Truyện ngắn - Người lạ trên đường

17/08/2024 - 20:10

PNO - 23g, ánh đèn neon hắt xuống soi một gương mặt đàn ông dữ tợn. Mưa vẫn nặng hạt. Cô tính bước tới nhưng chẳng hiểu sao vẫn lần lữa ngập ngừng muốn lui. Cái chòi nằm chơ vơ ven Quốc lộ 22 cùng với chủ nhân của nó khiến Mẫn ái ngại.

- Cô sửa chi?

Buông một câu gọn lỏn, không đợi trả lời, người đàn ông quay trở lại chăm chú bên chiếc Cub 81 cũ mèm trông như đống sắt vụn.

Chỉ mới hình dung một mình dắt chiếc xe tay ga lúc nửa đêm về sáng trên con đường hun hút động cơ container gầm gừ, Mẫn đã rùng mình. Song, người đàn ông đối diện còn khiến cô bận tâm hơn. 2 má ông chỗ lồi, chỗ lõm, những vết sẹo dài vắt qua cánh mũi kéo ra tận mang tai, thêm vẻ trầm lặng kiệm lời càng tô đậm phần u ám. Vừa đây thôi cô đã reo lên trong đầu khi thấy ánh sáng phát ra từ căn chòi nhỏ này. Vậy mà đầu Mẫn đang mường tượng hàng loạt tình huống. Giả dụ ông chủ “chém” vài trăm ngàn đồng hay cả triệu bạc cũng được. Nhưng nếu bị tấn công để cướp hoặc tình huống xấu hơn, làm sao Mẫn thoát?

Rốt cuộc, đâu có gì ghê gớm như Mẫn tưởng. Người đàn ông săm soi bugi, nói phải thay cái mới. Mẫn gật đầu, lên sẵn tinh thần bị “chém” để rồi vài giây sau, có chút bối rối vì mình đa nghi quá. Tấm bảng gỗ đóng đinh treo trên cây cột ngay chỗ Mẫn xớ rớ hồi nãy có những dòng chữ viết tay rất khéo, nội dung là đội sửa xe miễn phí, thay phụ tùng giá gốc, cụ thể và rẻ.

Tranh minh họa - Shutterstock

Tranh minh họa - Shutterstock

Áy náy qua mau, Mẫn một lần nữa mường tượng mông lung sau khoảnh khắc phát hiện người đàn ông đã bỏ lại căn chòi, chạy chiếc Cub 81 theo cô một đoạn hướng về phía cầu vượt. Những ý nghĩ trồi lên nhọn hoắt: “Ông kèm mình đi đường rồi cướp? Mà không, cần thì làm ngay chỗ chòi chứ đi đâu cho xa, hay có những đồng bọn đang chờ sẵn cho một mục đích đen tối hơn?”. Thật khó tin sẽ gặp được một người lạ vô tư tốt tính giữa đường. Cuối cùng, Mẫn quyết định dừng xe hỏi thẳng:
- Sao chú chạy theo con?
- Tôi đưa cô lên tới cầu vượt.
- Con tự đi được.
- Đứa nhỏ nào cũng nói y chang.

Mẫn luôn tha thiết một gia đình, có má, có ba, có những bữa cơm nhà rộn vui nhưng ở xóm không tên, mọi thứ đều tạm bợ. Tạm bợ từ cái lắc đầu của chị Nhài chèo xuồng: “Trong đó buồn muốn chết. Xóm chi tới cái tên cũng không có”. Tạm bợ căn chòi lá thường trực chơi trò nghiêng ngả những bữa mưa gió. Tạm bợ tới cả đồng dưa hấu má gieo mỗi năm 2 vụ, xất bất gửi xuồng chị Nhài xuyên rạch Mồ Côi ra chợ thị trấn bán. Má Mẫn chưa bao giờ nhắc đến ba. Ngay cả quê quán, bà cũng lặng thinh. Vào tuổi ấu thơ, có lần Mẫn hỏi “Ba đâu?”, đáp lại là gương mặt nặng trĩu ưu phiền của má. Dần dần, Mẫn thôi không đả động tới gốc gác nữa. Tiếng “ba” trong tim Mẫn là một khoảng mênh mông trống rỗng. Lớn lên giữa xóm nhỏ nằm sâu trong rạch Mồ Côi, nhận biết dăm ba chuyện đời là Mẫn thấy mình thiếu thốn dù hồi đó không thực sự biết rõ thiếu gì. Bọn Mẫn - những đứa trẻ xóm không tên - phải kiên trì chịu khó dữ lắm mới với được tới những con chữ. Và, dù “buồn muốn chết”, chị Nhài vẫn cần mẫn ngày 2 bữa sớm tối chèo xuồng tuyên bố chắc nụi: “Sắp nhỏ trong đây đi học là tui bao hết, khỏi lo tiền bạc”. Rồi Mẫn tốt nghiệp phổ thông, rời rạch Mồ Côi lên thành phố học đại học.

