Truyện ngắn - Người cũ

20/07/2023 - 19:19

PNO - 10 năm là quãng thời gian đủ cho vết thương thành sẹo, đủ cho tức tối giận dữ chìm xuống đáy sâu ký ức, đủ cho sự sàng lọc của thời gian giúp buồn bực trôi qua và giữ lại đôi chút đẹp đẽ…

Cũng có cách so sánh để mình thấy cuộc hôn nhân không đến nỗi hoàn toàn tệ hại, là nếu không thể nhìn lên thì mình nhìn xuống. Ví dụ như so với những kẻ sau ly hôn lấy cớ thăm con để khiến đối phương phải điên đầu thì tôi và bé Thanh hoàn toàn yên ổn. Điều đó cũng đáng gọi là điểm cộng.

Như vậy, cuộc gặp giữa tôi và chồng cũ có thể xem như cuộc gặp giữa 2 người bạn cũ không? Liệu người vợ hiện tại của chồng cũ có nghĩ như tôi không? Lỡ ra tôi trở thành kẻ đánh thức quá khứ, là kẻ gây rối…?
Đành vậy vì ở tình thế của tôi thì không thể không gặp. Tôi chọn cách gửi trước một email giải thích lý do để chồng cũ có cái mà trình với vợ. 

***
Tôi đến trước 15 phút, đúng như bài học giao tiếp đã dạy rằng bên nào cần thì phải có mặt sớm hơn. Việc có mặt sớm hơn vài phút khiến đối phương nhận ra mình là kẻ biết điều, có thể giúp sự việc hanh thông.

Chồng cũ là thầy giáo dạy tôi bài học này và những bài học khác nữa. Tôi vẫn nhớ lớp học giao tiếp ngày đó… 
10 phút sau, chồng cũ xuất hiện, miệng cười tươi như thể cuộc gặp này là một điều thú vị, còn tôi thì thở phào, may quá, mình vẫn là người đến trước. 

Miệng chồng cũ vẫn cười tươi và thêm đôi mắt mở rộng khiến ánh nhìn sáng lên. Bài học này tôi cũng còn nhớ, là để đối phương thấy họ được chú ý và thậm chí là được chiêm ngưỡng. Mà tôi thì tự biết mình đang xuống dốc thê thảm. Bệnh dịch kéo dài khiến công ty tôi lên bờ xuống ruộng và tôi cũng ngắc ngoải theo, mệt đừ đến nỗi chẳng còn lòng dạ điểm tô nhan sắc. Thực ra tôi cũng có nỗi e ngại lỡ vợ hiện tại của chồng cũ vì ghen tuông mà xúi chồng đừng ký xác nhận cho biết tay…

Tốt nhất là tôi không nên xinh đẹp trong tình thế này.

- Con khỏe không em? - chồng cũ hỏi. - Từ khi tới tuổi ẩm ương, con chẳng chịu nói chuyện với anh nữa.

Tôi gật đầu:

- Bé Thanh khỏe, ngoan, học hành chăm chỉ. Đợt dịch vừa qua công việc làm ăn bị đình đốn, nay em cần vốn để phục hồi nên định cầm sổ đỏ vay ngân hàng. Rắc rối là thủ tục vay ngân hàng đòi hỏi phải có xác nhận của anh rằng không liên quan tới căn nhà của em - tôi bỏ qua vẻ phân bua trong câu nói của chồng cũ và vào đề luôn, chỉ là lặp lại nội dung trong email đã gửi.

- Căn nhà bây giờ chắc cũng cỡ chục tỉ đồng, hả?

Tôi không gật cũng không lắc. Giá trị của căn nhà không liên quan tới cuộc gặp mặt bất đắc dĩ này. 

- Con gái sắp xong phổ thông rồi ha.

Câu nói nghe như vu vơ mà khiến nỗi lo lắng trong tôi trồi lên. Đứa bạn thân là luật sư đã cảnh báo rất có thể chồng cũ không chịu ký xác nhận với lý do để dành cho con. Một lý do rất chính đáng. Ừ, biết đâu… Giữ tài sản cho con là bổn phận của người cha có trách nhiệm. Dĩ nhiên thầy giáo dạy giao tiếp sẽ không nói huỵch toẹt ra như vậy mà có lý do khác nghe êm tai hơn, chẳng hạn làm ăn đã thất bại rồi mà em còn định đổ hết vốn vô đó thì có nên không. Thuyền to thì sóng lớn, lỡ lại thất bại thì mẹ con sống làm sao? Ôi… 

- Em cần bao nhiêu tiền mà phải cầm sổ đỏ?

Câu hỏi khiến tôi chưng hửng, nghe như sẵn lòng cho tôi mượn. Thôi đừng diễn nữa. Mấy bài học giao tiếp đó tôi thuộc nhão rồi. Tôi cần bao nhiêu chẳng dính dáng gì tới ai. Chỉ cần viết giùm tờ giấy xác nhận là không liên quan tới căn nhà của tôi rồi ra công chứng. Nếu biết trước có ngày này thì hồi đó…

Chồng cũ miệng cười và mắt nheo nheo:

- Hồi đó em đùng đùng bế con đi…

Đúng. Tôi bế con đi… rồi xoay xở mua căn nhà nhỏ trong con hẻm nhỏ. Sau 10 năm, căn nhà nhỏ giờ đây đã được xây lên 3 tầng và con hẻm nhỏ được nới rộng thông thoáng hơn. 

Trước khi tôi đến đây, đứa bạn luật sư thẳng thừng rằng tôi ở thế yếu, căn nhà đó hiện hữu trước khi chúng tôi ra tòa ly hôn, theo pháp luật thì nó là tài sản chung. Bạn thân dặn dò tôi phải hết sức mềm mỏng khéo léo mà tôi thì đang tức giận. Đùng đùng bế con đi? Nói được câu đó thì sao không nói luôn lý do khiến tôi phải đùng đùng bế con đi?

Tôi nuốt cơn giận đang tiếp tục trồi lên và chợt nhớ bài học khác: muốn dẫn dắt đối phương lạc đề, hãy làm cho họ nổi cáu. Có phải chồng cũ muốn một cuộc cãi cọ để có cớ nổi giận mà từ chối yêu cầu của tôi? Để chứng tỏ quyền lực? Với kẻ đã chia tay rồi mà vẫn còn ham chứng tỏ quyền lực với người kia, có lẽ đành phải hạ mình.

Chồng cũ lại mỉm cười như đọc thấu ý nghĩ trong đầu tôi và thể tất cho sự hời hợt nông cạn của tôi. Nụ cười của chồng cũ khiến tôi nhớ một bài học khác: hãy tỏ ra cho đối phương thấy mình độ lượng, bao dung.

Hay là tôi thực sự cần sự độ lượng, bao dung đó? Trời ơi, lẽ ra tôi nên trang điểm trước khi tới đây và đeo vòng vàng lấp lánh. Hẳn là nhìn tôi thảm hại lắm.

- Anh có ký xác nhận không? - tôi bật ra. 

Ngay lập tức tôi hối hận nhưng câu nói đã lỡ bật ra. Câu hỏi như mong được biết ý kiến. Ôi, tôi đã đi sai nước cờ. 

- Em định làm ăn như cũ hay chuyển hướng kinh doanh khác?

Trời đất, còn đòi tôi phải khai báo công việc làm ăn nữa sao? Tôi nuốt nỗi hậm hực:

- Cũng có vài dự định này kia nhưng đợi đến khi cầm tiền trong tay rồi mới quyết định được.

- Làm ăn là phải có kế hoạch dài hơi, mà em nói như là ngẫu hứng. Anh thấy hơi bất an - chồng cũ ngập ngừng.

Tôi cắn răng giữ lại câu nhấm nhẳng sắp văng ra. Kiểu tỏ vẻ ngập ngừng kia có phải là để dọn đường cho lời từ chối? Mình phải bình tĩnh.

May mà đứa bạn luật sư đầy kinh nghiệm đã tư vấn cho tôi phương án 2. Tạm thời cho qua chuyện ký xác nhận, hãy nhắc lại một vài kỷ niệm dễ chịu. Kỷ niệm sẽ khơi dậy cảm xúc, khiến người ta yếu lòng trong phút giây và tôi sẽ chộp lấy phút giây đó để chìa giấy bút ra.

Tối qua, tôi đã căng óc đào bới dưới lớp lớp chất chồng những oán giận và cả lãng quên theo thời gian, rồi thì cũng lôi ra được vài nỗi nhớ. Là khi tôi có bầu bé Thanh, thèm ăn trái cóc. Nghe qua thì dễ nhưng oái ăm là đã hết mùa, chồng hỏi han bạn bè khắp nơi tìm cho ra nhà kia tận Vĩnh Long có cây cóc trái mùa…

Và nữa, lần đó bé Thanh sốt cao, nửa đêm chồng chở tôi bế con đi cấp cứu. Tôi ôm con nằm trên giường, muỗi vo ve, chồng tới phòng trực mượn tờ báo đuổi muỗi. Sáng ra, thấy chồng dựa lưng vào chân giường ngủ gục, tôi chưa nói năng gì thì người phụ nữ giường bên cạnh đã lên tiếng: “Ảnh quạt cho 2 mẹ con cả đêm đó”. 

Thêm một kỷ niệm nữa là cuộc thi Bé khỏe - bé ngoan, cô giáo nói bé và mẹ là điều quá quen rồi, năm nay cuộc thi mong có sự góp mặt của những người cha. Đàn ông mà lên sân khấu múa may với mấy đứa con nít à? Chồng phản ứng ngay lập tức nhưng rồi cũng lên sân khấu cùng với bé Thanh khi đó mới 3 tuổi. Cha cao lênh khênh khom người xuống để con gái bé nhỏ nhón chân cài bông hoa lên vành tai… Dưới hàng ghế khán giả, những bà mẹ vừa vỗ tay vừa cười vang. 

- Em cười gì vậy?

Tôi cười sao? Trong khoảnh khắc, tôi như nhìn thấy lại bông hoa đó - bằng giấy xốp màu hồng.

- Em cười gì vậy?

Chồng cũ lặp lại. Tôi lắc đầu. Lỡ chồng cũ nghĩ tôi cười nhạo thì rất phiền. Tôi lắc mạnh đầu thêm lần nữa cho ký ức tan đi nhưng như thể tôi vừa lắc một cái hộp và xóc tung mọi thứ nằm bên dưới. Nhớ lần đầu bế con về ăn tết quê nội. Cha chồng là trưởng họ nên bữa cơm nào trong ngày tết cũng thành tiệc tùng. Tôi nói trước: “Anh biết em dở chuyện bếp núc rồi đó”. Chồng cười: “Yên tâm, để đó anh tính”. Rồi anh ra vẻ bực bội to tiếng: “Em đừng lấy cớ lăng xăng trong bếp bắt anh phải bế con. Để anh gặp gỡ bạn bè với chớ”. Chắc mẹ anh cũng hiểu màn kịch này nhưng bà chỉ cười hiền.

Ngày tháng đó ai cũng hiền…

- Em cười gì vậy?

Câu hỏi vang lên lần nữa và tôi buột miệng:

- À, chỉ là em nhớ…

- Không biết em đang nhớ gì. Anh cũng hay nhớ… hồi em bế con đi. Bây giờ thì dĩ nhiên là quen rồi chứ hồi đó anh khủng hoảng ghê lắm. À, anh không đổ thừa vì vậy mà sinh ra rượu chè đâu. Công nhận trước đó anh cũng đã đổ hư rồi. 

Tôi bật thốt:

- Mà sao tự nhiên anh đổ ra uống rượu vậy? Chiều nào cũng kiếm cớ nhậu nhẹt say sưa.

- Anh không biết. Anh nhớ đã từng phân bua với em là quan hệ làm ăn thời buổi này phải biết uống rượu…

- Nghe nhàm quá.

- Ừ, những gã rượu chè thường lấy câu nhàm chán này để biện hộ. Nhưng mà… quả thật là… hồi đó tụi mình nghèo quá. Con mình nhập viện nằm phòng 8 giường, vừa nóng vừa hôi, ngừng tay quạt là con lại xoay trở bứt rứt, mà con xoay trở thì em cũng mất ngủ theo. Đến khi 2 mẹ con ngủ được thì con người ta bật khóc, cả phòng lại thức giấc theo…

Anh nhớ cô hộ lý hồ hởi giới thiệu mới có người trả giường ở phòng dịch vụ, mau đi nộp tiền để chuyển qua đó nằm cho con khỏe mẹ cũng khỏe. Lúc đó, anh nghĩ phải chi mình có nhiều tiền. Thầy giáo dạy giao tiếp mà không xoay chuyển được hoàn cảnh gia đình mình thì nhục quá.

- Cố gắng làm việc để có nhiều tiền lo cho gia đình đâu đồng nghĩa với phải uống rượu liên miên?

- Ừ, anh đã nhận là tại anh hư mà…

Tôi im lặng. Không đợi nghe lời sám hối này nên tôi chẳng biết nói gì.

Chồng cũ cười:

- Hồi đó, gã nào cũng khoe uống rượu về có vợ pha nước chanh và dìu vô giường lau mặt lau chân cho. Anh đâu biết mấy gã đó xạo. Anh ganh lắm vì vợ anh chỉ biết cằn nhằn cự nự…

- Mà mấy cô tiếp viên thì dịu dàng.

- Ừ. Nghề nghiệp của họ đòi hỏi phải dịu dàng. Khi đó, anh ngu xuẩn không phân định được…

- Cho dù em hăm dọa bế con đi luôn… 

- Ừ, biết anh cưng con nên em hay hăm dọa bế con đi.

- Bởi vì lấy em ra mà hăm dọa thì chẳng được gì.

- Không. Điều này thì em lầm to.

Tôi cười:

- Em không còn là cô gái dễ tin nữa đâu.

- Anh biết. Anh làm mất lòng tin của em từ lâu rồi. Đáng đời anh. Mà thôi, cũng chẳng ích gì. Ừ, trước đó đã mấy lần em bế con về ngoại nên lần đó anh cũng tưởng… Cho nên anh cứ vậy, đợi em qua cơn giận thì đón về.

- …

- Nào ngờ em không về nữa. Mà em…

Điện thoại trong túi tôi đổ chuông khiến chồng cũ ngừng lời. Tôi thò tay vào túi và ngập ngừng rồi nhấn nút tắt. Có lẽ chồng tôi hoặc cô bạn luật sư gọi và tôi cũng có hẹn bàn chuyện làm ăn với vài mối quan trọng. Nhưng dù là ai thì ngón tay tôi đã nhấn nút tắt. Có lẽ vì tôi muốn nghe trọn vẹn câu nói của chồng cũ.

Nhưng anh đã ngừng rồi. 

Bức tường quán cà phê vẽ đồng cỏ với những bông hoa. Anh nhìn đâu đó qua vai tôi. Tôi cũng nhìn khoảng không sau vai anh, bông hoa trên tường tình cờ hiện ra ngay vành tai anh…

Điện thoại lại reo lần nữa. 

- Em nghe đi.

Tôi thò tay vào xắc và liếc nhanh cái tên hiện trên màn hình, là cô bạn luật sư. “Sao rồi?” - bạn hỏi. Tôi trả lời: “Ừ”. Phương án 2, tôi nhớ rồi. Nhưng ngay lúc này, thật tình là tôi chỉ muốn lặng yên lắng nghe.
Mà cái đồng hồ trên tường nhắc đã đến giờ đón con về. Chồng cũ đã có thêm 1 nhóc tì và tôi cũng vậy.

Tôi đứng lên:

- Em về đây.

Chồng cũ nhìn tôi rồi ngước nhìn cái đồng hồ trên tường vừa gõ rồi mở cặp lấy ra tờ giấy xác nhận.

- Anh định gửi qua bưu điện cho em nhưng nghĩ… đây là dịp gặp lại… Nếu không vì tờ giấy này chắc chẳng bao giờ em chịu gặp anh.

- Gặp để làm gì?

- Để anh được giải thích và nói lời xin lỗi em.

Tôi hít một hơi thật sâu để nuốt luôn cơn cay mắt và tôi cười:

- Cảm ơn anh. 

Nguyên Hương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI