Cái tật nằm gác chân lên đùi người khác tôi có từ nhỏ. Có lẽ là từ ngày ba tôi mất, mẹ tôi không chịu được cảnh đêm đêm nằm một mình, trống vắng trong lòng, nên đã cho tôi và em Cúc ngủ cùng. Tôi năm ấy mới lên sáu, nào hiểu biết gì tâm trạng, cảm thông gì nỗi niềm của mẹ. Chỉ thấy được ngủ với mẹ là sướng rơn.
Tôi và Cúc mỗi đứa một bên, tay quàng qua bụng mẹ, chân gác lên đùi mẹ như khư khư một món quyền lợi vừa xí được. Chẳng như trước đó, ngủ chung với chị Đào, chị Liễu, hai tay hai chân phải duỗi thẳng để đủ chỗ nằm. Đã vậy, nửa đêm say giấc, lỡ cựa quậy chân tay là bị hai bà chị véo đau điếng. Ngủ chung với mẹ, ôm mẹ thật chặt mà chẳng bị mắng, gác chân qua người mẹ mà không bị véo, còn được mẹ hôn hít vuốt ve…
Khi trở thành thiếu nữ, trước ngày về với chồng, tôi vẫn được nằm gác chân lên đùi mẹ. Mẹ tôi lúc này mới quở: “Không lo mà bỏ cái tật ấy đi, để chồng mày ngủ không trở người được, nó lại khó chịu!”. Tôi cười: “Vậy mà con tưởng mẹ thích nên mới để con với Cúc đứa ôm đứa gác vậy chứ!”. Mẹ lườm tôi, thở dài.
***
Đêm tân hôn, tay choàng qua ngực Hiển, tôi thì thào: “Em có tật này, anh chịu được không?”. Hiển cười khi tôi co chân vắt ngang qua đùi anh. Tôi ngủ rất ngon trong đêm đầu tiên với người đàn ông của đời mình. Nghe thấy hơi thở khác, ngửi mùi da thịt khác; không lặng lẽ yếu ớt như hơi thở mẹ, không dịu dàng mơn man như mùi hương riêng của mẹ. Gác lên đôi chân rắn rỏi, khỏe mạnh của người sẽ nằm bên cạnh mình từ nay, tôi nhận ra cảm giác gần gũi, tin cậy và thỏa mãn rất rõ, rất thật…
Chợt thức giấc, mắt chưa mở, tôi vẫn nhớ mình đang trần trụi. Tự dưng, linh tính có điều gì đó khác thường, tôi mở bừng mắt. Trong ánh sáng leo lét của đèn ngủ, lù lù một bóng người bên khung cửa căn phòng của người con trai duy nhất trong gia đình, vốn không lắp cửa mà chỉ che chắn bằng tấm màn nhựa vừa sắm trước ngày cưới vợ.
Trống ngực đập thình thịch, tôi vội quơ tay kéo tấm drap nằm xộc xệch dưới chân, che lấy thân thể mình. Người đường đột vén màn nhìn vào chốn riêng tư không ai khác ngoài chủ nhân ngôi nhà này. Cái bóng đứng ì một lúc mới chuyển động. Bức màn được trả lại vị trí, đong đưa cùng một giọng dấm dẳng: “Đàn bà chi ngó tướng nằm mất nết! Bốn, năm giờ sáng mà còn kẹp một bên chồng, chưa chịu dậy!”. Bao nhiêu hưng phấn, thú vị tan biến hết. Bừng trong tôi là nỗi xấu hổ pha lẫn bực bội, giận dữ. Tôi nhìn qua Hiển, anh vẫn vô tư thở đều, ngon giấc. Tôi mặc áo quần, nhìn đồng hồ: năm giờ kém hai mươi. Tôi biết làm gì giờ này? Định lăn xuống giường nằm lại bên Hiển nhưng tự biết sẽ không thoải mái được nữa nên thôi. Tự dưng tôi thấy chán. Và tôi mơ hồ dự cảm những điều bất ý sẽ xảy ra trong tương lai…
***
Cha chồng tôi mất, để lại cho vợ quyền cai quản ngôi nhà với đất vườn rộng bao quanh bốn bề. Vào độ tuổi năm mươi, mẹ chồng tôi đã thảnh thơi không phải làm lụng để có miếng ăn. Bà chi tiêu chừng mực với khoản thu nhập từ dãy nhà bốn căn cho thuê. Những năm bộc phát cơn sốt nhà đất, hai người con gái dắt díu chồng con về xin chia phần. Bà làm giấy tay bán rẻ đất hai bên ngôi nhà, vừa có thêm chút đỉnh dưỡng già, vừa kề cận mẹ con sớm hôm qua lại. Tôi về làm dâu, tiếng rằng trong nhà một mẹ một con, thật tình còn có hai bên tả hữu. Tôi chẳng ngán đâu. Vốn đã quen sống trong một gia đình mà mấy chị em gái đều có sừng có mỏ, tôi ngại gì chuyện mồm miệng.
Hiển thường nói như năn nỉ: “Em thương anh thì ráng chịu đựng tính khí của má. Bả nói gì kệ bả, đừng cãi lại rồi sinh ồn ào”. Tôi có cảm giác hai bà chị chồng chăm chăm chạy qua với mẹ là có dụng ý cả. Chị Hường chân vừa bước vào ngõ đã hỏi: “Con dâu má mua gì cho má ăn sáng chưa?”. “Thôi, tui không dám phiền đến người ta. Còn lành lặn chân tay, tui còn tự đi ra ngoài ngõ mà ăn…”.
Chị Hà chắp tay sau lưng đi vòng vòng quanh sân, nhìn lên ngó xuống rồi chép miệng: “Lá rụng quá trời sao không quét? Cây kiểng khô queo sao không tưới nước để chết hết?”. Bà mẹ chép miệng theo: “Anh Hiển lấy vợ rồi đâm ra làm biếng. Hồi nào, giờ ni là anh đã dậy xách nước tưới cây, bây chừ bị người ta kẹp một bên làm sao dậy cho được”. Tôi đang cầm chổi quét nhà, nghe thấy muốn sôi máu, định lên tiếng nhưng lại thôi.
Tôi cứ tuần tự mà làm, việc trước việc sau chu tất. Việc mua quà sáng cho mẹ chồng thì tôi chẳng băn khoăn. Bà vẫn giữ nếp đủng đỉnh bách bộ ra đầu xóm, có bao hàng ăn quán uống mời mọc, thích gì ăn nấy. Tôi cứ việc chờ Hiển chuẩn bị đi làm, vợ chồng cùng ăn sáng rồi anh chở tôi đến sạp quần áo của chị Đào. Tôi phụ giúp chị bán hàng như ngày còn con gái, chỉ khác là đến gần mười một giờ tôi về lo cơm nước nhà chồng. Ngủ trưa dậy, Hiển chở tôi ra chợ rồi anh đến cơ quan. Chiều, dọn hàng xong, tôi lại về nhà chồng lo bữa cơm tối.
Mẹ chồng tôi theo chồng tha phương lập nghiệp, vẫn giữ âm giọng của quê hương bản quán - miền đất xa ngái mà những người con của bà chưa một lần có dịp về thăm. Bà dậy sớm như những người già quen ngủ sớm vào buổi tối, khi thức dậy trời còn tối đen, chẳng biết làm gì hơn là đi loanh quanh trong nhà, ngồi trầm ngâm hàng giờ hoặc thắp nhang lên bàn thờ lầm rầm trò chuyện với những bức di ảnh.
***
“Đàn bà có mang mà ngủ nhiều thì sinh con nó u mê”. Nằm trong phòng, tôi cũng nghe được bà nói, sau câu hỏi của chị Hà rằng tôi dậy chưa. Cái thai gần đến kỳ sinh nở khiến tôi trở nên nặng nề, chậm chạp. Vẳng giọng chị Hà nửa cười nửa nói: “Con thấy mợ Lan số sướng ghê chớ! Được chồng cưng, việc gì cũng làm cho, muốn ngủ lúc nào thì ngủ, muốn dậy lúc nào thì dậy. Đâu như con hồi đó… có bầu mà vẫn phải buôn gánh bán bưng, thức khuya dậy sớm”. “Chị đừng có so đo, phân bì với người ta! Người ta là cành vàng lá ngọc. Bởi rứa mà bà mẹ mới không ưng gả cho anh con trai nhà bần”.
Tôi biết bà vẫn còn cay cú chuyện ngày bà đem cặp trà rượu đến nhà tôi dạm ngõ. “Tui chào bà chị, bữa ni tui xin phép đem chút lễ mọn đến để thưa chuyện với bà chị về hôn nhân của đôi trẻ. Mong bà chị vui lòng nhận cho rồi ta bàn tính…”. Mẹ tôi vẻ mặt dàu dàu, ngồi thừ trên ghế, dằn một tiếng: “Không”. Khách ớ người: “Dạ? Bà chị nói răng hỉ?!”. Mẹ tôi không nhìn khách: “Tôi có bằng lòng gả con gái tôi đâu mà dám nhận lễ của bà”. Hiển lúc đó cũng bật ngửa với câu trả lời độp vào mặt đó. Tôi khóc òa. Chị Đào, chị Liễu từ trong buồng ùa ra vừa dỗ mẹ vừa dỗ em. Lao xao, nhốn nháo một lúc.
Rồi… tôi cũng thành vợ Hiển, người hơn tôi đến mười một tuổi. Tôi khiến mẹ không an lòng khi “tự rước khổ vào thân” - mẹ nói vậy dù tôi chẳng phải là gái mới lớn, nông nổi bồng bột gì. Tôi cũng hiểu tâm trạng của một bà mẹ bị bẽ mặt vì lời từ chối thẳng thừng khiếm nhã. Bà nhắc hoài chuyện cũ cũng là do nỗi ấm ức, tự ái chưa nguôi ngoai. Nhưng chẳng phải tôi đã trái ý mẹ, làm buồn lòng mẹ khi khăn gói về làm dâu nhà bà?
Tôi sinh thằng Hưng, ngay đến chị Hường, chị Hà cũng mừng ra mặt vì nhà họ Phạm đã có người nối dõi. Mà lạ, mẹ chồng tôi dửng dưng như không. Đứa cháu đích tôn được bế từ bệnh viện về, đem đến cho bà nội coi mặt. Hai cô đứng hai bên nựng vào má nó: “Má coi, nó giống hệt ông nội, thấy chưa”. Bà nội đưa tay quệt miệng trầu: “Giống mô mà giống!”. Thằng Hưng lớn dần, trong ngôi nhà của bà, không được bà bế lấy một lần, nói gì đến nâng niu chăm sóc. Hiển cũng nhận ra điều đó nên hay nói: “Em đừng nhờ đến má làm gì. Má già rồi, tay chân lóng ngóng, chăm cháu không khéo đâu”.
Hiển kể, mẹ anh từng đẻ non ba lần, con chết yểu. Mỗi hài nhi bé bỏng tím tái không còn hơi thở đều khiến người mẹ kinh sợ la rú lên, ngồi nép vào góc giường. Mỗi hài nhi đó đều qua tay người cha, khóc rưng rức mà bế đi chôn trong đất của một ngôi chùa xa. Bẵng đi nhiều năm, đôi vợ chồng bất hạnh không dám nghĩ đến chuyện sinh con đẻ cái; chồng lo làm ăn tậu nhà tậu đất, vợ chăm viếng đình chùa miếu mạo để cầu tự. Rồi, chị Hường, chị Hà, Hiển lần lượt chào đời, khỏe mạnh lành lặn. Người mẹ chỉ lo mỗi chuyện cho con bú, bao chuyện bế bồng chăm sóc đều do người cha đảm nhiệm một cách cẩn thận, chu đáo.
Điều an ủi là trước khi qua đời vì cơn đột quỵ, ông đã kịp nhìn thấy đứa con trai duy nhất của mình trở thành một thanh niên cường tráng, hiền lành và tháo vát… Tôi phần nào cũng cảm thông sự dị ứng đối với trẻ nít của mẹ chồng tôi.
Thằng Hiệp chào đời thì khác. Khi Hiển bế nó về chào bà nội, bà nhìn chăm chăm, đưa tay vạch cái mũ vải để nhìn kỹ vầng trán của nó. Ngày đầy tháng thằng bé, bà ngoắc tay bảo tôi: “Ẵm nó đến đây, chụp cho hai bà cháu tấm hình… Ui cha ơi, thằng ni mới là giống hệt ông nội hắn nì!”. Ngày Hiệp thôi nôi, bà khẳng định: “Cái thằng ni càng ngày càng giống ông nội hắn như khuôn đúc! Cũng cái trán rộng nớ, cũng cái đỉnh đầu nhọn như chóp núi, cũng mặt mũi sáng láng rứa!”. Và bà đặc biệt thương đứa cháu trai thứ hai.
Đi ăn sáng về, lúc nào cũng có gói chè, gói đậu hũ cho nó. Đi ăn giỗ, bà thường đem bánh trái tráng miệng về gọi váng: “Thằng Hiệp mô rồi?”. Bà không lạnh nhạt, không mắng mỏ thằng bé như đối với thằng Hưng. Nghĩ vơ nghĩ vẩn, tôi mường tượng mẹ chồng tôi không khác những góa phụ cam chịu cảnh đơn chiếc khi đang độ tuổi hồi xuân. Họ còn nhớ nhung tơ tưởng một hình bóng, giọng nói, một làn hơi ấm đã từng gắn bó nhiều năm thân thuộc, nồng nàn.
Tháng năm miệt mài trôi đi, tuổi đời càng chồng chất thì cõi lòng đơn chiếc hiu quạnh càng níu kéo những ký ức, kỷ niệm. Và vẻ bề ngoài cam chịu trầm ngâm của những góa phụ ấy phải chăng để che đậy những cảm xúc yếu mềm xao động trong tâm hồn họ? Mẹ tôi cũng vậy, góa bụa lúc còn xuân sắc, một mình tảo tần nuôi dạy bốn đứa con gái. Những đêm vắng bặt yêu thương vợ chồng, mẹ tôi nằm thừ người, con đứa ôm đứa gác hai bên đâu đè nén được tiếng thở dài, đâu khỏa lấp được cái trống vắng trong lòng. Tôi đã hiểu vì sao mẹ thường nói tôi giống ba nhiều hơn và mẹ cưng tôi nhiều hơn các chị em trong nhà.
***
Tôi đã tròn vai trong ngôi nhà này mười lăm năm. Những va chạm xung khắc chỉ còn là chuyện cỏn con, thường tình. Những điều gây nên nước mắt và lấy làm buồn tủi, đau khổ rồi cũng vơi đi sau khi ứ tràn tưởng chừng không chứa nổi. Năm tháng tiếp tục đi qua… Tính khí mẹ chồng tôi bây giờ có khác hay vì tôi đã quen nên với tôi, mọi sự đều bình thường. Tôi không còn khó chịu hay bất bình mỗi khi bà chê cơm canh tôi nấu bằng những từ “lạt lẽo, mặn chát, chua lòm…”. Bà nói sao, làm gì tôi cũng hiểu ý của bà. Tôi đã quen sự hiện diện và vai vế của bà trong cuộc sống của mình.
Mười lăm năm nay, tôi chưa hề thấy mẹ chồng tôi đi đâu xa. Tôi quen thấy bà ngồi bên bậc thềm, khi trầm ngâm buồn như một bức tranh tĩnh vật, khi hỉ hả cùng mấy bà già trong xóm ghé qua chia sẻ miếng trầu câu chuyện hoặc kể đi kể lại chuyện xưa chuyện nay lúc chị Hường, chị Hà qua lại tâm sự. Tôi quen thấy bà quanh quẩn trong nhà, nơi góc vườn, mảnh sân. Đến ngày bà nhận được tin người anh ruột vừa mất, lần đầu tiên tôi thấy bà khóc, kể về tình máu mủ mấy mươi năm xa cách, về chốn quê hương cách trở đường dài.
Lần đầu tiên tôi thấy bà xăng xái chuẩn bị cho một chuyến đi dài ngày. Các con bà không ai có thể bỏ con cái nhà cửa, công ăn việc làm. Bà cũng không nài ai đi cùng. Bà nói đi một người chỉ tốn kém một người. Bà vẫn minh mẫn để tự lo liệu một chuyến về cố hương. Chúng tôi tiễn bà ra ga. Tự dưng, tôi cám cảnh cho bà, thân già 79 tuổi lặn lội đường xa. Một mình bà với bao tâm tình và cảm xúc của riêng mình, không ai chia sẻ.
“Má đi năm ngày rồi”, Hiển tính, tôi cũng đếm. Mỗi sáng, tôi cầm chổi ra quét hàng hiên, thấy im lìm, vắng lặng đến chạnh lòng. Nếu bà ở nhà, giờ này tôi sẽ nấu nước pha trà. Bà sẽ ngồi bệt trên thềm, chân duỗi xuống bậc tam cấp, chê trách gì đấy tôi đã rất quen. Tôi phì cười nhưng sao mắt lại rưng rưng?
Tôn Nữ Thanh Yên