Khoảnh khắc người đàn ông cất giọng, không dưng Mẫn bồi hồi, trộm nghĩ giả dụ mình có ba, liệu giờ này ông có lo lắng vì đứa con gái ham việc quá mà đường xa chưa về.

Là nhân viên dự án trong nhóm phụ trách chuỗi sản phẩm từ trái gấc của công ty, gần đây, Mẫn xuôi xuống Quốc lộ 22 thường xuyên. Những lúc ngang qua căn chòi sửa xe, như quán tính, cô hướng mắt ngó vô. Người đàn ông vẫn ở đó loay hoay bên thùng đồ nghề từ 4g chiều trở đi. Gương mặt chằng chịt sẹo hiện ra dưới ánh sáng ban ngày không đáng sợ như buổi đêm. Dù nhủ thầm sẽ bớt tham công tiếc việc, tranh thủ về sớm nhưng những giờ miệt mài trong phòng thí nghiệm và ra vườn cùng bà con nông dân gieo gấc hướng tới mục tiêu có vùng trồng nguyên liệu tự nhiên tại chỗ đã hút hết tâm trí Mẫn. Sau cái lần thon thót nghi ngại và rồi vẫn bình an, Mẫn còn được ông chủ tiệm sửa xe “hộ tống” thêm vài lần. Chưa thể gọi là thân thiết, có điều Mẫn đã thôi e dè căn chòi trên đường. Ở đó, ngoài người đàn ông ấy còn nhiều bạn trẻ khác. Họ nhiệt thành và sôi nổi, thường tỏa ra các hướng sửa xe giúp người đi đường, nhất là vào đêm muộn. Thỉnh thoảng Mẫn đem cho người đàn ông ổ bánh mì nóng giòn, ly cà phê đen đá hoặc mấy tờ báo ra hằng ngày.

Ban đầu, ông không chịu lấy, vậy là Mẫn kể công ông, còn làm mặt giận: “Chú lo cho con nhiều vậy mà ổ bánh mì con cũng không được quyền mua cho chú sao?”. Cũng có lần, Mẫn ghé lại cả buổi chiều, kể nghiệm pháp gương mà cô nghe được từ anh bạn bác sĩ, hy vọng giúp ông giảm cơn đau do chân trái đã bị cắt cụt trên gối. Ông nghe chăm chú, rồi nheo mắt cười, nói: “Thiệt biết ơn cháu nhưng đau riết cũng quen”. Mẫn biết không có cơn đau nào, dù là thể xác hay tinh thần, đến miệt mài thì mình sẽ quen. Mỗi cơn đau luôn mang một hình hài khác. Nó mài mòn người ta. Tò mò nhiều, song Mẫn chọn im lặng không khơi gợi gì, dù là cuộc đời hay những vết thương dài và sâu trên người ông. Càng gặp gỡ, Mẫn càng nhận ra ông rất lành. Cô thầm ghen tị với những đứa con của ông. Có một người cha ân cần như vậy hẳn là hạnh phúc.
***
Xóm đón Mẫn về giữa mùa dưa. Cô đã tủm tỉm cười suốt từ lúc còn ngồi trong lòng xuồng chị Nhài khỏa tay vốc nước rửa mặt, đinh ninh chỉ cần bước lên bờ sẽ lập tức thấy má giơ nón lá vẫy vẫy trên cánh đồng dưa cùng các bác, các thím. Vậy mà không gian tĩnh lặng tới độ hoang mang. Bước chân Mẫn vội vàng hướng về căn chòi giữa xóm. Đám đông đang chộn rộn.
Suốt ngày hôm đó khi ngồi thụp trên sàn hành lang phòng cấp cứu, đầu óc Mẫn day đi day lại câu hỏi của bác sĩ: “Gần đây, bệnh nhân có bị áp lực nào lớn hay gặp chuyện gây xúc động mạnh?”. Theo cách Mẫn cảm nhận, cuộc sống 2 má con bình yên và lặng lẽ. Mỗi nhà trong xóm là một góc đời trôi dạt không ai biết nhau từ trước và: “Đã tới đây nghĩa là không muốn ai tìm thấy” như lời bác Bảy Từ. Ngay cả chuyện bán dưa cũng là chị Nhài ngược xuôi ra mặt. Bọn trẻ vẫn được đi học dẫu có chông chênh đường sá. Không tới nỗi đói. Không cãi vã, càng không ai sân si, đố kỵ, thành thử hỏi áp lực thì thiệt khó nghĩ.

Mẫn được thông báo rằng may phước ai đó đã ép tim ngoài lồng ngực cho má kịp thời và đúng cách nên qua được giai đoạn nguy hiểm tính mạng vì cơn nhồi máu cơ tim cấp, giờ bà cần nghỉ ngơi. Đêm đó, Mẫn ngồi im lìm bên giường bệnh, lần đầu tiên nhận ra tóc má đã nhiều sợi bạc, đôi bàn tay đầy cục chai và những đường gân xanh lồ lộ. Mẫn ngoài 30 rồi, nghĩa là má không còn trẻ nữa. Nhiều lần Mẫn năn nỉ má chuyển lên thành phố nhưng bà luôn lắc đầu nói nhà mình đây rồi còn đi đâu. Càng bị khước từ, Mẫn càng quyết tâm lao vào việc tích cóp mua căn hộ chung cư, trộm nghĩ có nhà thành phố chắc má sẽ hãnh diện rời đi cùng cô. Bữa nay, Mẫn đem sổ hồng về khoe, chợt thấy nó chẳng nghĩa lý gì nếu không còn má.

Bác Bảy Từ đem cơm tới, biểu Mẫn phải ăn mới có sức chăm sóc má. Mẫn hỏi dò mấy tháng rày xóm có chi mới, bác ngẩng mặt nghĩ ngợi một hồi, nói xóm mình đó giờ không buồn không vui. Đợt dưa này chị Nhài đưa vài người tới, họ là dân buôn chuyến nghe tiếng dưa xóm ngon nên tìm vô tận nơi. Bác đã kêu thôi, mà chị Nhài phân tích có lý. Phần đời phía trước ra sao thì cũng bỏ lại hết rồi. Xưa 17 nóc nhà nay thành 27, có thêm người mua thì thêm việc, xóm càng ấm no, tốt cho bọn trẻ. Họ mau mắn, vui vẻ, mình thu hoạch xong sẽ thuê xuồng tới chở, cũng đỡ cực chị Nhài. À, mà hình như bữa đó má Mẫn có nói chuyện với một người hơi lâu. Kể ra cũng lạ, từ hồi bồng Mẫn trôi tới xóm, chưa khi nào bác thấy má nói nhiều vậy.

Vừa mở mắt, má liền hối Mẫn mau mau bắt xe đò đi thành phố ngay. Đôi chân líu ríu, bàn tay run rẩy chống không vững mặt giường, giọng má cuống quýt. Bác sĩ dặn phải hết sức tránh cho má những tình huống gây xúc động nên Mẫn dù vô cùng sửng sốt trước tin tức vừa gom được, cũng như câu “đi thành phố”, đã cố trấn an bằng những cái gật đầu, chờ má bình tĩnh trở lại rồi mới lên tiếng.
- Chừng má khỏe con đặt xe liền, bác sĩ chưa cho xuất viện.
- Má có tội, má phải đi, không thôi trễ mất.

Tội? Mẫn không hiểu câu đó có ý gì và “đi thành phố” là đi đâu. Mẫn nghe kể hồi lâu rồi, xóm vô danh như tên, chỉ những cuộc đi tuyệt vọng mới đẩy từng người tới. Về sau, khi lớp trẻ bọn Mẫn tìm đường ra thị trấn học, những đồn đoán xuất hiện. Cuối cùng, nhà chức trách đã cử một đoàn cán bộ vô coi ngó để chắc rằng xóm không có tên tội phạm nguy hiểm nào ẩn náu. Với lại, để con được tới trường, ba mẹ cũng cần giấy tờ. Vậy thì có thể là tội lỗi gì? Mẫn nhớ mình đã lén khóc vì má không đưa lên thành phố thi đại học như tụi bạn mà gửi nhờ cô giáo chủ nhiệm với vài phụ huynh khác. Mẫn cũng từng cắc cớ thành phố có chi ghê gớm mà má tránh như tránh tà.
***

Má kêu xe rà rà vài ba đoạn rồi dừng lại trước cánh cổng có hàng rào chè tàu thẳng băng. Cánh cổng quen quá. Nhà má Hai đây mà! Đợt Mẫn xuống Trung An tìm hiểu cốt tìm hướng vận động bà con trồng xen canh cây gấc, cán bộ nông nghiệp xã dẫn tới ngôi nhà này đầu tiên, biểu có chi cứ hỏi má Hai. “Má có 3 cậu con trai thì 2 người hy sinh trong kháng chiến. Đó là một bà má nông dân anh hùng chân chất. Ở xứ đây, từ trẻ nít tới người già, hễ nghe tên má là thương hà” - chị cán bộ nông nghiệp nhắn Mẫn vậy.

Cảm xúc Mẫn tê điếng. Trên chuyến xe tưởng như dài dằng dặc cả đời người, má kể Mẫn nghe chuyện của bà với một người lính chiến trường K. Má là con gái thành phố hẳn hoi. Tình yêu thời ấy, mỗi lần gặp gỡ đều như lần cuối. Dẫu có hẹn, có thề, trong thâm tâm mỗi người đều hiểu cái chết luôn có thể ập đến bất ngờ nơi chiến trận. 3 tháng kể từ lần gặp cuối, má đậu thai. Bà biên thư, rồi lại thư, không một lần hồi âm. Má tự viện lý do, thư đến, thư đi từ chiến trường đâu có dễ. Khi chiến tranh kết thúc, từng đoàn bộ đội trở về sum họp, người má thương vẫn bặt tăm. Mồ côi từ sớm, má nhẫn nhịn hết sức, chịu đựng hết sức những cú đánh, cú đá, những đay nghiến ngày và đêm anh trai buông ra cốt để chờ và chờ mãi. Má làm liều bươn bả tìm đường, nhủ lòng nếu lỡ cay đắng âm dương cách biệt vẫn sẽ xin ở lại làm dâu phụng dưỡng má chồng.

Má còn chàng ràng ngoài cổng chưa kịp lên tiếng thì một người đàn bà rất đẹp hỏi kiếm anh út nhà tui chi, ảnh đi họp trên huyện rồi. Cuộc đi của 2 má con Mẫn bắt đầu ngay sau đó, trong đắng cay buồn tủi. Hơn 30 năm trời, má gặp lại người đàn bà rất đẹp ngày nào giữa cánh đồng dưa, bàng hoàng vì một sự thật khác.
- Ảnh phải mổ cả chục lần, sống khổ sống sở. Sau chắc tại nhớ chị quá mà lẳng lặng tìm, có lẽ tính nhìn từ xa thôi, nào ngờ chị đi rồi. Khỏi phải nói, ảnh như phát điên. Mấy chục năm nay, má Hai với ảnh lặn lội tìm má con chị trong Nam, ngoài Bắc biết bao công sức mà kể. Má Hai cứ trách mình tội lỗi chất chồng, dù bà có biết trước chuyện gì đâu. Em nghe lần nào cũng xót. Nói thiệt, hồi đó ảnh thương em là em chịu liền.

Mẩu tin đó đánh gục má Mẫn. Giữa những mê tỉnh sau cơn nhồi máu, má cứ đưa tay làm động tác vò trái tim. Bà không khóc. Có lẽ nước mắt cũng giận mà bỏ đi hết rồi.

Dựa người Mẫn, má bước từng bước ngắn, chậm rãi. Từ bên hông nhà, mái đầu bạc trắng liêu xiêu nhằm hướng cổng, thấy Mẫn là nheo mắt cười, quở độ rày lâu dữ, bộ công chuyện nhiều quá hả bây. Nhưng nhận ra Mẫn không tới một mình, má Hai khựng lại. Và kia nữa, dáng người dong dỏng cao đang hấp tấp lao ra. Chưa kịp lắp chiếc chân giả, ông té chúi nhủi. Ai không biết có khi tưởng ánh mắt thảng thốt và những giọt nước đang chảy trên gương mặt chằng chịt sẹo ấy là vì cái chân đau.

Thu Hằng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI