vã với nước ấm và những gói thuốc nam đắng nghét chùa cho từ thiện mà bà phải lén đi xin. Cũng hên, con nhỏ qua khỏi.
Bà còn tính nhắc chuyện lúc con Huệ dẫn người yêu về ra mắt. Thằng đó nghèo mà chí lớn, mặt mày tính nết thật thà, bà tin nó sẽ biết cách khiến con bà hạnh phúc. Tụi nhỏ yêu nhau thắm thiết mà trong mắt ông Ba, đó chỉ là một thằng nhà nghèo trèo cao, không xứng làm rể ông.
Bây giờ, câu hỏi đó lại cộm trong miệng bà, đau như cái xương cá đâm xiên qua nướu. Lời người ta nói quan trọng hơn cuộc sống của má con bà hay sao?
***
Bà Ba ngồi bệt xuống sân, cái giỏ đi chợ chỏng chơ bên cạnh. Mớ trứng vịt chạm đất mạnh bạo bể nát, chảy ướt nhơ nhớp. Bà ôm ngực, cảm thấy nghẹn thở. Ông Ba thấy vợ đi chợ lâu, bước ra ngóng thì thấy bà đang ngồi trong sân. Bực mình, ông gắt làm con chó phèn đang ngủ bên hè giật thót kêu ăng ẳng:
- Bà làm điên làm khùng gì mà ngồi đó? Muốn người ta cười vô mặt hay sao? Cơm nước không lo, trưa trời trưa trật rồi.
Bà Ba ngước nhìn ông, đôi mắt trống rỗng. Trước sự ngạc nhiên tột độ của ông, bà cười khẩy:
- Ông tự ra chợ mà mua. Ngoài đó người ta khen ông dữ lắm.
- Người ta nói cái gì? - ông Ba nhíu mày.
- Họ nói ông có thằng rể quý, tối ngày nựng con gái ông bầm tím mặt mày; nói ông “tốt bụng” thấy chết không thương, để con nhỏ bị chồng rượt chạy cời cời trong xóm.
- Bà đừng có mà dựng chuyện! - ông Ba nổi khùng. Trong đời, ông ghét nhất ai nói động tới mình.
- Rồi ông tính làm gì tôi? - bà Ba bật dậy, nhanh và mạnh như cái cần câu vừa bị con cá bự giật đứt mồi - Ông tính đánh tôi như thằng con rể ông hay sao?
- Bữa nay bà gan trời… - ông Ba lùi một bước, ngạc nhiên nhìn vợ.
- Gan tôi nhỏ lắm. Tôi đâu có gan nhìn con mình bị đánh mỗi ngày mà làm lơ như không thấy - bà Ba bật cười. Nước mắt bà ọc ra, chảy xuống từng dòng. Gương mặt bà như méo đi, bởi bị kéo giữa giận dữ và đau đớn.
- Ông sợ người ta nói, giờ người ta khen ông tàn ác cho ông vừa lòng. Bữa nay có sống chết gì tôi cũng đưa con tôi về.
- Bà… Bà mà đưa nó về, tôi đuổi bà đi luôn - mặt ông Ba đỏ bừng.
- Khỏi đuổi, má con tôi tự đi. Vui sướng gì mà ở - bà Ba quay người bước đi.
***
Bình trà nguội ngắt, ông Ba kêu vợ châm thêm nước nóng nhưng tiếng của ông vọng từ nhà trước ra nhà sau rồi va vô nhau bể vụn. Căn nhà cũng lạnh tanh, bếp lò đã tắt hẳn mùi thơm nấu nướng. Chỉ có ông ngồi một mình, im im như con mèo hoang hom hem trong tơi bời những ký ức xô đẩy. Bà Ba đi được hơn tuần rồi.
Ông Ba tưởng bà sẽ sớm về, năn nỉ ông cho vô nhà. Ông đã soạn sẵn cái mặt nghênh nghênh, nghĩ sẵn những câu dạy dỗ, cho bà biết được ở nhà yên phận sung sướng làm sao. Ông quên rằng trong cái nhà này, người bươn chải nhiều nhất là bà, đi hay ở đâu có làm bà mệt thêm bao nhiêu. Có khi lại vui vẻ hơn, khi ông nhớ lại thái độ dứt khoát của bà, quay lưng ngược chiều nắng hắt, kiêu hãnh bước đi. Sao bà có thể ung dung như vậy khi đi khỏi nhà mình?
Căn nhà lạnh như nghĩa địa. Ông Ba liên tưởng vậy vì cơn lạnh mấy ngày nay cứ bám chặt lấy ông. Không biết bệnh gì nhưng nó hành ông mệt quá. Nửa đêm lên cơn sốt, thèm một bàn tay rờ trán, nhận ra chỉ có mình ên nằm trong bóng tối, ông cảm giác như rã ra từng mảng và tan biến đi.
Lúc bị cơn sốt vật tới mơ hồ, ông nhớ những chuyện xa xưa. Chúng rũ bụi, hiện về từng chuyện một. Cơn đau này, sự cô đơn này có phải vợ ông cũng từng trải qua? Có phải con Huệ đã vật vã như vầy hồi tám tuổi, ráng níu kéo sự sống ẩn hiện sau mấy chén thuốc đắng? Liệu chúng bằng nhau hay ai chịu thiệt thòi hơn?
Ông Ba chẳng có chén thuốc nào, chẳng có lời hỏi han nào, chẳng có hơi ấm nào. Chỉ còn chúng, những bằng khen sáng loáng treo trên tường, bóng bẩy nhìn ông xa lạ như cách ông nhìn vợ con ông, buộc họ phải sống trong cái lồng son đẹp đẽ gọn gàng ông tạo dựng.
Cái lồng đẹp như cái lồng gỗ chạm khắc cầu kỳ con chim sáo đang ở, treo trước cửa. Nó đang hót cho ông nghe hay nó chửi rủa người giam cầm nó? Không đâu, ông thương nó lắm. Ông bắt sâu cho nó ăn, ông lo cho nó đủ đầy, ông khen ngợi nó mỗi ngày. Một con chim cần gì hơn vậy? Nó đã có sự sống một con chim cần và danh dự một con người cần. Có khi nếu được mở lồng, nó còn chẳng thèm bay đi.
Ông Ba run run bắc ghế trèo lên lấy cái lồng chim xuống. Ông chầm chậm kéo chốt mở cửa lồng. Con chim ló đầu ra nhìn ông, rồi lại thụt đầu vào. Ông Ba cười đắc thắng, định khoe với ai đó nhưng bây giờ nơi này chỉ có mình ông, chỉ ông thôi. Chính cái bóng của ông ở chỗ không đủ nắng hắt vô cũng mờ nhợt. Bất thình lình, con sáo lao ra khỏi lồng, phóng xuống đất, tung cánh bay. Nó bay như một kẻ được giải oan, sung sướng tràn trề, không ngừng lấy hơi một lần nào.
Ông Ba ôm lấy cái lồng, bật khóc. Ôi, một con chim vẫn cần nhiều hơn nhu cầu sống và danh dự thì huống chi con người.
***
Ông Ba đứng tần ngần bên ngoài cổng trọ, nấn ná không dám hỏi thăm ai. Ông sợ bị bắt gặp. Ông cũng chưa biết khi gặp vợ và con gái, ông sẽ nói gì. Một tiếng xin lỗi sao khó quá chừng.
Lẽ ra ông Ba nên đi sớm hơn, lúc hay tin con Mi cháu ông bị ba nó đánh đến nhập viện. Cái thằng quỷ đó, ai có ngờ rượu vô lại tàn ác tới mức vậy, con mình cũng không tha. Nghe người ta kể gương mặt con nhỏ sưng húp, lòng ông đau như bị xiên trăm nhát. Ông tưởng tượng cái môi chúm chím cười, líu lo hát cho ông nghe đã mếu lại, mỗi cử động đều nhức buốt. Vậy nhưng sớm hơn có ý nghĩa gì không khi mọi chuyện đã rồi? Ông không thể phù một cái thổi bay những vết đau của con ông, cháu ông được. Ông cũng không thể xua đi bóng tối hãi hùng trong lòng chúng.
Bất chợt, ông Ba tự hỏi, trong lúc cong người lại che chở cho con mình, con Huệ có nghĩ tới ông không? Chắc là không bởi ông đã nhẫn tâm từ chối khát khao của nó. Không có một niềm tin nào để nó vịn vô. Còn cháu ông, Mi có nghĩ tới ông ngoại không? Nếu nó biết rằng người nó gọi là siêu nhân đã dửng dưng để mặc mọi chuyện xảy ra, nó sẽ nghĩ gì?
Tiếng trẻ con hát líu lo như một con sáo tự do nghe thật vui. Ông Ba ghé mắt nhìn qua cổng. Kìa kìa, ông thấy vợ con ông rồi. Cả cháu ông nữa. Trong sân trọ, họ đang nướng thịt, nhìn vui vẻ lắm. Mắt con Mi chưa hết sưng, mà nụ cười của nó tươi quá. Con Huệ nhìn cũng không còn mệt mỏi. Vợ ông móm mém cười xoa đầu cháu.
Giá mà ông “biết nghĩ” thì đâu có ai phải khổ suốt chừng đó thời gian. Giá mà ông biết những cái lồng chỉ làm lũ chim chết dần chết mòn…
Phát Dương